Phải cẩn trọng hai tiếng Nhà Văn mà mình có được. Nói đến Nhà văn, trước hết câu chữ phải có “văn” đâu có là xác chữ như cánh môi phơi trên mặt nước giữa sân mưa. Đọc xong không thấy gì hết. Thật là sợ hãi! “Văn chương nếu không làm cho người đọc sống tốt hơn thì cần văn chương làm gì?”. Bây giờ tôi thấy có người lạm dụng hai chữ Nhà Văn. Họ chưa có tri thức độc lập, câu chữ thường chắp vá. Nói không quá là “ăn cắp” của người khác, bỏ vào túi mình làm của riêng. Bản thân anh ta không chịu dấn thân vào cuộc sống để có câu chữ. Muốn có câu chữ, Nhà văn phải can trường với bao sướng khổ của đời người để sáng tạo trên trang viết, tìm ra sự thật của lịch sử. “Sự thật” trong bản chất nó đã cho ta một sức sống kì diệu.




Từ trường hợp NGUYỄN HỮU ĐANG, nghĩ về nhân cách nhà văn

VÕ BÁ CƯỜNG

Ông như chiếc thuyền nan nhỏ, cũ kĩ, lặng lẽ khuấy nước, bơi trên sông Lương Giang. Đến khúc hai bờ hoa giành giành thả trắng. Ông bảo:
- Hoa mộc thơm thoảng như đời người! Ông thích, nên cắm sào thưởng ngoạn. Đó là ông Nguyễn Tiến Đoàn. Ông già ngụ tại Động Trung– Thư Vu Lương Giang cố cư.
Nhà ông ở sau dòng Lương. Quả thích thật! Tôi lại nghĩ ông thêm một khía cạnh khác. “Ông giống cây gạo cổ thụ đầu làng, sù sì, sứt sẹo, cô đơn một mình bên xóm vắng”.
Nơi tôi ở, cách ông một độ đường, phải đi qua dốc Cọi. Một lối xuống Lương Giang cố cư. Một lối rẽ Bồng Tiên, xưa thường có lính trạm đi bộ. Chiều xuống một chiếc xe thổ mộ với một con ngựa già gõ móng kéo mấy ông Chánh, ông Lý, từ Phủ Sóc  lên chơi tổ tôm, hát ả đào ở phố An Tập thị xã Thái Bình thường tôi xuống với ông, để học thêm chữ và bàn việc văn chương, “tịnh” không có việc khác. Nên tôi rất sợ gặp phải sự “lởm khởm” ở những vị khách lạ.
Ông Đoàn thường nhắc: “Đến thì phải a lô trước, để tôi thu xếp tiếp. Hồi này gió thu đổ tràn vào phố xá, những tay hoa đựng trong chiếc rổ thưa to, theo xe đạp thồ mang theo cúc trắng, cúc hoàng mi, bạch mai, cúc tím, cúc vạn thọ, từ làng Tống Vũ đi lên thành phố lẫn mùi cỏ dại. Nhìn hoa lại nhớ tới người. Tôi nhớ lại câu các cụ xưa dạy mỗi khi tiếp xúc với người khác cần chú ý: “sang hay hèn thường ở cốt cách. Vui hay buồn nhìn vào nét mặt” để mình liệu việc. Lần này tôi xuống ông là để tìm hiểu thêm về Nguyễn Hữu Đang. Thấy nét mặt chủ nhà thoải mái, còn cốt cách đích thị là sang trọng rồi Chưa nhấp hết chén trà ướp. Ông bập vào chuyện văn chương luôn.
