Anh Hoàng Đức Chính có nhiều năm tháng sống và chiến đấu ở chiến trường máu lửa từ Bắc vào Nam, anh có nhiều kỷ niệm và cảm xúc sâu sắc ở nhiều vùng đất. Đó là vốn sống rất quý báu, là hành trang vô giá đối với người viết, nhưng anh không chuyên với công việc thơ văn. Quả thật, có vướng bận vào con đường viết lách mới thấy thật là cực nhọc, đòi hỏi phải chịu thiệt thòi nhiều thứ mà chưa chắc đã nên cơm cháo gì. Đa số chỉ khổ vợ con, gia đình. Nhiều người mắc bệnh hoang tưởng, mình không nhận ra mình, thích nổi tiếng, thích làm nhà nọ nhà kia một cách giả tạo thì lại còn khổ nữa. Có người đang ở đỉnh cao một ngành khoa học, nghỉ hưu, bỗng dưng rẽ ngang sang chuyện thơ văn, mang tiền ra đánh bóng tên tuổi... Không ít chuyện bi hài về lĩnh vực này. Anh Hoàng Đức Chính lại khác, thích thì viết, anh viết như chơi, được đến đâu hay đến đó, bài nào được thì dùng, không được thì bỏ. Cách này có cái hay, tự nhiên và hồn nhiên.


HOÀNG ĐỨC CHÍNH ĐI CÙNG PHÙ SA

NGUYỄN VŨ TIỀM  

            Thỉnh thoảng tôi gặp thơ anh đăng ở báo nọ báo kia nhất là trong những dịp Tết để giao lưu với bè bạn văn chương. Thế rồi bỗng thấy anh in thành tập. Tập thơ này hình như là tập thứ ba hay thứ tư…
            Cái quý trong những sáng tác thơ của nhà thơ Hoàng Đức Chính là chất liệu sống chỗ nào cũng tươi roi rói, rất máu thịt. Những năm tháng còn chiến tranh, những người con của Hà Nội hướng về hậu phương:
            Phía bên kia ngọn đồi
Pháo đều đều điểm nhịp
Vài ngày nữa là Tết
Nhớ Hồ Gươm mùa heo may.
(Một chiều cuối năm)
Viết về cuộc sống ở chiến trường, Hoàng Đức Chính không lên gân lên cốt. Diễn tả nỗi nhớ không bằng những từ thật da diết nhưng mà dung dị lắng sâu, khơi gợi. Thơ như thế dễ vào lòng người.
Hòa bình lập lại, đồng đội gặp nhau:
            Năm người lính nhìn vào mắt nhau tìm nỗi nhớ
Nỗi nhớ nào cũng có đồng đội nằm lại rừng sâu.
(Đồng đội xưa)
            Hai câu thơ có độ dài tự nhiên không gò bó vần luật, điềm tĩnh đấy, nhưng có nỗi đau lặn vào sâu thẳm cõi lòng. Phải, sau hòa bình, cuộc sống mới bộn bề đặt ra nhiều vấn đề không kém phần day dứt phức tạp, nhiều thử thách mới...
            Anh có nhiều kỷ niệm về đồng quê gắn với hình ảnh người mẹ táo tần khuya sớm:
Tiếng gọi của đồng trầm đêm
Chỉ còn tầu chuối ru êm đầu hồi
Mẹ nằm một nửa cho tôi
Nửa cho đồng cạn lửa sôi trắng mùa.
(Đồng gọi)
            Anh cảm thông với giấc ngủ của mẹ, một nửa lo cho con, một nửa lo cho ngô lúa mùa vụ ngoài đồng, chứ giấc ngủ cho mình thì đâu có. Cánh đồng hạn hán chắc là lâu ngày đến mức “lửa sôi trắng mùa”, có nguy cơ mất trắng, bao nhiêu cực nhọc gian truân mới làm nên được hạt thóc. Đức hy sinh của người mẹ chân quê thật lớn lao, người con nhận ra được điều ấy cũng thật đáng quý.
            Đất nuôi đất thành lời ru
Người quê khôn lớn giữa phù sa thơm
Mồ hôi lẫn với hạt cơm
Cọng dưa thì đắng, gió lờm lợm hanh.
