Giải thưởng Hội Điện ảnh VN mang tên Cánh Diều vừa tổ chức vinh danh những tác phẩm xuất sắc vào đêm 9-3-2013 tại Nhà hát Truyền hình TPHCM. Giải thưởng cao nhất lần này dành cho thể loại phim tài liệu khiến nhiều người chú ý vì tác phẩm đề cập trực diện đến một chân dung nghệ sĩ quen thuộc với công chúng: họa sĩ Nguyễn Thị Hiền. Với Cánh Diều Vàng trao cho hai đạo diễn Vũ Minh Bảo và Nguyễn Lê Văn, cùng Cánh Diều Bạc trao cho bộ phim “Dòng chảy không có tận cùng”, dường như Hội Điện ảnh VN muốn khẳng định thêm một điều rằng, những thước phim tư liệu về văn nghệ sĩ cũng hoàn toàn trở thành tác phẩm nghệ thuật xuất sắc nếu khai thác hiệu quả và hợp lý!



PHIM TƯ LIỆU VỀ MỘT CUỘC ĐỜI TƯƠNG TÁC NHIỀU SỐ PHẬN

Trong một lần sưu tầm tài liệu của gia đình cố nhà văn Kim Lân, các tác giả đã bắt gặp câu nói của họa sỹ Nguyễn Thị Hiền - là con gái cả của nhà văn Kim Lân: “Tôi đang đứng ở nơi này, nghĩ về dòng chảy của nghệ thuật hội họa mà tôi đã đi trong suốt cuộc đời. Thầy tôi bảo: “Nó không có khởi đầu và không có kết thúc”. Rồi một câu nói khác của họa sỹ Nguyễn Thị Hiền: “Cuộc sống như một món quà, và tôi hạnh phúc vì được sống, được làm việc như một dòng chảy không ngừng, chảy mãi đến hết cuộc đời mình”.

Chính vì suy nghĩ về dòng chảy cuộc đời, về lời của người cha dăn dạy con gái, nhóm làm phim Ban Khoa Giáo - Đài THVN đã có ý tưởng xây dựng kịch bản cuốn phim tài liệu nghệ thuật: Dòng chảy không có tận cùng”. Kịch bản do Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh chấp bút, khai phá bộ phim bằng lối diễn tả mang tính tự sự của nhân vật. Phim không kể chi tiết về tiểu sử của nhânvật người họa sỹ, mà thông qua cuộc đời của họa sỹ Nguyễn Thị Hiền, phim mang tính khái quát, với những triết lý sâu xa, với lời bình dung dị, đã khiến người xem có những cảm xúc đặc biệt, nhiều trường đoạn đã gây xúc động trong lòng khán giả.

Với bố cục chia làm 7 phần trong phim, với những cái tên: “Quả đồi cháy ở Nhã Nam”; “Dũng cảm là chính mình”; “Mỗi gương mặt một cuộc đời”; “Trong bóng tối vẫn phải là dòng chảy, là ánh sáng”; “Giao cảm và mầm sống”; “Cội nguồn và những con chữ”; “Dòng chảy không có tận cùng”, các tác giả của phim đã tạo dựng thành một tác phẩm như những trường đoạn thơ đầy lãng mạn và triết lý của cuộc đời. Những hình ảnh trong phim đã dẫn dắt người xem về sự lao động nhọc nhằn, gian khó, đầy trăn trở của cuộc đời nữ họa sỹ Nguyễn Thị Hiền. Bao giờ, người họa sỹ ấy cũng cảm ơn cha mình là nhà văn Kim Lân, người thầy đầu tiên đã dẫn dắt chị đi vào con đường hội họa. Trải qua nhiều những khúc quanh của cuộc đời, chị đã tin nghệ thuật là sự thăng hoa. Thăng hoa trong sự sáng tạo và nỗi nhọc nhằn của sự tự phủ định, phủ định và không bằng lòng với chính mình, để đến với sự sáng tạo mới không dừng. Nó vừa là nghiệp, vừa là hạnh phúc trong sự thăng hoa. Nhưng dẫu là thăng hoa hay là nghiệp, thì việc được sống trọn vẹn với nghệ thuật, tìm thấy sự tự do trong sáng tạo, tìm thấy chính mình, vẫn là hạnh phúc lớn lao nhất. Với lối kể chuyện tâm tình, sâu lắng và những khuôn hình ấn tượng, âm thanh sinh động, đã thấy rõ hình ảnh một nữ họa sỹ đủ bản lĩnh để hợp lưu với những phong cách, những họa phái khác nhau vào cùng một bút pháp. Người xem cũng không thấy sự chênh phô, sự gượng gạo trong tả cũng như trong kể, trong thực cũng như trong hư, trong ấn tượng cũng như trìu tượng. Đi giữa dòng chảy qua những bức tranh Nguyễn Thị Hiền là đi giữa một thế giới vừa gần gũi, vừa xa vời, vừa thân thuộc, vừa khác lạ. Những hình khối bố cục trong từng bức tranh đã dội về tâm tư với những nét vui buồn. Ở đấy, những hoài niệm về tình yêu, cuộc sống, những thân phận con người tạo nên những dòng chảy vô tận.

Hình ảnh trong phim đơn sơ, giản dị nhưng rất đời thường, từ cảnh những năm tháng chiến tranh trên nóc nhà cao, dân quân bắn máy bay, phía dưới nhìn xuống hồ gươm, dàn nhạc giao hưởng, và những họa sỹ đang sáng tác những bức tranh. Đến cảnh đẹp của Tây Hồ, những con thuyền, những cảnh vật làng quê, hình ảnh người mẹ đi chợ về, các pho tượng phật được mờ chồng vào hình mặt người, tiếng sóng biển dữ dội … đã tạo nên một tổng thể cảm xúc, khiến người xem đi từ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng về một con người đã hòa mình cùng dòng chảy của đất nước, đã sống hết mình và hết lòng vì nghệ thuật. Dòng chảy có lúc nhanh, lúc chậm, lúc chắt chiu, lúc ồ ạt, lúc dễ dàng, thanh thoát, lúc âm thầm như mạch nước ngầm, lúc vượt lên thác ghềnh … Khiến người xem đầy xúc động. Phim đã được dàn dựng theo cách thể hiện mới mẻ mang tính nghề nghiệp cao.

Phim đoạt giải thưởng Cánh diều Vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất, giải Cánh diều Bạc cho phim (không có Cánh diều Vàng cho loại phim tài liệu nghệ thuật năm nay) đã không chỉ mang lại niềm vinh dự và tự hào cho Đài truyền hình VN nhưng điều quan trọng hơn là sự động viên lớp trẻ sẽ có nhiều cách làm phim mới và tham gia nhiều hơn vào sân chơi của Hội Điện ảnh Việt Nam. Đây có lẽ là cơ sở để dòng chảy phim tài liệu của Đài truyền hình VN sẽ hòa cùng dòng chảy của Điện Ảnh Việt Nam để đi đến nhiều thành công mới trong nghệ thuật.

Khi kết thúc cuốn phim, người xem vẫn còn đọng lại hình ảnh và câu nói của nhà văn Kim Lân: “Dòng chảy không phải chỉ đến đấy là tận cùng, mà đến cái chỗ tận cùng còn nhiều cái tận cùng khác nữa.” Và câu nói của họa sỹ Nguyễn Thị Hiền: “Cuộc sống như một món quà, và tôi hạnh phúc vì được sống, được làm việc như một dòng chảy không ngừng , chảy mãi cho đến hết cuộc đời mình”.