Di cảo thơ cho thấy rất rõ bút pháp thơ Chim Trắng. Ông không quá chú trọng vần điệu và cấu trúc câu thơ, cứ thoải mái để chữ nghĩa xô dạt theo ý tứ. Thế nhưng, các yếu tố kỹ thuật được bỏ qua vẫn không làm lu mờ cái rung động dạt dào trong thơ Chim Trắng. “Đáy sông” với ông không phải chiều sâu để nhìn mà để nhớ: “Nhánh bần che ngang chiều làm tôi nhớ/ Mây trắng lang thang làm tôi nhớ? Con tàu chậm chạp trôi trên sông làm tôi nhớ/ Sông nước này làm tôi nhớ. Em là chấm nhỏ trên bầu trời kia, hay con cá đang ngược nước dưới đáy sông này? Câu hỏi quẳng lên trời rơi tõm xuống đáy sông sâu”.  Và cả “Hành lang vắng” cũng giục giã lòng ông nghĩ về người đã đi, chuyện đã vãn, tình đã khuất: “Hành lang vắng ấy/ Chiều đang dậy thì/ Nhành quỳnh chưa nụ/ Hoang dã một giò lan/ Em mang chi rừng cho tôi nhớ lá/ Cất chi tiếng cười cho tôi nhớ xanh xao”.




Dùng dằng LỜI CHÀO NGỌN GIÓ

TUY HÒA

    Thoáng chốc, nhà thơ Chim Trắng đã giã biệt nhân gian tròn một năm. Nhớ ông, Quỹ Tình Thơ và Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ ấn hành cuốn “Lời chào ngọn gió” như cách bái vọng một gương mặt thi ca phương Nam. Ngoài hình ảnh tư liệu và những lời sẻ chia của đồng nghiệp, “Lời chào ngọn gió” giới thiệu 29 bài thơ trong di cảo giúp bạn đọc hiểu hơn những ngày tâm tư bịn rịn gần đất xa trời của Chim Trắng.

     Tính tình phóng khoáng, cuộc đời 74 năm của nhà thơ Chim Trắng dằng dặc những chuyến đi, lặn lộn trong đạn bom, náo nức trong thanh bình, bâng quơ trong kỷ niệm. Khi biết mình mắc bệnh nan y, ông chiêm nghiệm “Phút giây yên tĩnh” một cách tự tại: “Những con đường những dòng sông đưa ta lang thang trên trái đất này bây giờ đã khác/ Vầng trăng dẫn ta đến nhau bây giờ đã khác/ Tóc đã rụng mấy lần/ Niềm tin vỡ vụn mấy lần/ Xanh biếc ban đầu để lại cho nhau/ Đã khác/ Đã khác/ Còn tốc độ thời gian không hề thay đổi/ Con đường không hề thay đổi/ Tất cả đều dẫn về một nhúm tro thôi”. Thói quen lạc quan và tếu táo ở nhà thơ Chim Trắng thể hiện qua bài thơ “Vùng không phủ sóng” là sự giấu giếm bạn bè thực trạng ê chề của bản thân ở phòng cấp cứu: “Bàn tay run run không cày nổi một câu thơ/ Tôi nói tôi đang lái xe về Phan Thiết/ Tụi em chờ anh ở Đất Phương Nam/ Tôi nói mình đang Lộc Ninh chuyện trò cùng Thụy Vũ/ Cúp máy suốt ngày đêm giật mình ngỡ em vừa gọi đến/ Tin nhắn loăng quăng, dây chuyền dịch đong đưa rồng rắn”.

     Di cảo thơ cho thấy rất rõ bút pháp thơ Chim Trắng. Ông không quá chú trọng vần điệu và cấu trúc câu thơ, cứ thoải mái để chữ nghĩa xô dạt theo ý tứ. Thế nhưng, các yếu tố kỹ thuật được bỏ qua vẫn không làm lu mờ cái rung động dạt dào trong thơ Chim Trắng. “Đáy sông” với ông không phải chiều sâu để nhìn mà để nhớ: “Nhánh bần che ngang chiều làm tôi nhớ/ Mây trắng lang thang làm tôi nhớ? Con tàu chậm chạp trôi trên sông làm tôi nhớ/ Sông nước này làm tôi nhớ. Em là chấm nhỏ trên bầu trời kia, hay con cá đang ngược nước dưới đáy sông này? Câu hỏi quẳng lên trời rơi tõm xuống đáy sông sâu”.  Và cả “Hành lang vắng” cũng giục giã lòng ông nghĩ về người đã đi, chuyện đã vãn, tình đã khuất: “Hành lang vắng ấy/ Chiều đang dậy thì/ Nhành quỳnh chưa nụ/ Hoang dã một giò lan/ Em mang chi rừng cho tôi nhớ lá/ Cất chi tiếng cười cho tôi nhớ xanh xao”.

      Không thể nói thơ Chim Trắng đậm chất tài hoa, nhưng phải thừa nhận thơ Chim Trắng đầy đủ cá tính. Lối sống của Chim Trắng và sáng tác của Chim Trắng không hề tách rời mà khăng khít tạo thành một chân dung nhà thơ tương đối ấn tượng. Nhiều người sẽ còn nhớ đến Chim Trắng, vì từng ngày Chim Trắng đã trân trọng cuộc đời: “Tôi yêu cách rã của hoa trước lúc lụi tàn/ Không thể nụ hai lần hoa hai lần/ Hương còn gì cho ai”.