Trong xu hướng hội nhập toàn cầu, khao khát được bước chân ra thế giới trở nên cháy bỏng trong trái tim không ít người Việt Nam. Đặc biệt là giới trẻ, cuộc sống ở những vùng đất khác và những nền văn minh khác bên ngoài biên giới luôn có sức thu hút kỳ lạ. Không có điều kiện du học hoặc du lịch, thì tìm đọc những cuốn sách viết về các địa danh nổi tiếng. Nắm được tâm lý ấy, hàng loạt tác phẩm dạng này được ấn hành và bán rất chạy như “Oxford thương yêu”, “Venise và những cuộc tình Gondola”, “Chuyện tình Paris”, “Không khóc ở Kuala Lumpur”… Tuy nhiên, thế kỷ 21 là thế kỷ của văn học tự sự. Yếu tố hư cấu bay bổng dần dần nhường chỗ cho yếu tố trải nghiệm thực tế. Bên cạnh thể loại hồi ký, thì thể loại du ký cũng đầy hứa hẹn với thị trường sách. Vì vậy, khi cô gái Nguyễn Thị Khánh Huyền lấy bút danh Huyền Chip tung ra cuốn sách “Xách ba lô lên và đi” đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của bạn đọc.



HUYỀN CHÍP XÁCH BA LÔ ĐẾN CHỐN THỊ PHI

TUY HÒA

Đi để nhìn ngắm đã thú vị, mà đi để viết lại còn thú vị hơn. Cuốn “Du ký Việt Nam” của Phạm Quỳnh được viết từ năm 1917 đến năm 1934, có lẽ là tác phẩm đầu tiên ở Việt Nam theo đuổi thể loại này. Hiện nay, với ước mơ khám phá bất tận của con người hiện đại, du ký ngày càng ăn khách. Thế nhưng, cuốn “Xách ba lô lên và đi” của cây bút trẻ Huyền Chíp đã gây xôn xao dư luận vì độc giả nghi ngờ về tính chân thật ở nhiều câu chuyện, nhiều chi tiết…

Trong xu hướng hội nhập toàn cầu, khao khát được bước chân ra thế giới trở nên cháy bỏng trong trái tim không ít người Việt Nam. Đặc biệt là giới trẻ, cuộc sống ở những vùng đất khác và những nền văn minh khác bên ngoài biên giới luôn có sức thu hút kỳ lạ. Không có điều kiện du học hoặc du lịch, thì tìm đọc những cuốn sách viết về các địa danh nổi tiếng. Nắm được tâm lý ấy, hàng loạt tác phẩm dạng này được ấn hành và bán rất chạy như “Oxford thương yêu”, “Venise và những cuộc tình Gondola”, “Chuyện tình Paris”, “Không khóc ở Kuala Lumpur”…
Tuy nhiên, thế kỷ 21 là thế kỷ của văn học tự sự. Yếu tố hư cấu bay bổng dần dần nhường chỗ cho yếu tố trải nghiệm thực tế. Bên cạnh thể loại hồi ký, thì thể loại du ký cũng đầy hứa hẹn với thị trường sách. Vì vậy, khi cô gái Nguyễn Thị Khánh Huyền lấy bút danh Huyền Chip tung ra cuốn sách “Xách ba lô lên và đi” đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của bạn đọc. Thế nhưng, sau tập một có tựa đề “Châu Á là nhà- Đừng khóc” được in số lượng lớn, thì tập hai có tựa đề “Đừng chết ở châu Phi” lại bị công chúng nghi ngờ về tính xác thực.

