Hoa sen nơi đâu cũng có nhưng nhiều nhất, đẹp nhất là sen ở miền Tây các tỉnh An Giang, Đồng Tháp… Đẹp là vì ngày còn làm lúa mùa đồng ruộng mênh mông, đất còn nhiều đìa, bào, vũng, lung, hoa sen, bông súng mọc bát ngát đất trời. Là vùng mỗi năm có mùa nước nổi lênh đênh, mùa khô đất nẻ chân trâu những đầm hoa sen là món quà thiên nhiên như bù lại cho đồng ruộng. Từ lá, hoa, củ, rể (ngó) của sen món nào cũng xài được, nhứt là thuở chưa có bọc ni lon, lá sen được dân nghèo cắt mang ra chợ bán cho người gói hàng đổi gạo. Nơi nào có sen nới đó nước được lắng trong, nước chua hóa ngọt quy tụ các loại thuỷ tộc, chim chóc. Những buổi trưa hè tôi với lũ trẻ trong xóm hay bơi xuồng ra đầm tắm mát, bẻ gương sen ăn. Rồi cả bọn nằm ngửa mặt nhìn trời mây bay, lắng tai nghe tiếng chim kêu, con cá đớp móng, xung quanh lá hoa toả hương thơm dìu dịu.



NHỚ HOA SEN

Tạp bút của NGÔ KHẮC TÀI

I.
            Đức Phật đứng trước hội chúng Linh Sơn tay cầm một cành hoa đưa lên không nói năng. Tất cả hội chúng im lặng người này nhìn người kia duy chỉ có Đại Đức Ma Ha Ca Diếp mắt sáng lên và mỉm cười. Trong kinh không nói đó là hoa gì nhưng suy từ chuyện Phật mỗi lần thuyết pháp xung quanh hiện ra muôn ức hoa sen. Chắc chắn cành hoa của Phật là sen không thể hoa nào khác, sự tích. Niêm hoa vi tiếu” từ lâu nó như vậy. Bỗng dưng người bạn tôi đặt ra vấn đề, giả dụ Phật đưa hoa huệ, hoặc hoa hồng, đại đức Ma Ha Ca Diếp cũng mỉm cười. Tóm tắt người đã ngộ thì hoa gì cũng thấy bát nhã chân như. Có chắc như vậy không. Anh chờ tôi tranh cải nhưng tôi lại làm thinh, bởi chân lý  thuộc người xưa lập lại không do cả hai tự khám phá, cải không khéo rồi tôi cũng như anh rơi vào chỗ tự biện cố gò sự vật vô cho vừa gót chân. Sau đó ít lâu, hai đứa đi chơi giữa đường Bảy núi về Hà Tiên, giữa đồng không mông quạnh tình cờ gặp một đầm sen lá chen hoa rộ nở. Hại đứa dừng xe lại ngắm hoa, nhớ chuyện cũ tôi hỏi - Thí dụ như đầm sen nầy là vườn hoa hồng hoặc thứ hoa nào khác, nó có gì khác nhau. Bạn tôi gật đầu im lặng sau ít phút mới nhẹ nhàng trả lời . Hoa hồng tuy là biểu tượng của tình yêu nhưng nó dừng lại ở chỗ làm đẹp con mắt người. Riêng hoa sen mang lại cho người cảm giác nhẹ nhàng, tâm hồn nghe thanh thản. Tôi cười thầm, anh muốn nói gì thì nói, chắc là đã quên việc cũ, tuy nhiên lần này anh thật lòng - rõ ràng thiên nhiên với bao phẩm chất tốt đẹp vốn có, như một chánh pháp đặc biệt dành hết cho hoa sen. Tất cả nằm trong hoa sen. Từ dưới bùn nhô lên sen vẫn sạch sẽ lá trơn tuột không dính nước dơ. Lá hoa màu sắc hài hoà, hương thơm dìu dịu mà không quyến rũ ong bướm. Nhân quả đồng hiện, hoa sen vừa trổ ra đã có gương, có hột. Hột sen phơi khô để dành hàng chục năm sau vẫn không có mối mọt ( đó là hạt giống bồ đề, tâm bất thối chuyển). Và điều kỳ diệu của hoa sen là cải tạo môi trường làm cho xung quanh trở nên thanh tịnh vui lên, các giống hoa khác thì chỉ trong phạm vi nó đứng thôi, xung quanh ít có ảnh hưởng, hoá ra hình ảnh hoa sen từ lâu đã ăn sâu vô tâm thức mọi người, được dịp tâm thức mới hiện ra như trường hợp bạn tôi. Từ xưa hoa sen đi vào trong