Trong đời sống thường nhật, sự khôn ngoạn dạy chúng ta né tránh nhiều sự việc có thể giải quyết trong tầm tay. Thế nhưng, qua tính toán lợi hại hoặc bằng lối nghĩ đầy quán tính rằng: cá nhân không thể làm gì được, chúng ta chấp nhận chọn thái độ né tránh, hay - sao cũng được. Liên hệ qua ứng xử của các Ủy viên Hội đồng của Hội Nhà văn Việt Nam (ở đây tôi chỉ đề cập Hội đồng Thơ riêng rẻ). Qua Bảng Danh sách 300 ứng viên thơ đầy sơ lược do Hội Nhà văn cung cấp, thâm tâm chúng ta biết chắc mình đọc chưa tới một góc tư trong số tác giả ấy, chưa biết nhiều về hoạt động văn học của họ. Vậy mà chúng ta cứ lướt qua tên tuổi họ trong danh sách, và bỏ phiếu bình chọn người trong phạm vị hiểu biết đầy hạn chế của mình. Bỏ phiếu, đa phần dựa vào sự quen biết, xuất phát từ cảm tình và nhất là phó mặc cho cảm tính qua kí ức khá mơ hồ về các sáng tác của ứng viên kia, để quyết thuận hay không thuận. Ở đó, rất ít người có bằng chứng trong tay, để đủ thuyết phục các ý kiến phản biện, nếu có.
  
 
CÁ NHÂN CÓ THỂ LÀM GÌ?

INRASARA

Đầu năm 2011, sau cuộc bỏ phiếu xét kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở Hà Nội về, tôi viết “tự vấn” đăng trên báo Tiền phong. Tự vấn nhấn vào tính công bằng tối thiểu trong điều kiện hiện tại về tiêu chí xét kết nạp hội viện. Bài viết được đại đa số cây bút “là” và “chưa là” hội viên Hội Nhà văn râm ran bàn tán. Riêng lãnh đạo Hội thì không. Vài bạn văn khẳng định, cá nhân một nhà văn chẳng thể làm được gì.
Đó là nhận định… đúng!
Hội Nhà văn Việt Nam vẫn nề nếp cũ mà làm, dù dư luận có ì xèo thế nào đi nữa. Thế là năm sau tôi lại tiếp tục lên tiếng: “Từ cảm tình và cảm tính đến phiếu trắng”. Ở bài này, tôi phân tích sát sườn hơn, đưa ra biện pháp mang tính khả thi cao hơn. Tôi đã đề nghị Ban Công tác Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cần làm sớm:
Yêu cầu mỗi ứng viên nộp: 1. Tiểu sử văn học, 2. Mười bài thơ tự chọn, và 3. Thông tin liên quan khác, như các thể loại bổ trợ. Ví dụ: ứng viên thơ, cần đính kèm theo bảng tóm lược tác phẩm nếu có viết loại tiểu thuyết, phê bình… Website Hội Nhà văn Việt Nam có trách nhiệm đăng tất cả thông tin kia, qua đó các Ủy viên có cơ sở đọc và bình xét. Xét, bỏ phiếu và chịu trách nhiệm trước công luận về lá phiếu của mình. Cạnh đó, tôi cũng đã đưa ra thang điểm tham khảo. Qua các phản hồi, dư luận văn giới rất tán thành với cách làm đó. Nhất quá tam, nếu Hội Nhà văn còn bình chân như vại, để tránh liên lụy cá nhân, tôi quyết bỏ phiếu trắng.

Vâng, cá nhân không thể làm gì được với một cơ chế từ lâu vận hành theo lối mòn quen thuộc ít khi thay đổi, nhưng cá nhân đó có thể phản ứng riêng lẻ, độc lập. Phản ứng riêng lẻ này vẫn có tác động tích cực, trong một ý nghĩa nào đó. Tôi tin thế.
Tôi tin. Bởi làm như chàng trai đã câm lặng đứng nhìn “vụ hôi của vô cảm” giữa thanh thiên bạch nhật ở đường An Dương Vương - Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 16-6-2012 vừa qua, thì vô tình quá. Như thể bất lực trước đồng loại [đồng bào] bị hại. Người đàn ông đi xe máy bị hai tên cướp giật làm rách toang giỏ xách, giỏ xách thì được giữ chặt, nhưng không may mớ tiền bị vãi rơi ra. Trong khi hai tên cướp rú ga bỏ chạy, thì khoảng vài chục người đi đường xúm vào “lượm tiền” trước cái nhìn bất lực của nạn nhân. Lượm, và dong xe đi mất. Chàng trai đã im lặng, vì anh nghĩ, cá nhân không thể làm gì. Không ai bảo vệ mình khi bị tấn công, nếu anh tri hô.
Tôi tin, bởi có một cậu bé trong hoàn cảnh tương tự, không đứng nhìn, mà đã hành động.
Tháng 7-2012, tại một thành phố nhỏ, gặp sự cố, một cậu học sinh cuối cấp Trung học Cơ sở kia không im lặng, mà đã nhanh trí xử lí vụ việc. Chứng kiến dúm người ùa tới hôi tiền rơi vãi, cậu bảo người cha phanh xe gấp, nhanh chóng rút máy điện thoại ra và giơ cao lên. Cậu hô to: - Trả lại, trả tiền lại… cháu đang chụp ảnh đây… Mọi người quay lại trố mắt nhìn, và như chợt hiểu ra, lục tục mang trả cho khổ chủ mớ tiền vừa lượm được, rất ư là “văn minh”.

Sáng ngày 20-8-2012 tại thành phố Quảng Ngãi, một thanh niên bị tai nạn xe máy nằm giẫy giụa giữa đường. Rất nhiều người đi xe đi qua, ngoảnh lại nhìn, rồi lạnh lùng rồ ga tiếp tục đi. Người đi đường thì xúm lại xem, và không làm bất kì hành động cần thiết nào, dù nhỏ nhặt nhất. Trong khi tính mạng kẻ bị nạn chỉ  còn tính bằng phút. Sự khôn ngoan đã dạy mọi người tránh “dây dưa” vào chuyện không liên quan đến mình. Giữa bóng tối vô tình gần như mất tính người ấy, bỗng lóe lên một tia nắng: người chị bán nước ở góc bên kia đường đã chạy lại, hô hoán kêu gọi mọi người giúp chị đưa người bị nạn đi cấp cứu. Nhưng tất cả chỉ ngoảnh lại, rồi bỏ đi. Bài tường thuật dừng lại ở đây. Có lẽ chị bán nước ấy sẽ tiếp tục kêu cứu. Và tôi tin sẽ có người nào đó dừng lại giúp chị một tay, hay ít ra tiếng kêu ấy sẽ ám ảnh vài con người khi họ về đến nhà. Ám ảnh và buộc họ suy nghĩ về sự vô cảm của mình lẫn của kẻ xung quanh trước sinh mệnh đồng loại…
Cách nay không lâu, ở thành phố Nha Trang cũng xảy ra tình cảnh tương tự. Và sẽ còn nhiều nữa, ngày mai, nếu lương tâm cộng đồng không được đánh thức ngay từ bây giờ…

Trong đời sống thường nhật, sự khôn ngoạn dạy chúng ta né tránh nhiều sự việc có thể giải quyết trong tầm tay. Thế nhưng, qua tính toán lợi hại hoặc bằng lối nghĩ đầy quán tính rằng: cá nhân không thể làm gì được, chúng ta chấp nhận chọn thái độ né tránh, hay - sao cũng được. Liên hệ qua ứng xử của các Ủy viên Hội đồng của Hội Nhà văn Việt Nam (ở đây tôi chỉ đề cập Hội đồng Thơ riêng rẻ). Qua Bảng Danh sách 300 ứng viên thơ đầy sơ lược do Hội Nhà văn cung cấp, thâm tâm chúng ta biết chắc mình đọc chưa tới một góc tư trong số tác giả ấy, chưa biết nhiều về hoạt động văn học của họ. Vậy mà chúng ta cứ lướt qua tên tuổi họ trong danh sách, và bỏ phiếu bình chọn người trong phạm vị hiểu biết đầy hạn chế của mình. Bỏ phiếu, đa phần dựa vào sự quen biết, xuất phát từ cảm tình và nhất là phó mặc cho cảm tính qua kí ức khá mơ hồ về các sáng tác của ứng viên kia, để quyết thuận hay không thuận. Ở đó, rất ít người có bằng chứng trong tay, để đủ thuyết phục các ý kiến phản biện, nếu có.
Nghĩa là đầy chủ quan. Chủ quan này kéo dài năm này sang năm khác, nhiệm kì này qua nhiệm kì khác. Kéo dài đến thành lề thói khó thay đổi. Dư luận có thể đúng hoặc sai, nhưng ta cứ bỏ qua, bởi ta nghĩ: cá nhân không thể làm gì được hay, ta sao mình vậy.

Vâng, một cá nhân có thể không làm gì được, nhưng xã hội là gì, nếu không phải là tập hợp của những cá nhân? Có thể bạn không tin, nhưng tôi thì khác. Tôi tin cá nhân vẫn có thể chuyển đổi thói quen cộng đồng, ít ra cũng đánh thức ở cộng đồng cái nhìn phản tỉnh. Như buổi trưa hôm ấy, cậu học sinh nhỏ bé hay chị bán nước kia đã làm được. Các cá nhân đơn lẻ đó đã khiến cho cộng đồng người đi đường xấu hổ mà nhìn lại thói quen của mình. Ngay lúc ấy, và sau đó nữa - chắc thế.
Người chị bán nước hoặc một cậu bé học sinh Trung học Cơ sở làm được, tại sao một nhà văn thì không?

Nguồn: Báo Nhân dân cuối tuần, 2-12-2012