Gió hiu hiu thổi gãy cột đèn
Hơn 23 giờ, tiếng chuông báo có tin nhắn từ cái điện thoại di động khiến tôi giật mình. “Chào ông. Tôi có một chuyện rất bức xúc muốn ...
http://www.lethieunhon.vn/2012/11/gio-hiu-hiu-thoi-gay-cot-en.html
Hơn 23 giờ, tiếng chuông báo có
tin nhắn từ cái điện thoại di động khiến tôi giật mình. “Chào ông. Tôi có một
chuyện rất bức xúc muốn nhờ ông viết báo”. Số máy quen thuộc của một nhà giáo ở
miền Trung. Tôi trả lời: “Xin lỗi. Tôi không có khả năng viết về tranh chấp đất
đai và vướng mắc thuế!”. Lại tít tít: “Không, tôi chỉ nói về nghề nghiệp của tôi,
muốn giải bày ở mục nào đọc để ngẫm nghĩ đấy. Nếu ông đồng ý, tôi sẽ gọi cho ông
ngay!”. Tôi đã từng gặp anh, một nhà giáo luôn khao khát đổi mới phương pháp dạy
học, một nhà giáo thường vận động học sinh tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa
xã hội. Tôi nhớ có lần chứng kiến anh đang khuyến khích học trò của mình ủng hộ
đồng bào bị lũ lụt, anh bảo: “Các em cứ quyên góp tùy khả năng và lòng hảo tâm
của mỗi người, sau đó thầy sẽ trích lương để thêm vào cho tròn số!”. Đã nhiều năm
trôi qua, tôi cảm phục việc làm ấy. Tôi quyết định gọi cho anh, dù kim đồng hồ đã
nhích dần vào nửa đêm
.
GIÓ HIU HIU THỔI GÃY
CỘT ĐÈN
TUY
HÒA
Thầy giáo: Tôi vừa
đi dự lễ kỷ niệm thành lập khoa Văn ở Sài Gòn về.
Người viết: Chúc
mừng anh. Bây giờ rất ít người nhớ đến trường lớp cũ
Thầy giáo: Tôi háo hức lắm. Trước khi đi, hai cậu em tôi có ý không
đồng tình, đã bị tôi nạt cho một trận. Kết quả, thật bẽ bàng. Ông có biết không,
lễ đón tiếp có hai dãy bàn, một bên nhận quà tặng có cả hàng dài chờ đến lượt mình,
còn một bên kêu gọi thành lập quỹ khoa Văn chỉ có vài ba người. Thế nhưng, chuyện
tiền bạc bỏ qua, không nói làm gì. Tôi cô đơn ngay giữa môi người đã đào tạo mình
nên người, ông ạ.
Người viết: Người
ta chỉ đón tiếp quan chức, không để ý đến một giáo viên tỉnh lẻ như ông à?
Thầy giáo: Không, tôi học 4 năm sư phạm, bạn bè biết mặt nhau chắc
cũng vài trăm người, nhưng tôi chỉ gặp được ba người quen. Hai người kia bây giờ
đi làm báo, nên đến dự để đưa tin, còn một người đang công tác tại khoa. Vừa buồn
vừa giận, tôi gọi liền hơn hai chục cuộc điện thoại cho những người cùng khóa đang
dạy học tại TPHCM. Có người bảo: “Đi làm gì, rách việc!”, có người bảo: “Bận chạy
show thỉnh giảng!”, thậm chí có người ngơ ngác: “Kỷ niệm thành lập khoa mình hả,
tui không biết!”. Tôi muốn khóc, ông à!
Người viết: Sao lại
khóc? Bạn bè ông đều là những người thành thật đấy.
Thầy giáo: Tôi vượt mấy trăm cây số đi dự, còn họ ở ngay tại thành
phố mà cũng không đến được. Một chút thời gian cỏn con để gặp thầy xưa bạn cũ,
có khó khăn gì đâu, có mất mát gì đâu?
Người viết: Ông phải thông cảm cho đồng nghiệp chứ. Họ có nhiều việc
phải lo lắm, lo dạy thêm, lo soạn sách tham khảo, lo trang bị bằng cấp cao hơn,
lo dọn đường cho việc thăng chức…
Thầy giáo: Nhưng nhiệm vụ chính của giáo viên là dạy học mà? Tôi không
hiểu đồng nghiệp tôi sẽ dạy bài học “uống nước nhớ nguồn” như thế nào…Giáo viên
phải lấy chính mình làm tấm gương cho học trò chứ!
Người viết: Tôi cũng nghĩ vậy. Bây giờ thấy cô giáo dính líu đến
chuyện chạy trường, thầy giáo đổi tình lấy điểm… mà cay đắng và xót xa. Xin lỗi
ông, tôi nói thẳng. Tiêu cực trong kinh tế chỉ là hành vi ăn cắp tài sản của xã
hội, còn tiêu cực trong giáo dục phải gọi cho đúng là hành vi ăn cắp đạo đức của
dân tộc.
Thầy giáo: Đúng, đúng… Tài sản mất có thể kiếm lại, nhưng đạo đức mất
thì hệ lụy không sao kể hết. Đừng tưởng lỗ nhỏ không thể đắm thuyền lớn.
Người viết: Tôi kể chuyện này ông nghe nhé. Khi vụ tham ô ở Đồ Sơn được
mang ra xét xử lại, tôi có dịp ghé qua Hải Phòng. Tôi ngồi quán cóc ở bên bờ
Tam Bạc nghe dân đất cảng nói chuyện với nhau, và họ kết luận một câu rất đáo để:
“Đừng đùa với nhau nhé. Gió hiu hiu thổi gãy cột đèn đấy!”
Thầy giáo: Gió hiu hiu thổi gãy cột đèn! Hay quá, hay quá! Sau khi đi
hội trường, tôi từ một người ghét cay ghét đắng nhạc trẻ bỗng nhiên thấy nhạc
trẻ cũng có lý. Vẫn muốn “đừng để nỗi đau thêm dài” nên tự nguyện “đau một lần
rồi thôi”, ai ngờ “không đau vì quá đau”.