Ông Hen rich Hai nơ, nhà thơ lớn nổi tiếng thế giới của Đức có một bài thơ rất ấn tượng. Ông ấy bảo, đại ý, cái người làm cho tôi ghét nhất, không phải người làm cho tôi yêu, cũng không phải người làm cho tôi ghét, mà chính là cái người làm cho tôi không yêu cũng không ghét. Đúng thế thật. Một người mình yêu thì lúc nào cũng nhớ đã đành, còn người mình ghét, ghét cay ghét đắng, thậm chí là ghét đến căm thù thì cũng rất khó quên. Còn cái người không yêu cũng không ghét, thì chẳng có gì lưu giữ được, sẽ chìm trong quên lãng vĩnh viễn. Đấy chính là cái anh nhạt. Nhạt thì chẳng có gì để bàn. Cụ Tú Xương cũng có lần ta thán: “Trời không chớp bể, chẳng mưa nguồn – Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn – Mặt nước đìu hiu cơn gió thoảng – Nhạt nhèo quanh cảnh bóng trăng suông”…Nhạt nhẽo thì còn có chút bực bội, chứ nhạt nhèo thì nản lắm rồi. Chẳng còn gì để nói. Tuy thế, trăng suông cũng có vẻ đẹp của nó chứ. Đó là thứ ánh sáng không chói gắt, không góc cạnh. Một ánh sáng không phải ánh sáng. Tất cả cứ mờ mờ ảo ảo, nhưng vẫn có cái linh hồn của ánh sáng


BỆNH NHẠT

TRẦN ĐĂNG KHOA

- Nhạt mà cũng là bệnh ư?
- Đúng! Một căn bệnh trầm kha. Rất đáng sợ!
- Tôi cứ tưởng ông là lão “vô sừng vô sẹo”. Chẳng còn biết sợ là gì. Tôi đọc trên một tờ báo nào đó, thấy ông trả lời phỏng vấn một phóng viên. Ông còn mang cả cái chết của mình ra để bỡn cợt. Ông bảo: “Lão Khoa chỉ là Khoa khi vẫn khỏe mạnh. Nghĩa là đang thở ra và hít vào. Còn khi lão không còn thở, tức là “ngoẻo củ tỏi” rồi, thì tởm lắm. Đấy không phải lão. Bởi thế, lão không chịu trách nhiệm về cái đống bầy hầy ở trong quan tài. Đừng có nhìn vào. Kinh lắm. Đấy có phải lão đâu. Cần gói lại và đốt ngay rồi cho vào cái niêu đất, chôn dưới gốc khế. Xưa nay chó mèo chết đều như thế cả. Trước khi đưa lão vào lò, cũng nên cho lão được vái chào các bạn đọc khả kính của lão bằng một bài thơ bái biệt như sau: “Bao năm ròng mệt mỏi – Xuống xứ này dong chơi – Giờ ta làm ngọn khói – Õng ẹo bay về giời”…Này, ông mà “õng ẹo” thì cũng kinh lắm đấy. Chí ít tôi cũng không thể hình dung được. Một người mang cả điều nghiêm trọng, là cái chết của mình ra đùa thì không còn coi giời đất là gì nữa cả. Một người như thế cuối cùng lại sợ một căn bệnh là bệnh …nhạt…
- Đúng! Rất sợ…
- Vì sao?
- Vì nhạt rất nguy hiểm. Nó nguy hiểm vì …không có gì nguy hiểm…
- Ông nói thế nào ấy. Không nguy hiểm thì có gì mà phải sợ.