(Ru quê)
            Một nhà thơ chuyên nghiệp sống ở thành phố không thể viết được câu “Cọng dưa thì đắng, gió lờm lợm hanh”, mà phải là người sinh trưởng ở đồng ruộng và có tấm lòng thiết tha gắn bó với quê hương. Anh định cư ở thành phố đã lâu, nhưng trong những sáng tác của mình, hình ảnh làng quê với những con người chịu thương chịu khó luôn trở đi trở lại gắn bó, yêu thương.
            Một kỷ niệm tuổi thơ:
Đất màu mỡ, đất đang mơ
Tôi thì khờ dại chỉ lo sáo diều
Mẹ thương khóc ướt trang Kiều
Ngọn dâu vàng bãi mấy chiều gió đông.
(Đất hát)
            Có câu thơ mang dáng dấp huyền thoại:      
Mẹ chỉ tôi và em đi tìm dòng sông
Dòng sông vắt ngang nỗi nhớ
Thuở bàn chân in hình lên cát đỏ
Cỏ lau che tấm lưng trần…
Những ngày tấp tểnh đường cày mưa hắt rát vành nón mê
Tôi chưa đủ trí khôn nhận ra hoa hồng ủ hương trong lòng đất.
(Đi cùng phù sa)
           

Nhiều khi thơ anh vừa lãng mạn vừa pha chất suy tưởng khá thú vị:
Nắng vẫn đến và tôi vẫn đợi
Chỉ có em vời vợi cuối trời
Sao không hát một lời gửi gió
Cho cánh diều ngân sáo lòng tôi.
(Im lặng)
            Chất suy tưởng và lãng đãng mơ hồ rất cần thiết cho thơ. Nếu không có tâm hồn nghệ sĩ, mơ mộng đắm say khó tạo nên được. Hoàng Đức Chính có yếu tố này nhưng anh ít để tâm nuôi dưỡng nó, anh cứ để tự nhiên được đến đâu hay đến đó trong trang viết của mình. Cũng hơi tiếc.
            Thơ Hoàng Đức Chính có mảng đáng chú ý, đó là một số bài có thấp thoáng màu sắc tâm linh. Không cố tình mà cũng rất tự nhiên bởi cuộc chiến tranh vừa qua bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc và bao nhiêu đồng bào đã ngã xuống, mối dây tình cảm, tâm linh trong sâu thẳm cõi lòng của mọi người có lúc nào nguôi ngoai? Cõi sống và cõi chết có mối liên hệ lạ lùng kỳ diệu.
Các anh nằm bình thản nghe suối hát
Rừng hồi sinh xòe tán cây xanh
(Thăm nghĩa trang)
            Và đây là ngày Tết ở gia đình:
Có con đường như dẫn đến tâm linh
Con đường của đêm ba mươi Tết
Mẹ bảo người đã chịu bao nhiêu ngày giá rét
Nên đào mai dẫn lối đến giao thừa.
(Giao thừa)
            Con người với cây cảnh đào mai hòa hợp trong mùa xuân trong thời khắc giao thừa thiêng liêng của thế giới tâm linh.
            Điển hình nhất là bài “Hương bưởi”:
            Vườn nhà cây bưởi không còn
            Sao hương đầu ngõ vẫn thơm ngạt ngào
            Ngày ngày tôi ghé cầu ao
            Nhặt sợi tóc trắng gửi vào khoảng không.
            Thơ hay, có hiện tượng lạ lắm, thường là đạt tới độ… phi lý. Cây bưởi không còn thì làm sao có hương thơm ngạt ngào? Làm gì có tóc trắng ở cầu ao để anh ngày ngày đến nhặt mà gửi vào khoảng không? Hai cặp lục bát này đều phi lý. Nhưng thơ chấp nhận sự phi lý ấy. Tuy cây bưởi không còn, nhưng hương kỷ niệm (chắc là với một ai đó ở đầu ngõ hay cài tóc bông hoa bưởi) vẫn ngạt ngào trong tâm tưởng tác giả là điều có thật. Không có tóc trắng ở cầu ao nhưng trong lòng người con nhớ mẹ với mái đầu phơ phơ tóc bạc thường soi bóng nước ở cầu ao và con nhặt từng sợi tóc trong tâm tưởng gửi vào khoảng không, tưởng nhớ mẹ trong cõi vô cùng là có thật. Đó là sự phi lý hình thức trong hợp lý nội dung. Đặc biệt, trong trường hợp này nội dung mang sắc thái tâm linh.
