Huyện đảo Cồn Cỏ, theo nhận định của nhiều chuyên gia, là một
đơn vị hành chính nhỏ nhất thế giới. Với diện tích khoảng 2,4km2, huyện đảo Cồn
Cỏ không có tổ chức các cấp đơn vị hành chính khác thuộc hệ thống quản lý như
thôn, xã, thị trấn. Theo con số thống kê, tuy có hơn 400 người ở trên đảo,
nhưng hầu hết là các đơn vị quân đội, dân thường chỉ có khoảng 50 người. Trên bản đồ địa lý, cho dù hết sức nhỏ bé,
nhưng đảo Cồn Cỏ lại là một bảo tàng vĩ đại về lịch sử chiến tranh, hiện diện
như một chiến hạm thép, tuyến phòng thủ số một chiến đấu đánh trả máy bay và
chiến hạm của giặc Mỹ, với hơn 1000 trận đánh, trong suốt 1440 ngày đêm, kể từ
năm 1965 đến năm 1968. Và, trong hơn 1000 trận đánh đó, bình quân mỗi chiến sĩ
trên đảo lại phải hứng chịu tới hơn 40 tấn bom đạn do máy bay Mỹ ném xuống đảo.
Đó cũng là con số bom đạn lớn nhất thế giới mà mỗi chiến sĩ phải hứng chịu
trong một cuộc chiến.
Đến với huyện đảo nhỏ nhất thế giới
CHUNG TỬ
Đó là những câu
chuyện của gần nửa thế kỷ về trước, nhưng lần này chúng tôi ra đảo Cồn Cỏ vẫn
còn sự ám ảnh bởi những cái tên gò, đồi, bến, bãi là những biểu tượng cho cuộc
chiến của những anh hùng một thời và cả 28 km giao thông hào được lưu giữ như một
bảo tàng chiến tranh, không thể nào phai mờ trong ký ức hào hùng một thuở. Đoàn
các nhà văn, nhà báo và nhạc sĩ chúng tôi ra đảo do nhà thơ Đức Tiên dẫn đầu
như một hướng dẫn viên vậy. Anh nguyên là một chiến sĩ trong mặt trận đánh
thành Quảng Trị, lại có thời làm công tác chính quyền ở ngay Đông Hà nên thành
thạo mọi chuyện từ khi Cồn Cỏ được thành lập huyện đảo, năm 2004. Nhà thơ Đức
Tiên khá vui tính và nhớ không ít những chuyện mà không mấy ai biết tới. Đó là
chuyện, anh nói đảo Cồn Cỏ là đảo không chim. Một người chợt nín lặng suy nghĩ
hay là nhà thơ có ẩn ý hài hước gì, thì anh nói không có chim thật mà. Nghĩa là
không bao giờ có đàn chim, đàn cò nào đến đậu, kể cả lũ chim biển cũng chẳng mò
tới, chỉ vì đảo không có nước ngọt. Anh còn cho biết thêm, đã có người đào giếng,
nhưng cũng không ăn thua nên ở đây họ thường phải xây bể lớn để chứa nước mưa
ăn quanh năm.
Có lẽ vì thế
chăng, chúng tôi chỉ nhìn thấy chung quanh đảo đều là rặng hoa Phong Ba hay khá
nhiều cây bàng vuông. Vào đúng dịp hè, nên hoa Phong Ba nở trắng xóa khắp nơi,
còn hoa bàng vuông lại vào kỳ rụng để đậu quả. Nhưng hoa bàng vuông lại đẹp và
mỹ miều đến lạ. Nom tựa hoa doi, nhưng cánh pha mầu hồng nhạt, còn nhụy lại
phơn phớt tím đỏ. Cùng với đó là màu hoa sữa của cây phong ba, tạo nên sắc thái
dịu dàng của đảo hiện lên, tạo cảm giác mát mẻ dễ chịu với chúng tôi bên những
đợt sóng ào ạt vỗ bờ.
Lại còn chuyện,
ông chủ tịch huyện đảo Lê Quang Lanh, cách đây hơn 10 năm đã đem một giống chó
ra đảo, khi còn chưa có người ra sinh sống. Ông muốn gây giống cho những âm
thanh quen thuộc, như tiếng chim, tiếng chó, tiếng gà kêu. Nhưng con chó mà ông
mang theo lại say sóng nôn ọe suốt không biết có sống được chăng. Ông dỗ ngon
ngọt nó như con trẻ vậy. Thế rồi, nó hồi sức và tính cho đến nay, năm nào cũng
đẻ một lứa. Ông chia cho các gia đình thanh niên mới đến đảo và các chiến sĩ
nuôi. Hiện đàn chó đã sinh sôi đầy đàn không biết bao nhiêu con. Có điều là những
con chó này đều hiếu khách, chúng sủa vang như một bài ca đón chào mỗi khi có
người đến thăm đảo. Chúng tôi được gặp gỡ chúng như thế ngay trên đường âu tầu
dẫn lên đảo.