- “Phải cẩn trọng hai tiếng Nhà Văn mà mình có được. Nói đến Nhà văn, trước hết câu chữ phải có “văn” đâu có là xác chữ như cánh môi phơi trên mặt nước giữa sân mưa. Đọc xong không thấy gì hết. Thật là sợ hãi! “Văn chương nếu không làm cho người đọc sống tốt hơn thì cần văn chương làm gì?”. Bây giờ tôi thấy có người lạm dụng hai chữ Nhà Văn. Họ chưa có tri thức độc lập, câu chữ thường chắp vá. Nói không quá là “ăn cắp” của người khác, bỏ vào túi mình làm của riêng. Bản thân anh ta không chịu dấn thân vào cuộc sống để có câu chữ. Muốn có câu chữ, Nhà văn phải can trường với bao sướng khổ của đời người để sáng tạo trên trang viết, tìm ra sự thật của lịch sử. “Sự thật” trong bản chất nó đã cho ta một sức sống kì diệu.
Nguyễn Hữu Đang, ông là nhà Văn hoá, Nhà văn, một trong những người sáng lập ra hội nhà văn Việt Nam năm 1957, mặc dầu ông chưa một lần cầm tấm thẻ Nhà Văn, ông là người vừa có tri thức độc lập, có tư chất Nhà Văn, năm 1957 nhà in Minh Đức xuất bản Thơ Chọn Lọc của Tản Đà. Thời ấy, nhiều người chưa thực biết về Tản Đà, chưa nghiên cứu về Tản Đà, mới “văn Kì Thanh” vội đem lại cho bạn hình ảnh “chích tiên” không đẹp lắm, Nguyễn Hữu Đang đã có bài viết đầu tập sách “xoá bỏ vài thành kiến về Tản Đà”. Bài viết kịp thời, có ích cho thế hệ mai hậu, hỏi mấy ai đã dám hạ bút. Rồi tai hoạ nghề nghiệp đến với ông sớm quá. Nhưng nó cũng giúp cho ông được cái gì? Bởi trong tai hoạ ông đã nhận ra mình là người rơi vào cái hố duy ý chí từ thuở mười lăm. Cứ thế càng cuồng tín, càng “hợm mình” tham thắng khi biết đến bí quyết sống “Tri túc” lấy làm đủ của đạo học thì đã muộn. Tai hoạ dáng xuống đầu Nguyễn Hữu Đang chẳng là chuộc cái sai lầm kém ôn hoà điềm tĩnh hay sao?
Sự thật ở ông Đang là thế nào? Đến nay chưa có một nhà văn dám dấn thân đi tìm hiểu cho ra nhẽ?
Cái vụ ấy xẩy ra năm 1956 – 1957, mấy chục năm rồi? Ai cũng sợ, cũng chẳng dám nói. Cái lạ ở nước mình nó là như vậy.
Ai cũng bảo không một thế lực nào đánh đổi được lương tâm. Lương tâm con người là cao thượng nhất. Nhưng lạ thay, vì sự an toàn của cá nhân mình có người tự đánh mất lương tâm, chẳng ai có thể tha thứ cho kẻ đó. Nhà văn chúng ta lại càng không thể tha thứ.
Thế thì việc ông Đang và bao nhà văn khác bị oan trái, đã có mấy ai cất lên tiếng nói của lương tâm để tìm ra lẽ phải.
Ông Đoàn rủ tôi ra gốc lạp mai hóng gió. ở đấy già có một cái ô che nắng. Ông nói: “Giữ được lương tâm để vượt qua nỗi khổ đau như ông Đang đâu dễ? Cuối đời về làng Trà Vi (Vũ Công) ông đã chuẩn bị cho mình một chỗ chết để không phiền luỵ đến ai. Làm được việc đó, phải có ý chí mãnh liệt, khả năng tu thân thật đáng nể? Nhớ hôm tôi đón ông Đang từ chợ Đậu về Trà Vi, dọc đường hai tôi có ghé vào một quán nước vắng đầu làng. Bà lão bán quán đon đả nói với ông Đang.
- Lâu nay cụ trốn ở đâu mà kín tiếng thế? Tưởng cụ ngả bệnh thì khổ? Cái nắm lá bánh cụ nhờ tôi phơi khô còn dắt ở mái kia! Ông Đoàn tròn vo mắt hỏi ông Đang.
