Bằng tâm huyết của một nhà văn gắn
bó nhiều năm với điện ảnh, tác giả Tô Hoàng lưu ý: “Với
phim dành cho màn ảnh lớn, công tác PR đặc biệt quan trọng, nên trong nhiều trường
hợp nhà sản xuất còn “đánh động” ngay từ trước ngày phim bấm máy. Với loại phim
này công việc giới thiệu phê bình phim biến tướng thành những căn bệnh khác. Ví
như phim của các đạo diễn đang dành kỷ lục về doanh thu thì người viết chỉ được
quyền khen; chê liền “lạc bầy” ngay, dù bộ phim đó chỉ thuần túy bày đặt sự lố
lăng, nhăng nhố để kích thích trí tò mò nhắm lôi kéo giới trẻ tới rạp… Khi bộ phim nhựa “Đường đua” của cặp vợ chồng nghệ
sỹ Hồng Ánh - Nguyễn Thanh Sơn ra mắt người xem hầu như có cả một loạt các bài
báo tung hô… Loạt bài báo công kênh “Đường đua “ lên vai gợi lên một sự hiếu kỳ,
rằng sao chúng giống nhau đến thế ở ngay từng chứng cứ dẫn ra ca ngợi…”
PHIM VIỆT ĐANG ĐỐI MẶT VẤN NẠN KHEN
BỪA CHÊ ẨU
TÔ HOÀNG
Vào
thời kỳ “cực thịnh” của báo chí Việt nam đầu những năm 1990, ở phía Nam, “canh
gác “ mảng điện ảnh trên các tờ báo thường là một cây bút có nghề, tương đối am
tường điện ảnh; đặc biệt là được giới điện ảnh tin yêu, tín nhiệm. Tờ “Tuổi trẻ”
có Cát Vũ. Tờ “Sài Gòn giải phóng” có Ngô Ngọc Ngũ Long. Tờ “Lao động” là người
đang viết những dòng này, đôi khi có thêm bài của hai nhà thơ Lưu Trọng Văn và Hoàng
Hưng. Tiến sỹ nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái tả xung hữu đột bên lĩnh vực
sân khấu. Hăng hái thêm, “đá gà “ sang lĩnh vực điện ảnh chị cũng tung ra những
“chưởng” khá thẳng thắn và chính xác. Những buổi chiếu ra mắt phim mới rất thường
có mặt Tiến sỹ mỹ học Đức Kôn. Trong nhiều trường hợp nhà sản xuất hoặc các tác
giả không chịu nổi cách nói quá thẳng, có phần chi li, xét nét của anh. Nhưng
xét trên đại cục, cũng dễ dàng thông cảm bởi ngòi bút phê bình này dường như rất
“ dị ứng” với những gì phản nghệ thuật, tầm thấp được phô bày trên màn ảnh.
Tôi nhớ, dạo ấy ở phía Bắc còn có hai cây bút-
tuy còn trẻ nhưng viết về phim cũng rất
sắc sảo, bản lĩnh, gọi “đúng tên đúng bệnh”. Đó là Thu Hà ( Văn Phòng đại diện
báo “ Tuổi trẻ” ở Hà Nội ) và Dương Phương Vinh ( báo “ Tiền Phong” ).
Trong cuộc “cạnh tranh” co kéo độc giả cho báo
mình, sắm vai trò “chủ lực quân” không chỉ là các trang xã hội, kinh tế, thời sự
quốc tế, phóng sự nhiều kỳ, thể dục thể thao… mà có cả phần của sân khấu, điện ảnh.