Trước tác phẩm của Huyền Chíp, nhiều tác giả khác đã thử sức với thể loại này, như Ngô Thị Giáng Uyên với “Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương”, Di Li với “Ðảo thiên đường” hay Phan Việt với “Một mình ở châu Âu”. Đáng tiếc, khi công bố “Xách ba lô lên và đi”, Huyền Chíp khẳng định mình lên đường với 700 USD và đã đi qua 25 quốc gia khiến nhiều người tò mò. Sự chú tâm của bạn đọc đã vô tình soi được vài tình huống đáng ngờ như Huyền Chip kể mình bị xe máy tông gãy "ống đồng" nhưng ba tuần sau đã có thể bay nhảy, vi vu. Nghe thắc mắc, Huyền khẳng định: “Xin lỗi bạn, mình không có nói cái đoạn đấy trong sách”. Tuy nhiên, sau một hồi tranh cãi, Huyền Chíp thừa nhận là bị gãy chân do có thể không tin vào… thần linh khi ở Ấn Độ. Lý giải cho việc hồi phục quá nhanh chóng, Huyền Chip cho rằng “mỗi người có một cách bình phục nhanh chậm khác nhau”. Bình luận về điều trớ trêu trên, nhà văn nữ Y Ban với tư cách một đàn chị trong giới cầm bút đã nhắc nhở: “Nếu Huyền Chip thực sự gãy chân, cô ấy phải nhớ ngay. Nhưng ở đây, sự dối trá đã thò ra”.

Chưa hết, sau vài ý kiến mang tính “bóc mẽ” của bạn đọc, Huyền Chíp đã vội vàng xóa bỏ những trang viết trước đây trên mạng. Hành động ấy càng khiến công chúng thêm mất tin tưởng. Vì vậy, buổi họp báo giới thiệu tập 2 của “Xách ba lô lên và đi” dù tại Hà Nội hay tại TPHCM cũng đều diễn ra khá gay gắt với những câu hỏi không khoan nhượng từ phía người đọc. Huyền Chíp đã có lúc mất bình tĩnh, thậm chí bí quá, cô nói: "Tôi không có trách nhiệm trả lời anh!".

Hàng loạt thắc mắc dành cho Huyền Chíp như, làm sao cô có thể được chiếu cố quá nhiều lần đến như vậy khi xin visa, và không chứng minh tài chính, không vé khứ hồi, không việc làm ổn định và không có bằng cấp? Đấy là những sự băn khoăn hoàn toàn chính đáng. Trả lời dư luận, tác giả Huyền Chip cho rằng, cô mua và xin visa ngay tại biên giới, và có khi cũng… nhập cảnh lậu. Hơn nữa, những quốc gia mà cô đến đều là những nước đang phát triển, chứ không phải những nước văn minh như Mỹ, Úc hay châu Âu, nên chi phí làm thêm ở từng quốc gia cũng trang trải được.

Có thể vì Huyền Chip mang thân phận nữ nhi nên được ưu ái nhiều hơn trong ánh mắt nghiêm khắc của nhân viên xuất nhập cảnh các nước chăng? Những gì Huyền Chíp giải trình, tin hay không tin tùy thuộc vào cảm quan của từng người. Chỉ có điều, với “Xách ba lô lên và đi” với văn phong vụng về đã bộc lộ không ít sự chủ quan của một cô gái hăng hái và mơ mộng. Đọc sách, cứ thấy xuyên qua biên giới mỗi nước quá đơn giản, cứ đi là đến, cứ muốn là được. Ví dụ, theo bộc bạch của Huyền Chíp thì cô bị chặn lại khi xin visa vào Nam Phi. Nếu thật sự trung thực với chuyến đi của mình, thì lẽ ra tác giả phải viết tỉ mỉ đã nói gì, đã làm gì và đã nhận phản ứng gì…

