Ngày 26/6/2013 (tức 19 tháng 5 âm lịch), nhà thơ Thu Nguyệt làm đám giỗ lần thứ mười cho chồng mình, họa sĩ tài hoa Việt Hải (18/6/2003 – 2013). Việt Hải là người  “đã đứng tên cùng một đầu sách với những nhà văn nhà thơ được độc giả cả nước tìm đọc: Trang Thế Hy, Sơn Nam, Nguyễn Khải, Nguyễn Đăng Mạnh, Thu Bồn, Lê Văn Thảo, Nguyễn Đông Thức…”. Nhà văn Lê Văn Thảo coi Việt Hải là “bạn văn”, ông viết: “Với Việt Hải… tôi đã học tập được rất nhiều điều không phải về hội họa mà về văn chương những khi chuyện trò trao đổi”.




NHỚ VIỆT HẢI

TRẦN QUỐC TOÀN

Ở Đồng Tháp tôi được biết, được làm quen, được đánh bạn với những người mà cứ mỗi khi nhắc tên người thì tên đất lại hiện đến. Tôi biết anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy người vẽ chùm sao đỏ chiến công lên vai bạc của phi cơ MIG. Chùm sao đỏ hiền như chùm nem xanh lá chuối, đeo nặng vai những cậu bé Lai Vung quê người anh hùng. Những cậu bé vẫn phi thân lên những chuyến xe đò liên tỉnh, đưa tận tay lữ khách một chùm quà quê. Tôi quen Công Minh, mỗi khi anh xuất trận, sân banh nghiêng hẳn về phía tả biên nơi danh thủ Đồng Tháp này đang dẫn bóng, chuyển từ phòng ngự sang tấn công. Tôi chơi với nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Bé Tư (ông Tư Chanh chụp dạo) người đã thả từ ống kính Đồng Tháp của mình những con sếu Tràm Chim để sếu ấy mang vừng mặt trời Việt Nam đậu lên vô số những bìa báo, đậu xuống không ít những phòng nghỉ khách sạn, phòng khách gia đình… Trong những người như thế có bạn Việt Hải của tôi.   
   
Việt Hải là họa sĩ vẽ bìa sách nổi tiếng trong cả nước, điều ấy ai cũng biết, điều ấy Hội Mỹ thuật Việt Nam đã dán “nhãn hiệu trình tòa” bằng nhiều bằng khen, nhiều giải thưởng. Bằng việc làm này, Việt Hải đã đứng tên cùng một đầu sách với những nhà văn nhà thơ được độc giả cả nước tìm đọc, Trang Thế Hy, Sơn Nam, Nguyễn Khải, Nguyễn Đăng Mạnh, Thu Bồn, Lê Văn Thảo, Nguyễn Đông Thức… điều này ai cũng đã biết. Điều chưa mấy người biết là họa sĩ Việt Hải đã vẽ bìa cho ngôi nhà nhỏ của một anh giáo tỉnh lẻ! Đó là nhà của người viết bài này, ngôi nhà nằm bên đường cống lộ thiên, phía cuối một con phố vắng Sa Đéc. Ngày ấy ngoài vai cán bộ nhà nước thuộc Sở giáo dục, tôi có thêm nghề đạp máy vắt xổ. Vợ cô giáo thợ may, chồng thầy giáo vắt xổ! Tôi bắc cầu qua miệng cống, mở cửa sổ nhà mình thành cửa tiệm. Vào ngày khai trương, họa sĩ Việt Hải đã vẽ cho, trên một miếng ván ép, hai chữ “vắt xổ” rất đẹp để treo vào cái cửa sổ vừa được nâng cấp kia.    

Ngày ấy ai cũng đói, nhưng bạn bè lại chỉ có chữ là thứ không ăn được mà cho nhau. Việt Hải đã cho tấm hoành phi vắt xổ nơi mặt tiền nhà, vẫn chưa hết chữ, còn tìm vào tận trong nhà vẽ chữ dạy thằng cu Tết nhà tôi học đánh vần. Những bức tranh chữ Bò đi đò, Cò mò khế, Dế bế em… viết trong lúc say ngày ấy, đến bây giờ vẫn chưa hết say, nét chữ còn bay lượn như vừa cùng với Việt Hải và tôi lai rai vài xị rượu chuối nơi quán cóc Cây Trứng Cá đầu cầu Sắt Quay thị xã Sa Đéc!    

Chữ còn say nhưng người thì đã tỉnh, tỉnh để không quên rằng là bạn viết, chữ nghĩa mà không còn để làm quà cho nhau thì coi chừng, có thể vẫn thân tình đấy, nhưng bạn viết xưa, nay đã thành bạn hàng rồi! Việt Hải ráng đọc từng ngày để chữ trong mình không vơi đi. Bạn bè được ăn theo cái thói đọc như điên của Việt Hải. Ham đọc, từ đã lâu Việt Hải đã là một cuốn truyện sống, nhà của Việt Hải là thư viện của bè bạn. Cứ đến đấy, sách gì cũng có. Cái tủ sách đã hút cạn túi anh hàn sĩ Việt Hải gày guộc ngày nào, hút cạn sách hay của nhà sách quốc doanh Sa Đéc ngày nào, nay vẫn một sức hút mạnh như thế. Sách mua thì vẫn tốn tiền mua, lại thêm sách biếu người vẽ bìa nổi tiếng thì tuần nào cũng có, ngày nào cũng có. Sách chất như chất dưa hấu ngoài chợ Tết, cứ kiễng chân mà chọn. Những năm gần đây, lại thêm sách ảo nằm vô hình trong các bộ nhớ của máy PC Việt Hải, cứ gõ phím mà in vào đĩa từ, đĩa quang mang về.   
  
Trong thư viện Việt Hải có loại sách quý hiếm mà ít thư viện có được, đó cả loại sách cả nhà cùng làm, vợ ngẫu hứng thì chồng định hình, mẹ viết thì con vẽ, vợ rút ruột ý tứ đợi chồng bao bìa hoàn thiện tác phẩm… Sách ấy là các tập thơ Điều thật, Ngộ, Cõi lạ, Hoa cỏ bên đường của bà Việt Hải, nhà thơ Thu Nguyệt. Những sách ấy, những tập thơ ấy, chồng Việt Hải vẽ bìa, ba cô con gái Hải Thi, Hải Thư, Hải Tú vẽ phụ bản, sách ấy vừa là sản phẩm lao động của cả nhà vừa là thú chơi sang trọng và không tốn kém của những gia đình chỉ biết sống bằng giấy bút, bằng phím chữ và mực in, bằng màu và cọ… nhà vợ chồng Hải - Nguyệt và các con.   
   
Nhà ấy, kể từ ngày 9h30 Thứ tư 18/6/2003 đã mất một người. Việt Hải đã chết, chết trẻ 44 tuổi vào ngày ấy vì tai nạn giao thông, chết trên đường làm công việc của một họa sĩ trình bầy báo, trên đường đi lấy một tấm hình, đặt vào ô trống trên trang báo anh đang trình bày dở dang. Ô trống ấy đã được lấp đầy, rất sáng, rất đẹp! Báo ấy vừa in xong, vào lúc 1 giờ sáng thứ bảy 21/6/2003, ngày nhà báo Việt Nam, những bạn bè vừa hết ca trực đã từ tòa soạn lên xe chạy thâu đêm về  Mỹ Hiệp, Cao Lãnh, Đồng Tháp để kịp trời sáng, kịp thấy Hải nằm xuống, lấp đầy một ô trống giữa vườn nhà, chấm dứt mọi bận rộn! Bắt đầu thảnh thơi giữa cây xanh…