Từ xưa đến nay, nhiều tác phẩm văn học đã đề cập đến y học theo một cách vô thức hoặc có chủ đích sáng tạo. Nhưng việc tập trung làm rõ vấn đề y học trong văn học như một nghiên cứu liên ngành, mang tính khoa học chỉ thực sự quan tâm vào cuối thế kỉ XX.


Chính thức được đề xuất, giới thiệu vào các trường Y ở Hoa Kì vào năm 1972, văn học và y học (Literature and Medicine) là lĩnh vực nghiên cứu đóng góp phương pháp, cung cấp tài liệu giúp các bác sĩ phát triển các kĩ năng khám chữa bệnh toàn diện về con người trong thực hành y tế. Thời điểm này, nhiều trường đại học Y đã sử dụng kết quả kiểm tra môn ngữ văn trong kì thi quốc gia để tuyển sinh, và “sinh viên đã có những kinh nghiệm văn chương trong giáo dục y khoa”. Trong giáo dục y khoa, văn học đã được sử dụng như một công cụ để phát triển sự đồng cảm và hiểu biết nhân văn ở các bác sĩ tương lai. Bằng cách đọc và thảo luận các tác phẩm văn học về bệnh tật, sinh viên y khoa học cách tiếp cận người bệnh không chỉ từ góc độ kĩ thuật mà còn từ góc độ cảm xúc và đạo đức nghề nghiệp, đạo đức con người.

Trên tinh thần đó, nhóm tác giả Joanne Trautmann Banks (cùng cộng sự) xác định 5 mục tiêu của nghiên cứu văn học và y học hướng đến, gồm: “1) Những câu chuyện văn học về bệnh tật có thể dạy cho bác sĩ những bài học cụ thể và rõ nét về cuộc sống của bệnh nhân; 2) Những tác phẩm hư cấu về y học giúp các bác sĩ nhận ra sức mạnh và ý nghĩa của những gì họ làm; 3) Thông qua nghiên cứu các văn bản trần thuật, người thầy thuốc có thể hiểu rõ hơn câu chuyện bệnh tật của bệnh nhân và vai trò cá nhân của họ trong ngành y; 4) Nghiên cứu văn học góp phần nâng cao kiến thức chuyên môn của bác sĩ về đạo đức nghề nghiệp; và 5) Lí thuyết văn học đưa ra những quan điểm mới về tác phẩm và các thể loại y học”.

Văn bản văn học được coi là nguồn tài liệu phong phú trong việc giúp sinh viên y khoa và bác sĩ hiểu được nỗi đau và các biểu hiện bệnh tật, chấn thương, bất ổn tâm lí; phương pháp đọc chuyên sâu mang tính văn học đã giúp họ những kĩ năng cơ bản trong việc diễn giải các vấn đề lâm sàng; và sự xem xét cụ thể, chi tiết về mặt văn học đối với việc sử dụng ngôn ngữ trong y tế đã giúp các bác sĩ hiểu được công việc của họ. Ví dụ, trong cách đặt tên cho các căn bệnh, những chứng bệnh tâm lí như “mặc cảm Oedipe”, “mặc cảm Electra”, “mặc cảm Prometheus”, “bệnh lí Narcisse”… đã được đặt theo các nhân vật trong thần thoại Hi Lạp. Hay “phức cảm Genji” được gợi từ Truyện kể Genji của Murasaki Shikibu; “bệnh tưởng” xuất phát từ những triệu chứng được Molière miêu tả trong vở kịch Người bệnh tưởng; “bệnh lí Bovary” lấy từ tiểu thuyết Bà Bovary của Gustave Flaubert, nhằm ám chỉ triệu chứng người đàn bà sống chìm đắm vào những thiên tình sử từ các tiểu thuyết.

Nghiên cứu văn học hướng vào giáo dục y khoa đã trở thành lĩnh vực thu hút nhiều chuyên gia hướng đến. Vào năm 1982, tạp chí Văn học và Y học (Literature and Medicine Journal) được xuất bản tại Đại học Illinois (Chicago, Hoa Kì) đánh dấu việc trở thành cơ quan ngôn luận chính thức của khoa nghiên cứu văn học và y học. Tạp chí phát hành thường niên nhằm khám phá các vấn đề thực tiễn và văn hóa liên quan đến chăm sóc sức khỏe, cơ thể. Các lĩnh vực quan tâm bao gồm: bệnh tật, dịch bệnh, khuyết tật, sức khỏe, bạo lực, chấn thương, bệnh lí ung thư, những tự sự về nỗi đau, nền văn hóa của thời đại khoa học - công nghệ y sinh.