Khi đưa chúng
tôi đi quanh con đường mới làm, khoảng 5 cây số, anh Phượng lái xe lúc thì dừng
lại nhặt bàng vuông đưa cho mấy chị làm quà, lúc lại chạy xuống bãi tắm xúc mấy
xẻng cát pha xụn san hô đỏ về trồng cây. Anh nói đất trồng cây và trồng rau trên đảo rất hiếm, nên
nhiều lúc nghĩ vui, nếu ai đó có ý mang quà cho anh em trên đảo, thì hãy thay
những túi hoa quả hay kẹo bánh bằng những túi đất vườn để trồng rau. Nói rồi
anh cười một cách hiền lành. Chúng tôi lại đi tiếp men theo chân rừng nguyên
sinh và những hàng cây hoa phong ba xanh ngút ngát. Bỗng anh Phượng dừng lại và
chỉ cho chúng tôi thấy đỉnh 63 trên đồi cao nhất đảo, rồi kể đó là nơi anh hùng
Thái Văn A đã đứng suốt ngày đêm, trong mấy năm trời để xác định vị trí máy bay
hay tầu chiến của giặc, rồi thông báo cho các đơn vị pháo cao xạ bắn trúng mục
tiêu. Thái Văn A đã góp phần cùng đơn vị bắn rơi 20 máy bay Mỹ, cho dù nhiều lần
bị thương nhưng vẫn bám trụ kiên cường trên điểm cao nhất. Hình tượng chiến đấu
ngoan cường ấy, đã được nhạc sĩ Văn An sáng tác ca khúc với tiêu đề: “Thái Văn
A đứng đó”. Cả một thời chúng tôi không ai không nhớ giọng hát của NSND Trung
Kiên vang lên với những hình ảnh hùng ca: “Sừng sững chòi cao trên hòn đảo nhỏ/Như
ngọn hải đăng bốn mùa sóng gió/Thái Văn A, Thái Văn A đứng đó/Yêu đảo như quê
giây phút chẳng rời/ Mắt rõi tầm xa canh giữ biển trời...”
Xe chúng tôi
đang đi trong câu hát về người anh hùng thì, chợt nhạc sĩ Quỳnh Hợp bỗng chỉ về
một bãi cát phía xa, rồi reo lên đẹp quá. Thế là anh Phượng dừng xe lại cho
chúng tôi nghỉ tại bến Nghè. Đó đúng là một cảnh bãi biển thơ mộng. Nghe những
âm thanh vang lên, chúng tôi biết nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã nảy ra những giai điệu đầu
tiên trong ánh nắng rực rỡ trên đảo. Khi chúng tôi ùa xuống bến Nghè lại gặp
ngay một đơn vị quân đội đang tập luyện ở đó. Đúng lúc ấy, các chiến sĩ cũng nghỉ giải lao và hồ hởi đón chúng tôi. Một
không khí khác lạ tràn đến khi những người lính trẻ khoác tay nhau hát bài ca
quen thuộc: “Con Cua đá”. Vậy là chẳng ai nói với ai, người nào trong đoàn
chúng tôi thuộc bài hát đều hòa theo với những lời ca vui đúng với chất lính
trên đảo Cồn Cỏ, trong thời chiến tranh. Lạc quan và hừng hực tính chiến đấu: “A
lính ta chiến đấu suốt ngày đêm/có canh là canh canh cua đá/càng bền là bền sức
trai/A đánh cho quân cướp Mỹ tơi bời/ khiến chúng nó rụng rời khi nghe tiếng Cồn
Cỏ”. Nói đến chuyện cua đá, anh Phượng còn kể chính ông Lanh cũng đang nuôi cua
đá trong nhà với ý thức bảo tồn giống cua hiếm này chỉ có ở đảo Cồn Cỏ. Ông Lanh
mong đến một ngày nào đó, cua được sinh sôi nhiều để những du khách đến đảo sẽ
có một chuyên du ngoạn thú vị khi đi tua bắt cua đá. Anh Phượng còn cho biết,
trước đây những chiến sĩ còn bắt được nhiều cua đủ để đánh tiết canh, ăn thơm
bùi, ngọt và lạ miệng lắm. Nói đến thế ai cũng thấy ứa nước miếng.
