Trong một cuộc hội thảo gần đây về văn học ĐBSCL, tôi có phát biểu: “Người ta thường chọn trung tâm văn chương ở những Cửu Long là Đồng Tháp Mười và Rừng U Minh. Xin cho tôi có cái nhìn khác. Theo tôi, trung tâm không phải là nơi ngồi viết và in sách, mà là nơi những chuyện kể được truyền tụng, ngôn ngữ được sản sinh. Là nơi đề tài cốt truyện được khai thác. Cuộc sống là ở đó, lời ăn tiếng nói là ở đó. Văn chương là ngôn ngữ, mà ngôn ngữ do người lao động làm ra. Chuyện kể sinh động là ở trên xe đò, tàu đò, xe trâu, cộ lúa. Ngôn ngữ hay ho là của người buôn gánh bán bưng, giữa những lồng gà vịt, heo con kêu eng éc”. Không một nền văn học nào phát triển được nếu thiếu nguồn văn học dân gian. “Hò Đồng Tháp”, hay đúng hơn là thơ ca dân gian Đồng Tháp, là một nguồn vô giá chúng ta may mắn có được.



ĐỒNG THÁP vùng đất của huyền thoại nhiều chuyện kể cần được ghi lại

LÊ VĂN THẢO

Bảy tám tuổi, trong chiến khu Tháp Mười, tôi đã chạy càn, chống xuồng trên đồng nước, gạt lúa ma, hái ổ ong, xom chuột trong rừng tràm. Ký ức sâu đậm nhứt trong tuổi thơ của tôi tới giờ vẫn là cánh đồng nổi tiếng này. Mãi mãi, trong từng trang viết của tôi, trước đây và về sau này, không lúc nào vắng bóng tiếng rì rào của đồng lúa, của cỏ năng cỏ lác, mùi bông tràm, mùi phèn chua, cánh cò bay lả trong ánh chiều. Cho phép tôi, trong bài viết này, không phân định rạch ròi lắm về đường biên địa lý. Tháp Mười, ngoài của tỉnh Đồng Tháp, còn có phần của tỉnh Long An và Tiền Giang. Nhưng tỉnh ta mang chính danh, là một vinh dự và may mắn lớn. Càng may mắn hơn cho các nhà văn, các nghệ sĩ.
Trước tiên, tôi muốn nói về thiên nhiên Đồng Tháp, chính thiên nhiên đã tác động đến thơ ca như thế nào. Ví như bài hát “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” của Trần Kiết Tường. Nghe bài hát ấy, một trong những ca khúc hay nhứt của Việt Nam, ta hiểu ra điều hiển nhiên tác giả là người sanh ra lớn lên ở đây, cả cuộc kháng chiến chống Pháp lăn lộn trong cánh đồng này. Rồi nhiều năm tập kết ra Bắc, niềm nhớ nhung nung nấu, chắt lọc từ trong trái tim giai điệu bài hát, lời ca mênh mang chỉ có thể có được từ trên cánh đồng này. Bài hát, đúng ra như một điệu hò. Không có Đồng Tháp Mười, Trần Kiết Tường không làm được bài hát ấy.