Qua sự biểu hiện đa dạng, rộng lớn và sâu sắc của các văn bản tự sự, văn học rất phù hợp để cung cấp và làm sáng tỏ những vấn đề nêu trên. Vì văn học - với tư cách là hình thức văn hóa phi vật chất, phản ánh sinh động và chân thực đời sống, đồng thời tồn tại bất diệt theo thời gian - sẽ là đối tượng để phân tích một nền văn hóa, thời kì và thế giới quan cụ thể, dẫn đến những thay đổi về sinh lí và tâm lí của con người, những thay đổi quan niệm về các giá trị xã hội cũng như ứng phó với bệnh tật tồn tại khởi thủy đến hiện tại.

Hơn thế, văn học còn như một cách diễn giải những trải nghiệm y học. Nhiều tác phẩm đã mô tả nỗi đau, các triệu chứng, quá trình điều trị của bệnh nhân, mà nếu chỉ đọc hồ sơ bệnh án chúng ta khó hình dung tường tận. Thông qua văn học, người đọc hiểu được điều mà họ có thể chứng nghiệm, thậm chí đôi khi nghiêm túc xem xét tác phẩm văn học như một công cụ chẩn đoán đời sống. Nhật kí Một lít nước mắt của Kito Aya đề cập đến căn bệnh thoái hóa tiểu não và sự đấu tranh sinh tồn của cô gái bé nhỏ nghị lực. Tự truyện Chiếc áo lặn và con bướm của Jean Dominique Bauby kể lại chứng tai biến mạch máu não và tàn phế của người đàn ông trung niên. Tiểu thuyết Cô em gái của tôi của Jodi Picoult là câu chuyện xúc động về những lựa chọn khó khăn trong cuộc sống khi người em quyết định hiến tặng tủy và các cơ quan khác cho chị gái mình; qua đó tác giả cũng đề cập đến những vấn đề sâu sắc đến đạo đức y học và gia đình. Tiểu thuyết Khi lỗi thuộc về những vì sao của John Green, đề cập đến chuyện tình yêu của hai người trẻ tuổi mắc bệnh ung thư và cũng vượt qua khó khăn đề tìm ý nghĩa cuộc đời... Những sáng tác trên mang lại góc nhìn nhân văn, giúp độc giả hiểu sâu hơn về tâm lí và cảm xúc của người bệnh, qua đó kết nối được sự đồng cảm, yêu thương.

Thực tế, nhiều tác phẩm văn học đã phản ánh bệnh tật cùng hồ sơ bệnh lí một cách rõ nét; mà đôi khi ngôn ngữ kĩ thuật y học khó bao quát được. Chẳng hạn, bệnh lao được nhắc đến bởi rất nhiều tác giả. John Keats (1795-1821) mất năm 26 tuổi vì lao phổi, Katherine Mansfield (1888-1923) vì bệnh lao mà chấm dứt sự sống năm 35 tuổi. Ngoài ra còn có các văn nghệ sĩ như Charlotte Bronte (1816-1855), Molière (1622-1673), Franz Kafka (1883-1924)… Một số nhân vật văn học cũng phản ánh nhiều bệnh tật của thời đại như nàng Trà hoa nữ trong tiểu thuyết cùng tên của Alexandre Dumas con, Fantine trong Những người khốn khổ của Victor Hugo, Katerina Ivanovna trong Tội ác và trừng phạt của Fyodor Dostoevsky....

Nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đã sử dụng văn học để chia sẻ những khó khăn, trở ngại và tâm tư trước đạo đức nghề nghiệp. Đọc tác phẩm của những người trong lĩnh vực y tế, độc giả được cung cấp cái nhìn sâu sắc về trải nghiệm của bệnh nhân và hệ thống y tế. Ví dụ, các tác phẩm của William Carlos Williams và Anton Chekhov, cả hai đều là bác sĩ, thể hiện sự kết hợp giữa chuyên môn y học và khả năng sáng tác văn học. Ngược lại, nhiều nhà văn đã sử dụng các kiến thức y học để giải mã tâm bệnh, qua đó giải mã cuộc sống. Thế nên, trong số những môn học nhà văn cần được bổ túc, cũng cần chú ý đến các kiến thức y học. Những kiến thức liên ngành này, tưởng vô thưởng vô phạt, nhưng lại ảnh hưởng đến việc chuyển hóa những thuật ngữ, những khái niệm từ lĩnh vực kiến thức này sang lĩnh vực kiến thức khác. Trong văn học hiện đại, một trong những học thuyết quan trọng nhất là phân tâm học (khoa học phân tích vô thức). Phân tâm học được ứng dụng vào văn chương rất nhiều, từ sáng tác đến nghiên cứu, phê bình.