Ngọn hải đăng trên đảo Cồn Cỏ
Lúc này tôi đến
bên mấy chiến sĩ trẻ đề nghị chụp mấy kiểu ảnh làm kỷ niệm. Thế là cảnh tượng
trở nên thật chan hòa khi mấy cô nhà báo đứng chen vào cùng chụp ảnh. Những câu
chuyện của chúng tôi với cánh lính trẻ lại càng thêm sôi nổi. Họ khoe, người
thì quê ở Quảng Trị, người thì ở Quảng Nam, người thì ở Huế vô, còn nữa, lại có
anh quê cũng ở đất biển, nhưng lại ở tận Hải Phòng xa xôi ngàn dặm...Họ đều là
những chiến sĩ trẻ ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, trong lòng còn bao ước vọng mới
lạ. Tôi chợt hỏi về những kỷ niệm về Cồn Cỏ, thì Dũng một chiến sĩ trẻ ở Đông
Hà, chỉ một cửa hào giao thông ở gần đó kể rằng, đó là sáng kiến của người đảo
trưởng Trần Văn Trà, trong thời gian chiến đấu với bom đạn Mỹ để tránh tổn
thương cho các chiến sĩ. Đại tá Trần Văn Trà đã tham gia chiến đấu 601 trận
trong suất 930 ngày đêm không nghỉ. Giao thông hào này là một phép mầu đã che
chở cho hơn 150 chiến sĩ kiên cường bám trụ, chiến đấu bắn cháy máy bay và tầu
chiến Mỹ. Thì ra các chiến sĩ đi nghĩa vụ đến đây đã nắm bắt được truyền thống
chiến đấu anh dũng của ông cha một thuở khá sâu sắc. Họ học và chiêm nghiệm lại
lịch sử chính bằng những di tích còn lại trên đảo anh hùng, và biết rằng mình sẽ
tiếp tục là những người gìn giữ biển đảo tổ quốc sau này như thế nào cho xứng với
truyền thống đó.
Vừa hay, có tiếng
điện thoại reo lên, anh Phượng nói sẽ dẫn đoàn chúng tôi về trường mẫu giáo “Hoa
Phong Ba”. Chúng tôi chia tay cánh lính trẻ trong những lời ca về con cua đá vẫn
rộn rã vang ngân. Chẳng mấy chốc ngôi trường hiện ra trước mắt. Đây cũng là
hình ảnh gói trọn những gì gọi là tương lai của Cồn Cỏ. Chỉ hơn mười đứa trẻ ở
các tuổi khác nhau, học chung một lớp giống như các lớp học trên miền núi vậy.
Vì ở đây mới chỉ có hơn chục gia đình, với hơn 50 nhân khẩu sinh sống. Hầu hết
trong số học sinh đều là những trẻ được sinh ra trên đảo. Học sinh Nguyễn Thị
Ngọc Ánh, công dân đầu tiên được sinh ra trên đảo năm 2003, giờ đã chia tay lớp
để vào đất liền học từ khi lớp một.
Thật tình cờ
chúng tôi gặp được anh Nguyễn Quang Thánh, có con trai là Nguyễn Quang Dũng học
sinh của lớp, anh nói một cách chân tình rằng, chỉ mong có nhiều người ra sinh
sống để tổ chức thêm lớp học và đào tạo cho đảo những công dân trí thức ở ngay
trên đảo quê hương mình. Bởi lẽ đảo Cồn Cỏ còn ẩn giấu nhiều tiềm năng kỳ lạ mà
chưa khám phá và khai thác được bao nhiêu. Phải do chính những công dân sinh ra
tại đảo, sống chết với đảo, mới có sức mạnh xây dựng cho đảo trở thành một hòn
ngọc đúng với nghĩa của nó. Đó là một tiềm năng du lịch biển trong tương lai và
cũng là một tiền tiêu của tổ quốc mãi mãi không bao giờ gục ngã.
Chúng tôi tạm
biệt đảo Cồn Cỏ trong niềm hy vọng và sự lãng mạn ấy. Vẳng lại phía sau lưng
chúng tôi là những tiếng cười trẻ thơ, những bài ca của lính và ánh mắt dịu dàng
của đảo đó là những nhành hoa phong ba. Nhà thơ Ngô Minh, thành viên trong đoàn
từ Huế ra, chợt đọc mấy câu thơ mới viết ngay tại chiến hào Cồn Cỏ lừng lẫy chiến
công một thời; một cảm xúc chan chứa nỗi nhớ trong lòng, về một huyện đảo nhỏ
bé nhất, nhưng lại được hai lần phong anh hùng và đang tràn ngập hy vọng cho một
tương lai tươi sáng, rộng lớn ở phía trước.