Ngày Thơ Việt Nam cũng nên mở nhiều chuyên đề để tọa đàm, hội thảo, trưng bày, triển lãm hoặc trình diễn; cũng có thể mời hoặc đặt hàng những nhà lý luận – phê bình viết tham luận theo chuyên đề nhưng phải mang tính thời cuộc. Đặc biệt, chú trọng vào các trào lưu mới, để tất cả chúng ta (chú ý đến đối tượng sáng tạo của học sinh – sinh viên, vì đối tượng này sẽ là sự kế thừa cái cũ và phát huy cái mới phát triển) đối thoại hoặc trao đổi và để thấy được những thủ pháp nghệ thuật mới hay phương thức biểu đạt mới trong tính cách đột phá cái mới, qua đó, chúng ta không chỉ bắt nhịp được hơi thở mới của thời đại mà còn phát triển trong tư duy sáng tác của mình.

      

BÀN THÊM VỀ NGÀY THƠ VIỆT NAM

LÊ HƯNG TIẾN

11 năm qua đánh dấu sự ra đời của Ngày Thơ Việt Nam là một sự kiện văn hóa đặc biệt trong đời sống thơ ca của dân tộc. Tôn chỉ mục đích của hoạt động này chủ yếu đem lại giá trị tinh thần cho Thơ cũng như những người yêu thơ; đồng thời phản ánh được không khí, môi trường và bản chất nghệ thuật của Thơ đang hiện tồn trong xu hướng thời đại với nhiều thể loại, đa phong cách, kể cả các phương thức diễn đạt thông qua sự hội nhập và phát triển văn hóa toàn cầu. Ngày Thơ Việt Nam không chỉ tôn vinh những thành quả lớn lao của cha ông ta mà còn ghi nhận những cống hiến của thế hệ sau đang và sẽ làm nên diện mạo mới trong nền văn học nước nhà.    
Quả thật, trong thời gian qua, các tỉnh thành đều long trọng tổ chức Ngày Thơ Việt Nam như là một lễ hội Thơ gắn kết nhiều bản sắc văn hóa dân tộc của mỗi vùng – miền. Sức sống mới của Thơ ngày càng lan tỏa khắp mọi nơi trên đất nước, và đang dần khẳng định giá trị bền vững của mình trước sự xâm nhập ồ ạt của các loại hình nghệ thuật khác ở bên ngoài. Không chỉ dừng ở đó, sức sáng tạo của Thơ ngày càng đột phá hơn trong tư duy, quyết liệt hơn trong cách tân và đa dạng hơn trong thể loại – hình thức. Và có lẽ, hơi thở của Thơ hôm nay đang bắt đầu nảy sinh những khuynh hướng mới hoặc một trào lưu nào đó cùng quyện hòa, đan xen, bổ túc và song hành với các loại hình nghệ thuật khác để tiếp biến rồi phát triển nâng lên bậc.       
Có thể thấy màu sắc của Ngày Thơ Việt Nam tại Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Bình Định, Phú Yên, GiaLai, Cần Thơ, Tiền Giang,… lộng lẫy và sôi động hơn các tỉnh thành khác. Đặc biệt, ở hai đầu đất nước Hà Nội – Sài Gòn được tổ chức quy mô lớn, hội tụ các gương mặt sáng giá trong cả nước tham gia trình diễn, thu hút được sự kiện từ công chúng, góp phần nên hiện tượng mới cho văn học nhằm phát huy tâm thế sáng tạo, bắt kịp hơi thở thời đại cùng với xu hướng đa phong cách.       