Nguyên tắc “hành xử” của tất cả chúng tôi, dù không ai bảo ai là- phải thật
khách quan, công tâm trong xem xét, bình giá cái được cái chưa được của từng bộ
phim; tránh nể nang, thiên vị. Những năm tháng đó cũng là thời kỳ phim tư nhân
bỏ vốn ( thường bị gọi với cái tên là “phim mì ăn liền”) bung nở. Anh chị em
chúng tôi có ý thức sâu sắc rằng đấy là bước khởi đầu của yêu cầu xã hội hóa
trong việc sản xuất phim ảnh. Chúng tôi khá nương nhẹ với các sản phẩm mới “ra
lò” của các nhà sản xuất Lý Huỳnh, Hai Nhất, Đào Thu, Hồng Khắc Đào…bởi lẽ
chúng tôi hiểu người xuất một khoản vốn lớn ra làm một bộ phim là đặt chân vào
một cuộc phiêu lưu, bởi khó mà tường tận được cái yêu cái ghét, cái thích, cái
không ưa của công chúng tới rạp. Một nhà sản xuất phim nửa bông phèng, nửa
nghiêm trang đã nói với cánh nhà báo chúng tôi: “Mời anh, mời chị cứ góp với
chúng tôi chừng một phần năm số vốn đầu tư cho một bộ phim rồi cùng chúng tôi
phấp phỏng ngồi chờ đợi lỗ lãi lúc phim ra rạp, khi đó ngòi bút của các anh các
chị chắc sẽ “mềm” đi, khen chê hợp lý hơn nhiều”. Ấy vậy nhưng anh chị em chúng
tôi cũng hiểu rằng bà con lao động bận rộn kiếm ăn, rất ít có thời giờ dành ngay
cả cho nhu cầu giải trí. Mà điều tào lao, nhăng nhít nhằm “lừa” người xem tới rạp,
việc non kém về nghề nghiệp thì nhan nhản, dễ dàng bắt gặp trên màn ảnh. Từ xuất
phát này chúng tôi gắng gỏi để mỗi người viết trở thành một “ bộ lọc”, mỗi bài
viết phải chỉ ra cho “chuẩn” phim nào nên xem, phim nào nên “lờ “đi.
Trong tổng thể ngần ấy chương mục dành cho hơn
chục trang báo, thiết nghĩ, phần viết về cái hay cái dở ở mỗi phim; giới thiệu các
bộ phim mới quả là khiêm nhường, nhỏ bé. Nhưng Ban biên tập, Bộ phận thư ký tòa
soạn cũng tỏ ra khá trân trọng, khá tinh tế trong việc chỉ đạo phóng viên. Phụ
trách thư ký tòa soạn báo “Lao động” thuở đó là nhà báo Chánh Trinh. Anh không
chỉ từng trải, am tường nhiều lĩnh vực đời sống, giỏi về công tác tòa soạn, nhà
báo này còn đặc biệt ham mê thể thao, sân khấu, phim ảnh. Tôi nhớ mãi một lần anh đã nói với tôi: “Báo không
cần bộ phim nào sắp chiếu anh cũng phải có bài điểm, khen một chút, chê một
chút. Báo cần anh viết sao để khi có một
bộ phim gây được dư luận, các báo đều lên tiếng, bạn đọc vẫn bảo nhau, cần tìm đọc
báo “Lao động” xem họ khen chê thế nào”.
Ban Biên tập báo “Lao động” thuở đó cũng đã từng có dự định giao cho cá nhân
tôi cái quyền trao một, hai hay ba sao cho mỗi bộ phim vừa ra rạp. Các anh động
viên tôi hãy mạnh dạn và các anh hứa sẽ đứng phía sau lãnh trách nhiệm, nếu xảy
ra sự phản ứng bất lợi nào.
Nói
chung viết giới thiệu, bình giá phim thuở đó thật vui, thật thoải mái. Các nhà
sản xuất, các đạo diễn, biên kịch, quay phim, diễn viên đều trở thành bạn hữu,
chia ngọt sẻ bùi với chúng tôi. Không phải vô cớ mà nhiều Liên hoan phim điện ảnh
như Bông sen Vàng, Cánh diều Vàng; Liên hoan phim truyền hình Toàn quốc diễn ra
vào dịp cuối năm, cánh nhà báo chúng tôi đều có đại diện trong Ban Giám khảo.