            Bài “Hương bưởi” lời giản dị, hình ảnh quen thuộc chứ không có gì lạ lùng, tình cảm chân chất đậm đà. Thơ không rườm lời, ý tại ngôn ngoại. Đây là một bài tứ tuyệt hay.
            Tôi đang bổ sung lần thứ hai cho tập “NGHÌN CÂU THƠ TÀI HOA VIỆT NAM” sắp tái bản. Tôi đã chọn bài “Hương bưởi”.
            Thơ Hoàng Đức Chính phong phú về đề tài, nhà thơ trải lòng với quê hương, với đời sống của cộng đồng một cách chân thật và tha thiết tình đời. Chất thơ trong sáng tác của anh thấp thoáng đó đây lúc thì kết hợp giữa thực và ảo giữa cụ thể và khái quát, lúc lại giản dị bằng những lời của hồn quê dân dã cất lên từ đáy lòng.
            Khỏa tay vào ngọn sóng
Lòng tôi ăm ắp phù sa.
Hai câu này có vẻ kỹ thuật nhưng ở Hoàng Đức Chính, tôi nghĩ anh không cố ý kỹ thuật mà nó hiện ra một cách tự nhiên, chân thành. Ở một số bài thơ, anh có sử dụng hình ảnh, hình tượng, hoặc những ẩn dụ làm cho câu thơ lung linh màu sắc.
Tôi yêu em bé bán vé số
Tháng tháng ngày ngày đem hy vọng gửi vào thế gian.
(Xổ số)
            Rất tự nhiên, rất đời thường, nhưng chất suy tưởng tan hòa trong đó tạo nên sự khái quát cần thiết cho bài thơ. Đây chính là bí quyết, là yếu tố cần thiết để kiến thiết nên bài thơ.
Thơ hiện đại, nói chung, nhiều người đã tước bỏ hết vần luật quen thuộc. Thơ không vần đã rất phổ biến. Hoàng Đức Chính cũng đang vận động theo hướng này. Đây là điều đáng mừng (nhưng chưa nhiều).
Mới đây anh Hoàng Đức Chính và mấy anh cùng hội thơ có đến trao đổi với tôi về thơ mới, thơ không vần.
Thơ không vần không phải là mới, từ hồi đầu kháng chiến chống Pháp (hình như năm 1947) tại chiến khu Việt Bắc đã có cuộc thảo luận về vấn đề này. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi lúc đó đã viết một số bài thơ không vần. Thơ văn xuôi thì thời thập kỷ 30 thế kỷ trước đã có.
Theo tôi, thơ hiện đại (và hậu hiện đại) không phải nhằm đáp ứng lối đọc thơ dễ dãi, êm tai, cũng không nhằm để dễ thuộc, dễ ngâm ngợi mà chính là qua thơ, người đọc được thưởng thức, được ngẫm ngợi, mở ra nhiều hướng liên tưởng mênh mang, đa chiều đa nghĩa (chứ không phải chỉ một ý nghĩa, một cách hiểu), để rồi ở mỗi người đọc ở mỗi hoàn cảnh khác nhau, thời gian khác nhau, những câu thơ được sáng tạo thêm một lần nữa, sống thêm một đời sống nữa (nhiều khi ngoài ý tưởng của tác giả). Với phẩm chất này, thơ hiện đại (và hậu hiện đại) có yêu cầu cao hơn rất nhiều.
Giá anh Hoàng Đức Chính có điều kiện đầu tư hơn nữa chắc sẽ gặt hái được thành quả đáng kể hơn trong lĩnh vực thơ ca vốn rất tinh vi và ảo diệu này.
Những kỷ niệm sâu sắc trong đời, thời gian càng xa, càng lắng sâu,  càng lung linh kỳ ảo và rất đỗi thiêng liêng. Để lưu lại những kỷ niệm vô giá ấy trong thơ thật là đáng quý.
Chúc mừng thành công mới của anh.