Ở nước Nga, nơi tôi theo học suốt 6 năm trời, thư viện của trường M. Gorki là một biển sách khổng lồ. Ngoài sách văn chương là sách công cụ, bên cạnh sách giáo khoa là sách đọc thêm. Sinh viên học sinh không phải mua sách giáo khoa hay sách đọc thêm mà xuống thư viện mượn. Đọc xong, thi xong thì trả thư viện để có sách phục vụ các thế hệ sau. Ai để mất sách hoặc làm hỏng sách thì phải mua trả hoặc đền tiền. Nhân viên thư viện được chọn lựa cẩn trọng. Chỉ những người thật giỏi, vững chuyên môn, nghiệp vụ mới được chọn làm công tác thư viện. Họ thật sự là những chuyên gia có sự hiểu biết rất sâu rộng chứ không phải là mấy anh mấy chị thủ kho chỉ bí bơ mỗi việc giữ sách. Tôi nhớ có lần, để viết một bài luận về Triết, tôi cần trích một câu nói của V. I. Lê Nin. Nhưng sách của  V. I. Lê Nin mênh mông bể sở những 55 tập, mà tập nào cũng dày và nặng. Không biết câu nói ấy nằm trong cuốn sách nào. Tôi ú ớ nói đại khái ý  của V.I Lê Nin bằng mấy câu tiếng Nga giả cầy, nào ngờ cô thủ thư nhoẻn cười rất duyên dáng. Rồi ngay lập tức, cô đưa cho tôi cuốn sách dày bịch mà tôi cần tìm, và lạ hơn nữa, cô lật qua lật lại mấy trang đã ra ngay đọan tôi cần trích. Tài tình như một nhà ảo thuật.


NHỮNG NẤM MỒ CHÔN SÁCH

TRẦN ĐĂNG KHOA

Nghe cái tên bài rờn rợn, tỏa đầy mùi tử khí, mùi nghĩa địa ở giữa cõi trần ai, bạn đọc chắc sẽ rùng mình: Khỉ! Cái lão già này lại muốn cà khịa, lại muốn vu vạ, có bé xé ra to, gây mất ổn định đời sống văn hóa vốn rất thanh bình, tĩnh lặng đến mức… buồn tẻ!
Đừng có dung tục sách! Sách không phải là một mớ giấy lộn. Bên trong cái vỏ phàm tục là vời vợi một cõi tinh thần. Mà vẻ đẹp tinh thần thì cao khiết và siêu thoát lắm, không thể tiêu diệt hay vùi dập được. Ngày xưa, Tần Thủy Hoàng từng đốt sách, nhưng ông ta cũng chỉ đốt được cái xác giấy mà thôi, còn giá trị đích thực của những áng văn chương thì vẫn tươi rói, vẫn mơn mởn ngự trị trong trái tim và trong tâm hồn người đọc. Người đọc vẫn nâng nưu, bảo vệ và gìn giữ hết đời này đời khác rồi truyền lại cho các thế hệ mai sau. Nhờ thế, đám hậu thế chúng ta hôm nay mới có được những di sản đồ sộ của nhân loại.
Bạo chúa đến như những Tần Thủy Hoàng mà còn không “giết” nổi những cuốn sách thì làm sao lại có những nấm mồ chôn sách? Vô lý lắm!
Đúng là vô lý thật. Nhưng có điều, những việc vô lý vẫn diễn ra bày ra khắp mọi ngả. Những kẻ tàn bạo xưa không đốt nổi sách, nhưng rồi chính chúng ta lại biến sách thành những nấm mồ. Nhìn đâu cũng thấy những nấm mồ sách. Đó là các Thư viện- những “ngôi đền” thiêng sinh ra để tôn vinh sách, tôn vinh văn hóa đọc.
Người phát hiện ra những ngôi mộ lộ thiên này, không phải tôi mà là nhà thơ thiên tài Chế Lan Viên, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Nhà thơ cảnh báo: “Coi chừng, nếu không khéo, chúng ta sẽ biến thư viện thành những nấm mồ chôn sách”. Nhà thơ độc đáo, nói như Hoài Thanh, “người đã nhô lên như một ngọn tháp chàm kinh dị”, ngọn tháp kỳ vĩ ấy, đã khuất trong niềm thương tiếc của chúng ta vào năm 1989.
