Cách đây vài năm, khi nghe tin Dương Thuấn nhận được một tài trợ của Quỹ Fulbright sang Hoa Kỳ mấy tháng để thuyết trình về kết quả nghiên cứu văn hoá Tày, thật tình tôi cứ nghĩ ông nhà thơ lãng tử này sang đó để ngao du là chính. Khi trở về, Dương Thuấn say sưa kể, ông đã đi những đâu trên đất Mỹ, sang cả Canada du hí với bạn văn thơ, càng khiến tôi tin vào nhận định của mình. Thì chơi cũng có ích chứ sao. Tài trợ cho nhà thơ đi chơi chưa hẳn đã là ném tiền qua cửa sổ. Sau đó không thấy có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ông nhà thơ đang “trả món nợ” tiền tài trợ, và cao hơn là món nợ với dân tộc mình. Ông cho ra đời bộ thơ hoành tráng hơn 2.000 trang, in song ngữ Tày - Việt, là công trình đồ sộ nhất thuộc loại này cho đến nay. Với bộ Tuyển thơ Dương Thuấn này, ông đã xác lập hai kỷ lục Guinness Việt Nam, một là tuyển tập thơ đầu tiên sáng tác bằng song ngữ Tày - Việt và hai là tuyển tập thơ dày nhất Việt Nam.



Dương Thuấn tới từ Bản Hon

TẠ DUY ANH

Tôi là người biên tập và có mặt trong buổi lễ ra mắt bộ sách và cũng nhận chút thơm lây từ những lời khen. Nhiều người ví Dương Thuấn như là “một Raxun Gamzatốp của ViệtNam”. Ông nhã nhặn đón nhận nhưng không lấy đó làm niềm hãnh diện. Đùng một cái, trong bữa cơm tiếp các nhà văn Mỹ sang giao lưu với Việt Nam gần đây, ông chìa ra trước mặt tôi cuốn sách in khá sang trọng, dày gần 600 trang, bìa cứng có tên là Văn hoá Tày ở Việt Nam và tiến trình hội nhập thế giới. Tôi lật giở và biết đó chính là sản phẩm của chuyến đi Hoa Kỳ, cộng với mấy năm làm việc cật lực và nghiêm túc.
Thực ra không phải đợi đến khi có tài trợ của Chương trình Fulbright, Dương Thuấn mới bắt tay vào làm cuốn sách. Tôi vẫn nghiêng về dự đoán Dương Thuấn đi Mỹ chơi là chính. Có chăng ông tận dụng cơ hội đứng hẳn ra ngoài dân tộc mình, ở một vị trí thật xa, trải tầm nhìn qua một nền văn hoá đa dạng vào loại nhất thế giới để có những nhận định khách quan về tầm vóc, sự độc đáo của văn hoá Tày.
Bởi vì ngay từ khi ra đi từ bản Hon, Dương Thuấn đã tự nhận về mình sứ mệnh tìm kiếm và bảo lưu những giá trị tinh hoa của văn hoá Tày và làm cho nó được biết đến như một thành tố quan trọng của nền văn hoá Việt Nam. Chưa thể đánh giá chính xác tầm vóc nhà thơ của ông, đơn giản vì ông đang còn sung sức, chưa muốn dừng lại.
Nhưng đã có thể khẳng định, Dương Thuấn là người nặng lòng nhất với việc giới thiệu ngôn ngữ Tày cho cả cộng đồng. Nhiều người làm việc này, nhưng làm với ý thức khẳng định vẻ đẹp, sự sâu sắc, đầy thi vị của thứ ngôn ngữ đang dần bị lãng quên, từ đó gây sự tò mò với văn hoá dân tộc Tày, thì chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay và Dương Thuấn nằm ở hàng đầu trong số đó.
Trở lại với cuốn sách đang là đối tượng bàn đến, có thể nói ngay đây là một công trình văn hoá cực kỳ công phu. Dương Thuấn rõ ràng là có tham vọng mô tả chi tiết bức tranh hoành tráng, nhiều màu sắc của văn hoá Tày ở mức toàn cảnh. Ông không nghiên cứu, phán đoán, so sánh rồi dùng khái niệm học thuật để gán cho một biểu hiện nào đó, vốn dĩ đã quá quen thuộc, mà ông đóng vai người kể lại phong tục.

