Gần 20 năm rời xa công việc sáng tác, Trần Kim Trắc ngỡ có thể sống cần mẫn suốt đời như bao người nông dân đồng hương Chợ Gạo – Tiền Giang của mình. Thế nhưng, chữ nghĩa như một cái nghiệp đeo đẳng, Trần Kim Trắc túc tắc viết lại. Những trang văn chắt chiu từ sự từng trải và sự suy nghiệm của ông khiến độc giả bao phen thích thú và đồng nghiệp cũng lắm phen giật mình. Hai tập truyện ngắn “Ông Thiềm Thừ” và “Hoàng đế ướt long bào” thể hiện đầy đủ phong cách văn chương của Trần Kim Trắc, vừa hóm hỉnh sâu cay vừa ưu tư gợi mở. Khi cuộc thi truyện ngắn “Con người và cuộc sống hôm nay” do báo Sài Gòn Giải Phóng đăng cai được chính thức phát động, thì nhà văn Trần Kim Trắc đã ở tuổi 82. Cuộc thi kéo dài 1,5 năm và ông được giải nhì đồng hạng ( không có giải nhất) với truyện ngắn “Sài Gòn đắt địa”.



TRẦN KIM TRẮC VÀ “SÀI GÒN ĐẮC ĐỊA”

LÊ THIẾU NHƠN

    Với truyện ngắn “Cái lu” đoạt giải thưởng Văn Nghệ Cửu Long năm 1952, anh bộ đội Trần Kim Trắc của Tiểu đoàn 307 lừng danh bắt đầu bước chân vào văn chương. Sau năm 1954 tập kết ra Bắc, nhà văn Trần Kim Trắc trở thành cán bộ của tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Thế nhưng, vì phải lòng một người con gái mặn mà, Trần Kim Trắc từ giã ngôi nhà số 4 đầy mê dụ đối với dân cầm bút, để đi theo tiếng gọi tình yêu lên tận Tuyên Quang lập nghiệp.  Hành trang đuổi bắt hạnh phúc của Trần Kim Trắc chỉ có một gói nấm mốc làm men nước chấm và một cái thùng gỗ nuôi ong, và ông đã sống những năm cuối thập niên 1960 và những năm đầu thập niên 1970 trong căn nhà nhỏ cạnh hồ Nông Tiến bằng nghề sản xuất nông sản. Cứ ba ngày thì Trần Kim Trắc làm được một lu nước chấm, làm bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Nếu tiếp tục duy trì, thì không khéo đến hôm nay ông đã sở hữu một thương hiệu nước chấm lừng danh hơn cả nước tương Chinsu hay nước mắm Nam Dương!

    Chuyển sang nuôi ong, với cái thùng gỗ ban đầu, ông Trần Kim Trắc thuần dưỡng ong rừng thành ong nhà, và nhanh chóng được biết đến như một vua ong ở bến đò Bình Ca. Tháng 7-1975, vợ chồng nhà văn Trần Kim Trắc để lại sản nghiệp cho họ hàng, chỉ mang 20 đàn ong hành phương Nam. Và đến già, nhà văn Trần Kim Trắc vẫn sống thảnh thơi với nghề nuôi ong. Căn nhà của ông ở Sài Gòn không cần treo biển, không cần quảng cáo mà vẫn có người tìm đến mua mật ong dinh dưỡng bảo đảm chất lượng lẫn bảo đảm uy tín!

    Gần 20 năm rời xa công việc sáng tác, Trần Kim Trắc ngỡ có thể sống cần mẫn suốt đời như bao người nông dân đồng hương Chợ Gạo – Tiền Giang của mình. Thế nhưng, chữ nghĩa như một cái nghiệp đeo đẳng, Trần Kim Trắc túc tắc viết lại. Những trang văn chắt chiu từ sự từng trải và sự suy nghiệm của ông khiến độc giả bao phen thích thú và đồng nghiệp cũng lắm phen giật mình. Hai tập truyện ngắn “Ông Thiềm Thừ” và “Hoàng đế ướt long bào” thể hiện đầy đủ phong cách văn chương của Trần Kim Trắc, vừa hóm hỉnh sâu cay vừa ưu tư gợi mở.