Sự bất cập mà ông cảnh báo, tưởng chỉ xảy ra trong cõi của ông ở thế kỷ trước, ai dè hôm nay, trong thập kỷ thứ hai của Thế kỷ hai mươi mốt rồi, cô con gái rượu của ông, nhà văn nổi tiếng Phan Thị Vàng Anh lại tiếp tục cảnh báo trong tập tản văn đặc sắc “Nhân trường hợp chị Thỏ Bông” với bút danh Thảo Hảo. Bàn về những bất ổn của thư viện, Phan Thị Vàng Anh lại ước: “Tôi chỉ muốn thành kẻ cắp”. Một khát vọng rất “sốc”.
Mà thôi, ta hãy nghe chính chị giãi bày: “Ở thư viện tôi đến đọc, nội quy ghi rõ: Sáng: từ 7h30 đến 11h30. Chiều: từ 13h30 đến 16h30. Và chỉ cấp thẻ cho những người có công ăn việc làm đàng hoàng, có cơ quan chứng nhận, hoặc không thì cũng phải là sinh viên, học sinh; tức toàn là bọn không thể đến thư viện vào cái giờ thư viện mở cửa được. Nội quy ngặt nghèo trái khoáy khiến thư viện trở thành một chốn riêng của bọn mọt sách (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cả về phương diện con người lẫn côn trùng).
Vắng vẻ tới mức các chị thủ thư coi đây như một chốn không người, bàn với nhau chuyện con tao tuần sau thi rồi, con mày thi chưa; chuyện mẹ chồng tao hôm qua đi ăn giỗ bị ngã sái cả chân. Cho nên, cách đây hai tháng, đọc cái tin có một anh nhân viên thư viện ăn cắp sách tuồn ra ngoài, không phải để bán theo kiểu giấy vụn, mà để bán theo diện sách quý, cho các nhà sách cũ, thì tôi thấy thế... cũng được.
Ăn cắp đành rằng là xấu, tôi biết chứ. Nhưng dẹp cái chuyện anh nhân viên kia bỏ tiền bán sách vào túi riêng kia qua một bên, thì cái hành động của anh này tôi lại nghĩ có thể là... đáng khích lệ, nếu chỉ xét trên phương diện chuyển một vật từ-vô-dụng-sang-hữu-dụng. Ít ra, nhờ có anh, mấy bộ tạp chí cổ mới có cơ hội được người yêu sách sờ tới một cách tự do. (Bạn sẽ chặn lại, bảo tôi "phản động" rồi, sách đang nằm trong thư viện công, chui vào tủ sách riêng, người dân không được đọc một cách bình đẳng nữa, mà là việc đáng khích lệ sao?).  
Thật ra, cái lý của tôi dựa trên một bài báo cách đây 5 năm của ai đó mà tôi được đọc: cảnh người người sánh vai trong nhà sách, trước những đầu sách mới, và phải móc tiền ra mua, hoàn toàn không phản ánh được tình trạng "bình đẳng trước sách". Chỉ khi nào, sau giờ hành chính, anh thợ máy ham đọc đã tắm rửa thơm tho được ngồi đàng hoàng trong thư viện; chị kế toán trốn người yêu có thể lẩn quẩn giữa các kệ sách đến tận 10h tối, hoặc anh kỹ sư thất nghiệp không có nhiệm sở nào (nhận đóng dấu làm thẻ) vẫn giết thời gian được cả ngày dài trong thư viện..., thì khi đó chúng ta hẵng nói là có sự bình đẳng trước sách.
Ðằng này, hệt như những truyện thần thoại luôn luôn có ba cửa ải ngăn hiệp sĩ đi tìm công chúa, gần như thư viện nào cũng có sự bất hợp lý của nội quy là con rồng phun lửa thứ nhất, thủ thư khó tính là bầy rồng khạc lửa thứ hai, sự lề mề của thủ thư khi đi tìm sách là cú quật đuôi của con rồng thứ ba. Sách như gái già trong nhà đá, thà được một chú bất lương rình lúc rồng ngủ thì kéo ra ngoài, còn hơn cao sang bất đắc dĩ không hít được khí trời.
Thế cho nên, thưa anh ăn trộm sách,
Giờ thì anh hẳn đã y án, nhưng tôi chắc anh đang ngậm ngùi. Anh ngậm ngùi cho cái thân anh. Ai bảo anh ăn cắp. Lại là ăn cắp cái thứ cồng kềnh, ai (ngoại trừ thư viện) có được cũng khoe ra, tự hào, nên dễ lộ. Tôi thì tôi ngậm ngùi cho cả anh và đám sách kia. Phải như anh chỉ ăn cắp và đem đến phát không cho các nhà sách cũ, thì anh đã là hiệp sĩ.
Và đám sách kia, nếu nhanh chân một tẹo, thì đã thoát khỏi thư viện, giang hồ tơi tả ngoài chợ đời một tí, mà được tiếp xúc với nhiều người, nhiều giới, cũng còn hơn”.