- Rất đáng sợ. Nó đáng sợ vì… không nguy hiểm. Cũng bởi nó không phải cái xấu. Thế mới …nguy hiểm. Nếu là cái xấu thì người đời đã lên án nó, tảy chay nó. Nếu nguy hiểm thì người ta đã đề phòng, đã cách li, rồi loại bỏ. Đằng này, nó lại chẳng có tội vạ gì. Chỉ nhạt thôi. Nhạt thì không có thuốc nào trị được cả. Nghĩa là vô phương cứu chữa. Mà nó lại có sức lây lan. Lây nhanh như dịch hạch. Nhưng có người lại thích, thậm chí rất ủng hộ, vì nó luôn bảo đảm sự ổn định. Rất êm đềm. Không có biến cố. Nhưng rồi chính nó lại băng hoại mọi sự sáng tạo. Mà không sáng tạo nghĩa là không có sự phát triển. Nguy hiểm là ở chỗ đó…
- Nhưng nhạt cũng có cái hay chứ. Ví như ăn nhạt…
- Đúng, ăn nhạt thì hay. Vì không hại thận. Nhưng sống nhạt thì sợ lắm. Ông Hen rich Hai nơ, nhà thơ lớn nổi tiếng thế giới của Đức có một bài thơ rất ấn tượng. Ông ấy bảo, đại ý, cái người làm cho tôi ghét nhất, không phải người làm cho tôi yêu, cũng không phải người làm cho tôi ghét, mà chính là cái người làm cho tôi không yêu cũng không ghét. Đúng thế thật. Một người mình yêu thì lúc nào cũng nhớ đã đành, còn người mình ghét, ghét cay ghét đắng, thậm chí là ghét đến căm thù thì cũng rất khó quên. Còn cái người không yêu cũng không ghét, thì chẳng có gì lưu giữ được, sẽ chìm trong quên lãng vĩnh viễn. Đấy chính là cái anh nhạt. Nhạt thì chẳng có gì để bàn. Cụ Tú Xương cũng có lần ta thán: “Trời không chớp bể, chẳng mưa nguồn – Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn – Mặt nước đìu hiu cơn gió thoảng – Nhạt nhèo quanh cảnh bóng trăng suông”…Nhạt nhẽo thì còn có chút bực bội, chứ nhạt nhèo thì nản lắm rồi. Chẳng còn gì để nói. Tuy thế, trăng suông cũng có vẻ đẹp của nó chứ. Đó là thứ ánh sáng không chói gắt, không góc cạnh. Một ánh sáng không phải ánh sáng. Tất cả cứ mờ mờ ảo ảo, nhưng vẫn có cái linh hồn của ánh sáng. Người ta vẫn còn nhận ra được cảnh vật, dù tất cả loà nhòa, không biết cái loà nhòa ấy tỏa ra từ đâu, từ trời mây hay sông nước hoa cỏ? Chịu. Nhưng nó vẫn là một dạng ánh sáng, “linh hồn của ánh sáng”. Còn nhạt thì chẳng có gì cả. Nó chỉ là sự trống rỗng vô tận. Căn bệnh này phổ biến lắm. Nhìn vào đâu cũng thấy. Nhất là trong địa hạt đòi hỏi nhiều đến sự sáng tạo, như trong văn học nghệ thuật hay báo chí. Tất nhiên cũng không phải chỉ có ở những loại hình này. Nhạt có thể xuất hiện và phát triển ở khắp mọi nơi, ở cả những lĩnh vực tưởng như rất nghiêm túc…
- Căn nguyên nào dẫn đến căn bệnh ấy?
- Lười. Tất cả chỉ do lười thôi. Tôi nghĩ vậy. Lười mà lại ngại va chạm. Thế thì cái nhạt sẽ xuất hiện.