Tuy nhiên, thời gian trở về sau, Ngày Thơ Việt Nam hình như đang đánh mất dần tầm quan trọng của mình. Ngoại trừ các thành phố lớn, đa số ở các tỉnh lẻ tổ chức chỉ để chiếu lệ. Có nơi bỏ ngỏ hoặc chỉ tổ chức tọa đàm sơ sài, đơn giản. Có nơi tổ chức nhiều chương trình cho có vẻ đặc sắc, phong phú nhưng chất lượng không là bao! Có nơi tổ chức trong phạm vi 2 – 3 tiếng cho qua loa nhưng có nơi lại tổ chức kéo dài trong 4 – 5 ngày. Hoặc có nơi tổ chức mà công chúng đến dự chỉ khoảng dăm ba chục, thậm chí công chúng toàn là U50 – U60 trở lên. Hơn nữa, có nơi tổ chức thường niên mà các cấp lãnh đạo của tỉnh đi đâu đâu không thấy, nói chi đến các hội viên cũng như công chúng đòi hỏi phải có mặt! 
Qua thực tế trên, để Ngày Thơ Việt Nam khẳng định lại vị trí của mình như một lễ hội văn hóa của dân tộc, tôi xin có vài ý kiến cá nhân sau đây:
+ Ngày Thơ Việt Nam nên xác định tổ chức trong 2 ngày trọng đại vào dịp Nguyên tiêu; mục đích để chương trình có thể dàn trải nhiều buổi cho các hoạt động thơ ca, đồng thời chương trình có thể gói gọn, chắt lọc những nội dung chính cần thiết; kéo dài nhiều ngày hoặc ít hơn, có lúc chúng ta thấy choáng ngợp, mệt mỏi hoặc tổ chức ít ngày, cảm giác sẽ thấy thiêu thiếu, chưa hưởng trọn vẹn ý nghĩa của không khí lễ hội.    
+ Nên tổ chức các cuộc thi thơ ca có liên quan đến các khuynh hướng mới (ví dụ như: Cuộc thi thơ Tân hình thức, kịch bản thơ trình diễn, ý tưởng thơ sắp đặt, hay là tư tưởng thơ Hậu hiện đại,…) trước đó hoặc tổ chức trong ngày hội để tìm ra những tác phẩm có chất lượng cao, trao giải trong dịp này nhằm tôn vinh tác giả - tác phẩm, điều đó sẽ kích thích tinh thần và sự đam mê sáng tạo.  
+ Hiện nay, các trào lưu cũng như các khuynh hướng thẩm mỹ mới đã được lớp trẻ tiếp thu và tiếp biến một cách sáng tạo, có chọn lọc từ bên ngoài, và cũng đang dần hình thành trong diện mạo thơ ca Việt Nam, chẳng hạn như: Thơ trình diễn, thơ thị giác, thơ sắp đặt, thơ Tân hình thức, thơ hậu hiện đại,…Thiết nghĩ, trong ngày hội, những ý niệm thơ này nên giới thiệu rộng rãi cho công chúng thưởng thức bằng hình thức trình diễn trên khán đài. (Rất tiếc những trào lưu này chỉ có ở một vài thành phố lớn: Huế, Sài Gòn, Hà Nội. Nhưng gần đây, Huế - Sài Gòn không thấy trình diễn nữa, mà chỉ xuất hiện lác đác vài tụ điểm của sân chơi thơ trẻ tại Hà Nội.) 
+ Ngày Thơ Việt Nam cũng nên mở nhiều chuyên đề để tọa đàm, hội thảo, trưng bày, triển lãm hoặc trình diễn; cũng có thể mời hoặc đặt hàng những nhà lý luận – phê bình viết tham luận theo chuyên đề nhưng phải mang tính thời cuộc. Đặc biệt, chú trọng vào các trào lưu mới, để tất cả chúng ta (chú ý đến đối tượng sáng tạo của học sinh – sinh viên, vì đối tượng này sẽ là sự kế thừa cái cũ và phát huy cái mới phát triển) đối thoại hoặc trao đổi và để thấy được những thủ pháp nghệ thuật mới hay phương thức biểu đạt mới trong tính cách đột phá cái mới, qua đó, chúng ta không chỉ bắt nhịp được hơi thở mới của thời đại mà còn phát triển trong tư duy sáng tác của mình.        
+ Xác định Ngày Thơ Việt Nam như một lễ hội văn hóa của dân tộc, nên trong việc tổ chức phải có sự gắn kết và đan xen các hoạt động thơ ca vừa mang tính dân gian vừa thể hiện được tính đương đại.  
