Thật tình cờ, trong lần
trò chuyện với một bạn học cũ, tôi biết được điện thoại và được gặp lại ông bà sau
gần nửa thế kỷ xa cách. Bà mở cửa căn hộ tầng 6, khu chung cư Mỹ Đình- Hà Nội, thấy
tôi, hồ hởi: “Bao nhiêu lần cô hỏi thăm tin tức về cháu. Một dạo nghe tin cháu đi
B (miền Nam)
và đã hy sinh, cô cứ bảo với chú, thương cháu quá chừng! Nào ngờ hôm nay lại được
gặp cháu!”. Ông ra đón tôi, bước đi đã chậm, nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh. Ông
là Phó giáo sư, dịch giả nổi tiếng Phan Ngọc, người mà tôi đã có những ngày được
chép thuê những trang sách dịch của ông, người mà tôi hằng cảm phục và kính mến.
HỌC GIẢ PHAN NGỌC TRONG MẮT MỘT NGƯỜI CHÉP THUÊ
DƯƠNG ĐỨC QUẢNG
Người học trò chép thuê và ông thầy biết hơn 10 ngoại ngữ
Năm ấy gia đình tôi còn ở cùng ngôi nhà tập thể của cán bộ ngành
giáo dục thủ đô với gia đình giáo sư văn học Huỳnh Lý. Vợ giáo sư Huỳnh Lý là cô
giáo Phan Thị Cam cùng công tác ở Sở Giáo dục Hà Nội với cha tôi. Biết nhà tôi nghèo,
mẹ tôi mất sớm, cha tôi “gà trống nuôi con”, các con còn đang tuổi ăn học, tiền
lương chỉ đủ báo ba suất cơm tập thể cho bốn cha con, nên một hôm cô Cam gọi tôi:
- Cháu viết thử mấy chữ cho cô xem chữ có đẹp không?
Lúc đó tôi đang học lớp 9/10 ở trường Phổ thông cấp 3B Lý Thường
kiệt, Hà Nội, được nhiều bạn khen viết chữ đẹp và nhanh. Chả thế thầy giáo dạy văn
Nguyễn Vinh Phúc, sau này được nhiều người gọi là “nhà Hà Nội học”, nhiều lần gọi
tôi lên chép giáo án cho thầy, đến giờ gặp lại các học trò cũ thầy vẫn nhắc. Sau
khi thấy chữ viết của tôi, cô Cam bảo:
- Cô có cậu em đang cần người chép bản thảo dịch sách, nếu cháu
làm được cô sẽ giới thiệu cháu.
Thế rồi cô Cam dẫn tôi đến gặp
cậu em của cô đang ở trong một căn phòng nhỏ trên gác 2 của ngôi nhà mặt phố Trần
Hưng Đạo Hà Nội. Đó chính là ông Phan Ngọc, một người từng là giảng viên của Trường
Đại học Tổng hợp, Hà Nôị, lúc đó chuyển sang làm công việc nghiên cứu và dịch thuật.
Từ ngày hôm đó, tôi trở thành người chép thuê của ông Phan Ngọc, mỗi trang chép
được 1 hào, mà 4 hào mua được một kg gạo!
Ngày ấy, ông Phan Ngọc mới lấy bà Tuyến, vợ ông bây giờ. Bà rất
thương tôi, một cậu học sinh nghèo phải đi chép thuê kiếm sống. Những ngày tôi chép
thuê cho ông, ông Phan Ngọc dịch một lúc ba bốn cuốn sách. Hai cuốn sách ông dịch
mà tôi chép nhiều nhất là cuốn Sử ký Tư Mã Thiên và cuốn Chuyện Làng nho đều là
của các tác giả Trung Quốc nổi tiếng trước đây. Ông cứ nhìn vào từng trang tiếng
Trung Quốc rồi đọc cho tôi chép, nhiều khi chép không kịp. Một buổi tôi có thể chép
được 7, 8 trang, nếu chép cả ngày cũng được 13, 14 trang. Có khi ông bỏ dở cuốn
sách đang dịch, chuyển sang dịch cuốn khác vì nhà xuất bản cần gấp. Những lần ông
dịch cuốn sách viết về một nữ giáo sư toán học người Ba Lan, hay cuốn sách của một
nhà ngôn ngữ học người Mỹ, tập truyện ngắn của một tác giả người Nhật Bản, tôi thấy
ông để trên bàn mấy cuốn sách bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật,
khi thấy đoạn nào dịch từ nguyên tác mà ông thấy chưa ưng ý, ông lại tham khảo từ
các bản dịch của các ngôn ngữ khác. Tôi cảm phục về vốn ngoại ngữ của ông, kinh
ngạc khi biết ông biết nhiều ngoại ngữ đến thế! Ông thông thạo 5 ngoại ngữ, là:
La tinh, Trung Quốc, Pháp, Anh, Ý, ngoài ra còn biết tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng
Nhật và cả tiếng Thái Lan, Campuchia… Ông tự học tiếng Nga trong một thời gian ngắn,
tuy không nói và viết thông thạo nhưng đã cùng với dịch giả Cao Xuân Hạo dịch cuốn
Chiến tranh và hoà bình của Lev Tolstoi từ nguyên bản tiếng Nga.
