Sáu mươi bài thơ trong tập Chim Lạc trở về không phải bài nào cũng hay, bài nào cũng thích, nhưng nó là Thơ chứ không bắt người đọc phải gọi nó là Thơ. Và Nguyễn Công Bình cũng ý thức về điều này: Kẻ lạc đường đói khát trên sa mạc cần bánh mì và nước, phỏng câu thơ biết có ích gì?/ Những bài thơ là súng, là gươm, là “bom đạn phá cường quyền” đã ngủ quên trong huyền thoại để bây giờ Thơ chỉ còn Thơ (Những câu thơ mỏng mảnh). Nhưng nói theo ngôn ngữ nhà Phật, thì còn “chấp” quá: Chàng tưởng tượng và rít lên sung sướng khi nghĩ những bài thơ không thành giấy lót giường, và cũng còn tin vào “sức mạnh của thơ ca” quá: Thế cũng đủ hình dung những câu thơ ngỡ cơ hồ mỏng mảnh mà nào hay nặng tựa neo thuyền… (Những câu thơ mỏng mảnh).



Niềm tin vào sức mạnh của thơ ca
(Đọc tập thơ Chim Lạc trở về của Nguyễn Công Bình)
                                                VU GIA
Sống vào cái thời ra ngõ gặp nhà thơ, thành thử mỗi lần được nhận tập thơ dù thân quen, hay chưa hề biết mặt, tôi đều… ngán! Trong bạn bè của tôi cũng không ít người thành danh nhờ thơ, nhưng có khi “cố chạy theo thành tích”, nên đọc cũng không sướng lắm, bởi nói như nhà thơ Hồ Chí Minh là trong những tập thơ ấy có “bài hay xen lẫn với bài vừa”. Cứ vậy mà những tập thơ được tặng, tôi dựng lên kệ sách ngày càng nhiều. Mới rồi, đi điền dã để viết bộ phim tài liệu, tôi mang theo mấy tập thơ được tặng để đọc lướt cho vui trước khi đi ngủ. Ấy mà tập thơ Chim Lạc trở về của Nguyễn Công Bình (NXB Hội Nhà văn, 2012) níu lấy mắt tôi.
Sáu mươi bài thơ trong tập Chim Lạc trở về không phải bài nào cũng hay, bài nào cũng thích, nhưng nó là Thơ chứ không bắt người đọc phải gọi nó là Thơ. Và Nguyễn Công Bình cũng ý thức về điều này: Kẻ lạc đường đói khát trên sa mạc cần bánh mì và nước, phỏng câu thơ biết có ích gì?/ Những bài thơ là súng, là gươm, là “bom đạn phá cường quyền” đã ngủ quên trong huyền thoại để bây giờ Thơ chỉ còn Thơ (Những câu thơ mỏng mảnh). Nhưng nói theo ngôn ngữ nhà Phật, thì còn “chấp” quá: Chàng tưởng tượng và rít lên sung sướng khi nghĩ những bài thơ không thành giấy lót giường, và cũng còn tin vào “sức mạnh của thơ ca” quá: Thế cũng đủ hình dung những câu thơ ngỡ cơ hồ mỏng mảnh mà nào hay nặng tựa neo thuyền… (Những câu thơ mỏng mảnh).
Và anh mượn sức “nặng” ấy để nói lên những nỗi lòng thầm kín của mình: Bên những anh hùng, những danh nhân không thuộc riêng ai/ Những tuổi tên lạ lẫm/ Những biểu trưng đỏ mặt thời xưng tụng/ Sự vinh danh trơ tráo đến bao giờ? (Ý nghĩ nhỏ vụt trên đường). Hỏi không cần đợi trả lời, rồi lại tiếp tục dằn vặt, tiếp tục hỏi: Có những con chim quen hót mãi trong lồng/ Bắt chước giọng người đợi thưởng/ Nghe hoài ngao ngán/ Người mở lồng/ chim không bay/ Khi nhảy lò cò/ khi cúi đầu lặng lẽ/ Có phải từ lâu chim quên giọng chim rồi? (Vô đề 2). Phải chăng, đó cũng là cái nợ của thi nhân?