Chúng ta thấy rằng, văn học và y học có mối quan hệ tương hỗ, mật thiết. Bởi văn học không chỉ đơn thuần định hướng cho người thầy thuốc có phẩm chất, có văn hóa; và y học không chỉ đơn thuần là nguồn cung cấp những chất liệu, tình tiết chân thực cho các nhà văn. Thay vào đó, mục tiêu, phương pháp và định hướng của hai lĩnh vực này, khi nhìn dưới một góc độ cụ thể, lại giống nhau một cách đáng kinh ngạc về mặt tổng quát. Y học và văn học cùng khám phá các câu hỏi triết học, như ý nghĩa của sự sống và cái chết, sự đau khổ và niềm hi vọng. Văn học có thể nới rộng biên độ không gian để suy ngẫm sâu về những vấn đề triết học mà y học hiện đại đôi khi không thể trả lời cặn kẽ. Nhưng chung quy, tất cả đều đặt con người vào trung tâm và đồng hành cùng sự sinh tồn, phát triển vì một tương lai nhân loại tiến bộ, tốt đẹp.

“Chủ đề bệnh tật trong văn học” (the disease-subject of literature) được hiểu như đại diện cho diễn biến và tác động của bệnh tật đối với cuộc sống con người qua tác phẩm văn học. Bệnh tật trở thành chủ đề trong văn học khi nó phản ánh một số hiện tượng xã hội và lịch sử, như một phép ẩn dụ cho tầm nhìn thế giới của nhà văn; đồng thời nó cũng là phương tiện để hiểu bản chất và chức năng văn học. Qua công trình Những căn bệnh trong văn học: chủ đề và ẩn dụ trong tiểu thuyết Ý, Biasin đã thể hiện tinh thần: “bệnh tật - dù có thực hay tưởng tượng, dù thể chất hay tinh thần - là một chủ đề phổ biến trong văn học phương Tây và thường là biểu tượng của sự xa cách thời hiện đại”. Như thế, bệnh tật trong văn học không chỉ là một chủ đề y học mà còn là công cụ nghệ thuật để các nhà văn khám phá các khía cạnh khác nhau của con người và xã hội. Chủ đề này luôn thu hút sự chú ý của văn học qua các thời kì.

Quan sát và tìm hiểu một số tác phẩm về chủ đề bệnh tật trên thế giới và ở Việt Nam, chúng tôi thấy rằng, văn học về bệnh tật là những sáng tạo nghệ thuật nhằm xây dựng nhân vật mang bệnh lí và thuật lại những thay đổi thất thường cũng như những khủng hoảng mà họ trải qua; đưa ra một kế hoạch thông giải có thể giúp người thầy thuốc hiểu rằng cơ thể của bệnh nhân không phải là một hằng số vững chắc mà là một cấu trúc mong manh, được bồi thấm nhiều lên bởi các sự kiện lớn trong cuộc đời, trong đó bệnh tật là một trong những biến cố có khả năng xảy ra cao nhất. Bệnh tật và những hậu quả của nó điều chỉnh lại các giới hạn và khả năng của cơ thể, và khi đối tượng nhận thức được những ranh giới đã được sửa đổi này, nó sẽ phát triển thành một chủ thể bệnh tật để tìm kiếm một câu chuyện thích ứng với hoàn cảnh mới.

Văn học qua mỗi thời đại khác nhau sẽ phản ánh nhận thức y học và tập tục văn hóa khác nhau. Ví dụ, các tác phẩm thời Trung cổ thường nhìn nhận bệnh dịch như hình phạt của Chúa trời; trong khi văn học hiện đại có xu hướng xem bệnh tật qua lăng kính khoa học. Các nhà văn khai thác bệnh tật như một biểu tượng, một yếu tố cốt truyện, hay một phương tiện để bộc lộ những chiều sâu triết học và nhân sinh quan. Chủ đề này được thể hiện qua nhiều góc độ khác nhau trong các thời kì văn học và thường phản ánh sự thay đổi trong quan niệm xã hội, y học, và văn hóa.