Ông không dạy tôi ngoại ngữ, nhưng cũng như nhiều người khác,
tôi luôn coi ông là một ông thầy về ngoại ngữ, biết hơn 10 thứ tiếng, trong đó có
5 thứ tiếng thông thạo. Có người đã viết rằng, có lẽ sau học giả Trương Vĩnh Ký
thì ông là người biết nhiều ngoại ngữ nhất ở Việt Nam, lập một “kỷ lục” rất ít người có
thể vượt qua.
Người học trò cưng của thầy Đào Duy Anh và thầy Đặng Thai Mai
Ông Phan Ngọc sinh năm 1925, quê xã Nhân Thành, huyện Yên Thành,
tỉnh Nghệ An. Cha ông là cụ Phan Võ, đậu Phó Bảng năm 1910, từng làm quan lớn của
Triều đình Huế, khi về hưu được thăng Hàm Thượng thư Bộ Lễ. Ông được cha dạy chữ
Hán từ năm 6 tuổi, lớn lên theo học trường dòng của đạo Công giáo, nên chữ Hán,
tiếng La tinh, tiếng Pháp, tiếng Anh ông thông thạo từ ngày còn rất trẻ. Ông là
một học trò cưng của học giả, thầy giáo Đào Duy Anh từ những ngày ông còn học ở
Huế trước năm 1945. ấn tượng sâu sắc của cụ Đào Duy Anh đối với người học trò Phan
Ngọc là về vốn kiến thức và sự hiểu biết của người học trò này khi bình giảng câu
nói: “Cuộc đời không quan trọng, quan trọng là ở sự nghiệp để lại cho đời” mà cụ
ra đề. Trong bài văn của mình, Phan Ngọc đã dẫn chứng những nhân vật nổi tiếng trong
lịch sử Trung Quốc trước đây, như Tư Mã Thiên,
Đỗ Phủ, Hàn Phi Tử và nhiều nhân vật lịch
sử khác trên thế giới, cuộc đời tuy nghèo nhưng sự nghiệp để lại cho đời lại rất
lớn lao.
Năm 1949, đang học Trường Đại học Y khoa, Phan Ngọc xung phong
vào bộ đội, là chiến sĩ của Đại đoàn 304. Năm 1951, khi cụ Đào Duy Anh công tác
ở cơ quan văn hoá, văn nghệ Trung ương trên chiến khu Việt Bắc, cụ có ý tìm người
kế nghiệp công việc nghiên cứu Hán học và văn học cổ mà cụ đã dành bao tâm huyết.
Biết cậu học trò cưng Phan Ngọc đang là chiến sĩ của Sư đoàn 304, cụ đến Đại đoàn
xin Phan Ngọc về chỗ cụ. Từ đó, hai thầy trò gắn bó với nhau trong nhiều công trình
nghiên cứu và năm 1956, khi cụ Đào Duy Anh về trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cụ
kéo người học trò cưng của mình theo.
Về trường Đại học Tổng hợp, thầy giáo Phan Ngọc từng giảng dạy
các môn: Lý luận Văn học, Văn học Trung Quốc, Văn học Phương Tây, Ngôn ngữ học.