Nhìn lại những trang sử Việt của hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, anh đầy phấn chấn, tự hào Bởi thế… Bởi thế… Và rồi đau đáu… Bởi thế/ Mẹ ơi!/ Một chiều bình yên như mọi chiều nào con nôn nao nghĩ về Tổ quốc/ Chợt nghẹn ải Nam Quan phân li nước mắt/ Chợt nhóa những linh hồn tha thẩn chốn Hoàng Sa/ Nhói ngực phía Trường Sa những màu cờ lạ lẫm/ Nơi nắm đất tổ tiên nhức buốt lạc tay người?/ Những cánh buồm căng máu Việt bay đi không hẹn ngày về/ Cát gào u u từng ngôi mộ gió/ Vợ ngóng chồng nức nở/ đá đâu còn để hóa vọng phu!/ Những ngọn sóng hình chữ khâu ăn vạ từng tấc biển/ Tung bọt khát thèm vấy đục cả trời xanh (Mẹ ơi, Tổ Quốc…), rồi… Anh lẩn thẩn đi tìm mặt mình trong mặt người/ Anh soi mặt mình vào mười hai bến nước/ Mỗi bến nước hiện hình mười hai gương mặt/ Anh tìm hoài gương mặt thật mình đâu? (Phản biện).
Đọc tới đó, tôi thấy buồn khan! Lâu nay, tôi ít xem báo, ít xem T.V, bởi càng xem thì càng suy nghĩ làm bộ nhớ rối tung chẳng làm được gì trong lúc quỹ thời gian mỗi ngày một cạn dần. Ấy mà anh cứ gieo nỗi buồn trong tôi. Đọc tin trên báo, biết xứ mình sắp dựng bộ phim lịch sử và dự kiến thuê ngựa diễn Trung Hoa, anh lại… suy nghĩ, và buộc tôi cũng suy nghĩ cùng anh: Đất nước mấy ngàn năm lưng ngựa vung gươm/ Tan giặc giã, ngựa chiến thành ngựa sắt/ Thánh Gióng về trời ngày xửa ngày xưa…
Cho bây giờ làm phim về Thăng Long/ Tìm chẳng thấy một diễn viên ngựa giỏi/ Những chú ngựa từ phim trường Trung Hoa/ Nòi chiến mã Thoát Hoan hay Tôn Sĩ Nghị?/ Tiền cát-xê hàng ngàn đô la/ Bao giờ qua Thăng Long đóng phim xưa… đấy nhỉ? (Những chú ngựa diễn Trung Hoa).
Chút niềm vui lóe sáng ở đây là qua tập thơ Chim Lạc trở về, tôi thấy Nguyễn Công Bình tin vào thơ, tin vào thi sĩ như những tín đồ đang quỳ gối trước đền thiêng: Hứng giọt đắng cay từ nỗi đau trời đất/ Chưng cất nhà thơ thành mây bay (Nhà thơ thành mây bay), hoặc: -Mẹ ơi. Con chịu ơn cả những cánh hoa phớt tím, phớt hồng trên trần nhà hộ sinh thời chiến như niềm tin dù mong manh vẫn dắt thơ con qua mọi nỗi buồn… (Chuyện bây giờ mới kể). Với anh, dường như thơ là liều thuốc hồi sinh cho những mảnh đời khốn khổ. Và anh trải lòng mình: Cơn bão số 9 rú gào đập cửa. Cơn bão số 10 réo giục ngoài kia/ Trên cánh đồng thơ có ai đốt lửa? Văng vẳng câu thơ khản tiếng gọi hồn… (Viết trong cơn bão số 9, năm 2006).
Qua tập thơ Chim Lạc trở về của Nguyễn Công Bình, tôi không vững tin vào thơ như anh nhưng tôi tin thơ không chết, dù hiện nay người đọc không nhiều./