Mục đích của các tác phẩm chủ đề bệnh tật không đơn thuần là hồ sơ bệnh án bằng văn chương, mà thông qua đó, đòi hỏi sự định hướng lại hiện sinh từ những căn bệnh và hậu quả (mà nó mang lại). Chẳng hạn, các nhà văn hiện sinh thường dùng bệnh tật để thảo luận về ý nghĩa tồn tại, cô đơn, nỗi sợ hãi và cuộc đấu tranh của con người với sự phi lí của đời sống. Camus, Sartre hay Kafka là những đại diện tiêu biểu khai thác khía cạnh này. 

Trường hợp Camus, qua tác phẩm Dịch hạch, đã xem bệnh tật như biểu tượng phi lí trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Với Sartre, trong tác phẩm Buồn nôn, lại xem bệnh tật như biểu tượng cho sự tự do hiện sinh. Ông khai thác cảm giác buồn nôn như một trạng thái “bệnh lí” của tinh thần, khi nhận thức sâu sắc về sự phi lí của đời sống và không còn mục đích sống. Nhân vật chính Roquentin cảm thấy mọi thứ xung quanh trở thành “chướng tai gai mắt” và gây ra cảm giác buồn nôn như một tâm bệnh. Qua đó, Sartre bàn về sự tự do tuyệt đối của con người trong việc định nghĩa cuộc sống, ngay cả khi đối mặt với cảm giác sợ hãi và không chắc chắn.

Còn Kafka, bệnh tật bộc lộ sự tha hóa và nỗi cô đơn hiện tồn. Trong truyện ngắn Hóa thân, nhân vật Gregor Samsa tỉnh dậy và thấy mình biến thành một con côn trùng khổng lồ. Sự kiện này có thể hiểu như một dạng “bệnh lí” siêu thực. Sau đó, Gregor bị gia đình và xã hội xa lánh, khiến ông một mình chống chọi với sự cô đơn, xa lạ. Quá trình biến đổi của Gregor, giống như một căn bệnh kì lạ, là phép ẩn dụ cho cảm giác bị tha hóa và mất kết nối với thế giới. Vì thế, bệnh tật trong tác phẩm của Kafka là hiện thân của sự phi lí và cảm giác bất an thường trực.

Về khái niệm và đặc trưng cơ bản của văn học về dịch bệnh, theo More: “Văn học về dịch bệnh thể hiện sự tương đồng về mối quan tâm nhân văn; để khám phá ý nghĩa của những trải nghiệm đau đớn thông qua việc đọc, suy ngẫm và kể chuyện, hình thành kinh nghiệm cho chúng ta về sức khỏe, bệnh tật và đau ốm. Đồng thời, cung cấp cho chúng ta những hiểu biết sâu sắc về cách tổ tiên tiếp thu nỗi đau và thống khổ từ đại dịch. Văn học về dịch bệnh luôn được chứng minh là một cửa sổ nhìn vào những xã hội đang phải hứng chịu dịch bệnh, qua đó đưa ra một bức tranh gần gũi về những điểm giống và khác nhau, từ nhỏ đến lớn, từ các vấn đề xã hội, chính trị, liên quan đến sức khỏe và kinh tế mà họ gặp phải”. Đây có thể xem là định nghĩa bao quát cơ bản về văn học dịch bệnh/ đại dịch.

Theo người viết, văn học về dịch bệnh là dòng văn học hàm chứa những kiến thức liên ngành về y học, sinh học, nhân học, dịch tễ học, tâm lí học, xã hội học… Những lĩnh vực liên ngành này trở thành chất liệu để nhà văn xây dựng nhân vật, sáng tạo cốt truyện và triển khai tình huống truyện. Cụ thể, nhà văn đề cập đến dịch bệnh như một chất xúc tác khởi nguồn, phát triển câu chuyện. Các nhân vật thường kiến thiết theo ba tuyến cơ bản: tuyến nhân vật nạn nhân (bệnh nhân, người lây nhiễm); tuyến nhân vật anh hùng (bác sĩ, y tá, cảnh sát); tuyến nhân vật phi nhân tính (thương nhân, băng đảng). Tất cả đều nằm trong chuỗi liên kết tuần hoàn nhân quả với những cung bậc cảm xúc lo âu, sợ hãi, trăn trở, tham vọng, khát sống.