Ông Phan Ngọc còn nhớ, lần ấy, thiếu người dạy Văn học Trung Quốc, biết ông giỏi
chữ Hán, thầy Hiệu trưởng Đặng Thai Mai hỏi ông:
- Anh giỏi chữ Hán, có dạy văn học Trung Quốc được không?
Đối với ông Phan Ngọc, cụ Đặng Thai Mai là một nhà giáo, một
học giả bậc thầy, tuy đã là giảng viên của trường, nhưng ông luôn luôn tôn kính
cụ, tự coi mình là học trò của cụ. Ông Phan Ngọc thành thật:
- Thưa thày, nếu thày cho phép con dạy thì con dạy.
Thế rồi ông lên lớp, dạy một bài về lịch sử văn học Trung Quốc,
sau đó dạy một bài về thơ Trung Quốc đời nhà Đường. Sau khi dự giờ giảng của ông,
cụ Đặng Thai Mai rất vui, chính thức giao ông Phan Ngọc làm giảng viên dạy văn học
Trung Quốc của trường Đại học Tổng hợp. Năm đó ông 31 tuổi, là giảng viên trẻ, được
giảng dạy cùng với những thầy giáo, học giả nổi tiếng: Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai,
Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường…, những “cây đa, cây đề” trong giới nghiên cứu
và giảng dạy đại học lúc đó.
Năm 1963, tôi không còn chép thuê cho ông Phan Ngọc nữa. Khi
tôi vào học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi được nghe danh
“thầy giáo trẻ Phan Ngọc”, tuy thầy không còn đứng lớp. Lúc đó tôi chỉ biết loáng
thoáng thầy thôi giảng dạy vì lý do “tư tưởng có vấn đề”, chứ không biết cụ thể
ra sao. Bây giờ gặp lại, ông kể với tôi, khi đó ông còn trẻ, lại nổi tiếng, nên
kiêu ngạo, nhất là hay phản bác các ý kiến, quan điểm, kể cả quan điểm chính thống
ông thấy không phù hợp. Vì thế, ông bị thôi công việc giảng dạy, chuyển sang làm
công tác nghiên cứu và dịch thuật. Trong nhiều năm, ông là Trưởng bộ môn Ngôn ngữ
học thuộc Khoa ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; đến năm 1980 mới chuyển công
tác về Viện Đông Nam á thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia.
Với bút danh Nhữ Thành, ông Phan Ngọc là một dịch giả tên tuổi
được giới dịch thuật và nhiều người đọc biết đến và kính nể. Ông là dịch giả nhiều
tác phẩm, dịch từ nguyên bản nhiều thứ tiếng, như: Thần thoại Hy Lạp, Spartacus từ tiếng Pháp; Chiến tranh và hoà bình
của Lev Tolstoi từ tiếng Nga; Kịch Shakespeare từ tiếng Anh; Sử ký Tư Mã Thiên,
Chuyện Làng nho từ nguyên bản tiếng Hán… Sau này, ông còn dịch nhiều tác phẩm nổi
tiếng khác, như Oliver Twist của Charles Dickens; David Coperfield; Văn Tâm điêu long của Lưu Hiệp; Mỹ
học của Heghen … Đặc biệt năm 1976, theo yêu cầu đặt ra trước Đại hội Đảng lần thứ
IV, ông dịch cuốn Triết học Heghen từ nguyên bản tiếng Đức vượt thời gian 3 tháng.
Ông cùng với giáo sư Lê Thước dịch nguyên bản từ tiếng Pháp cuốn Từ điển tên riêng
thế giới, dày 1.734 trang và là tác giả của cuốn từ điển đồ sộ: Từ điển Anh- Việt
gồm 250.000 từ.
Giải thưởng Nhà nước và nỗi niềm của một người hơi…“cứng”!
Ông Phan Ngọc được nhiều người gọi là “nhà” của nhiều lĩnh vực
nghiên cứu: nhà ngôn ngữ học, nhà dân tộc học, nhà triết học, nhà mỹ học, nhà Hán
học, nhà văn hoá…Ông còn là một “nhà” khác: dịch giả, tuy rất nổi tiếng nhưng chưa
được nhận giải thưởng nào về tác phẩm dịch của mình. Giải thưởng Nhà nước ông được
tặng năm 2000 là về cụm công trình nghiên cứu văn hoá Việt Nam, gồm hai tác phẩm:
Văn hoá Việt Nam, cách tiếp cận mới và Thử
tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều.