Tôi nói thêm một chút về ca dao, hò vè, thường được gọi chung là “hò Đồng Tháp”. Theo các nhà nghiên cứu, không hẳn điệu hò sinh ra từ đây. Nhưng trong nhiều tên gọi, khi gọi tới tên “hò Đồng Tháp”, tên gọi được định danh ngay. Bởi chỉ có cái mênh mang của Đồng Tháp mới gợi lên âm hưởng đó. Âm hưởng mang dáng dấp mênh mang của cánh đồng, cuộc sống nhàn nhạ thong dong, như nhịp chèo thuyền, không có gì vội vã. Âm hưởng cũng gợi lên cảnh thiên nhiên hoang dã, con người với cuộc sống cần cù, chân chất bộc trực…
-   Ai về Đồng Tháp xa xôi/ Cho tôi nhắn gởi đôi lời nhớ nhung
Ai về Ngã Sáu, ấp Trung/ Cho tôi gởi nhớ về trong Tháp Mười
-   Xinh tươi con gái Tháp Mười/ Tay ôm bó lúa miệng cười như hoa
Trong một cuộc hội thảo gần đây về văn học ĐBSCL, tôi có phát biểu: “Người ta thường chọn trung tâm văn chương ở những Cửu Long là Đồng Tháp Mười và Rừng U Minh. Xin cho tôi có cái nhìn khác. Theo tôi, trung tâm không phải là nơi ngồi viết và in sách, mà là nơi những chuyện kể được truyền tụng, ngôn ngữ được sản sinh. Là nơi đề tài cốt truyện được khai thác. Cuộc sống là ở đó, lời ăn tiếng nói là ở đó. Văn chương là ngôn ngữ, mà ngôn ngữ do người lao động làm ra. Chuyện kể sinh động là ở trên xe đò, tàu đò, xe trâu, cộ lúa. Ngôn ngữ hay ho là của người buôn gánh bán bưng, giữa những lồng gà vịt, heo con kêu eng éc”. Không một nền văn học nào phát triển được nếu thiếu nguồn văn học dân gian. “Hò Đồng Tháp”, hay đúng hơn là thơ ca dân gian Đồng Tháp, là một nguồn vô giá chúng ta may mắn có được.

Về nguồn gốc địa danh “Tháp Mười”, có nhiều cách lý giải khác nhau, theo tôi, cách nào cũng hay cả. Đã là huyền thoại, bao giờ cũng bao hàm mong muốn của nhân dân, ta không nên vội vàng đi tìm ý nghĩa, càng không nên gán ghép chính trị. Bản thân cuộc sống, sông nước cây cỏ, đó là ý nghĩa lớn nhứt.
Không chỉ thiên nhiên có những nét đặc sắc, lịch sử Đồng Tháp cũng có những nét oai hùng không thua bất cứ nơi nào. Ngày xưa nói đi “bưng” nghĩa là đi chiến khu, vô kháng chiến. “Bưng” là đồng Tháp Mười. Đồng Tháp có anh hùng kháng chiến chống Pháp Võ Duy Dương vang danh một thời. Cùng với Đốc binh Kiều, hai đền thờ hai pho tượng uy nghi còn đó.  Đây cũng là quê hương của chí sĩ Nguyễn Quang Diêu, giải thưởng của Hội ta hân hạnh được mang tên. Đây cũng là căn cứ của Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, là căn cứ của Khu ủy, Bộ tư lịnh Khu Tám Trung Nam Bộ. Cuối năm 1929, các chi bộ An Nam cộng sản Đảng đầu tiên ra đời tại đây. Đồng Tháp lấy làm tự hào đã sinh ra Phạm Hữu Lầu, một trong bảy đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, từng giữ chức vụ Bí thư xứ ủy Nam bộ năm 1959.

Ở một nơi thiên nhiên bao la hiền hòa như thế, với những con người kỳ tích như thế, nhà văn có vô số đề tài để viết. Chỉ cần với đề tài “Võ Duy Dương với Đồng Tháp Mười”, như Ban tuyên giáo tỉnh ủy đã chủ trì biên soạn, chúng ta đã có thể có được nhưng bộ truyện lịch sử, vở kịch, vở cải lương… Vậy mà chúng ta chưa khai thác được bao nhiêu. Cánh đồng văn học nghệ thuật cư dân Tháp Mười vẫn còn hoang vu lắm!
Tôi muốn nêu một trường hợp, một kinh nghiệm, cũng có thể nói là một di sản, tuy không cách xa chúng ta lắm. Đó là cuốn “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười” của học giả Nguyễn Hiến Lê.
Tác giả là người miền Bắc, vô làm việc trong Nam. Ông là nhà nghiên cứu, dịch thuật, hiếm có sáng tác văn học như thế này. Thật ra đây cũng là một cuốn du ký, phần nghiên cứu chiếm không nhỏ trong nội dung quyển sách. Trước tiên ta học tập tính cần cù, nghiêm túc của ông. Trước khi viết quyển sách nhỏ, ông đặt tên một cách khiêm tốn như thế “Bảy ngày trong ĐTM”, ông đã nghiên cứu đủ sách Đông Tây viết về Đồng Tháp Mười. Viết xong, năm 1946, bản thảo bị cướp lấy mất. Tám năm sau ông viết lại bản thứ hai, bản hiện ta có trong tay. Sự kiên trì, lao tâm khổ tứ đó là điều thứ nhứt ta phải ghi nhận. Quyển sách chỉ có non trăm trang, nhưng nói không thiếu điều gì về Đồng Tháp Mười.