Người lười mới luôn có được sự an nhàn. Chẳng phải lo gì cả. Trên đời này, có một thứ không cần phải cố gắng ta cũng có ngay. Đó là sự già nua và trì trệ. Trong một bài thơ đùa, tôi cũng đã có lần nói vui: “Cái đến rồi sẽ đến – Cái qua thì phải qua – Chả cần chi phấn đấu – Ta cũng thành …cụ già” Đúng vậy. Một điều rất hiển nhiên. Bởi đó là quy luật của tạo hóa. Một anh chàng lười nhất, chẳng làm gì, cũng không mong muốn thì rồi cuối cùng anh ta cũng vẫn thành một lão già lẩn thẩn. Còn muốn minh mẫn, trẻ trung thì phải vận động, phải gồng mình lên để chống lại tạo hóa. Bởi thế, có những anh còn rất trẻ, đang ở lứa tuổi thanh niên mà đã già rồi, già, trì trệ mà lại có sức khoẻ thì hãi lắm. Ngược lại, có những người tuổi đã cao, nhưng lại rất trẻ, như cụ Tô Hoài, cụ Hữu Ngọc, thậm chí có cụ đã mất mấy chục năm rồi, nhưng vẫn làm chúng ta phải ngỡ ngàng, kinh ngạc vì sự trẻ trung của họ trong sáng tạo những năm tháng cuối đời, như cụ Chế Lan Viên ở những bài thơ di cảo. Có lần tiếp xúc, giao lưu với bạn đọc ở Đức, một học giả, Giáo sư H. Berke hỏi tôi: “Tại sao ở Việt Nam, có những nhà văn ở lứa tuổi 90 như ông Tô Hoài mà viết mãi vẫn không nhạt. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông (ý nói cuốn “Ba người” – TĐK) vẫn gây nên sự chú ý đặc biệt. Hình như ông già này không biết sợ là gì. Tại sao ông ấy không biết sợ?”. “Thì thế mới là Tô Hoài. – Tôi nói vui – Có một căn bệnh mà nhắc đến, cả loài người ai cũng run sợ. Ông cũng sợ mà tôi cũng sợ. Đó là bệnh Si đa. Căn bệnh này ủ bệnh và phát bệnh trong khoảng 10 năm, 20 năm, hiện vẫn không có thuốc đặc trị, thế nên ai cũng kinh hoàng. Chỉ có một người không sợ là Tô Hoài. Đến căn bệnh thế kỷ, làm khiếp đảm cả loài người mà ông ấy còn không sợ, thì ông ấy còn biết sợ cái gì”. Cả khán phòng cười ồ…
- Vậy ông tự xếp mình thuộc dạng nào?
- Tôi luôn thấy mình già nua và nhạt nhẽo. Mà nhạt triền miên. Nếu có động thái gì thì cũng chỉ là sự õng ẹo gồng mình lên để chống lại cái nhạt ở chính trong con người mình.
- Chống bằng cách nào?
- Bằng một phép rất đơn giản. Hãy cứ trở về với chính mình. Dù dở dù hay gì thì cũng phải là mình. Mình như thế nào thì cứ sống như thế. Sống đúng như mình thì sẽ không giống ai. Và như thế thì sẽ không nhạt. Mỗi con người là một thế giới riêng. Chẳng ai giống ai cả. Từ làn da, vóc dáng, hình hài cho đến cả cái nhỏ nhất là cái …vân tay. Mỗi quốc gia cũng như vậy. Bi thảm nhất là ta cứ chạy theo những cái ngoài mình. Bạn hãy nhắm mắt lại mà ngắm xem, những gì ta chạy theo thiên hạ, bắt chước thiên hạ và rồi ta đã phải trả những cái giá đắt đến như thế nào? Nghệ sĩ Nhân dân Lê Khanh có một vở kịch tự sáng tác có một chi tiết rất thú vị. Con người dù không phải diễn viên mà vẫn luôn sắm vai. Có người còn thích đeo mặt nạ. Đeo mãi rồi thành quen, quen đến nỗi cái giả thành cái thật. Anh ta dần đánh mất gương mặt thực của mình. Đọc kịch của Lê Khanh có một lần, mà tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi chi tiết ấy, đến nỗi đi trên đường phố, nhiều lúc tôi cứ thấy rờn rợn như mình đang dự lễ hội hóa trang. Bởi thế, đã lâu, có một phóng viên hỏi tôi: “Ta có nên có ngày cá tháng tư không?”. Tôi bảo, ngày mồng một tháng Tư là ngày nói dối. Tây họ thích đùa. Tôi ở Nga bảy năm, ngày cá tháng tư nào, tôi cũng bị lừa. Dù rất có ý thức mà vẫn không tránh được. Bởi không lần nào giống lần nào. Ta chả nên nhập khẩu ngày nói dối làm gì. Nếu có nhập về thì nên đổi lại là ngày nói thật. Làm sao nói thật mà không bị bạn bè dị nghị. Nếu ai cũng trung thực thì sự giả dối sẽ không còn chốn nương náu. Một thời ở ngành Giáo dục, ta cứ nói “chống bệnh thành tích”. Ơ hay, đi học thì phải có thành tích chứ. Tại sao lại chống bệnh thành tích? Dù thành tích có là một căn bệnh thì cũng là một dạng của thành tích. Ta cần chống là chống bệnh giả dối. Sống trung thực với lòng mình cũng là một phương thuốc chống lại cái nhạt. Có phải thế không?