- Sao ông lại đi nhặt lá bánh.
- Vì việc đi nhặt lá bánh cũng gây cho tôi bao rắc rối. Họ đã theo tôi, rình tôi ở các chợ nghèo vùng quê. Tôi biết đó là nhà chức trách cho người đeo bám, xem tôi thường ngày ra chợ làm gì? Khi thì họ thấy tôi xem khảo giá thóc gạo, khi đi lẫn vào đám đông xem giá gà lợn, nếm điếu thuốc lào. Thường nửa buổi chợ bị đầy lá bánh mới ra về. ông hỏi tôi nhặt lá bánh để làm gì ư? Tôi nhặt kiếm chút bột khi người ta ăn còn sót lại, gợt vào miệng chén. Có phiên chợ kiếm được lưng chén, có phiên chỉ được trôn chén, đem về cho tí vôi quấy kĩ dùng để dán sách. Sách là quí hơn cả ông ạ! Còn lá phơi khô nấu được nồi cơm con lợi cả đôi đằng.
Ông Đoàn nói qua nước mắt.
- Khốn nạn thân anh. Mà sao đời anh cứ gắn chặt với giấy mực để khổ đến thân. Cái nghề làm văn, làm báo xem ra cũng bạc. Các bậc đàn anh như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố... Nào có sướng gì? Mà liệu họ đã thả hẳn anh chưa? Hay còn bị theo dõi.
- Đằng sau tôi bao giờ chẳng có bóng ma. Có lẽ những con “ma” ấy theo tôi xuống mồ mới yên. Còn ông hỏi tôi sao thích nghề làm báo. Bởi báo chí nắm quyền lực thứ tư (Quatrieme Pouvoir) có chức năng hướng dẫn dư luận xã hội. Napôleon đã nói: Nếu giao chiến với dư luận xã hội, tôi sợ. “Bởi không có loại pháo binh nào công phá được dư luận. Chỉ có chinh phục nó bằng sự công bằng và hàng hoá rẻ.” Cho nên tôi thích làm báo.
Một giáo sư thần học Ianđghia người Nhật hai mươi năm dạy học ở Tôkiô. Ông đã tìm hiểu tận cùng sâu sắc hai chữ “Tự do” cũng mất trọn hai mươi năm. Tôi già rồi, đường còn xa mà trời đã xế. Sự sống vĩ đại lắm chứ? Nhưng sống phải tự do. Bác Hồ đã nói: “Độc lập mà không có Tự do, thì cái độc lập ấy cũng trở nên vô nghĩa.”
Ông Nguyễn Tiến Đoàn vào nhà trong bê ra cho tôi xem mấy bộ sách quí của ông Đang để lại, trong đó có bộ Tam Tuyệt Vi Biên nói về Kinh Dịch. Theo chuyện người xưa Khổng Tử đã đọc bộ sách quí này nhiều lần đến tuột gáy, rách giấy. May thay bộ “cảo thơm” thời nay ông Đang vẫn kiếm được. Ông học người xưa lần dở đến mờ mắt, thủng giấy, cần bồi dán lại cho lớp người sau. Rồi tập “Điều Lệ Đảng Liên Xô”, ông kêu người ta dịch sai nhiều chỗ, ông dịch lại chưa xong, lúc coi lợn ở chuồng trại Hợp Tác xã Vũ Công.
Ông Đoàn ngồi xuống ghế, nhẹ nhàng bảo:
- Ông Đang là người tư duy không biết mệt mỏi, là người độc lập tri thức. Đấy là tư chất Nhà văn. Lần sau ông đến thăm tôi, mang theo mấy tấm lá gai, ăn mặc trông lôm nhôm loan nhoan. Đúng như cụ Môm bạn tâm giao ở xã Bình Minh Kiến Xương tả.