                                    
Huyền Chíp còn quá trẻ, lại được giới truyền thông tung hô quá đà nên khi gặp sự cố không có khả năng giải quyết thấu đáo. Có lẽ thông cảm, nên nhiều độc giả lớn tuổi vẫn bênh vực Huyền Chíp. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đồng cảm với sự độ lượng của bậc cao niên: “Đọc sách của Huyền Chip tôi thấy mình lớn hơn 1 chút dù năm nay, tôi đã 76 tuổi. Tập 2 của cuốn sách hay hơn tập 1 rất nhiều, tôi nghĩ, đọc xong cuốn sách này các nhà văn cũng phải giật mình. Tôi cũng khuyên Huyền Chip nên lấy chồng trước khi thực hiện thêm những cuộc hành trình giống như vậy”.
Còn Tiến sĩ Lương Hoài Nam, cựu Tổng Giám đốc hãng hàng không Jetstar Pacific, ủng hộ tác giả “Xách ba lô lên và đi” bằng những phân tích mạch lạc hơn: “Tôi đã đến nhiều nước hơn bạn Huyền, đến nay chưa viết được cuốn sách nào. Không phải vì tôi không giỏi chữ bằng bạn ấy, mà vì tôi chưa tìm hiểu sâu và chưa có cảm xúc mạnh. Nói về cảm xúc thì thường thế này: Những người ít có cảm xúc hoặc không có cảm xúc thường nghi ngờ sự chân thành trong cảm xúc của người khác. Bạn Huyền rời Việt Nam với chỉ 700 USD hay với 7.000 USD, hay 70.000 USD, cái đó cũng không quan trọng nốt. Cái quan trọng là trong hành trình đi bạn ấy làm nhiều công việc khác nhau. Làm việc giúp cho con người lớn lên, hiểu cuộc sống, con người, tình người hơn là đút hai tay vào túi đi du lịch. Vậy nên, khi đánh giá một con người, hãy gạt sang bên lề các con số tiền bạc. Tiền bạc là cái ít có ý nghĩa nhất. Hãy nghĩ về những việc họ đã và đang làm, cho bản thân họ và cho xã hội. Hay hay không hay, tốt hay không tốt là ở việc, không phải ở tiền".

Không ai phủ nhận sự dấn thân của Huyền Chíp, nhưng du ký là một thể loại khó. Viết non tay sẽ đẩy bạn đọc vào sự hoài nghi. Từ trường hợp của Huyền Chíp càng thấm thía rằng, người Việt Nam đang cần chuẩn bị nhiều hơn để bước chân ra quốc tế, chứ không thể cao hứng “xách ba lô lên và đi” kiểu bất chợt rủi may! Phận gái ở tuổi của Huyền Chíp, dám nghĩ đến một chuyến đi xa và dám thực hiện một chuyến đi xa, đã rất đáng khâm phục. Huyền Chíp không được trang bị gì về nghề viết, vì vậy sự nông nổi nào đó cũng không đáng bận tâm. Thế nhưng, nếu Huyền Chíp viết với tư cách một dân phượt, chứ không phải tư cách một cây bút, thì sức thuyết phục của “Xách ba lô lên và đi” sẽ lớn hơn nhiều. Đôi khi sự chau chuốt không giá trị bằng sự thô mộc, nhất là viết về hành trình không ai lường được bất trắc của cô gái đam mê dặm trường thiên lý!     
Ồn ào sau hai cuộc họp báo chưa dứt, thì trên mạng lại xuất hiện một bức ảnh chụp bán nude của Huyền Chíp với tư cách người mẫu body painting. Vài ý kiến cho rằng, có thể đây là đòn nhấn thêm từ phía những người không ưa Huyền Chíp. Thế nhưng, bức ảnh này không hề có dấu hiệu can thiệp kỹ thuật để gán ghép với ý đồ xấu cho tác giả “Xách ba lô lên và đi”. Nhiều cư dân mạng khẳng định, bức ảnh đã từng được chính Huyền Chíp đưa lên blog cá nhân sau đó gỡ xuống. Một nguồn tin cho biết, trong chuyến đi đến đất nước Argentina, Huyền Chíp có kết bạn và xin được tá túc nhờ ở nhà một nữ họa sĩ. Và có thể bức ảnh được chụp khi Huyền Chíp tình nguyện làm người mẫu body painting. Nếu đặt vụ lùm xùm quanh cuốn sách “Xách ba lô lên và đi” với bức ảnh bán nude thì hoàn toàn đậm nét cá tính nổi loạn của Huyền Chíp. Cách sống của Huyền Chíp là một sự chọn lựa riêng tư, không có gì đáng trách!
                                  9-2013