thơ ca. Một thiền sư Nhật Bản đứng lên ga xép nhìn cảnh tiển đưa, cạnh đó có ao sen. “Cánh sen chiều. Nở bên ga xép, Chia niềm quạnh hiu”. Thấy sao nhà thơ thiên sư viết vậy, với một loài hoa chắc không đủ sức bay xa đi vào lòng người. Là người VN ai không thuộc bài ca dao “ trong đầm gì đẹp bằng sen”. Gần đây có nhiều lời đề nghị chọn hoa sen làm quốc hoa nhưng lúng túng vì Ấn Độ xí phần lấy hoa sen làm quốc hoa từ lâu. Hơn nữa hoa sen còn là hoa gợi nhớ hình ảnh đức Phật, sự hoàn thiện phi thường của Phật biến cuộc đời buồn ra vui. Lạc vô dư (vui không dứt). Như là sen từ dưới đáy hồ tăm tối lạnh lẽo nhô lên nhìn trời thanh thiên trổ đoá hoa an nhiên tự tại. Quên, còn một điều nữa là khi sen rũ khô héo nó vẫn không hư thối, môi trường xung quanh vẫn tiếp tục sạch sẽ.

II.
            Hoa sen nơi đâu cũng có nhưng nhiều nhất, đẹp nhất là sen ở miền Tây các tỉnh An Giang, Đồng Tháp… Đẹp là vì ngày còn làm lúa mùa đồng ruộng mênh mông, đất còn nhiều đìa, bào, vũng, lung, hoa sen, bông súng mọc bát ngát đất trời. Là vùng mỗi năm có mùa nước nổi lênh đênh, mùa khô đất nẻ chân trâu những đầm hoa sen là món quà thiên nhiên như bù lại cho đồng ruộng. Từ lá, hoa, củ, rể (ngó) của sen món nào cũng xài được, nhứt là thuở chưa có bọc ni lon, lá sen được dân nghèo cắt mang ra chợ bán cho người gói hàng đổi gạo. Nơi nào có sen nới đó nước được lắng trong, nước chua hóa ngọt quy tụ các loại thuỷ tộc, chim chóc. Những buổi trưa hè tôi với lũ trẻ trong xóm hay bơi xuồng ra đầm tắm mát, bẻ gương sen ăn. Rồi cả bọn nằm ngửa mặt nhìn trời mây bay, lắng tai nghe tiếng chim kêu, con cá đớp móng, xung quanh lá hoa toả hương thơm dìu dịu. Nhưng đẹp nhứt là hồ sen  của ngôi chùa trong làng rộng hàng mẫu đủ các loại sen trắng, sen hồng. Vào những ngày rằm theo người lớn đi chùa lễ phật rồi được nhà chùa đải ăn cơm chay có những món làm từ sen. Các sư cô trong chùa rất khéo còn ướp trà sen chia lại cho những ai thích uống trà (ở quê mua bán số lượng ít hoặc của chùa làm ra không nói là mua mà nói là chia lại)
            Vườn địa đàng ở đâu không biết, tuổi thơ ở quê thì cánh đồng với những đầm sen trải dài trong nắng chiều chính là chốn địa đàng. Và ngôi chùa với cảnh già lam hồ sen lá chen hoa chính là cõi tịnh độ của bao người, đâu có xa. Để rồi trong khung cảnh êm đềm thanh bình, người ở quê qua đó như tỉnh ngộ ra mọi việc trên đời quay về với chân tâm. Nhân đây xin nói. Đạo Phật khác mọi tôn giáo ở chổ tự giác, ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, không mời gọi không ràng buộc mọi hình thức nghi lễ . Điều này thật là hay cũng lại là dỡ …  Ngày rằm người kéo nhau đi chùa lủ lượt, ngày thường người theo đạo Phật sinh hoạt như thế nào không có qui định rõ ràng cụ thể. Thế nhưng đạo Phật truyền từ đời này sang đời kia, tự nhiên hòa hợp với tập quán phong tục Đạo Phật diệu diệu thâm thâm. Tỉ như ở miền quê tôi. Mỗi sáng khi tiếng chuông chùa ngân lên báo hiệu ngày mới bắt đầu, người theo tiếng chuông lục đục thức giấc. Việc làm trước hết là nấu nước pha trà cúng Phật, sau đó ngồi lại bên nhau uống bình trà sớm chuyện trò bàn việc