Trong gần 600 trang, có khoảng 50 trang mang dáng dấp khảo cứu, cộng với khoảng gần 100 trang cho hai chương cuối viết theo kiểu “nhận định”, còn lại là kể theo kiểu người trong cuộc hoặc người có khiếu sưu tầm kể lại. Nhưng ông không kể tràn lan, mà kể có lớp lang, có dẫn chứng và có sự chỉ dẫn cụ thể, với một ý định rõ ràng là làm toát lên diện mạo vừa rộng lớn, vừa sâu xa bí ẩn của văn hoá Tày, để cuối cùng người đọc hình dung thấy cái tầm vóc đáng nể của nền văn hoá ấy.
Cách làm này bớt đi tính hàn lâm kinh viện khô khan, có sự hấp dẫn tự nhiên, đặt ra nhiều phỏng đoán, liên tưởng thú vị về những thứ cần phải khám phá ngay lập tức. Bạn đọc muốn biết về kiến trúc nhà ở, trang phục của người Tày và những hoạt động tín ngưỡng kỳ lạ của họ xem những thứ đó có liên quan gì (hoặc quyết định gì) đến tính cách dễ nhận thấy nhất của người Tày là mạnh mẽ, lãng mạn và cởi mở. Bạn đọc sẽ được thỏa mãn phần nào.
Hoặc như những tập tục, hoạt động gần với mê tín dị đoan về hình thức nhưng lại có hiệu quả thực cho đời sống, có thể kiểm nghiệm như làm Pửt, làm Mẳn, Bắn cung tiển, Độn, Pấu tha tỏ... Hiện tượng Ma gà thực chất là như thế nào? Nó là mê tín hay có cơ sở khoa học? Hiện tượng thì mê tín nhưng tại saoCách trị ma gà chỉ hiệu quả bằng phép thuật…
Đó chỉ là phần rất nhỏ những điều bí ẩn được Dương Thuấn kể lại một cách hồn nhiên, tựa như đó là chuyện thường ngày của người Tày. Ngoài ra là cả một kho tàng nghệ thuật kể chuyện và diễn xướng dân gian đầy bí ẩn như hát Then, hát Mại xe, Khảm hải… Đây là lĩnh vực mà Dương Thuấn nhuần nhuyễn nhất.
Ngoài ra, nói đến văn hóa Tày không thể không kể đến hàng trăm loại lễ hội độc đáo và một vốn liếng văn hoá ẩm thực vô cùng phong phú…Cứ như vậy công trình giống như một mâm cỗ thịnh soạn, được bày biện đơn giản nên tạo cảm giác gần gũi với mọi thực khách.
Và như vậy là mục đích Dương Thuấn đặt ra đã hoàn thành? Chẳng hạn như tôi, một người ngoại tộc, lấy vợ Tày nhưng khi đọc cuốn sách, tôi vẫn thấy bất ngờ và thú vị với những mô tả phong tục. Tôi mới chỉ nghe kể về những ông Quan lang giỏi giang phải hát đối đáp khi đại diện nhà trai đi xin dâu, nhưng chưa bao giờ tôi biết lời của những bài hát ấy như thế nào.
Thì đây, tôi đã được thỏa mãn. Nhà trai muốn đem được dâu ra khỏi cửa nhà gái phải vượt qua ít nhất 15 chặng mà vật cản duy nhất là những lời hát thách, hát đố. Chẳng hạn ở chặng một: Chặn đường. Vật chặn là một dải lụa hồng giăng ngang đường do nhà gái thực hiện để “chặn bước” nhà trai. Nhà trai đành dừng lại và muốn vượt qua phải thắng nhà gái trong màn hát đối đáp. Nhà gái hát rằng:
Xin chào tới khách lạ khác mường
Đi đâu mà đến được chốn đây
Trai gái trông thảy thay sáng sủa
Toàn những người tuấn tú khôi ngô
Canh đường đây tôi chiểu phép quan
Người tốt xin sang đường vào bản
Người xấu thì sẽ chẳng nói thêm
Đoàn khách này là người lạ hay quen
Tôi xin hỏi bằng lời chân thật.
Nhà trai đáp:
Xin chào tới em gái nhà sang
Đi bộ mỏi dừ chân mới đến
Thấy có gấm quý giăng giữa đường
Thấy có lụa loan giăng chắn lối
Không cho người ngoài được đi vào
Từ xa đến tôi chẳng hay cơn cớ
Cũng chẳng hay điều trước điều sau
Xin em cất đi cho, mở lối
Đón rể mới vào bản lên nhà.
Nghe thế ai không muốn làm chú rể mặc dù rõ ràng là cũng vã mồ hôi ra vì sợ? Bạn nhớ cho đây mới chỉ là một chặng, trong ít nhất 15 chặng mà nhà trai phải vượt qua. Nhà gái đã tài, nhà trai phải có người tài hơn thì mới mong nhà gái cho vào nhà.
Vào nhà rồi, từ động tác trải chiếu, mời ngồi, mời trà, nộp gánh, dâng vật thiêng, lễ bái tổ, xin dâu, lễ tổ tiên, lễ nộp dâu, mừng của hồi môn…đều dùng bằng thứ ngôn ngữ đầy lãng mạn là thơ. Nhà gái nói bằng thơ, nhà trai đáp lại bằng thơ…thử hỏi có dân tộc nào hành lễ tác hợp cho trai gái thanh cao như vậy.
Người Tày có những phong tục, luật lệ rất đẹp, đáng để cho những dân tộc khác noi theo. Ví dụ như tụcma-nhét (lễ đầy tháng cho con). Vào ngày đó những đứa trẻ lớn hơn sẽ phải “mua” bớt cái rủi ro cho đứa bé vừa đầy tháng, để nó lớn lên khoẻ mạnh, may mắn. Đến lượt nó sau này sẽ lại gánh bớt rủi ro cho đứa trẻ khác.
Vào gia đình một người Tày, đối tượng được đặc biệt quan tâm là đứa trẻ. (Trong khi người Việt hay người Hán, đối tượng quan tâm nhất là người già. Ở khía cạnh này, văn hóa Tày có nét giống văn hóa châu Âu). Dọa nạt trẻ, dù với bất cứ mục đích gì, cũng đều không được chấp nhận. Biết thế để khi chả may bạn được nhờ chặt thịt gà thì đừng chặt đùi và còng cánh, mà phải để nguyên cả cái dành cho trẻ. Trong bữa ăn, nếu nó không ăn hết thì cũng chớ thò đũa gắp, bởi đó là hành vi đáng xấu hổ.

