Nhà văn – Nhà phê bình Tô Hoàng nhấn mạnh trong bài phỏng vấn:
“Nhiều “ông chủ” loại phim “mì ăn liền”
xem phim truyện truyền hình nhiều tập bây giờ, họ bảo, phim “mì ăn liền”
trước kia của họ còn nghiêm túc, đứng đắn, được chăm nom về quay, về dựng chán
vạn lần phim truyện truyền hình bây giờ. Họ nói, nếu gọi phim thuở ấy của họ là
“mì ăn liền” thì nên gọi phim truyện truyền hình bây giờ là “liền ăn mì”- tức cứ
bốc bột mì sống sít cho thẳng vào miệng, chả cần gia công, nêm nếm, chế biến gì
cả! Như vậy mới 20 năm, tính từ dầu những năm 1990 tới nay cấp quản lý Điện ảnh
của Nhà nước đã hai lần buông khỏi tay cái chức năng mà họ luôn luôn kêu gào khắc khoải: Định Hướng! Định Hướng!”
Nhà văn - nhà phê
bình phim Tô Hoàng:
ĐAU ĐỚN VÌ MỘT NỀN ĐIỆN ẢNH ĐANG CHẾT LÂM SÀNG
Làm quen với Nghệ Thuật Thứ Bảy từ những năm 1950 bằng các bộ phim Xô
Viết, khi theo cha lên chiến khu Việt Bắc; chứng kiến sự ra mắt của những bộ
phim truyện Việt Nam đầu tiên ở Hà Nội; theo học khoa đạo diễn phim tài liệu điện
ảnh và truyền hình ĐH Quốc gia Điện ảnh
Liên Xô (1980-1986), sau này trở thành người làm phim phóng sự- tài liệu quân đội.
Chừng ấy có thể coi nhà văn - nhà phê bình phim Tô Hoàng là một trong những chứng
nhân của 60 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam (15/3/1953-15/3/2013). Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với
ông Tô Hoàng về “ngày xưa ấy” và những gì liên quan đến sự sống còn của nền điện ảnh dân tộc hôm nay.
@ Được biết, vào năm 1959 ông đã xem “Chung một dòng
sông” (ĐD: Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu
Dân)- bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam hầu như
ngay trong những buổi công chiếu ra mắt. Ấn tượng nào từ phim ông lưu giữ lâu
nhất ?
Tô Hoàng: Tôi còn
nhớ như in cảm giác được nghe các nhân vật trên phim nói bằng tiếng Việt, lời
ăn tiếng nói yêu ghét hàng ngày của những người dân bình thường như anh Vận, chị
Hoài.Chuyện ấy bây giờ chắc là điều bình thường đối với các bạn trẻ. Nhưng khi
đó là một điều huyền diệu, gây ấn tượng cực mạnh với tuổi niên thiếu của chúng
tôi. Trước đó chúng tôi chỉ được nghe lời bình bằng tiếng Việt trong phim thời
sự- tài liệu Việt Nam; hoậc lời thuyết minh tiếng Việt trong các bộ phim truyện
của Liên xô, Trung quốc. Tôi yêu tiếng nước
tôi từ khi tôi mới ra đời mà. Nói vậy để thấy, ngay cả phim truyện thuở ấy
được đánh giá, được thẩm định trước hết bằng lòng yêu nước, niềm tự hào về chiến
công của cha anh; chứ tuyệt nhiên chưa phải bởi nhu cầu giải trí thuần túy.
