NGUYỄN ĐỨC TÙNG kể chuyện Nhà
Bảy năm đầu tiên của đời mình, ngôi nhà của cha mẹ tôi là nhà tranh vách đất sau hòa bình lập lại, chia đôi đất nước. Sau đó chúng tôi c...
http://www.lethieunhon.vn/2013/03/nguyen-uc-tung-ke-chuyen-nha.html
Bảy năm đầu tiên của đời mình, ngôi nhà của cha
mẹ tôi là nhà tranh vách đất sau hòa bình lập lại, chia đôi đất nước. Sau đó chúng
tôi chuyển qua nhà mới khang trang hơn, cha tôi xây mất ba năm ở trên khu vườn
rộng mới mua gần đó. Đổi nhà nhưng vườn vẫn giữ, tôi thường chạy qua chạy lại để
hái trái cây, mùa hè suốt ngày ngồi vắt vẻo trên những cành ổi la đà trong khu
vườn cũ thuở trời đất thanh bình đầu những năm sáu mươi. Vì vậy mà chẳng có nhiều
thay đổi. Rồi tôi đi xa, ở trọ nơi này nơi khác. Tôi đã từng đếm và nhớ được mười
hai địa chỉ khác nhau ở Việt Nam và mười địa chỉ rải rác trong tám thành phố
Canada mà tôi đã từng ở, trước khi mua một ngôi nhà nhỏ bên bờ Ngũ Đại Hồ, gần
khu vực một ngàn hòn đảo. Rồi lại bán nhà, sau một cuộc tình tan vỡ, cay đắng nhưng
không bất ngờ, rồi lại mua nhà, rồi lại bán nhà, sau một cuộc tình tan vỡ khác,
bất ngờ nhưng không cay đắng, rồi lại mua nhà. Giữa hai lần mua và bán là hai lần
thuê nhà hay thuê phòng tạm trong các chung cư
NHÀ
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Một người hàng xóm mới dọn vào. Đó là một người đàn
ông da trắng, cao, rắn chắc, khoảng ngoài bốn mươi nhưng tóc đã bạc, hàm râu không
cạo lốm đốm. Trò chuyện làm quen qua mấy bụi sơn trà, anh hỏi: đằng ấy đã
ở đây bao lâu? Khi biết tôi ở một chỗ gần mười năm, anh tròn mắt ngạc nhiên: lâu
thế kia à? Trong cuộc sống nhiều thay đổi hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn,
người ta ít khi nào cư ngụ lâu một nơi: mười năm đối với nhiều người là lâu lắm.
Mỗi khi về nước, tôi thường đi dọc đường Trương
Minh Giảng, ghé đại học Vạn Hạnh, tức đại học Sư Phạm ngày nay, trước tôi có một
người bạn gái học ở đó, hay đi trên con đường trước bệnh viện Biên Hoà, gần căn
nhà quen thuộc của nàng, thấy mỗi năm hay vài năm các tên đường, tên hẻm, lại bị
đổi một lần. Đổi tên xoành xoạch nhiều như thế thì trẻ em lớn lên làm sao có ký
ức bền vững? Thanh niên làm sao có tuổi thơ thơ mộng? Chúng yêu nước ra sao?
Có lẽ một phần vì vậy mặc dù nhu cầu gia đình mỗi
ngày một lớn, khi nhiều người cùng lúc đến thăm không có phòng riêng để ngủ, phải
nằm lăn trên sàn nhà, mà bạn bè của tôi thì đông, tôi vẫn ngoan cố không chịu đổi
nhà. Bạn có bao giờ nghĩ đến việc lập một danh sách những ngôi nhà mà mình đã từng
sống qua?
Bảy năm đầu tiên của đời mình, ngôi nhà của cha
mẹ tôi là nhà tranh vách đất sau hòa bình lập lại, chia đôi đất nước. Sau đó chúng
tôi chuyển qua nhà mới khang trang hơn, cha tôi xây mất ba năm ở trên khu vườn rộng
mới mua gần đó. Đổi nhà nhưng vườn vẫn giữ, tôi thường chạy qua chạy lại để hái
trái cây, mùa hè suốt ngày ngồi vắt vẻo trên những cành ổi la đà trong khu vườn
cũ thuở trời đất thanh bình đầu những năm sáu mươi. Vì vậy mà chẳng có nhiều
thay đổi. Rồi tôi đi xa, ở trọ nơi này nơi khác. Tôi đã từng đếm và nhớ được mười
hai địa chỉ khác nhau ở Việt Nam và mười địa chỉ rải rác trong tám thành phố
Canada mà tôi đã từng ở, trước khi mua một ngôi nhà nhỏ bên bờ Ngũ Đại Hồ, gần
khu vực một ngàn hòn đảo. Rồi lại bán nhà, sau một cuộc tình tan vỡ, cay đắng
nhưng không bất ngờ, rồi lại mua nhà, rồi lại bán nhà, sau một cuộc tình tan vỡ
khác, bất ngờ nhưng không cay đắng, rồi lại mua nhà. Giữa hai lần mua và bán là
hai lần thuê nhà hay thuê phòng tạm trong các chung cư.
Những căn phòng và ngôi nhà tôi thuê có thể gọi
là nhà được chăng? Năm 1996, suốt nửa năm trời tôi đã từng sống trong căn lều của
người đi săn, cũng gọi là cabin mùa hè, bên bờ hồ, gần chân núi. Ở đó tôi đã gặp
một con gấu hiện ra ngay trước mặt, sau một khúc quanh, khi chạy bộ trong rừng.