Và trên hết, là tình yêu vô bờ đối với vùng đất ông chỉ là người ghé qua.Tuy rằng, như ông nói trong quyển sách, ông viết chỉ để bạn bè ở miền Bắc hiểu đôi chút về miền Nam.
Nói về thủy triều, ông chỉ rõ thủy triều ở miền Nam ngày 2 lần, lên xuống rất xa biển, lên tận Nam Vang. Không như miền Bắc chỉ một lần ngày, do rất gần biển. Nói về vùng giáp nước, ông phân tích đó là vùng đặc biệt đông vui, như chợ, là do ghe  xuồng đậu lại đợi con nước, như nhà ga của xe lửa.
Chính tác giả, trong chuyến du ký, thật ra là làm công việc điền địa, cụ thể là đo mực nước các sông rạch để đào kinh, dẫn thủy nhập điền. Đó là một công việc rất ti mỉ, 15-20 phút đo một lần. Và tôi cũng xin nói thêm, các con kinh thời ấy đến nay đều đắc dụng cả.
Ông cũng viết các giả thuyết về sự tích “Tháp Mười”, như ta biết ngày nay. Ông kể tỉ mỉ các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Võ Duy Dương. Ông kể chuyện đào kinh của Trần Bá Lộc. Ông dành hẳn một chương tả về chuyện tìm vàng ở Đồng Tháp Mười, rất hấp dẫn.
Ông tả giọng hò Đồng Tháp như thế này: “Hồi trước, đi ghe, đêm nào tôi cũng được nghe những tiếng hò như vậy. Mướn một chiếc ghe, tôi cố tìm những người hò giỏi, vì những đêm trăng như đêm nay, trôi trên mặt nước mênh mông, có được nghe giọng hò mới cảm thấy được hết cái buồn man mác của trời cao sông rộng. Giọng hò đưa vút lên không, tan trong ánh trăng, tỏa trên mặt nước. Nó là tiếng gọi từ đáy lòng con người gởi vào vũ trụ”.
Ông cũng viết về rùa rắn, lúa ma. Cả cảnh đốt đồng ông cũng tả. Không điều gì về Đồng Tháp Mười không có trong quyển sách mỏng ấy. Và cũng xin nhắc lại, đó là quyển sách của người ở xa, chỉ đi ghé qua, như ông đã nói khiêm tốn ngay từ nhan đề “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”.
Chúng ta đã có một bài học, một kinh nghiệm. Còn lại là công việc của chúng ta. Đồng Tháp Mười giờ đây có lẻ không còn nữa, chỉ còn trong tâm tưởng, và như vậy trách nhiệm của chúng ta càng lớn hơn, làm sao để con cháu chúng ta không quên mất cánh đồng này. Chúng ta miêu tả con người trong cuộc chiến đấu mới, nhưng vẫn không quên quá khứ. Bao nhiêu vấn đề đặt ra, giữa nông thôn và thành thị, tốc độ công nghiệp hóa, thủy điện, sân gôn, liều lượng giữa cái cũ và cái mới.

Sau đây, xin cho phép tôi có đôi điều trao đổi với các bạn văn tỉnh Đồng Tháp, một cách sơ lược, điểm qua ít tác phẩm tôi đọc được. Tôi sẽ nêu thật tình cờ, không theo thứ tự trên dưới gì cả, cũng không coi đây là sự tổng kết, đánh giá.
Trước tiên, tôi muốn nói tới hai truyện ngắn tôi đã đọc trước đây, trong cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL năm 2008. Đó là truyện “Con đường đi của con trùn đất” của Kim Tuyến và “Câu chuyện ngày hôm qua” của Trọng Quí.