    Khi cuộc thi truyện ngắn “Con người và cuộc sống hôm nay” do báo Sài Gòn Giải Phóng đăng cai được chính thức phát động, thì nhà văn Trần Kim Trắc đã ở tuổi 82. Cuộc thi kéo dài 1,5 năm và ông được giải nhì đồng hạng ( không có giải nhất) với truyện ngắn “Sài Gòn đắt địa”. Nhà văn Trần Kim Trắc phát biểu cảm tưởng lúc tuổi 84 vẫn còn có dịp ngất ngưởng văn đàn: “Tôi giờ già hay nghĩa vẩn vơ. Mỗi khi nhìn thấy xe cộ nhộn nhịp ngoài đường, tôi tự hỏi không biết phía dưới những cái mũ bảo hiểm kia là những cái đầu đang băn khoăn điều gì, đang thắc thỏm điều gì. Nhà văn không phải ông thầy của bất kỳ ai. Nhà văn chỉ chọc ngứa tâm hồn cho bạn đọc, để họ tự thức tỉnh và tự nâng cao phẩm giá làm người”. Truyện ngắn “Sài Gòn đắc địa” khai thác đúng quan niệm ấy. Câu chuyện thời sự về xuất khẩu cô dâu Việt được nhìn qua ống kính cánh xe ôm để có những lý giải ân tình chất phác và gửi gắm những mơ ước đẹp đẽ.

    So với tài năng đã được định hình như Trần Kim Trắc, thì truyện ngắn “Sài Gòn đắc địa” không phải quá xuất sắc. Tuy nhiên, đọc “Sài Gòn đắc địa” vẫn nhận diện được bút pháp Trần Kim Trắc, từ cách dẫn dắt tếu táo “đừng tưởng rằng dân xe ôm chỉ biết có rù ga hứng những núm vú thỉnh thoảng ịn vào lưng là không có tính linh hoạt văn hóa chính trị thời cuộc. Thử tính nếu sáng sớm họ ngưng mua báo xem các tờ báo lớn hàng ngày có điêu đứng không?” đến cách thắt nút tình huống “Thím Năm tài thiệt đó, dám bắt rể từ bên Tây về nuôi phởn phơ béo tốt thế này” và cả cách sử dụng không gian kết thúc ấm áp “chỉ cần nước sôi pha trà thôi mà tình làng nghĩa xóm đổi trao xôm tụ lắm”.

    “Sài Gòn đắc địa” thành công ngay từ cái tên truyện, nói theo ngôn ngữ hiện đại là “ngon lành cành đào”. Nếu không bị giới hạn theo thể lệ cuộc thi “tác phẩm không dài quá 1800 từ”, có lẽ Trần Kim Trắc sẽ xây dựng “Sài Gòn đắc địa” theo bề thế hơn và đầy đặn hơn!