Tôi phải dẫn ra cả một đoạn khá dài để “nói có sách, mách có chứng”. Cám ơn Phan Thị Vàng Anh đã nói “trắng phớ” ra một sự thật đắng chát. Không phải ngẫu nhiên mà tôi quấy bạn đọc trong suốt hai số báo liền, bàn về Sách và Văn hóa đọc, và khép lại câu chuyện bằng chính câu chuyện chẳng lấy gì làm vui vẻ này. Ở các nước, thư viện luôn rộng mở, đặc biệt mở cả ngoài giờ hành chính để ai cũng đọc sách được. Trong thư viện Lê Nin ở Matxcơva, không thiếu bất kỳ mọi loại sách gì, kể cả sách tiếng Việt và tiếng các nước.
Ở ta, sách hay lại khó tìm trong thư viện. Bây giờ người tự in sách rất nhiều. Có tác giả nghiệp dư, viết còn chưa sạch chữ, nhưng mỗi năm có thể ra hàng chục đầu sách. Sách không bán được thì đưa vào thư viện, với ‘chiết xuất” rất cao, nhân viên thư viện sẵn sàng nhập sách với giá trên trời ghi ở ngoài bìa để hưởng phần trăm “chiết xuất”. Đấy cũng là lý do khiến bạn đọc muốn tìm giá trị đích thực của sách không muốn vào thư viện nữa. Đó là chưa kể còn có cả một loạt hệ thống thư viện nhà trường, giờ cũng đã thành kho chứa đồ phế thải. Có thư viện còn không có cuốn sách nào. Những thày cô không đủ khả năng đứng trên bục giảng hoặc bị kỷ luật, thì đưa xuống giữ thư viện.
Trong khi đó sách giáo khoa, sách đọc thêm năm nào cũng in lại và in thêm đủ các chủng loại, chủ yếu bổ xuống đầu học sinh, biến giáo dục thành thị trường kinh doanh đắc địa, không phải cạnh tranh mà vẫn “thắng đậm”.
Ở nước Nga, nơi tôi theo học suốt 6 năm trời, thư viện của trường M. Gorki là một biển sách khổng lồ. Ngoài sách văn chương là sách công cụ, bên cạnh sách giáo khoa là sách đọc thêm. Sinh viên học sinh không phải mua sách giáo khoa hay sách đọc thêm mà xuống thư viện mượn. Đọc xong, thi xong thì trả thư viện để có sách phục vụ các thế hệ sau. Ai để mất sách hoặc làm hỏng sách thì phải mua trả hoặc đền tiền. Nhân viên thư viện được chọn lựa cẩn trọng. Chỉ những người thật giỏi, vững chuyên môn, nghiệp vụ mới được chọn làm công tác thư viện. Họ thật sự là những chuyên gia có sự hiểu biết rất sâu rộng chứ không phải là mấy anh mấy chị thủ kho chỉ bí bơ mỗi việc giữ sách.
Tôi nhớ có lần, để viết một bài luận về Triết, tôi cần trích một câu nói của V. I. Lê Nin. Nhưng sách của  V. I. Lê Nin mênh mông bể sở những 55 tập, mà tập nào cũng dày và nặng. Không biết câu nói ấy nằm trong cuốn sách nào. Tôi ú ớ nói đại khái ý  của V.I Lê Nin bằng mấy câu tiếng Nga giả cầy, nào ngờ cô thủ thư nhoẻn cười rất duyên dáng. Rồi ngay lập tức, cô đưa cho tôi cuốn sách dày bịch mà tôi cần tìm, và lạ hơn nữa, cô lật qua lật lại mấy trang đã ra ngay đọan tôi cần trích. Tài tình như một nhà ảo thuật.
Ôi! Nước Nga “của tôi”! Tôi chợt hiểu vì sao, trong giới học đường người Việt xa xứ vẫn lưu truyền một câu cửa miệng: “Muốn giàu đi Đức - Muốn kiến thức đi Nga!”. Không biết đến bao giờ chúng ta mới có được một hệ thống thư viện nhà trường và những cô thủ thư như thế? Và rồi, tôi lại chợt giật mình, nhớ đến bài thơ “Lão đày tớ” của Tố Hữu. Bài thơ rất chân thành, kể chuyện một lão già khốn khổ nghe chuyện nước Nga, muốn ước tới cõi thần tiên, mà cứ như một kẻ viển vông, toàn mơ ước hão huyền:
Cậu bảo: Cũng không xa
- Nước Nga!
- Ờ nước ấy!
Và há mồm khoan khái
Lão ngồi mơ nước Nga!