Họa sĩ Lê Thiết Cương vừa trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 63, vào lúc 18’55 ngày 17/7 tại Hà Nội, sau một thời gian chống chọi với bạo bệnh.
Họa sĩ Lê
Thiết Cương sinh năm Nhâm Dần 1962. Có cha là nhà thơ, nhà biên kịch Lê Nguyên
(1931-2019) nên từ nhỏ Lê Thiết Cương đã tiếp xúc với môi trường nghệ thuật. Sau
khi tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội khóa 1985-1990, Lê Thiết
Cương không nối nghiệp thân phụ mà rẽ sang con đường cầm cọ chuyên nghiệp.
Khởi điểm
của họa sĩ Lê Thiết Cương với mỹ thuật tối giải, được ông kể lại: “Năm 1984, tôi
rời quân ngũ, thất nghiệp nằm nhà, thỉnh thoảng sang bên hàng xóm là nhà cụ Đặng
Đình Hưng làm chân phục vụ chiếu rượu của cụ. Tôi học được nhiều ở cái “trường”
ấy và cụ Đặng Đình Hưng là người phát hiện ra tố chất tối giản trong tôi, đẩy một
cú cuối cùng để tôi rơi vào tối giản. Thực ra là tôi gặp tối giản, chứ không thể
quyết tâm là ngày mai tôi đi tìm chủ nghĩa tối giản. Gặp chủ nghĩa tối giản
cũng là tôi gặp tôi”.
Không chỉ
thành công với tranh sơn dầu, họa sĩ Lê Thiết Cương cũng rất được giới sưu tập ưa
chuộng ở dòng tranh sơn mài. Giữa tranh sơn dầu và tranh sơn mài của họa sĩ Lê
Thiết Cương có gì khác biệt? Ông hé lộ: “Tôi thích sơn mài và đến với chất liệu
này trước cả sơn dầu. Nhưng chỉ thích chất liệu sơn truyền thống: then, cánh
dán, son, vàng bạc… và kỹ thuật truyền thống tức là vẻ đẹp của hiệu quả mài. Chất
liệu và kỹ thuật thì hoàn toàn truyền thống nhưng tạo hình thì hiện đại, tối giản,
mảng phẳng, đậm nhạt của nhiều lớp sơn mài ra để lộ lớp màu dưới, đi cao nét,
nghiêng về đồ họa. Mà sơn mài thì nên vậy”.
Bán được
tranh, có đời sống vật chất sung túc, họa sĩ Lê Thiết Cương biến căn nhà 39 Lý
Quốc Sư, Hà Nội của mình trở thành một địa chỉ quen thuộc với văn nghệ sĩ cả nước.
Bạn bè vây quanh Lê Thiết Cương không chỉ là các họa sĩ, mà còn có các nhà văn,
nhà thơ, nhà nghiên cứu, diễn viên, hoa hậu… Ông thích thú bày tỏ: “Niềm vui lớn
nhất của tôi là sự chia sẻ. Tôi luôn có những người bạn hiểu mình, cùng nhau
chia sẻ về nghề nghiệp, những quan niệm sống. Khi môi trường sống bị ô nhiễm
quá nhiều cả về vật chất và tinh thần như hiện nay, người nghệ sĩ rất dễ bị tổn
thương”.
Chuyên
nghiệp và kỹ tính, họa sĩ Lê Thiết Cương tự nhận bản thân rất khó trong nghệ
thuật. Không chỉ khó với người khác, mà khó cả với chính mình. Phải đòi hỏi cao
với chính mình mới làm nghệ thuật được. Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, nghệ sĩ và
người tu hành phật giáo có một điểm chung: đi tu là trở về mình, nghệ sĩ là đi
tìm mình. Nghệ thuật là thế. Khi tìm ra được vân tay của mình, là bạn có nghệ
thuật. Bạn tìm thấy lòng mình là bạn có nghệ thuật. Tất cả những bậc thầy về
nghệ thuật trên thế giới, đều là những người tìm được vân tay của mình.
Ngoài sở
trường vẽ tranh, họa sĩ Lê Thiết Cương còn có đam mê viết sách. Ông có cả thảy
ba cuốn sách đã xuất bản, gồm “Thấy” in năm 2017, “Người và nhà” in năm 2024 và
“Trò chuyện với hội họa” in năm 2025. Trong các cuốn sách của họa sĩ Lê Thiết Cương,
ông có nhiều trăn trở về văn hóa Việt: “Các làng nghề truyền thống đang thoi
thóp, do sản phẩm không bán được. Cuộc sống đổi thay, nhu cầu đổi thay nhưng mẫu
mã của họ vẫn không thay đổi cho kịp xu hướng. Theo tôi, thiết kế là yếu tố
quan trọng nhất đối với bất kỳ làng nghề nào. Muốn bảo tồn và phát triển phải bắt
đầu từ yếu tố con người. Không có nghệ nhân tâm huyết thì không có thế hệ kế tiếp,
chúng ta phải tôn vinh họ. Đồng thời, cũng cần nhanh chóng thay đổi chính sách
nhằm kích hoạt các nghệ nhân và các làng nghề truyền thống”.
Họa sĩ Lê
Thiết Cương đã sống một cuộc đời tài hoa và phóng khoáng. Dù hạnh phúc riêng tư
có nhiều gập ghềnh, họa sĩ Lê Thiết Cương vẫn luôn lạc quan và rộn ràng. Dự án
nào có họa sĩ Lê Thiết Cương cũng thu hút dư luận. Sự kiện nào có họa sĩ Lê Thiết
Cương cũng để lại dư âm thú vị. Ngay cả khi biết mình mắc bạo bệnh, ông vẫn hăng
say làm việc.
Bây giờ, họa
sĩ Lê Thiết Cương không còn nữa, đồng nghiệp và công chúng chắc chắn sẽ nhớ ông,
nhớ cả những tâm sự ông gửi lại: “Tôi chưa từng thấy cái gì hay mà lại không
bán được cả, tất nhiên những cái bán chạy không phải đều là hay cả. Đừng đánh đồng
khái niệm người thưởng ngoạn hội hoạ và người tiêu dùng hội hoạ. Hình như sự
không bán được cũng dẫn đến ngõ cụt như bán được mà thậm chí còn cụt hơn. Có ai
mà lại chẳng từng có thời kỳ bị lặp lại mình? Vấn đề là có vượt qua được
những bế tắc để đi tiếp hay không? Cuộc sống thú vị vì nó có đủ cả hay dở, nghệ
thuật cũng vậy, lúc tiến lúc lùi, lúc đứng im. Nghệ thuật cũng sinh động như cuộc
sống.
Tôi tìm
mãi không thấy hoạ sĩ nào vẽ đẹp từ lúc bắt đầu đến khi chết. Giả sử một đời sống
chỉ có toàn người tốt, toàn điều tốt, toàn tử tế, toàn hay, toàn đẹp thì tẻ lắm,
thì nghệ thuật sẽ chết. Một đời làm nghệ thuật vẽ được mấy tranh đẹp, nhầm lẫn,
sai lầm, mò mẫm là chính, hoang mang, ảo tưởng là chính. Mọi nghệ sỹ khác thế
nào không biết, tôi là như vậy”.
TUY HÒA