+ Hơn bao giờ hết, Ngày Thơ Việt Nam tổ chức thành công hay không chính là nhờ sự cởi mở và quan tâm sâu sát của các cấp lãnh đạo tỉnh thành; xây dựng kế hoạch tổ chức cũng như thiết kế nội dung chương trình đòi hỏi phải có nhiều công đoạn, nhiều mối quan hệ và nhất là đầu tư nhiều kinh phí; khuyến khích và mạnh dạn đưa những tác phẩm có tính sáng tạo, đột phá lên trình diễn trong ngày hội (vì hiện nay đại đa số lớp trẻ được học hỏi và tiếp nhận nhiều cái mới nên dễ nhạy cảm vấn đề này); việc quảng bá, quảng cáo trên các báo đài, báo mạng, logo, áp phích, nói chung là thông tin đại chúng cần phải chuẩn bị trước đó ít nhất 1 tháng.     
+ Rõ ràng, trong tương lai, Ngày Thơ Việt Nam không chỉ là lễ hội văn hóa quan trọng của đất nước mà còn phản ánh toàn cảnh sự kiện văn hóa quốc thi Việt có giá trị như thế nào làm ảnh hưởng ra ngoài thế giới. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, Hội Nhà văn Việt Nam nên đề nghị với quý cấp trên hoặc phối hợp các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Giáo dục – Đào tạo để xây dựng chiến lược lâu dài cho chương trình cải cách Sách giáo khoa cũng như chương trình đào tạo chi tiết môn Văn học trong tất cả các bậc học. Vì có lẽ thời đại hôm nay, từ khi đất nước ta hội nhập và phát triển toàn cầu văn hóa thế giới, các luồng sinh khí mới được chúng ta (nhất là lớp trẻ với nhiều điều kiện tiếp thu tri thức rất nhanh nhạy, sắc sảo và tinh tế do hoàn cảnh phát triển của đất nước, và hơn hết là môi trường du học ở nước ngoài rất thuận lợi cho lớp trẻ học tập, nghiên cứu) tiếp thu có chọn lọc kỹ càng, rồi đến tiếp biến có vận dụng khéo léo từ các tố chất truyền thống để sáng tạo ra cái mới đương đại, nhằm phát huy, phát triển các giá trị văn hóa – nghệ thuật phù hợp với tính dân tộc - đại chúng. Từ hoàn cảnh đó, diện mạo văn học nước nhà có thêm các khuynh hướng mới, trào lưu mới nhưng vẫn đang hiện tồn ở giải trung tâm - ngoại biên. Vì thế, để ghi nhận những thành quả đó góp phần cho diện mạo văn học nước nhà càng thêm màu sắc sinh động, phong phú nhiều thể loại – hình thức và đa dạng kết cấu thủ pháp; đồng thời để bắt kịp, và để cho phù hợp hơi thở mới của thời đại văn hóa toàn cầu nói chung, chính lúc này, chúng ta cần phải nhìn lại mình, chấp nhận và mạnh dạn cải cách hoặc đầu tư biên soạn, chỉnh sửa lại môn học Văn học một cách có hệ thống giáo dục từ cấp dưới đi lên; mục đích để Ngày Thơ Việt Nam sẽ thu hút được đông đảo công chúng – khán giả tham gia và hưởng ứng nhiệt huyết, vì bởi chúng ta tìm được, hiểu được và cảm được bằng quan điểm chung của mình trong văn hóa – nghệ thuật thông qua sự học – sự biết và sự hiểu ngay trong sách vở cũng như ở trên ghế nhà trường.
Hy vọng rằng, Ngày Thơ Việt Nam xứng đáng là một lễ hội văn hóa lớn của dân tộc được tôn vinh những giá trị nghệ thuật đích thực cho những người hoạt động sáng tạo văn học đã, đang và sẽ cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển văn học nước nhà cũng như góp phần làm ảnh hưởng ra khu vực và thế giới.