                                  1-2-2013




SÀI GÒN ĐẮC ĐỊA

Truyện ngắn của TRẦN KIM TRẮC

Góc ngã ba nối liền con đường lớn và ngõ hẻm có một vỉa hè lát gạch rộng rãi, giữa còn giữ lại một gốc sao dầu tỏa bóng mát là nơi cánh xe ôm tập trung chờ khách, đông đủ là năm xe. Thời buổi kinh tế này, đô thị như cái ao trũng, nước ở khắp nơi đổ về, tốt xấu đủ cả nhưng đều sống theo câu hò xưa:
Đến đây thì ở lại đây
Chừng nào bén rễ xanh cây hãy về
Đừng tưởng rằng dân xe ôm chỉ biết có rù ga hứng những núm vú thỉnh thoảng ịn vào lưng là không có tính linh hoạt văn hóa chính trị thời cuộc. Thử tính nếu sáng sớm họ ngưng mua báo xem các tờ báo lớn hàng ngày có điêu đứng không?
Gần đây, cánh xe ôm lo lắng vì nạn lấy chồng ngoại của gái đẹp ở những vùng đất nghèo.
- Tại anh em mình, đã ít tiền lại không ga-lăng nên chị em họ buồn, kiếm cách đổi đời bằng việc lấy chồng ngoại thôi.
Nói là nói vậy cho có vẻ dân thành thị am hiểu thời cuộc nhưng thật ra mỗi người đều có chút đắng lòng vì cảnh ngộ quê nghèo. Xưa, mỗi một Nguyệt Nga đi cống Hồ phiên quốc mà nhân gian đã dậy sóng ba đào, huống chi nay hàng vạn nữ nhi biệt xứ nơi xa lạ, bị chọn mua như con cá, lá rau.
Năm anh em tổ xe ôm có Hai Được, Tư Đen, Ba Đồng, Năm Hoàng và ông Lục Tàu lai.
Xe ôm thời hiện đại bắt khách bằng điện thoại cầm tay.
Hai Được có ông khách quen Việt kiều Úc mang họ Phạm năm nào cũng về Việt Nam đôi ba lần, mỗi lần lưu lại Sài Gòn cả tháng, đi đâu cũng gọi ông, trả tiền xe không cần thối, lại còn kéo vào quán cà phê vỉa hè, để qua cái miệng tía lia của anh chàng vui tính nghiên cứu bổ sung tình hình quê nhà. Anh xe ôm thở than về chuyện gái miệt vườn rủ nhau lấy chồng Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, còn nói: “Ông ở xứ văn minh về, hiểu biết nhiều, ông góp ý xem phải làm sao đây”. Ông họ Phạm nói:
- Không chỉ Hàn Quốc, Đài Loan thôi đâu. Dân Việt kiều hải ngoại cũng rần rần về kiếm con gái Việt Nam rước ra nước ngoài làm vợ. Nhưng các chị em đừng lo không có người phất cờ đi đầu bảo vệ quyền bình đẳng của chị em phụ nữ. Đó là thím Năm - vợ của chú Út tôi. Thím chủ trương gả bắt rể. Có thật lòng yêu nhau thì khăn gói đến nhà bà ở rể làm ăn, sinh con nuôi lớn. Mối lái môi giới hôn nhân đặt lễ hàng chục triệu bà cho de tất, đến bây giờ cô Quỳnh Hương, con gái út của bà được một Việt kiều ở Pháp - Trancois Nhiều - về cưới, nhập quốc tịch Việt Nam, ở rể ngay trên đất hương hỏa nhà bà.
Ông Lục Tàu lai hưởng ứng ngay: “Có vậy đó. Ngày trước người như bà Năm gả con đòi bắt rể nhiều lắm mà. Không có các bà ấy làm gì Sài Gòn có Chợ Lớn như bây giờ”.
Chuyện đời nghe chính người trong cuộc kể lại mới vui. Anh Tư Đen của tổ xe ôm kể: Nói các cha không tin, nhưng thật ra vợ tôi bây giờ hàng ngày đi giao bánh mì chứ trước cũng là một cô gái Cà Mau bị người ta môi giới gả bán cho người Hàn Quốc. Bữa ấy, tôi đang vừa chạy xe vừa ngóng khách, bỗng có một cô gái từ khách sạn tư nhân bên đường ra vẫy gọi, chưa kịp hãm phanh cô đã nhảy phốc lên xe, giục đi nhanh lên, hỏi đi đâu cô bảo đi về Long An. Xe đến xa cảng, cô vỗ lưng bảo dừng lại: “Thú thật với anh, em còn có hai mươi ngàn, anh vui lòng cầm lấy, đi nữa em không có tiền trả cho anh đâu”. Cô nói mà rơm rớm nước mắt, tội con nhà nghèo chả lẽ vô tâm, xuống đây rồi cô đi đâu? '