Truyện thứ nhứt nói về cuộc sống hiện nay của nông thôn Đồng Tháp, cũng là nông thôn miền Nam, nơi vấn đề tam nông đang được khởi xướng, nhưng thực tế vẫn còn đang trong quá trình mò mẫm. “Con trùn đất” là một anh thanh niên con nhà nghèo, phận như “con giun con dế”, cả hai lần bứt ra đi làm cuộc đổi đời nhưng đều thất bại, người yêu bỏ đi, bạn bè thất cơ lỡ vận. Nhưng anh vẫn kiên trì, từng chút một, lần bứt phá thứ ba thì thành công. Thật ra cũng không lớn lao gì, chỉ là anh cán bộ trung cấp nông nghiệp, nhưng dù sao cũng có ý nghĩa đổi đời.
Truyện thứ hai xảy ra thời hiện tại, nhưng nội dung là thời chiến tranh. Đúng ra là hồi ức chiến tranh. Một chiến sĩ đặc công được giao nhiệm vụ đánh bom giết chết một tên quận trưởng ác ôn. Mọi chuyện diễn ra đúng như kế hoạch, nhưng bất ngờ đến lúc giật nổ, một tiếng khóc trẻ thơ vang lên. Trận đánh bị dừng lại, không có người chết. Hòa bình lập lại, sau mấy mươi năm, một thanh niên Việt kiều trở về tìm gặp người chiến sĩ đặc công năm xưa ngõ lời cám ơn, người đã tha mạng sống cho cha mình, và cả bản thân mình. Anh thanh niên Việt kiều là đứa trẻ đã cất tiếng khóc trẻ thơ trong trận đánh năm xưa.
Hai truyện ngắn, một thời bình, một thời chiến. Đó cũng là hai đề tài bao quát cho sáng tác văn học chúng ta hôm nay. Chúng ta miểu tả cuộc sống trước mắt, nhưng vẫn không quên chuyện chiến tranh. Còn lâu lắm, nhiều thế hệ về sau, cuộc chiến tranh chống Pháp chống Mỹ của chúng ra vẫn nung nấu trong đời sống và trong văn chương.
Một tác giả nữa tôi muốn nhắc tới là Hữu Nhân. Anh làm thơ, viết tiểu thuyết. Nhưng tôi muốn nêu ra đây một bài báo nhỏ của anh, viết năm 2002, nhân chuyến theo đội K91 lên Campuchia tìm hài cốt liệt sĩ. Đây là chuyện thật trăm phần trăm, có tên người, thời gian, địa chỉ cụ thể. Nhưng nhiều chi tiết khiến ta ngỡ ngàng xúc động, hơn bất cứ sự hư cấu nào. Ví như một lần bốc mộ, anh bắt gặp một cây nến. Anh đốt lên. Sau gần ba mươi năm, ngọn nến lại tiếp tục cháy. Đây là vấn đề tâm linh, hương hồn người quá cố. Văn chương cần sự thật này. Xu hướng văn xuôi thế giới ngày càng thiên về loại chuyện người thật việc thật. Người đọc không thích tô vẽ. Đồng Tháp có cả một kho tàng cho những chuyện kể như thế này, chúng ta cần triệt để khai thác.
Truyện ngắn tiếp theo tôi muốn nhắc tới, là truyện ngắn “Còn đó nỗi đau” của Nguyễn Phước Thảo. Vấn đề đặt ra trong truyện ngắn khá sâu sắc. Đây là vấn đề thuộc loại “hậu chiến tranh”, là nỗi đau sẽ còn dai dẳng nhiều năm, nhiều thế hệ về sau. Chuyện kể về đôi vợ chồng như mọi cặp vợ chồng khác. Chỉ có điều hơi ngược lại một chút: chồng là văn nhân, vợ là cán bộ nhà nước, đang thăng quan tiến chức. Lấy nhau nhiều năm họ vẫn chưa có con. Thật ra chị đã một lần sẩy thai. Người chồng tưởng mình hiểu tâm hồn con người, nghĩ vợ bận lo sự nghiệp không muốn có con. Thật ra anh không hiểu gì cả. Chị vợ chịu đựng, không muốn nói ra điều đau đớn hơn: chị bị nhiểm chất độc da cam. Chị đành chịu cho cảnh vợ chồng tan vỡ. Chị vợ chết, anh chồng còn lại với nỗi đau của mình, cũng là nỗi đau của đất nước, hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh.