Quả là những năm tháng ấy, điện ảnh đầy sức hấp dẫn, quyến
rũ. Nó như một thiên đường Nghe- Nhìn kỳ ảo. Chả thế mà, khi
chúng ta triển khai làm phim truyện nhiều nhà văn lớn như Nguyễn Huy Tưởng, Tô
Hoài, Kim Lân, Bùi Hiển… cũng bị “hút hồn” hăng hái, say sưa bắt tay viết kịch
bản văn học. Xin nói ngay, Điện ảnh ngày nay đánh mất niềm tin yêu và sự hấp dẫn
giới nhà văn, hãy coi đây là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng văn học
của phim ảnh ngày càng xuống cấp. Điện ảnh ngày ấy không chỉ là thiên đường hấp
dẫn mà còn được coi là một lĩnh vực giáo dục, tuyên truyền cực kỳ quan trọng. Tôi
được nghe kể lại, trong một số cuộc gặp gỡ với các nhà điện ảnh Á Phi thuở đó,
nhiều đồng nghiệp nước ngoài còn tỏ ý ghen tỵ với điện ảnh nước ta vì được Nhà
nước tín nhiệm, giao cho những trọng trách văn hóa, tư tưởng như vậy. Chả thế
mà những người được tuyển chọn vào khóa 1 ngành đạo diễn như các ông Trần Vũ, Huy
Thành, Hải Ninh, Nguyễn Văn Thông…đều phải từng là cán bộ quân đội cấp tiểu
đoàn trở lên hoặc trưởng phòng văn hóa cấp huyện, cấp tỉnh. Phim truyện Việt
nam những năm 1960,1970 có phim dở, phim coi được, phim hay, nhưng người làm
phim đều dốc hết cả tâm huyết, tình yêu, sự vô tư, trong sáng, chẳng ai đong đếm
hơn thiệt thù lao là gì. Còn công chúng người xem đón nhận mỗi bộ phim với tất
cả sự chờ đợi, hoan hỉ, chia sè …Hệt như đón đợi một bữa ăn tinh thần không thể
thiếu. Chính mối tương quan ấy mà Điện ảnh Việt nam có được những trang vàng
trong quá khứ.
@ Vậy chắc ông dễ dàng nêu ra những nét khái quát nhất về những thế mạnh của mấy chục năm điện ảnh cách mạng…
Tô Hoàng: Nhiều
người thường nghĩ chỉ điện ảnh thị trường mới quan tâm đến số lượng đông đảo
người xem; mới làm ra những bộ phim “hút” khán giả tới rạp. Theo tôi, chính nền
điện ảnh cách mạng đã biết lấy đông đảo quần chúng làm đối tượng phục vụ của
mình. Ai mang phim ảnh ra khỏi các phòng
chiếu sang trọng ở thành phố để đưa phim về nông thôn, lên miền núi ? Ai chiếu cho bà con nông dân ở các làng xóm xem
miễn phí? Ai mang phim vào chiếu cho bộ đội tại các chiến trường? Tôi còn nhớ
rành rõ, ở Hà Nội vào những năm sau khi bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô có 5 bãi
chiếu bóng là Lương Yên, Khương Thượng, Cầu Giấy, Yên Phụ, Đống Đa, mỗi đêm mỗi
bãi hút cả vạn người xem, với vé vào cửa rẻ hơn giá một que kem. Bọn trẻ chúng
tôi cứ mê man lang thang hết tữ bãi này qua bãi khác.Tôi cho đây không chỉ là ưu
điểm đầu tiên mà còn là thế mạnh của điện ảnh cách mạng, Đáng tiếc là những năm
gần đây tinh thần phục vụ như thế bị xem nhẹ hoặc bị bỏ quên.Điểm mạnh thứ hai,
phim ảnh thời đó là món ăn không hề có độc tố. Tôi còn nhớ rõ cha mẹ chúng tôi thường khuyến khích con cái đi xem
phim. Đưa con tới rạp họ không nơm nớp lo sọ bị tiêm nhiễm bạo lực hay sex, bị vẩn
đục tâm hồn. Điện ảnh cách mạng một thời được xem là lớp học, là nơi giáo dục
tinh thần, lý tưởng của người xem. Sao nào, chả lẽ đây là điều đáng kêu ca, phê
phán ư?Thế mạnh thứ ba, phim ảnh thời đó thấm đượm tính nhân văn, mang thiên chức
xã hội sâu sắc.Phim ảnh biết lấy người lao động với khát vọng và vui buồn của họ
làm đối tượng miêu tà chủ yếu.Cùng với các lĩnh vực văn hóa khác, phim ảnh đã
góp phần khích lệ lòng yêu nước, ý thức
tự tôn dân tộc, ngợi ca chiến công, lòng dũng cảm-những điều đã tạo nên chiến
thắng trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp,chống Mỹ.