Còn biết đi đâu nữa? Em đang chạy trốn để khỏi bị gả bán cho nước ngoài. Chỗ em vẫy xe anh là nơi họ tập hợp gái quê lại cho bọn Hàn Quốc và Đài Loan già khú đế coi mắt, mua về xứ nó làm vợ, em thừa lúc họ sơ ý lẻn trốn, may nhờ gặp anh. Thân gái dặm trường, đường sá lạ hoắc, tiền không có em đi thế này không ổn đâu! Anh cũng là dân nghèo dưới quê lên, nếu em tin tưởng, tạm về nhà anh ẩn mặt đi một thời gian rồi sau sẽ tính. Vậy là cô ấy theo tôi về nhà trọ bên quận 4 cho đến bây giờ, chồng chạy xe ôm vợ đi giao bánh mì bằng xe đạp, sống ngon ơ. Mỗi khi ôm tôi, cô ấy thường thốt lên rằng chúng tôi có được nhau do ông trời sắp đặt. Tôi là kẻ vô thần không tin có thế giới bên kia nhưng mỗi khi nghe câu nói tâm linh về tình yêu ấy, tôi cũng thấy khoái chí.
Dịp Tết Tân Mão, ông họ Phạm bên Úc lại du lịch về quê thăm lần nữa. Từ Sài Gòn về miền Tây, ông không bao taxi nữa mà rủ Hai Được chở đi. Không phải tiếc tiền mà ông muốn thăm thú nhiều nơi, người thân bạn bè ở các thôn xóm và có người lái xe thuyết minh chuyện quê hương khắp nẻo.
Đây rồi, đi nửa vòng trái đất lại gặp nhau, muôn nẻo về một mối. Trước nhất cho mình rảo một vòng xem cơ ngơi thím Năm cho mãn nhãn, chuyện trò cho đã. Biệt thự khang trang, đầy đủ tiện nghi, sân vườn đầy hoa trái lại có bàn tay tiên chăm sóc còn gì bằng. Hai người đi bên hông nhà, dọc theo một hàng lu chứa nước mưa, ra sau bếp chào: “Thưa thím Năm! Chúc mừng thím mạnh khỏe! Con và anh lái xe xin đăng ký ở lại hai ngày để được thưởng thức tài nấu nướng của thím, nhớ lại mùi vị quê hương. Thím Năm tài thiệt đó, dám bắt rể từ bên Tây về nuôi phởn phơ béo tốt thế này…
Vào phòng khách, chàng rể Việt kiều mới thổ lộ: “Tôi mơ tưởng hình bóng cánh hoa trắng, nhụy sen vàng, kẻ si tình này từ bên kia trỗi dậy, một mình xách va ly bay về quê hương xin được ở rể. Ngày đầu tiên được ăn bữa cơm canh chua cá kho tộ. Thằng bé mừng rơn lại xộ ra một câu không hiện đại tí nào: “Quỳnh Hương ơi! Em đã từng yêu ai chưa?”. Yêu làm sao được khi mà má em quả quyết đòi bắt rể”.
- Nói nghe coi! Từ ngày được bắt rể, anh cảm nhận như thế nào?
- Tuyệt vời chứ như thế nào nữa. Có gì đáng hãnh diện cho thằng đàn ông bằng có vợ đẹp. Nàng là giáo làng mà có vẻ kiêu sa như người đẹp chính khách.
- Ngôn ngữ thời thượng có khác đây, sao lại gọi là người đẹp chính khách.
- Chính khách là phải đẹp, người đẹp là phải có trình độ chính khách như bà Nguyễn Thị Bình, Tôn Nữ Thị Ninh, bà Bhutto, chứ béo trục béo tròn cái mặt chần vần mà đại diện quốc gia đi ngoại giao thì mất thể diện hết. Quỳnh Hương của tôi nhìn ảnh đã ngất ngây, về nước tận mặt rồi còn hết ý. Rõ mặt đàn bà nước Nam.
Trancois Nhiều nói tiếp: Cái sướng nữa của kẻ lá rụng về cội như tôi là đã hiện thực hóa được một sa lông văn hóa tại ngôi nhà mới của mình, anh em trang lứa, bà con cô bác trong làng hợp ý với mình, định kỳ đến nói chuyện chơi như một câu lạc bộ, có tốn kém gì chỉ cần nước sôi pha trà thôi mà tình làng nghĩa xóm đổi trao xôm tụ lắm. Tôi phục lăn bà con nông dân xứ mình là những cây hài hước rất tầm cỡ.