Có một tác giả tôi thấy cần phải nhắc tới, tuy anh không phải người gốc Đồng Tháp. Nhưng anh gắn bó lâu năm ở đây, sáng tác của anh mang hơi thở của vùng đất này. Đó là anh Trần Quốc Toàn. Truyện ngắn “Suất hát đêm giao thừa” của anh được cả nước biết đến, mang hơi thở đặc trưng của Đồng Tháp, một câu hát kéo dài qua hai năm chỉ có thể ở xứ mênh mang đồng nước này. Truyện ngắn “Người quét chuồng chim” cũng là chuyện của Đồng Tháp, chuyện của con chim sếu nổi tiếng. Truyện thật ngắn, giản dị, công việc quét chuồng chim của một cô gái thật khiêm nhường, nhưng tình yêu của cô với con người vùng đất này thật vô cùng lớn lao.
Kết thúc phần trao đổi các sáng tác của Đồng Tháp, tôi xin giới thiệu một truyện ngắn khiến tôi bất ngờ trước vẻ đẹp giản dị của nó. Đó là truyện ngắn “Hoàng hôn xanh” của Nguyễn Phạm Đình Thảo. Truyện chỉ có mấy trang, thật ngắn, cốt truyện không éo le gay cấn, gần như là “không có gì”. Mở đầu một cách dung dị: “Tôi vẫn còn nhớ buổi sớm mùa thu đó. Hình như trời có mưa bong bóng…”. Và cứ thế tiếp nối. Hai đứa nhỏ trai gái nhà ở cạnh nhau, chơi đùa, giận hờn. Rồi xa nhau, cha mẹ đôi bên phải dời nhà, cuộc sống bươn chải làm ăn là như vậy. Năm năm sau gặp lại, cô gái đậu vào Đại học, anh con trai vẫn vùi đầu với con trâu cái cày. Hơi một chút ngỡ ngàng, anh con trai nói: “Mày đó hả Bê? Mày lạ quá, tao không nhìn ra”. Không có gì cả, chỉ là thời gian trôi qua, con gái lớn trước tuổi vậy thôi. Và rồi tiếp theo: “Sau này ra trường, mày có về đây dạy học không?”, anh con trai hỏi. Và cô gái đáp: “Có thể tao sẽ về…”. Chỉ vậy thôi, không hứa hẹn gì cả. Nhưng ta thấy một chút bâng khuâng, một chút tiếc nuối đối với vùng đất này, con người này. Đất và người như nhòa làm một. Chỉ như vậy thôi. Một truyện ngắn như một lát cắt của cuộc đời, đâu thể nói gì hơn.
Tôi xin nhắc lại, tôi chỉ nêu tên một số tác giả tình cờ đọc được, một số ít trong nhiều truyện đáng đọc của Đồng Tháp. Tôi hoàn toàn không có ý nêu những tác phẩm tiêu biểu, và chắc còn thiếu nhiều lắm, xin các bạn văn Đồng Tháp thông cảm.

Sau đây tôi có đôi điều trao đổi về công việc sáng tác. Tôi cũng là người của ĐBSCL, nhiêu năm gắn bó với vùng đất này. Vậy xin coi ý kiến của tôi không phải là ý kiến của người ngoài.