đồng áng trong ngày. Nếu như coi đó là sinh hoạt của những người lớn tuổi thì mỗi tối, lớn hay nhỏ gì cũng phải lạy Phật - một thói quen mà giống như giới luật không thể thiếu của một ngày trong đời. Có thể nói ở quê không nhiều kinh sách, mà có cũng không thể hiểu hết bao điều cao sâu vì trình độ Phật pháp không cao. Tuy nhiên, mỗi khi ăn cơm chấp hai tay xá xá trước khi ăn, mỗi tối đứng trước bàn Phật niệm ba câu Nam Mô A Di Đà Phật, ngọn lửa tâm linh như chỉ cần bấy nhiêu mà luôn thắp sáng được ủ nóng. Người như vậy được định tâm, định tánh qua đó sắp xếp đời sống, đối đãi xung quanh nhẹ nhàng. Người quê sống thanh thản không nặng nề tham vọng. Ở quê tất nhiên là nghèo hơn chốn thị thành, sau nầy lớn lên tôi mới hiểu thế nào là giàu, thế nào là nghèo. Tuy nhiên tôi và bạn bè xa quê đi mỗi người một nơi, mới biết vì sao đứa nào cũng nhớ về làng quê nghèo với tình cảm sâu nặng. Gặp nhau mỗi đứa lại một chuyện, ký ức nhớ nhớ quên quên, lạ sao, hình ảnh đầm sen quê nhà và tiếng chuông chùa mỗi sáng, mỗi chiều ngân nga, mới biết nó đã hoá thành tâm hồn.

III.
            Nhớ hoa sen. Đoá hoa không muốn làm đẹp mà vẫn đẹp thanh khiết. Không muốn toả hương. Hương như ngủ mà hương sen dịu dàng đánh thức giác quan người. Tôi còn nhớ mùa hè năm đó, bãi trường không biết làm gì mỗi sáng cùng bạn bè kéo nhau ra đồng. Chơi một lát thấy chán một đứa bày trò ngồi bên đầm sen lựa những búp sen sửa soạn nở rình coi nó nở. Tôi không nhớ rõ là đứa nào, tuy nhiên cái việc cả bọn ngồi rình hoa sen nở có từ người lớn. Thỉnh thoảng người lớn trong xóm thức khuya uống trà xem hoa quỳnh. Đám trẻ con không thể thức theo để nhìn , đoá hoa quỳnh giữa khuya trời không gió mà run lên rồi từ từ nở xoè ra, những giây phút thật thú vị. Thay vô đó chúng ngồi trông hoa sen nhưng có tên nào nhìn thấy đâu. Cành hoa sen theo nhè nhẹ lay động, chờ lâu quá thỉnh thoảng quay mặt nhìn nơi khác. Vì sự nôn nóng không tập trung, cứ theo quay đi quay lại cánh hoa bung ra khoe những nhuỵ vàng từ lúc nào. Sau này khi tìm hiểu đạo Phật, thấy Phật dạy về “Sự thật đệ nhất nghĩa” tiếp cận thế giới như chơn, như thực có. Muốn vậy phải thanh lọc gạt bỏ hết mọi ảo tưởng, ảo kiến để có những giây phút tỉnh tặng sáng suốt, từ đó nhìn các pháp như thực tướng. Tôi bổng nhớ lại kỷ niệm cũ trực quan qua đó có thể hiểu được lời Phật dạy, nhưng hiểu là một lẽ, để được thong dong trong rừng bước đi giữa cuộc đời bận rộn đa đoan vươn tới chân lý thực tại thật không dễ dàng…. Nhất là thực tại ngày nay thấy rõ rệt những bước tiến về phương tiện vật chất nhưng về mặt tinh thần nó ra sao……
            Nhớ hoa sen. Từ chỗ mỗi năm trồng một mùa lúa xạ chuyển qua lúa thần nông mỗi năm ba vụ, đồng ruộng không còn lung, vủng ao đầm dành cho hoa sen. Văn hoá ẩm thực quảng bá đề cao tìm tòi đủ món ăn, như cái gì cũng ăn được, nên người có trồng sen thì trồng để lấy hột, lấy củ, ngó bán được nhiều tiền hơn bán bông sen. Nếu như trước đây ở chợ lúc nào cũng có bán hoa sen, nhất là rằm. Ngày nay ở chợ hoa nào cũng có, thêm nhiều giống hoa mới du nhập từ nước ngoài… riêng hoa sen rất ít khi thấy mặt.