Cũng nhờ đọc công trình của Dương Thuấn mà tôi biết người Tày có chữ viết riêng, gọi là chữ Nôm Tày. Về sau người Pháp chế ra thứ chữ Tày Latinh, như kiểu chữ Quốc ngữ của người Việt. Và hoá ra văn học Tày có từ rất sớm, thậm chí vào loại sớm nhất.
Ngay cả truyện Thạch Sanh nổi tiếng - cứ theo như Dương Thuấn dẫn tư liệu - thì thoạt đầu viết bằng chữ Nôm Tày rồi sau đó mới dịch ra chữ Nôm Kinh. Thú vị hơn khi biết rõ không gian văn học của truyện này là huyện Hoà An. Hoà An bỗng thành một địa danh thật đáng tò mò, khi nó sát ngay với thành phố Cao Bằng. Người Tày hóa ra cũng có lịch riêng, với hệ 12 con giáp không giống cả với Việt và Hán.
Ví dụ năm con Mèo của người Kinh, là năm con Thỏ của người Hán nhưng với người Tày lại là năm con Quạ. Năm Mùi của người Kinh thì với người Tày là năm con Kiến. Chứng tỏ con quạ và con kiến có vị trí rất linh thiêng trong tâm thức người Tày! Cũng theo công trình này thì người Tày biết thuật phong thuỷ từ rất sớm, có cả một danh hiệu riêng cho người làm nghề danh giá này.
Còn vô vàn những điều thú vị mà bạn đọc có thể tìm thấy trong từng trang sách. Đó là nỗ lực rất lớn của Dương Thuấn với chính dân tộc của ông và với nền văn hoá Việt Nam nói chung, sự thú vị trên cả phương diện học thuật lẫn nghệ thuật.
Dương Thuấn tên thật là Hoàng Minh Thông, quê  ở bản Hon, xã Nà Fẳc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn…