Hoàng Việt Hằng chú trọng đưa chất sống vào thơ, hút nhụy sống  từ nhiều  miền quê đất nước và vươn ra bên ngoài biên giới hy vọng đem lại màu mỡ cho thơ. Cứ nhìn vào các địa danh sẽ rõ: Thác Bờ, Sông Mã, Sông Mực, Bến En, Đục Khê, Đảo Dấu, Mẫu Sơn, Mường Lát, Tủa Chùa, Mường Lay, Buôn Đôn, Ngọa Vân… rồi Nậm Khan, Kỉu Mai Lo (Lào), Ăng Ko Thom (Cămpuchia), Pattaya (Thái Lan)… Các bài thơ là những phác thảo gọn và gợi. Tác giả đi nhiều, như là chạy trốn nhưng không thể trốn được cô đơn. “Trong lòng tôi/  người đàn bà bán vải/ mỗi tháng một phiên/ bóng lẻ về”


 
Xóa đi và không xóa
(Tập thơ của Hoàng Việt Hằng - Nxb Phụ nữ 2012)
MÃ GIANG LÂN
    Mấy năm nay, một cây bút nữ viết khỏe, xông xáo, ấy là Hoàng Việt Hằng. Cả thơ, tản văn, tiểu thuyết, khoảng 4 năm in đến 5 quyển. Tập thơ “Vệt trăng và cánh cửa” (2008) có nhiều bài hay xúc động, ám ảnh ngay từ tên bài: Đèn lẻ bóng, Những dấu lặng, Một mình khâu những lặng im, Ẩn ức… Có nhiều câu thật thương, thật xót xa: “Lấy chồng lấy cả nỗi đau của chồng… /Một mai góc biển chân trời/viết nuôi con lớn nên người mới xong/ một mai trăng sáng thong dong/mình em khâu những mùa đông đời mình”. “Chỉ chiêm bao em nán chờ anh về - lần… nữa/ chỉ nước mắt khô”. Nỗi đau thân phận, niềm cảm thông với những kiếp người thua thiệt, nghị lực sống làm nên phẩm chất của tập thơ.
“Xóa đi và không xóa” (2012) Hoàng Việt Hằng giữ được và tiếp tục mạch nguồn từ những tập thơ trước, mở mang thêm những vỉa tầng đời sống. Một điều xưa cũ nhưng lại luôn có ý nghĩa thẩm mỹ. Tác phẩm nghệ thuật nói gì và nói như thế nào. Tư tưởng và phương thức biểu hiện. Tư tưởng thoát lên từ đời sống, cách nhìn đời sống và phương thức biểu hiện nhờ ngôn ngữ. Ngôn ngữ tạo mô thức hình dáng, câu chữ, vắt dòng, hình ảnh, liên tưởng, vần điệu, nhịp điệp, giọng điệu… Và chính ở đây tư tưởng tác phẩm mới được hiện ra cụ thể sinh động. Có bước chân rộng, có tầm nhìn xa nhưng quan trọng là độ sâu tâm hồn.
Hoàng Việt Hằng chú trọng đưa chất sống vào thơ, hút nhụy sống  từ nhiều  miền quê đất nước và vươn ra bên ngoài biên giới hy vọng đem lại màu mỡ cho thơ. Cứ nhìn vào các địa danh sẽ rõ: Thác Bờ, Sông Mã, Sông Mực, Bến En, Đục Khê, Đảo Dấu, Mẫu Sơn, Mường Lát, Tủa Chùa, Mường Lay, Buôn Đôn, Ngọa Vân… rồi Nậm Khan, Kỉu Mai Lo (Lào), Ăng Ko Thom (Cămpuchia), Pattaya (Thái Lan)… Các bài thơ là những phác thảo gọn và gợi. Tác giả đi nhiều, như là chạy trốn nhưng không thể trốn được cô đơn. “Trong lòng tôi/  người đàn bà bán vải/ mỗi tháng một phiên/ bóng lẻ về” (Một lần đi chợ Đục Khê), “Theo dòng Thác Bờ/ nhìn hoa dại nở/mà thấy bơ vơ” (Tôi ơi), “Lên đến Tủa Chùa. Rồi xuống Mường Lay… /một mình vớt núi/ một mình vớt mây” (Đỉnh núi và bờ vực). Và trên đỉnh Rùng Rình “Tôi/ rêu phủ/ trượt ngã vào cô đơn”. Rất nhiều những chuyến đi lên rừng xuống biển, hết ngược lại xuôi, hòa với thiên nhiên, con người: người mẹ ở Buôn Đôn, người đàn bà đan cói ở Kim Sơn, người phụ nữ Việt ly hương và đơn độc ở đất nước người. Đi theo người Dao ở Mẫu Sơn,tìm cây thuốc mà chất  vấn cây thuốc không chữa được vết thương lòng người; hoặc thấy đứa trẻ bị bỏ hoang được người trồng ngưu tất cứu sống… Bao nhiêu con người, bấy nhiêu số phận, chẳng số phận nào may mắn hoặc ít ra được bình thường, được sống yên lành. Thì ra, tâm hồn nhạy cảm, đầy nhân ái của nhà thơ luôn hướng đến những cuộc đời cơ cực có cảnh ngộ đang cần sự quan tâm an ủi của mọi người của xã hội. Các bài thơ cứ như nói với mình, về mình nhưng lại là những lời nhắc nhở, khơi ngợi lương tâm đồng loại. Chất sống, tư tưởng của thơ là ở đấy.
    Có một số bài thơ, câu thơ Hoàng Việt Hằng muốn nâng lên thành những chiêm nghiệm, tăng thêm trí tuệ. Một tâm thế dùng dằng lựa chọn “Xóa đi và không xóa” làm bật lên một triết lý nhân sinh “ai đó sống suốt đời vì người khác/ đã tàn tro mà thời gian không tro tàn” “Muốn yên tĩnh/thôi ngước nhìn trăng cong. Muốn yên tĩnh / nước mắt chảy vào trong…” Cầu nguyện khi lên Ngọa Vân /nếu được xin người cho chữ tĩnh. Ra Đảo Dấu trước biển cả mênh mông /tôi chỉ một lần cúi xuống/ ra đây xin được thảnh thơi. Gặp vợ người thợ lò mất chồng /chị trẻ tới nỗi. bế con đeo khăn xô/tôi phải quay mặt đi. Một cử chỉ cao hơn bất kỳ một thái độ nào. Những câu thơ giản dị, không dấu vết gia công nghệ thuật mà lay động bởi độ sâu tâm hồn và đậm nữ tính.
   Nếu chỉ thế thôi, thì có khác gì, hơn gì thơ của nhiều người viết. Chất riêng thơ Hoàng Việt Hằng dồn vào những bài thơ dành cho thân phận mình, cho chồng con, nhất là khi viết về người chồng (một nhà văn) đã mất. Tình cảm vợ chồng âm dương cách trở là một tình cảm mạnh mẽ, đau đớn thương tâm. Muôn thuở vẫn thế. Và là nguồn đề tài đắc địa của thơ. Nhiều tác phẩm của các nữ sĩ xưa nay được người đời nhắc đến ghi rõ dấu ấn cá nhân và nỗi niềm riêng tư cảm động. Gần với chúng ta, nữ sĩ Tương Phố khóc chồng mỗi độ thu về. Tiếng thơ của bà thương nhớ, não nề. Tiếng thơ của nhà thơ nữ hôm nay buồn da diết mà cố gắng khuây khỏa. Dù sao cũng còn nhiều việc phải làm: nghề nghiệp, công tác xã hội, nuôi con ăn học.
Em đã gói kỷ niệm/gói giọt sương trên lá sen khô/gói cả anh và tình yêu hai ta xưa/nhưng gói mãi đến mùa xuân phải mở/cho nỗi buồn không héo khô(Dù em có dụi mắt)
     Vậy là cố quên nhưng không thể quên và nỗi buồn với nhà thơ lại là tài sản quý giá. Có thể nỗi buồn làm cho con người dễ nhận ra bản thể mình, dễ cảm thông chia sẻ với mọi cảnh ngộ và nhạy cảm với những biến thái của cuộc đời. Cứ thử xem từ một tâm thế buồn lại suy ra được bao điều sâu sắc. Nỗi buồn không khô héo thì sự nhận biết, nỗi niềm không bao giờ cũ. Nó lay gọi, gợi nhớ những kỷ niệm tươi nguyên với hiện tại xót xa. Bên hàng cây cơm nguội /ngày ấy anh ôm em/cây cũng trẻ /và cây nghiêng ngả/ bây giờ cây đã già/và anh trở về với đất. (Dấu ngã ở bên trời). Có lúc /em vừa viết thư cho anh/ gửi thế giới bên kia/viết xong xóa đi. Tình yêu nỗi nhớ da diết day trở không nguôi. Có bài thơ vần điệu, nhịp điệu như quên buồn để vui với tưởng tượng./như thể anh mới về/mắc lại cái dây phơi/để hong khô nước mắt/mắt ướt mà không khóc/lá vàng chan thu tàn/lá vàng vun đơn lẻ/trong những chiều tam quan(Mắt ướt).  Và anh về nói mỗi câu /mắt ướt này mắt ướt. Chỉ thế thôi, mong thế thôi nhưng /làm sao gặp nhau được/ dù chỉ là chiêm bao. Thì ra gặp được chồng ở thế giới bên kia trong chiêm bao cũng chỉ là ao ước.
Nỗi buồn tình yêu và rộng ra là nỗi buồn thân phận nhà thơ cứ tăng dần chìm lấp bởi mọi tình cảm khác. Nói với con: /lệch một bờ vai mẹ ngồi so trong đục… /tóc trắng trên đầu quên nhớ cũng như mưa. Thảng thốt giật mình khi ngồi gỡ tóc: /tóc trắng thế này sao. Lại từng trải, chiêm nghiệm /những nỗi đau hóa mây trắng cả rồi. (Lâu lắm rồi). Lên đỉnh Rùng Rình: /Tôi vấp ngã hết tuổi xuân / qua trưa /sang chiều”. Đến đâu cũng /chỉ mong sẽ không nghĩ ngợi/ lan man đau khổ kiếp người.
 (Ra đảo Dấu). Thật thương một con người đã đến mức rơi vào những hành động cử chỉ vẩn vơ: đôi khi ngồi đếm kiến bò / thấy mình không bằng con kiến.Và những vô cảm trước mọi nỗi đời /dửng dưng nghĩ mình không sống. (Thơ không đặt tên).  Đấy là những câu thơ gan ruột, đau buồn. Tâm hồn nhà thơ là một nam châm thu hút tất cả những rung động của cuộc đời của số phận riêng mình làm nên chất mật vừa đắng đót vừa dịu dàng. Đọc thơ ta như quên đi câu chữ nghệ thuật, chỉ thấy tâm hồn, cảm thông chia sẻ với một tâm hồn đa cảm, nhân ái. Đến đây tôi nhớ câu nói của A. Musset nhà thơ lớn nước Pháp: “Nghệ thuật chỉ làm ra được những câu thơ. Chính tâm hồn mới là thi sĩ”.
Ở trên tôi đã nói, thơ nữ hôm nay có buồn có đau. Không buồn đau sao được trước những mất mát không gì bù đắp được. Nhưng không bi lụy vì cuộc đời còn dài. Còn công việc còn bao lo toan trách nhiệm. Hoàng Việt Hằng ngoài làm thơ còn viết văn viết báo/ viết nuôi con lớn nên người. Đọc mà ứa nước mắt. Mấy ai sống bằng ngòi bút. Viết nuôi mình đã khó, lại nuôi con nữa, thật khó. Thế mà nhà thơ, một mình chị gắng gỏi làm được .