@ Còn những nhược điểm,
thưa ông?
Tô Hoàng: Theo
tôi nhược điểm lớn nhất là vận dụng điện ảnh thành công cụ phục vụ chính trị, minh
họa đường lối một cách sống sít, gượng gạo,
coi yêu cầu chính trị cao hơn, lấn át yêu cầu nghệ thuật. Những bộ phim vượt
qua được những căn bệnh như vậy đã trở thành “ tác phẳm để đời” như Chim vành khuyên, Chị Tư Hậu…, Gần đây
vào mỗi tối Chủ Nhật , VTV1 đã cho công chiếu những bộ phim “ ngày xưa” ấy. Tôi
tin rằng nhiều tác giả của những bộ phim đó nhận ra sự lên gân lên cốt, bệnh
rao giảng, sự thuyết lý gượng gạo, sống sít…chắc các anh các chị đã rút ra được
những suy ngẫm cần thiết. Còn chúng ta cũng không nên cười cợt hoặc đòi hỏi cao
ở họ . Không ai thoát khỏi dấu ấn trong nếp nghĩ, nếp cảm; không thóat khỏi đâu
những định chế, những chuẩn mực và yêu cầu xã hội của những năm tháng đó..
@ Ông nghĩ sao về thời
kỳ phim “mì ăn liền”?
Tô Hoàng: Tôi vẫn
luôn luôn nhìn ra mặt tích cực của thời kỳ này. Điện ảnh Sài Gòn nói riêng, điện
ảnh phía Nam
nói chung đã đi tiên phong, đã làm những bước thực nghiệm bổ ích về công cuộc xã hội hóa điện ảnh.
Điều đáng buồn, đáng nghĩ ngợi là các cơ quan quản lý điện ảnh cấp vĩ mô nói
riêng, Nhà nước nói chung đã không sớm tỉnh táo để nắm bắt, đúc rút kinh nghiệm
của thời kỳ ấy. Để phải đến gần chục năm sau mới hốt hoảng, quáng quàng kêu gọi
xã hội hóa một cách xô bồ, nộm tạm, thả nổi hoạt động điện ảnh trôi theo dòng
“mạnh được yếu thua, khôn sống mống chết”.
@ Tình hình phát triển
ào ạt, thậm chí hỗn loạn của các sở sản
xuất phim truyện truyền hình và thực trạng xuống cấp đáng báo động về chất lượng
phim như hiện nay có được ông xếp vào việc xã hội hóa xô bồ, nộm tạm ấy không?
Tô Hoàng: Vâng,
chính nó đấy!
@ Khi thời kỳ phim
“mì ăn liền” đi vào ngõ cụt, trên màn ảnh
nhỏ HTV, VTV đã xuất hiện những vị “ cứu tinh”… Hẳn ông còn nhớ chứ?
Tô Hoàng: Cám ơn
anh đã nhắc nhở. Khi dòng phim đấm đá, võ thuật, áo trắng, các nàng Lọ Lem vớ
được các Hoàng tử Việt kiều hoặc các Đại gia đã trở nên món ăn xào sáo y chang nhau
khiến người xem no chán, các Hãng phim của HTV, VTV bỗng cho xuất xưởng một loạt
phim nghiêm túc, chỉn chu, bám sát đời sống, coi trọng những niêm luật nghề
nghiệp khiến khán giả như người chết đuối bỗng tìm được chiếc phao cứu sinh.