Buổi sáng thức dậy trời mù sương, một con hươu nhỏ kê đầu lên cửa sổ tò mò nhìn
vào mặt tôi đang ngủ. Mặt nước ngoài xa xanh biếc lăn tăn gợn sóng. Những ngày
vô cùng buồn, những ngày vô cùng vui, những ngày muốn tự tử, hay muốn thay đổi
thế giới, những ngày tự do với những ý tưởng trong suốt như pha lê, như ánh phản
chiếu của những cây thông dưới đáy hồ lặng lẽ, tưởng vẫn còn thơm mùi trái thông
tươi. Chúng đứng im lìm như những ý tưởng minh triết đã hoá thành cây cối.
Sáu tháng sau khi người hàng xóm của tôi mới dọn
vào, anh ta lại dọn đi cùng với vợ và đứa con gái ba tuổi tên Natasha, một cái
tên rất Nga, mặc dù cha mẹ không phải là người Nga. Tôi định bụng sẽ hỏi vì sao
họ đặt cái tên đó nhưng chưa có dịp. Một hôm tôi đang đứng trong vườn sau nhìn qua
nhà hàng xóm, vắng vẻ chưa có người thuê mới, ngẩn ngơ nhớ người hàng xóm nói
giọng Pháp gốc Quebec vui tính mới quen đã vội chia tay, nhớ con bé Natasha nhí
nhảnh, tóc hung đỏ, có cái nốt ruồi rất đậm trên má, hay trò chuyện với tôi qua
hàng rào, thì một người khách lạ đến đẩy cổng xin phép vào vườn ngồi một lát. Đó
là một ông già bảy mươi hay tám mươi tuổi, cao, ốm yếu, chòm râu bạc lưa thưa.
Tôi ngạc nhiên hỏi chuyện rồi miễn cưỡng mời ông
vào. Ở cuối vườn sau nhà tôi có một cây sồi nhiều tuổi, cao vút tỏa bóng mát rộng
lớn. Buổi sáng tinh mơ, một loài chim biết hót, lông vàng, có lẽ là họa mi, thường
về đậu trên ngọn cao, hót từng tiếng gióng đôi suốt nhiều giờ, mùa hè này đến mùa
hè khác. Thấp hơn, ở giữa chừng, một con chim bách thanh chuyên nhái giọng các
loài chim khác. Có hôm nó nhái được cả tiếng dế kêu. Gần gốc cây, dưới thấp, đôi
khi một con chim gõ kiến thoăn thoắt mổ như người thợ tận tụy công việc. Ông lão
kể rằng, lúc lên mười hai tuổi chính tay ông đã trồng cây sồi này. Nay vừa đúng
sáu mươi năm. Nhà cũ đã bị phá đi làm lại, đổi chủ nhiều lần, nhà mới mọc lên trên
nền cũ, cây cối và cảnh vật hoàn toàn thay đổi, nhưng riêng cây sồi vẫn còn đây.
Tôi cảm động, rút lui, để ông ngồi một mình sau khi mang cho ông ly nước trà nóng
và một cái ghế nhỏ.
Suốt buổi, từ cửa sổ phòng làm việc thỉnh thoảng
tôi nhìn ra, người đàn ông vẫn ngồi trong bóng mờ cho đến khi hoàng hôn chập
choạng. Tôi không kịp hỏi hiện nay ông ở đâu, gia đình con cái ra sao, chỉ qua
câu chuyện trước đó biết rằng ông rời khỏi căn nhà mà tôi đang ở gần năm mươi năm
về trước lúc tình nguyện nhập ngũ và ngay sau đó được gửi qua châu Âu tham gia
trận đánh nổi tiếng ở Normandie. Và đây là lần đầu tiên ông trở lại khu vườn cũ
của mình. Tôi đi xuống nhà bếp pha ấm trà mới, sắp ra dĩa một ít bánh ngọt, định
bụng mời ông vào nhà nghỉ ngơi một lát. Khi tôi ra vườn, thì người khách lạ đã đi
mất. Tôi nhìn quanh, trên chiếc ghế ông ngồi chỉ còn lại chiếc tách đã uống cạn
và một cuốn sách không có bìa, kiểu bỏ túi, giấy vàng cũ. Đó là một cuốn tiểu
thuyết tôi không biết nhan đề, không rõ tác giả là ai, vì mất cả bìa trước lẫn bìa
sau. Tôi cũng không biết ông tình cờ bỏ lại hay cố tình. Cuốn sách ấy ông mua
trong một hiệu sách cũ như tôi vẫn thường làm, hay nhặt được dọc đường, chẳng có
giá trị gì cả mà nhiều khi chúng ta tiện tay thì cầm lên rồi bỏ lại? Hay đó là
một cuốn sách quan trọng đối với cuộc đời một con người mà ông quyết định để lại
bên thân cây sồi già như lời từ biệt sau cùng đối với người bạn cũ?
Một kỷ vật, một món nợ ân tình trầm trọng mà sau
bao nhiêu năm đeo đẳng đến nay ông không còn cần phải mang theo nữa?
Trên trang thứ hai, ở dưới hàng chữ đề tên nhà
xuất bản, có một dòng chữ bằng tay mực đã nhoè nhưng vẫn còn đọc được khá rõ ràng:
cho Mary Howe thân yêu, mùa Giáng Sinh 1939.