Văn hoá Việt Nam,
cách tiếp cận mới là công trình nghiên cứu
có độ dày 236 trang sách in, gồm 6 chương. Ba chương đầu là: Vấn đề văn hoá và cách
tiếp cận mới; Tiến tới một sự nhận thức mới về văn hoá Việt Nam; Nói chuyện
với văn hoá Huế. Ba chương cuối dành để nghiên cứu về ba nhà văn hoá dân tộc: Nguyễn
Trãi, Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Chí Minh.
Có thể nói Thử tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều
là một công trình nghiên cứu độc đáo, với 328 trang sách in và với một cách tiếp
cận mới Truyện Kiều từ góc nhìn văn hoá, ông có những phát hiện đầy thuyết phục
về giá trị của kiệt tác này, khẳng định rõ hơn tài năng của Nguyễn Du. Ông đã nghiên
cứu sự khác biệt giữa Truyện Kiều của Nguyễn Du với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bắt nguồn từ truyền thống
văn hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhất là ở thể loại thơ lục bát mà Trung Quốc
không có và cách diễn tả và phân tích nội tâm nhân vật trong Truyện Kiều là cách
thường thấy trong các bài phú Nôm của Việt Nam đương thời, khác hẳn Trung Quốc.
Có người nói với tôi, tư duy của ông Phan Ngọc “hơi lạ” và có
lúc “hơi cứng”. Ông từng nói: “Làm khoa học chỉ có một chữ: Quan hệ. Đó là nghiên
cứu về các mối quan hệ trong xã hội, trong đời sống”. Ông phân tích sự khác nhau
giữa “nhận thức” và “thức nhận”, trong khi ít người nói đến khái niệm “thức nhận”
mà ông nêu ra. Thậm chí tôi còn đọc trên mạng ý kiến khá nặng nề của một cô giáo
dạy văn trường trung học phổ thông cho rằng nhận định của ông về nhà văn Nguyễn
Tuân trong bài “Quá trình chuyển biến của một phong cách” là “chỉ thích hợp vào
giai đoạn 40, 50 năm trước”! Năm 1988, lần đầu tiên ông “xuất ngoại” là sang Pháp,
giữa lúc các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đang có nhiều biến động lớn. Có người
lo, với thành phần xuất thân như thế, với những năm tháng ông từng bị đánh giá
“có tư tưởng lệch lạc” và “gặp nạn” như thế, hơn nữa trong bối cảnh các nước xã
hội chủ nghĩa đang lung lay như thế, có thể ông không trở về nước. Nhưng không,
ông đã về và sau này, có dịp sang một số nước khác, mặc dù có lời mời chào ở lại,
ông vẫn về nước.
Trò chuyện với tôi, có vẻ ông vẫn “hơi lạ” và “hơi cứng” như
có người nói, cái “lạ” và cái“cứng” hình như thuộc về bản chất của con người ông.
Ông say sưa nói đến “7 điểm đặc biệt về con người và tư tưởng Hồ Chí Minh” mà ông
nghiên cứu. Ông băn khoăn, trăn trở nỗi niềm làm sao giữ được chủ nghĩa xã hội trong
tình hình hiện nay. Ông bảo, muốn lấy lại lòng tin của dân thì chỉ có cách là làm
theo cụ Hồ, “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Có vậy mới giữ được chế độ, mới
giữ được chủ nghĩa xã hội!
Khi đã ở tuổi ngoài tám mươi, sức khoẻ và trí nhớ có phần giảm
sút, nhưng Phó giáo sư Phan Ngọc vẫn còn đủ sức để viết bài theo “đơn đặt hàng”
của các báo, nhà xuất bản và cả của các viện nghiên cứu, trường đại học.
Trước khi chia tay ông bà, bà lấy cuốn Sử ký Tư Mã Thiên mới
được tái bản đưa cho ông để ông viết những lời đầy tình cảm tặng “người chép thuê
đầu tiên”, như ông bà nói vui với tôi - người học trò nửa thế kỷ trước từng cặm
cụi chép thuê bản dịch cuốn sách này cho ông!