Hãy nhớ lại những bộ phim của cái thuở ban đầu lưu luyến ấy như “ Đất
khách”, “ Cha con Đậu đũa”, “ Đất Phương Nam”, “ Blue trắng”, “ Đồng tiền xương
máu”… của HTV, “Mùa hoa cải ven sông”, “Mẹ chồng tôi”, “Người Hà Nội”, “Của để dành”…
của VTV. Xin nói ngay, thành công của những bộ phim này trước hết là bởi Nhà nước
còn trợ cấp đồng vốn một cách đầy đủ,chu đáo để giúp các tác giả có điều kiện đầu
tư chất xám và công sức lao động cho bộ phim một cách thich đáng. Ôi,ví như Nhà
nước thông minh, tỉnh táo ra vẫn bảo đảm cấp vốn duy trì vệt phim này trên sóng
chí ít ra là của hai đài HTV, VTV, giữ lấy chuẩn mực tư tưởng, thẩm mỹ, làm nhiệm
vụ chúng ta quen gọi là “định hướng”, thì phim truyện truyền hình nhiều tập đâu dẫn đến tình
trạng bát nháo, nhăng nhít như bây giờ? Nhưng nguồn “sữa mẹ” ngon bổ ấy không
những bị Nhà nước “cắt cầu”, chính Nhà nước lại dung dưỡng cho sự ra đời của
hơn 80 đài truyền hình với hàng trăm
kênh phát sóng, kênh nào cũng đua nhau phát hình 24/24 giờ mỗi ngày. Lấy gì
nhanh, nhiều, tốt , rẻ mà phủ sóng đây, ngoài món ăn béo bở-phim truyện truyền
hình nhiều tập?
Anh biết
không, nhiều “ông chủ” loại phim “mì ăn liền”
xem phim truyện truyền hình nhiều tập bây giờ họ nói gì không? Họ bảo
phim “mì ăn liền” trước kia của họ còn nghiêm túc, đứng đắn, được chăm nom về
quay, về dựng chán vạn lần phim truyện truyền hình bây giờ. Họ nói, nếu gọi
phim thuở ấy của họ là “mì ăn liền” thì nên gọi phim truyện truyền hình bây giờ
là “liền ăn mì”- tức cứ bốc bột mì sống sít cho thẳng vào miệng, chả cần gia
công, nêm nếm, chế biến gì cả!
Như vậy mới 20 năm, tính từ dầu những năm 1990 tới nay cấp
quản lý Điện ảnh của Nhà nước đã hai lần buông khỏi tay cái chức năng mà họ
luôn luôn kêu gào hướng tới: Định Hướng! Định Hướng!
@ Có lần, ở đâu đó ông
đã từng báo động nền điện ảnh chính thống của chúng ta hiện nay như con bệnh đã
chết lâm sàng. Nếu chỉ được nêu một liệu pháp cấp cứu, ông chọn giải pháp nào?
Tô Hoàng: Tôi xin
nói ngay, mong Nhà nước hãy có chiến lược về Nền Điện ảnh dân tộc. Hoặc vẫn
kiên trì theo đuổi một nền Điện ảnh coi trọng hàng đầu mấy chức năng Tuyên truyền,
Giáo dục. Hoặc xây dựng Điện ảnh như một ngành công nghiệp giải trí sinh lời
cho kinh tế đất nước. Cách này hay cách khác Nhà nước cũng phải mở hầu bao ra.Đừng
theo gợi ý thực dụng, thiển cận của ai đó mà dùng Truyền hình thay cho Điện ảnh.
Nhà nước phải dành cho điện ảnh những
khoản kinh phí đáng kể- ví như kinh phí xây dựng đường giây tải điện 500 kw,
xây dựng Cảng Dung Quất…Để đưa nhân tài ra học ở nước ngoài, để mua sắm trang
thiết bị đồng bộ, để xây những khu trường quay tối tân, hiện đại, để trao đổi
giao lưu…Tức để lập một cơ quan tạo máu mới cho một nền Điện ảnh đang ung thư tủy!
