Một cuộc thi hoặc một cuộc bầu chọn giải thưởng hàng năm, yếu tố thành công chắc chắn sẽ không trông cậy ở những giải ba, giải khuyến khích hoặc tặng thưởng, bằng khen…Mà lâu nay, không chỉ ở ta, ở nhiều nước trên thế giới, cũng có chuyện này. Ấy vậy mà vẫn có nhà văn (có trách nhiệm, quyền hạn hẳn hoi) của Hội Nhà văn lại có phản ứng khác. Cách nay không lâu, tại số 9 phố Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), nhà văn này nói với tôi: "Sang năm, không trao bằng khen nữa". Tôi hỏi: "Tại sao?". Nhà văn này trả lời: "Để khỏi bị từ chối". Nghe câu "để khỏi bị từ chối", tôi cười phá lên và nghĩ: Ở xứ ta lạ thật, cứ cái gì không quản được, thì…bỏ hoặc…cấm, là "an toàn" và "yên thân" nhất. Đơn giản như hát karaôkê. Có một dạo, người ta đã có ý định cấm (hoặc hạn chế) vì có hiện tượng "karaôkê ôm". Bản thân karaôkê đâu có lỗi, đâu có sinh ra "ôm". Còn chuyện "karaôkê ôm" là do con người sinh ra đấy chứ.



ĐẰNG SAU GIẢI THƯỞNG

ĐẶNG HUY GIANG

Theo tôi được biết, giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam, tính đến năm nay, chỉ có 5 người không nhận giải. Trong đó, có đến 4 người từ chối tặng thưởng (bằng khen). Tôi tin rằng, nếu tặng thưởng (bằng khen) được "nâng cấp" thành giải thưởng, nhiều khả năng sẽ không có ai từ chối cả.

Theo tôi, việc từ chối giải thưởng (dù là giải thưởng gì và ở lĩnh vực nào), cũng là chuyện bình thường. Thậm chí rất bình thường. Chúng ta cần tôn trọng và coi đó là quyền của mỗi cá nhân. Cũng không nên vì thế mà vội vã kết luận giải đã không thành công. Một cuộc thi hoặc một cuộc bầu chọn giải thưởng hàng năm, yếu tố thành công chắc chắn sẽ không trông cậy ở những giải ba, giải khuyến khích hoặc tặng thưởng, bằng khen…Mà lâu nay, không chỉ ở ta, ở nhiều nước trên thế giới, cũng có chuyện này.

Ấy vậy mà vẫn có nhà văn (có trách nhiệm, quyền hạn hẳn hoi) của Hội Nhà văn lại có phản ứng khác. Cách nay không lâu, tại số 9 phố Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), nhà văn này nói với tôi: "Sang năm, không trao bằng khen nữa". Tôi hỏi: "Tại sao?". Nhà văn này trả lời: "Để khỏi bị từ chối".
Nghe câu "để khỏi bị từ chối", tôi cười phá lên và nghĩ: Ở xứ ta lạ thật, cứ cái gì không quản được, thì…bỏ hoặc…cấm, là "an toàn" và "yên thân" nhất. Đơn giản như hát karaôkê. Có một dạo, người ta đã có ý định cấm (hoặc hạn chế) vì có hiện tượng "karaôkê ôm". Bản thân karaôkê đâu có lỗi, đâu có sinh ra "ôm". Còn chuyện "karaôkê ôm" là do con người sinh ra đấy chứ.

Nhân đây, tôi xin kể lại một chuyện của tôi cho vui, có liên quan đến việc từ chối giải một cuộc thi thơ của tờ báo X. Chuyện xảy ra cách nay đã mười mấy năm. Năm ấy, khi cuộc thi mới phát động, ông H. (lúc ấy làm Tổng biên tập báo X., vốn là một người quen của tôi) gọi điện thoại cho tôi và nói: "Ông nên tham gia…Ít ra cũng giúp tôi khuấy động phong trào". Tôi cười cười: "Nhưng em đang tham gia một cuộc thi ở một tờ báo khác rồi. Sợ không còn thơ để thi nữa". Ông H. nói tiếp: "Tôi biết cậu viết đang khỏe. Biết đâu nhờ dự hai cuộc thi mà cậu có thêm thơ để in thành tập trong năm nay". Khi kết thúc giai đoạn 1, một nhà thơ trong ban sơ khảo báo với tôi: Ông đang dẫn đầu cuộc thi đấy". Khi cuộc thi kết thúc, đang chờ ban chung khảo vào cuộc, nhà thơ V. (thư ký tòa soạn báo X.) nói công khai với tôi: "Giải nhất công bố 10 triệu đồng, nếu chỉ trao có 4 triệu đồng thôi, ông có nhận không?".
Vậy mà sau khi ban chung khảo họp xong, nhà thơ V. lại thông báo với tôi: "Ông không được giải như dự định ban đầu đâu. Vì giải có khá nhiều xáo trộn về thành phần chấm giải mà tôi không tiện nói thật cụ thể với ông được". Tôi về nhà và báo cho vợ tôi biết. Tôi nói: "Anh sẽ không nhận giải này. Ngày báo X. trao giải, anh sẽ không có mặt". Vốn là người bình tĩnh và luôn có cách hành xử mềm mại trong mọi trường hợp, vợ tôi khuyên: "Anh chả nên làm thế và cũng không nên chọn cách phản ứng như thế. Không khéo người ta lại đánh giá mình là người cay cú, ăn thua. Tốt nhất là anh gọi điện cho ông H. (trưởng ban tổ chức) và ông B. (trưởng ban chung khảo), bảo hai ông ấy âm thầm xóa tên anh trước khi công bố chính thức, là êm. Anh nên nhớ, vẫn có nhiều người cần giải thưởng. Việc anh rút khỏi giải, có khi lại là một cơ hội tốt cho một người nào đó".
Sau này, qua một cuộc thi thơ khác, cũng của báo X, tôi mới hiểu hết sự tình. Ai đời cả một cuộc thi mà không có ban sơ khảo, ban chủ khảo. Việc quyết định thứ hạng đều do một, hai cá nhân à ơi với nhau. Và chỉ khi có người phản đối, báo X. mới làm vài động tác mang tính chất đối phó.
Sau vụ này, tôi mới biết việc tôi từ chối giải thưởng theo cách của tôi là hợp lý!


Nguồn: Văn Nghệ Công An