“Đi tìm đi giấc mơ” (NXB Hội Nhà văn, 2012) là tập thơ thứ 9 của nhà thơ Bùi Kim Anh, kể từ sau tập đầu tiên “Viết cho mình” năm 1995. Ngỡ thơ chỉ là làm vui lúc “nông nhàn”thế mà cứ đeo đẳng mãi, nó trở thành duyên nghiệp hơn nghề giáo của cô giáo dạy Văn Trường THPT Hoàn Kiếm – Trần Phú Hà Nội. Với một người đàn bà phải chất trên đôi vai mỏng mảnh của mình trăm gánh lo toan, sức viết như vậy, tập nào cũng ghi dấu cái mới, quả đáng khâm phục! Trong tập này, chị tự giới thiệu về mình như thế này: “Có một người đàn bà ngồi trước trang báo mạng/ Tìm ngày xưa như chưa có ngày xưa"





TRÂN TRỌNG CÁI TÔI VÀ HIỆN TẠI

NGUYỄN SỸ ĐẠI

Theo những giấc mơ của chị, hầu hết là trở về miền xưa, ta thấy bao nhiêu “mùa con gái” trinh trắng sân trường, trong những hoa tím, hoa vàng, sự ấm của nắng, sự thênh thang của gió, sự hào hoa, thánh thiện của những người bạn bên lòng hay đi ngang qua cuộc đời. Cái đẹp, và cả “sự dại khờ” thường gây tiếc nuối. Đó là chỗ chị gây xúc động cho người đọc, chị phác họa về “thời thiếu nữ xa xôi” của mình một chân dung đẹp.
Còn trong hiện tại, chị là ai? Nếu chỉ “đoán định” qua một tập thơ nhỏ này thì khó có thể chính xác. Cho nên tôi chỉ có cảm giác. Trước hết chị sắc sảo hơn trong đời, trong nghề. Luận về chữ ký trong bài Tự sự về tôi là một ví dụ:
buộc phải ký khi lòng không muốn ký
ký để nhận điều không muốn nhận
ký để xa nơi không muốn xa
ký để rồi ta không là ta…
Lượng từ, chất liệu thơ mới mẻ hơn. Hiện đại trong cách dùng từ, trong kết cấu ngữ pháp… điều mà không phải ai ở thế hệ chị, cả thế hệ @ nữa có thể viết được:
cửa sắt khẳng khiu khép hờ
người nghệ sĩ đi cho vườn đêm ngủ trong hoang vắng
khe của những tranh tượng chờ
và em tận hưởng khoảng đêm nghệ thuật
và đêm ý tưởng đêm lang thang giấc mơ hoang.
(Đêm của mimosa)
Tuy nhiên, tôi vẫn muốn tìm con người xưa trong chị. Đó là con người giản dị, cảm xúc tươi vui, khi rạo rực, khi ”dại khờ” - chữ dùng của chị, nhưng xanh non và mạnh mẽ như cỏ. Chị bây giờ biểu hiện mình như một người đúng mực, chuẩn tắc May mà tôi vẫn là tôi, Cơm ăn đủ bát đứng ngồi đúng nơi; có khi thấm mệt mỏi trường đời, tuổi tác:
em đã mỏi rồi dẫu nhuộm tóc thời gian
mơ ước hay chỉ là hoang tưởng…
không thể dối long không nuối tiếc
khắc tình yêu và bát hạnh vào tấm bia ký ức
Thế giới thơ chị đem đến qua tập Đi tìm đi giấc mơ là một thế giới nhọc nhằn, khắc khoải. Nên hay không nên là chuyện không được bàn. “Người thơ phong vận như thơ ấy”, thì tạng ấy, đường ấy mà đi. Nhưng trong tập này cũng nhiều câu thơ lấp lánh ánh sáng ngày xưa:
bập bẹ suốt đời tình yêu tổ quốc
lời ca dao và những câu thơ hay
tổ quốc mênh mông tổ quốc thiêng liêng ta một hạt nhỏ nhoi
ta ở đâu khi những ngày xưa tổ quốc
ta ở đâu và biển và đảo và núi và rừng
tổ quốc cụ thể trong lòng tay
tổ quốc bí ẩn trong hầm sâu nghiêng trong lòng giếng
ta bập bẹ suốt đời tình yêu tổ quốc
đếm những lời tốt đẹp để tìm cho riêng mình định nghĩa thiêng liêng
(Lời giản đơn người thợ)
Dường như trong mọi giấc mơ của chị, không thấy giấc mơ nào đến từ tương lai. Mà đến từ ngày xưa. Nghĩa là chị tìm cái đẹp trong cái xưa. Trong ký ức của con người, ngày xưa thường vẫn đẹp. Càng về xưa, con người càng hồn nhiên, thiên nhiên hơn chăng? Ngày hôm nay rồi cũng về xưa, rồi cũng đẹp. Quan trọng hơn nữa, là những ngày chúng ta đang sống:
Những ngày chúng ta sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả
Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn
Cụ Chế nói vậy mà sâu, mà đúng dù cái lô-gich thì nghe có vẻ không thuận những tai thường. Tôi mong mỗi người đều nhận thấy, đều quý yêu trân trọng ngày hôm nay. Và mong sao những giấc mơ của chị Bùi Kim Anh được ngọt ngào trong hiện tại. Và thơ đừng vì hai chữ hiện đại mà đi xa con người mình quá!