Đó là những năm tháng nhà báo viết phê bình giới thiệu phim cũng đã góp một phần-
gọi như chữ nghĩa bây giờ là “PR” một cách tich cực, không hề vụ lợi cho các bộ
phim nhựa như “Nước mắt Hạ Long”, “Canh bạc”, “Thương nhớ đồng quê”, “ Anh chỉ
có mình em”, “Cây bạch đàn vô danh”… và các phim truyền hình nhiều tập như “Mùa hoa cải ven sông”, “Mẹ chồng tôi”, “Của
để dành”, “Người Hà Nội”, “Cha con Đậu Đũa”, “ Đất khách”, “Đồng tiền xương
máu”, “Đất phương Nam”, “Blouse trắng” …
Việc
phê bình giới thiệu phim trên mặt báo, khoảng mươi mười lăm năm trở lại đây, kể
từ ngày phim truyện truyền hình nhiều tập “ăn hiếp” phim truyện màn ảnh lớn, ào
ạt xông lên chiếm lĩnh các kênh, các sóng truyền hình – đã khác xưa nhiều lắm.
Mỗi tuần, mỗi tháng có cả đến chục đầu phim mới xuất hiện trên kênh này, đài nọ.
Người mê phim rất mong có một nhà báo nào đó chỉ cho họ biết phim này nên theo
dõi, phim kia đừng bám màn ảnh cho nhọc xác, phí thời gian, nhưng họ khó mà kiếm
ra một người mách đường chỉ lối như vậy. Bạn có để ý tới điều này không, trước
một bộ phim mới sẽ chiếu trên truyền hình, hầu như các báo đều nhất trí khen ngợi.
Vậy nhưng khi động chạm tới thực trạng chung của phim truyện truyền hình hiện
nay thì các nhà báo lại như đồng lòng vạch ra cả chục căn bệnh: sao chép phim
nước ngoài, cốt chuyện vô lý, diễn viên đóng phim như đóng kịch…Vui thế đấy!
Ngay khi khen, người viết cũng bộc lộ sự non yếu về học vấn điện ảnh hoặc thái
độ tắc trách, lớt phớt, qua loa… Ví như phần trên của bài, người viết chê cốt
chuyện phim đẻ ra bởi một trí tưởng tượng nghèo nàn, èo uột; câu chuyện gượng gạo,
không hợp lý; nhân vật như những manơcanh…thì ngay đoạn dưới người viết bỗng hạ
bút khen nữ diễn viên B, nam diễn viên A vào vai xuất sắc, diễn mà như sống trước
ống kính… Phi logic quá, từ kịch bản văn học, cốt kịch đã giả tạo, chắp vá, nhân
vật thì như tượng đá, người gỗ, thử hỏi làm sao diễn viên có thể vào vai tuyệt
vời; diễn mà như không diễn được?
Một
bộ phim truyện truyền hình 30, 40 chục tập. Thời lượng mỗi tập từ 40 đến 45
phút. Tôi biết chắc chắn rằng, đã từ lâu rồi, trước khi viết bài giới thiệu bộ
phim mới ấy, hầu như số đông các nhà báo không bao giờ xem hết từ tập đầu tới tập
cuối. Các nhà sản xuất phim truyện truyền hình ít lâu nay đã bỏ thói quen họp
báo giới thiệu bộ phim họ mới làm ra. Một nhà sản xuất bộc bạch: “Tốn thời
gian, tốn tiền bạc làm gì? Bọn phóng viên cũng chả ngó ngàng tới phim của mình
đâu. Cung cách tốt nhất là trao vào tay họ một bản tóm tắt cốt chuyện phim, một
dĩa CD in khoảng một chục tấm ảnh. Thế là đủ để họ xào xáo thành bài. Cái quan
trọng là phong bì cho nằng nặng”. Một nhà sản xuất khác tỏ ra “sành điệu” hơn mách
nước đồng nghiệp: “Tôi cũng làm như các bác. Cái khác là tôi chọn một nhà báo
viết giỏi, trả thù lao cho hắn gấp đôi,
gấp ba các tay khác. Bảo hắn nộp bài cho mình sớm và mình copy ra thành nhiều bản
rồi đưa bản copy ấy cho các tay khác thỏa sức mà tự tung tự tác”. Chao! Bản
thân phim truyện truyền hình xứ mình hiện nay đã thành chuyện ầu ơ ví dầu. Đến
cung cách giới thiệu phim cũng lơ tơ mơ, lờ tờ mờ như vậy thử hỏi người xem còn
dám tin vào lời khen chê phim trên báo nữa không?
