Sự tồn tại
của những đơn vị nghệ thuật địa phương không có nhiều cơ hội để biểu diễn và mục
đích chỉ là tham dự các liên hoan toàn quốc tranh huy chương có phải là một sự
lãng phí? Đây thực chất vẫn là hình thức tồn tại của thời bao cấp trong khi
chúng ta lại đang đẩy mạnh công nghiệp văn hóa...
Nên chăng
sắp xếp lại các đoàn nghệ thuật địa phương?
HÀ QUANG
MINH
Ở Việt Nam
hiện có bao nhiêu đoàn nghệ thuật, đoàn ca múa nhạc? Câu hỏi này không khó trả
lời, chỉ đòi hỏi mất chút thời gian thống kê mà thôi. Nhưng, đếm sơ sơ, chúng
ta cũng có thể thấy rằng, với 63 tỉnh, thành sẽ có khoảng ngần ấy đoàn nghệ thuật,
đoàn ca múa nhạc hoặc trung tâm ca múa nhạc... trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch các tỉnh. Đông đảo là vậy, nhưng thực tế họ hoạt động thế nào thì lại
là câu chuyện khác.
Hồi cuối
tháng 9/2024, tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc (đợt 2) diễn ra tại Bình
Dương, có tổng cộng 24 đơn vị nghệ thuật trên khắp cả nước tham gia. Ở đợt 1 của
liên hoan này diễn ra tại Vĩnh Phúc, số đơn vị tham gia chỉ là 13. Như vậy, so
sánh với con số 63 đơn vị thuộc 63 tỉnh, thành và những đơn vị thuộc các bộ,
ngành khác, rõ ràng số lượng những đơn vị "không có tiết mục để tham dự"
là không ít.
Trong lịch
sử các mùa liên hoan ca múa nhạc toàn quốc trước đây, chuyện các đơn vị địa
phương thuê nhạc sĩ, nghệ sĩ tên tuổi từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến giúp đoàn
xây dựng tiết mục là không hiếm. Trường hợp điển hình nhất là cố nhạc sĩ Thanh
Tùng với nhiều đóng góp cho đoàn Hải Đăng (Khánh Hòa) những năm 90 của thế kỷ
trước.
Gần đây nhất,
các nhạc sĩ tên tuổi ở hai thành phố lớn nhất cũng "chinh chiến" tích
cực giúp các đoàn ở vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... tranh tài
giành huy chương. Điều đó nghe có vẻ tích cực nhưng nó cho thấy một thực tế: chất
lượng các đơn vị nghệ thuật địa phương là rất thấp. Cái thấp ấy đến từ nhiều lý
do như thiếu nhân sự giỏi, thiếu đầu tư chuyên sâu và lâu dài...
Nhưng,
nguyên nhân lớn nhất chính là cơ hội cọ xát. Các đơn vị địa phương hiếm khi có
cơ hội được biểu diễn và bản thân người dân địa phương cũng không quan tâm tới
các đơn vị nghệ thuật tỉnh nhà bởi họ đã dành hết sự quan tâm này cho các nghệ
sĩ nổi tiếng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,... những nghệ sĩ vốn dĩ phủ sóng hàng giờ
trên mọi nền tảng mạng xã hội.
Tất cả những
tình trạng tồn đọng ấy đặt ra cho chúng ta câu hỏi: "Liệu có nên để tồn tại
hình thức các đơn vị nghệ thuật địa phương nữa hay không?". Thêm vào đó, cả
nước đang trong giai đoạn tăng tốc sắp xếp lại đơn vị hành chính với số đơn vị
cấp tỉnh, thành phố chỉ còn khoảng một nửa so với hiện tại. Sự sắp xếp lại này
cũng sẽ liên quan trực tiếp tới việc hợp nhất một số đơn vị nghệ thuật địa
phương. Nhưng, có ai dám đảm bảo rằng, sau khi các đơn vị ấy hợp nhất, chất lượng
có được cải thiện hơn hay vẫn ở điều kiện "nghiệp dư" như bây giờ?
Sự tồn tại
của những đơn vị nghệ thuật địa phương không có nhiều cơ hội để biểu diễn và mục
đích chỉ là tham dự các liên hoan toàn quốc tranh huy chương có phải là một sự
lãng phí? Đây thực chất vẫn là hình thức tồn tại của thời bao cấp trong khi
chúng ta lại đang đẩy mạnh công nghiệp văn hóa, ngành công nghiệp đòi hỏi
"phải có sản phẩm văn hóa tiêu thụ được".
Nên chăng,
cần xóa bỏ các đơn vị nghệ thuật địa phương vốn dĩ hoạt động không hiệu quả và
dồn nguồn lực để tập trung giữ lại (và đầu tư sâu) cho các đơn vị nghệ thuật
truyền thống (như chèo, tuồng, nhã nhạc...)? Số ngân sách để nuôi các đơn vị ấy
hoàn toàn có thể đủ để địa phương mời nghệ sĩ ngôi sao ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội
về biểu diễn phục vụ các dịp lễ hội của địa phương với hiệu quả thu hút công
chúng lớn hơn nhiều.
Nguồn: Văn
Nghệ Công An