Đầu tiên, như tôi đã nói ở trên, không một nền văn học nào phát triển tốt nếu không có nền văn học dân gian, cùng di sản văn học của nhiều thế hệ đi trước. Tôi thật sự không hiểu tại sao hệ thống thư viện tự nhiên biến mất trên đất nước Việt Nam. Trước kia, hồi còn chiến tranh mỗi quận huyện đều có thư viện, ngay trong rừng chiến khu của chúng tôi, các cơ quan đều có thư viện. Giờ đây chúng ta chỉ có thư viện quốc gia, dưới đó không có gì cả. Ôn cố tri tân, Hội ta cần phải có thư viện, các nhà văn cần phải đọc, ôn lại văn của Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Hiến Lê, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Phúc Vân, Phi Vân, Minh Lộc, Lê Vĩnh Hòa… Có một nhà văn đã nói: “Viết văn là bắt chước người đi trước, và tiếp tục đi xa hơn”. Ta sẽ không viết văn tốt nếu không biết các thế hệ trước đã viết những gì. Chúng ta cần phải phát động phong trào đọc sách thường xuyên, văn chương trong nước và trên thế giới, tổ chức hội thảo những cuốn sách đáng chú ý. Một nhà văn bao giờ cũng phải cập nhựt tình hình văn chương trong nước và trên thế giới, phải biết người ta đang viết gì, tình hình văn chương trong nước và trên thế giới như thế nào.
Ta đọc sách để trau dồi tiếng Việt. Nghe có vẻ ngược đời, nhưng đúng là như vậy. Hằng ngày ta sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, thật ra chỉ quanh quẩn trong một số ít từ. Khi viết, chúng ta sử dụng nhiều từ vựng hơn, thường là gấp mười lần. Cho nên không cứ là người Việt là giỏi tiếng Việt. Chúng ta phải đọc sách để làm giàu thêm từ vựng tiếng Việt.
Có ba công việc nhà văn phải làm thường xuyên, không được ngưng nghỉ: viết, đọc và đi thực tế. Văn ôn võ luyện, một thời gian dài không viết, bút lực sẽ cùn mằn đi. Đi thực tế sáng tác cũng vậy. Văn học gắn liền với ngôn ngữ, nhà văn phải thường xuyên sống trong lòng nhân dân, lắng nghe tiếng nói của nhân dân, dù là tiếng lào xào ngoài chợ, trên tàu xe.Tiếng Việt là nguồn sống lớn nhứt cho văn chương. Việc đi đây đó, tiếp xúc với quần chúng lao động, sẽ tạo nên một đầu óc động cho sáng tác, những đề tài cốt truyện, những ý tưởng mới dễ nảy sinh hơn trong lúc nhà văn di chuyển.
Hội nên thường xuyên tổ chức trại sáng tác. Viết văn là công việc cả đời, không phải vô trại mới viết. Cái chính ở trại là để anh em gặp nhau trao đổi bàn bạc, động viên nhau viết. Môi trường bạn bè rất cần cho người viết văn, để rồi sau đó ngồi cô đơn trước trang giấy. Năm 1963, tôi và anh Quốc Việt, chủ tịch đầu tiên của Hội văn nghệ Đồng Tháp, dự trại sáng tác văn trong chiến khu chống Mỹ ở rừng miền Đông. Tuy chỉ có mấy tháng tập trung viết và trao đổi về nghề nghiệp, nhưng đến nay đã ngót nửa thế kỷ, những kỷ niệm về trại văn ấy đối với chúng tôi hết sức sâu sắc.
Chúng ta cần sự giao lưu, không chỉ trong tỉnh với nhau, mà phải nới rộng ra, giữa các vùng miền, khu vực. Các tỉnh biên giới phía Bắc có sáng kiến rất hay là tập hợp từng ba tỉnh kề cận, tổ chức chung các cuộc hội thảo, trại sáng tác, ngày thơ Việt Nam, các chuyến đi thực tế, hằng năm có họp tổng kết đánh giá. Phải chăng ta cũng nên làm như vậy, ba tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An có chung đồng Tháp Mười, hợp thành một khu vực rất có ý nghĩa.
Chúng ta có giải VHNT chung cho ĐBSCL, một giải thường rất đáng giá. Nhưng cũng cần hoàn thiện hơn. Ví như cần phải có một qui chế chấm giải chung cho 13 tỉnh.
Con người cuộc sống đều sinh ra từ một vùng đất. Tên làng tên xã, tỉnh thành ở miền Nam thường gắn với con sông, cánh đồng. Tỉnh Đồng Tháp gắn liền với Đồng Tháp Mười, cánh đồng rồi sẽ thành huyền thoại, thành ký ức, sẽ mãi mãi không mất đi, lưu truyền trong thơ văn nhiều thế hệ về sau.