“ủng cao su. áo ngự hàn/ Hệt như ông lão dời làng di cư”. Hôm ấy đã là mùa xuân, mà cụ vẫn đánh bộ “đông hàn”. Ông ngồi đọc tặng tôi đôi câu đối: “Nào công – Nào tội – Rằng nhục – Rằng vinh. Thương số phận Khuất Nguyên, Nguyễn Trãi/ Vẫn nước – Vẫn nhà- Biết thời – Biết thế. Quí cuộc đời Phạm Lãi Trương Lương”. Rồi ông bình giảng. “Nguyễn Trãi theo đuổi lí tưởng thanh bần và công bằng, như Bác Hồ đề ra công bằng, bác ái. Còn nhân vật Phạm Lãi, Trương Lương, đều có thái độ hành xử giống nhau. Vì họ biết  “Thỏ chết thì bỏ nỏ”. Thời nào cũng vậy.
Ông Đoàn mặc bộ đồ nâu, gấu ống đã xổ, kéo tôi ra bờ sông Lương, ghé tai nói nhỏ: “Bây giờ nhiều người ăn “bửa” quá!”. Nửa người, nửa ngợm, xập xí, xập ngầu, sống không nghiêm cẩn, biết thế nào mà nói được? Người tử tế, tìm được nhau, chơi với nhau là quí.
Ông thường lấy sự chân tình ứng xử với bè bạn. Hôm nay tôi và ông đón gió thu bên bờ sông Lương quả thi vị. Nhìn con thuyền nan trôi dưới sông ông nói:
- Dù thời thế có ra sao chăng nữa, thì giới nhà văn vẫn phải sống cho nghiêm cẩn “trong câu chữ, trong lối sống, giữa danh và lợi, để tự khẳng định mình. Phải có chủ kiến như ông Đang lúc bước vào vòng lao lí vẫn giữ được nhân cách.”
Trong Liêu Trai Chí Dị có câu: “Kẻ đọc sách là một giai tầng đáng kính trọng.” Còn JêSe Marti lại nói: “Trong cuộc đời mỗi người, nên trồng một cái cây, đẻ một đứa con, viết một cuốn sách.” Tôi hiểu như vậy bèn mời ông Đang đi sưu tầm nghiên cứu lịch sử Thái Bình. Ông trả lời tôi: “Rất tiếc vài chục năm nay, tôi đã từ bỏ con đường tập thể cải tạo môi trường, đấu tranh xã hội, để theo con đường cá nhân, thích ứng cầu an. Cầu an mà chuộng nhàn, còn nghiên cứu lịch sử vừa khó nhọc, vừa có thể va chạm, gay go. Tôi bây giờ “tạng” yếu không dám làm”. Anh đã biết đấy . Tôi đã trải qua một cơn bão táp và tổn thất đáng kể. Nhưng không sao, như một câu tục ngữ Phương Tây nói: “Tai vạ cũng tốt cho cái gì”. Nhờ tai vạ tôi tỉnh ngộ, xa dần lí tưởng Chân – Thiện – Mĩ. Những lí tưởng ấy tự nó không có hại. Cái hại ở chỗ ham mê, bởi ham mê đưa đến chỗ quá đáng. Quá đáng làm mất thăng bằng, phá vỡ sự hài hoà. Vả lại thế nào là (Chân, Thiện, Mĩ) cũng còn bàn cãi chưa xong.
Trong những ngày sống thêm, sống co lại của đời tôi, chút năng lực còn sót lại, tôi dùng vào việc suy nghĩ. Không suy nghĩ căng thẳng vì ích nước, lợi dân mà chỉ suy nghĩ những việc nhẹ nhàng thoải mái vì thích thú riêng. Tích cực hay tiêu cực, không thành vấn đề nữa. Một trò chơi không hơn, không kém...