Chúng ta đã có một nền Điện ảnh nghiêm túc, tử tế, bén rễ
vào những giá trị nghệ thuật đích thực. Chỉ khi biết gìn giữ, nuôi dưỡng căn cốt
ấy, điện ảnh nước ta mới khỏi trải qua con đường vòng của sự lạc lối, mày mò do
đồng lợi nhuận làm mờ mắt; mới tìm ra con đường ngắn nhất để hội nhập với những
nền điện ảnh tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Nhìn xa một chút như vậy, chúng
ta sẽ thấy ngay Nhà nước vẫn phải nắm lấy tương lai của một nền Điện ảnh đã ra
đời từ trong đạn bom, khói lửa; đã biết làm ra những bộ phim mang sức nặng xã hội
và trở thành món ăn tinh thần bổ ích cho hàng triệu triệu người.
Không thể vô tình chuyển qua đôi vai tư nhân những thiên chức
cao đẹp đã từng có ấy được đâu!
@ Những năm gần đây, gần
như đã tồn tại một định kiến, hễ cứ nói tới những bộ phim được làm bởi đồng tiền
tài trợ của Nhà nước là lập tức bị gán ghép cho tội “ tiêu phí phạng hàng tỷ tỷ
tiền thuế khóa của nhân dân, để làm ra một bộ phim không có người xem, đắp chiếu
nằm trong kho”. Ông nghĩ sao về ý kiến
này?
Tô Hoàng: Quả là
cũng có vài ba bộ phim “cúng cụ” làm ra để đón vài dịp lễ lạp rơi vào tình trạng
đó. Còn nhìn chung ra, định kiến trên là cách nhìn nông nổi, cạn cợt của một số
nhà báo trẻ viết phê bình, giới thiệu
phim. Hơn 20 năm qua kể từ khi chúng ta bước vào cơ chế thị trường, có nhiều bộ
phim được Nhà nước tài trợ, đồng thời được hưởng bầu không khí cở mở, dân chủ
nên đã tạo ra những tác phẩm đạt tới sự khái quát hóa nghệ thuật, đạt yêu cầu
thẩm mỹ cao và những khai phá nghệ thuật mà phim ảnh những năm 1970, 1980 không
thể có được. Có thể nêu ra đây những bộ phim sau: “Canh bạc” và “Ngã ba Đồng Lộc”
của Đạo diễn Lưu Trọng Ninh, “Thương nhớ đồng quê” của Đạo diễn Đặng Nhật Minh,
“Đời cát” của Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, “Rừng đen” của Đạo diễn Vương Đức, “Thung
lũng hoang vắng” của nữ đạo diễn Phạm Nhuệ Giang… Xin các nhà báo trẻ nhớ rằng,
khách quốc tế đến VN họ chỉ xác nhận gương mặt thật sự của nền Điện ảnh dân tộc,
tính cho tận tới năm 2013 này qua những bộ phim trên thôi.
@ Một câu cuối cùng: Tính từ “Chung một dòng
sông”- bộ phim truyện đầu tiên của nền Điện ảnh cách mạng ra đời vào năm 1959
tính cho tới hôm nay Điện ảnh nước ta đã có tới vài trăm bộ phim màn ảnh lớn.Ông
có thể chọn một bộ phim nào theo ý ông là xuất sắc nhất trong ngần ấy bộ phim,
được không?
Tô Hoàng: Không
phải một mà là hai. Bộ phim hoàn bích nhất cả về sức khái quát của đề tài, về
những giá trị thẩm mỹ cao, về trình độ tay nghề; kể cả về sức giao lưu trên màn
ảnh thế giới-tức đạt tới những vấn đề toàn thế giới đang quan tâm, tôi chọn bộ
phim “Mùa Len trâu “ của Đạo diễn Việt Kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Bộ phim thứ
hai tiêu biểu cho sản phẩm phim ảnh hút khách, hứa hẹn doanh thu cao, nhưng được
làm khá kỹ càng, công phu, không rơi vào tình trạng chụp giật, lừa lọc người
xem-tôi chọn phim “ Dòng máu anh hùng “ của Hãng phim Chánh Phương. Theo tôi,
hai bộ phim này tựa như đã vạch ra con đường cần đi, phải đi của nền Điện ảnh
nước ta!
@ Xin cám ơn ông về cuộc
trò chuyện cởi mở, thẳng thắn.