Trong
hàng trăm bộ phim truyện truyền hình phát sóng hàng năm, quả là cũng vẫn có những
bộ phim chỉn chu, nghiêm túc, in dấu ấn nghề nghiệp và mang tính khái quát cao.
Đáng tiếc rằng với cách tiếp cận phim của phần đông các nhà báo viết giới thiệu
phê bình phim như hiện nay, những bộ phim được dành nhiều công sức và lương tâm
như vậy cũng bị lẫn lộn trong đám phim lẩu thập cẩm kia và khó gây được tiếng vang tới đông đảo người xem.
Phim
truyện dành cho màn ảnh lớn- kể cả phim của Nhà nước, phim tư nhân, phim Việt
Kiều mỗi năm tất tật chỉ có trên dưới 10 bộ phim mới. Số lượng quá ít nên được
chăm nom kỹ càng hơn. Có họp báo, giới thiệu đạo diễn, biên kịch, quay phim, diễn
viên cho vai chính vai phụ; đặc biệt là các diễn viên ngôi sao. Với phim dành cho màn ảnh lớn,
công tác PR đặc biệt quan trọng, nên trong nhiều trường hợp nhà sản xuất còn “đánh
động” ngay từ trước ngày phim bấm máy. Với loại phim này công việc giới thiệu
phê bình phim biến tướng thành những căn bệnh khác. Ví như phim của các đạo diễn
đang dành kỷ lục về doanh thu thì người viết chỉ được quyền khen; chê liền “lạc
bầy” ngay, dù bộ phim đó chỉ thuần túy bày đặt sự lố lăng, nhăng nhố để kích
thích trí tò mò nhắm lôi kéo giới trẻ tới rạp. Ví như căn bệnh định kiến cố ý với
những bộ phim làm bằng đồng tiền đầu tư của nhà nước đề cập tới đề tài lịch sử,
truyền thống hay chiến tranh. Hình như những nhà báo này chỉ có một thước đo
duy nhất là doanh thu cao. Họ ghét bỏ, phỉ báng tất tật loại phim kể trên bằng
một cáo buộc chung: “tiêu tốn tiền của Nhà nước, làm ra chỉ để cất vào kho”. Sự
thiên kiến, thiếu thiện chí ấy nổi lên tại Liên hoan phim Hà Nội lần thứ 2 diễn
ra cuối năm 2012 với ý kiến đánh giá hai bộ phim “Đam mê ” của đạo diễn Phi Tiến
Sơn và “Cát nóng “ của đạo diễn Lê Hoàng như là “bước thụt lùi cuối cùng” của nền
điện ảnh nước nhà. Theo ý chúng tôi, đấy không phải là hai bộ phim xuất sắc,
nhưng vẫn ghi rõ dấu ấn của những quan niệm thẩm mĩ và nhân sinh đúng đắn, lành
mạnh cùng lao động công phu và trình độ tay nghề của các tác giả. Những ai định
kiến với các bộ phim có sự tài trợ tiền bạc từ phía Nhà nước; được làm bởi các
nghệ sỹ điện ảnh có tên tuổi liệu có hiểu thực tế này: từ ngày chúng ta bước
vào nền kinh tế thị trường, sản phẩm phim ảnh đã muôn màu muôn vẻ; nhưng bạn bè
và đồng nghiệp nước ngoài khi nhắc tới nền điện Việt nam hiện đại, họ vẫn chỉ kể
tên “Thương nhớ đồng quê”, “Đời cát”, “Rừng lạnh”, “Ngã ba Đồng lộc”… Nói tới
giới thiệu, phê bình phim- đặc biệt là những bộ phim dành cho màn ảnh lớn giàu
ý tưởng, hàm xúc về ngôn ngữ biểu hiện, làm ra bởi nhiều quy trình công nghệ phức
tạp- phần đông người viết còn xét phim theo yêu ghét cảm tính, càng bộc lỗ rõ
chỗ trống vắng của một học vấn điện ảnh cần thiết. Vì vậy ngồi xem phim đấy, định