            Kể cũng lạ. Hoa sen là biểu tượng của đạo Phật. Hình ảnh thiền môn mái ngói đỏ rêu phong với hồ sen là hình ảnh truyền thống xa xưa ăn sâu vào lòng người, nó là chỗ dựa cho người đang đứng trước nguy cơ tụt hậu về tinh thần. Giả sử nhà chùa không có đất thì cũng có một hai chậu hoa sen cho ra cảnh Phật. Thế nhưng các ngôi chùa gần đây xây dựng qui mô lại như quên điều cốt yếu nầy không chừa chỗ cho sen mọc. Hoặc chùa có hồ sen lại lấp đi thay vào đó một vườn cây kiểng đắt tiền. Chắc là quí thầy  muốn khoe với người cảnh Phật giàu sang, ngặt nổi cái giàu của Phật không phải như vậy nên người tìm đến cửa thiền như đến chơi vườn sinh thái. Nhớ hoa sen, nhiều năm nay vào những ngày rằm tôi lang thang rảo quanh các khu chợ, chợ bán hoa đầy dẩy đủ loại nhất là hoa thọ, hoa cúc vàng một góc trời. Chợ ngày nay buôn bán dập dìu hơn ngày xưa nhưng lại không thấy bán hoa sen, lòng tôi bâng khuâng mơ hồ điều gì đó. Mùi hương sen đã có trong tiềm thức như giục tôi chạy xe, chạy mãi ra ngoại ô cách nhà trên mười cây số để tìm sen. Cuối cùng tôi cũng gặp bên góc vườn nhà ai một hồ sen. Tôi xuống xe bâng khuâng run run như gặp người bạn cũ mừng đến ứa nước mắt. Tôi không thể giải thích tại sao mình lại như vậy, hoa gì cúng Phật không được, có phải mình quá bảo thủ. Hay là hình ảnh miền quê, ngôi chùa thời thơ ấu nó có ảnh hưởng đến nữa cuộc đời về sau. Thực tại cũng giống như hoa sen dịu dàng cánh hoa ôm lấy đài gương, hằng sinh cũng như hằng diệt. Không có cách nào khác đành phải chấp nhận để lòng được thanh thản, để rồi vào ngày rằm tôi phải chịu khó chạy xe ra ngoại ô mua sen mang về nhà. Mỗi lần như vậy ngắm hoa sen tôi cảm thấy an ủi tâm hồn. Cho đến một ngày, cuộc sống, hoa sen ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu bất ngờ. Năm vừa qua tôi đi dự trại sáng tác hai tuần lễ ở Bình Dương, nếu như hoa sen giờ đây rất ít khi được nhìn ngắm, tình cờ tôi phát hiện Thành Phố Bình Dương ở một con đường vào sáu giờ sáng người mang hoa sen bán rất nhiều. Ngày nào cũng có những nhành hoa sen tím, trắng còn đọng sương đêm, hai ngàn một bó cột sáu nhành hoa sen, ai đi trễ khoảng tám giờ thì không còn. Tìm chỗ có lại không, ở chỗ chẳng mong lại có tôi bất ngờ ngạc nhiên nên mỗi sáng dậy sớm ngẩn ngơ bên góc chợ dõi theo những người mua sen thử đoán họ là ai và mua để làm gì. Bình Dương là đất mới công nghiệp tập trung người tứ xứ khắp mọi miền đất nước. Ở đâu có hoa sen ở đó có bóng dáng Phật tuy nhiên tôi không thể quả quyết Phật bỏ chỗ nầy đi chỗ kia, theo chân người về đây. Nhưng tôi có linh cảm hình như góc chợ bán hoa sen kia với sự  phát triển thịnh vượng của Bình Dương có mối liên quan. Như trường hợp văn hoá Nhật và Đại Hàn với nền kinh tế của họ. Xin ghi lại nhận xét cho các nhà nghiên cứu xem có đúng như vậy.