Tư tưởng và chủ đề cốt lõi của dòng văn chương này hướng đến những vấn đề rộng lớn, bao trùm thân phận và đời sống nhân loại. Nó không chỉ dừng trong câu chuyện của một cá nhân, mà hướng đến sinh mệnh của cộng đồng, chủng tộc. Thủ pháp nghệ thuật của văn học dịch bệnh thể hiện tiêu biểu qua việc khắc sâu các hình tượng (hình tượng virus, các loại kí sinh trùng) và motif (motif cách li, người hùng, kẻ cơ hội…). Nội dung của sáng tác về dịch bệnh đều có những điểm tương đồng nổi bật ở việc miêu tả phản ứng của con người khi bệnh tật lây lan, những băn khoăn về nguồn gốc virus, những bất cập trong xã hội, cũng như các cách thức đối phó, chống chọi trong tình thế gay cấn, hiểm hóc. Vì thế, nghiên cứu văn học dịch bệnh là một hướng nghiên cứu liên ngành, tiếp cận văn học dưới góc độ quan hệ với các lĩnh vực rộng lớn như sinh học, nhân học, dịch tễ, môi trường, sinh thái, văn hóa.

Nhân vật chính trong các sáng tác chủ đề bệnh tật thường là bệnh nhân. Đó là những cá nhân mà sự tồn tại của họ trong văn bản được ghi nhận nhờ quá trình phát lộ và chữa bệnh. Toàn bộ diễn biến câu chuyện chưa hẳn tập trung vào công tác khám, điều trị, mà nhà văn muốn truyền tải nhiều thông điệp sâu xa hơn về hiện thực đời sống cùng các bất cập xã hội, rắc rối của bản thân. Chẳng hạn, tiểu thuyết Ngọn núi ma thuật (1924) của Thomas Mann từ thời điểm 1924 đã lấy bối cảnh một viện điều dưỡng ở dãy Alps Thụy Sĩ, một cộng đồng dành riêng cho bệnh tật, như một mô hình thu nhỏ của xã hội châu Âu, mà trong những năm trước 1914 đã bộc lộ những triệu chứng đầu tiên về sự phi lí cuối cùng của chính nó.

Tương tự, tiểu thuyết “Mù lòa” của nhà văn Saramago được xây dựng trên bối cảnh vô danh về không gian, địa chỉ, tên nhân vật. Việc thiếu các chi tiết mang tính xác định này kèm lối hành văn độc đáo như một ngụ ý của Saramago rằng câu chuyện dịch bệnh có thể diễn ra ở bất kì nơi nào và bất kì thời điểm nào, không có mở đầu, không biết kết thúc, cũng như ập đến với tất cả chúng sinh. Qua việc “tẩy trắng” nhân vật, Saramgo đã tái hiện quá trình con người bị mất thị giác, cũng là mất phần “người” và tiến dần đến trạng thái phần “con” - động vật. Hàng loạt hình ảnh động vật được sử dụng để so sánh với con người nhằm tạo mối liên kết giữa chúng, qua đó tiết lộ sự suy thoái đạo đức nhân loại trong xã hội hiện đại.

Nhiều tác phẩm đã lấy bệnh tật là nguyên nhân, cái cớ và ẩn dụ nghệ thuật để truyền tải thông điệp đời sống. Ngoài những tác phẩm kể trên, các tiểu thuyết như Dịch hạch của Camus, truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn… đều là những biểu tượng đặc sắc nhằm đánh vào nhận thức cộng đồng và bản chất hiện thực xã hội. Vì thế, chủ đề bệnh tật trong văn học vừa là nội dung vừa là biểu tượng, là yếu tố nghệ thuật chi phối đến hệ thống quan điểm - mĩ cảm của nhà văn trước vấn đề đời sống và số phận con người qua các thời kì.

Sau cùng, vấn đề bệnh tật trong văn học không chỉ đơn thuần là hiện tượng sinh học mà còn mang chiều sâu nhân sinh và ý nghĩa phong phú. Qua lăng kính nghệ thuật, bệnh tật trở thành phép thử của đạo đức, là thước đo của bản lĩnh tinh thần và tấm gương phản chiếu những bất ổn, nghịch lí trong đời sống cá nhân, xã hội. Đi từ y học sang văn học, vấn đề bệnh tật góp phần mở rộng biên độ phản ánh hiện thực, khơi gợi những suy tư về sự sống, cái chết, về niềm tin và sự cứu rỗi, nhờ đó nâng cao giá trị nhân văn cho tác phẩm.

                        NGUYỄN THÙY TRANG

 

Nguồn: Văn Nghệ