thành tâm khen chê đấy –nhưng nói như Tiến
sỹ Nguyễn Thị Minh Thái nếu nhiều nhà
phê bình văn học “cắn chưa vỡ chữ” thì người giới thiệu phê bình phim hôm nay
cũng mắc hội chứng tương tự. Thật hiếm gặp trường hợp một nhà báo đơn thương độc
mã xướng tên một bộ phim A, phim B là tác phẩm xuất sắc nhất của năm mà được đồng
nghiệp và người xem sau đó hưởng ứng, tán thưởng. Cũng như chưa thấy ai xướng
lên một hiện tượng điện ảnh lạ tiêu biểu cho tình yêu nghệ thuật thứ thiệt và sự
“sống mái” với nghề, chẳng hạn như đạo diễn Việt kiều Lưu Huỳnh... Là anh ruột
của Lưu Phước Sang nhưng tôi đố bạn tìm thấy trong tất cả các bộ phim của đạo
diễn Lưu Huỳnh dấu vết của việc săn đuổi
doanh thu…
Chuyện
gần đây… Khi bộ phim nhựa “Đường đua” của
cặp vợ chồng nghệ sỹ Hồng Ánh - Nguyễn Thanh Sơn ra mắt người xem hầu như có cả
một loạt các bài báo tung hô. Tôi không có ý bàn tới cái hay cái dở của bộ phim
này. Theo dõi loạt bài viết về “Đường đua”, tôi chỉ thấy có 2 bài của Tô Tùng
và Dương Phương Vinh đều đăng trên báo “Tiền phong” có phần nâng lên đặt xuống,
gợi mở cho những ai đã xem “Đường đua” cùng suy ngẫm về cái được và chưa được của
bộ phim này. Quả là thật mừng nếu có bộ phim nào được các bài viết nhất trí
khen ngợi. Nhưng loạt bài báo công kênh
“Đường đua “ lên vai gợi lên một sự hiếu kỳ, rằng sao chúng giống nhau đến thế ở
ngay từng chứng cứ dẫn ra ca ngợi. Nào là nhà sản xuất tín nhiệm và tin tưởng dám
giao một bộ phim nhựa dài hơi cho một đạo diễn trẻ. Nào là êkíp những người làm
phim đều trẻ. Nào là diễn viên này, diễn viên kia vào vai như lần đầu tiên bộc
lộ tài năng thứ thiệt. Nào là phim không né tránh hiện thực, tiết tấu nhanh, mạnh.
Nào là đạo diễn chịu ảnh hưởng của Queen Tarantino- một tên tuổi Mỹ lừng danh
chuyên làm phim hành động….Hệt như các bài khen “Đường đua” đều được viết ra
theo một dàn ý chi tiết, tỷ mỷ đã thảo sẵn.
Điện
ảnh nước nhà đang đứng trước những thử thách ngặt nghèo của yêu cầu phải thay
máu hay là chết; trước nạn xâm thực công khai và được hợp thức hóa của sản phẩm phim ảnh Hollywood. Trong cơn bĩ cực
ấy, quả là công việc giới thiệu, phê bình phim trên mặt báo là điều có cũng được
mà không có cũng chẳng sao. Bởi lẽ nhà sản xuất muốn PR cho bộ phim của họ còn
rất nhiều cung cách và phương tiện khác. Dẫu vậy vẫn mong các nhà báo viết phê
bình giới thiệu phim- bằng bài viết của mình- hãy bênh vực những nghệ sỹ làm
phim có tâm huyết, có tay nghề; vạch ra lằn ranh rõ rệt giữa những bộ phim sạch
sẽ, nghiêm túc, đề cao yếu tố nhân sinh nghệ thuật và những bộ phim thuần túy
chạy theo đồng lời lãi, xem thường những chuẩn mực thẩm mỹ, làm méo mó thị hiếu
của người xem hôm nay và con cháu mai sau.
Sài
gòn ngày 15 tháng Tám năm 2013