Ông Đoàn nói như khóc:
- Chỗ tôi và nhà văn đang đứng Bác Đang thường một mình hóng gió, lòng đầy tâm sự. Ông ấy là người can trường có gan đứng trên dư luận. Ông chịu sự hiểu lầm, trước bao lời báng bổ sấm sét của thói đời ghen ghét trong nguyên tắc tục lệ cũ. Sự sống “khác người” của ông, không thích a dua, phỉnh nịnh, đã dẫn ông đến cuộc sống gian nan.
ít lâu sau tôi nhận được thư của ông, đề ngày 1/8/1981. Ông chép bốn câu thơ của Tô Đông Pha, theo ông đây là bốn câu thơ tuyệt vời... “Nhân sinh đáo xứ tri hà tự/ ưng tự phi hồng đạp tuyết nê/ Nê thượng ngẫu nhiên lưu chỉ trảo/ Hồng phi na phục kế đông tê.”  Tạm dịch “Cuộc đời con người từ đâu mà đến. Giống như lốt chân con chim hồng đạp trên tuyết. Vết chân  chim hồng lưu lại là sự ngẫu nhiên thôi. Chim hồng bay đi cái gì kế tục nhỉ? Đoạn kết ông Đang viết: “Ông Đoàn ạ! Cuộc sống là một trò chơi. Hết thảy mọi việc lớn nhỏ đều là trò chơi. Ta chơi không cay cú...”
Tiếng ông Đoàn nói trong xa vắng “Tưởng người như lại thấy người về đây”. Ông là người thành lập Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ. Rồi làm Trưởng Ban Lễ Độc Lập ngày 2/9/1945. Làm Thứ Trưởng Bộ giáo dục. Biên tập viên tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam.
Đời ông lên thác xuống ghềnh ở mặt trận với nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Đến khi bước vào Hoả Lò, mới thấm được tư tưởng Lão Đam “bất tranh” “bỏ tham thắng” thì đã muộn.
Ông bị “om” mấy chục năm nhắc lại ai cũng thảng thốt. Ông được phục hồi danh dự, được cấp nhà, phòng 303 – B2 tổ 30 khu tập thể tầng hai Bộ Tư Pháp (Cống Vị). Được trả lại quyền công dân, cấp thẻ cử tri số 117 ngày 15/5/2002 được hưởng lương hưu.
Những ngày sống thêm với một quan niệm nhân bản “cầu sự bình yên, trong cảnh thanh bần”.
Rồi ông mất, cơ quan Hội Nhà văn – Bộ Giáo dục do bà Trần Thị Ngọc Mai, Thứ Trưởng đứng Trưởng Ban tang lễ. Nhiều nhà văn, nhà tri thức, các nhà khoa học, sử học, đến viếng. Cụ Mười Hương Trưởng Ban bảo vệ nội bộ TW Đảng đến dự từ đầu đến cuối, đưa cụ Đang ra đài Hoàn Vũ. Trong đám tang người ta loáng thoáng nghe thấy hai tiếng Nhân Văn. Sau khi ông mất, tôi có gặp cụ Mười Hương để hỏi việc ông Đang ở khách sạn Minh Tâm Đà Lạt (phòng 103). Cụ nói: “Chuyện khác thì thôi không bình luận nhưng cái chi tiết Nguyễn Hữu Đang bị gián điệp đàn bà lung lạc thì tôi không tin. Anh là người sống chung thuỷ và nghiêm túc.”
Trước khi rời khỏi cố cư Lương Giang, tôi nói với ông Đoàn rằng: :Tôi đã đọc và giành thời gian tìm hiểu về ông Đang. Nói không quá tài liệu cũng tàm tạm đủ về con người này. Tôi thấy ông là người sống chừng mực. Biết dừng lại giữa danh và lợi, làm việc có cốt cách của kẻ sĩ. Người biết huy động tài trí của dân vào ngày cụ Hồ ra mắt Quốc dân đồng bào. Người dám nói thẳng, là người hiểu mình lại vượt được mình sống Nghiêm Cẩn mọi mặt.