Kịch bản sân khấu luôn được giới nghệ sĩ tìm kiếm, nhưng chưa bao giờ trở thành sản phẩm ưu tiên nằm trong kế hoạch của những người làm sách ở nước ta.


Kịch bản sân khấu quý báu lắm, đó là câu cửa miệng của hầu hết những người hoạt động kịch nghệ. Vậy mà, không một đơn vị làm sách nào có ý định đưa kịch bản sân khấu tham gia vào thị trường xuất bản.

Tại cuộc tọa đàm “50 năm văn học nghệ thuật TP.HCM”, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Minh Ngọc khi bàn đến giải pháp cho tương lai, đã kiến nghị: “Muốn sàn diễn phát triển, thì các đạo diễn phải dễ dàng tìm thấy kịch bản sân khấu trên những kệ sách, chứ không thể đi thăm dò khắp nơi. Thật kỳ lạ, chúng ta có thể đầu tư trại sáng tác kịch bản sân khấu, mà lại không đầu tư thêm chút kinh phí để in kịch bản sân khấu. Không cần nhiều, một hoặc hai trăm bản sách thôi, để các đạo diễn có cơ hội thẩm định và lựa chọn. Vấn đề này, tôi mong Hội Nhà văn và Hội Sân khấu cần cân nhắc để có hướng cải thiện”.

Suy tư của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Minh Ngọc rất đúng đắn và đáng chia sẻ. Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và làm nghề, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Minh Ngọc bày tỏ bức xúc khi kịch bản sân khấu phần lớn chỉ tồn tại trên dạng bản thảo được photocopy để truyền tay nhau.

Văn học có ba thể loại cơ bản là thơ, văn xuôi và kịch. Trong khi thơ và văn xuôi được in thường xuyên, thì tại sao kịch bản sân khấu lại không được in như một ấn phẩm thực thụ? Có lẽ, phải nhìn vào hai nguyên nhân. Thứ nhất, các đơn vị làm sách đã đánh giá kịch bản sân khấu là một thị trường “ngách”, khó tìm kiếm độc giả. Thứ hai, tâm lý phổ biến là kịch bản sân khấu chỉ dùng để diễn, chứ không phải để đọc.

Muốn tìm một tập kịch bản sân khấu trên thị trường sách là điều vô cùng khó khăn. Hầu hết kịch bản sân khấu được in thành sách, đều phụ thuộc vào nhu cầu cá nhân của tác giả. Nghĩa là tác giả rủng rỉnh tài chính thì mới in kịch bản sân khấu để lưu trữ và để làm quà tặng bạn bè. May ra, chỉ có những tác giả là nhà viết kịch được Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước thì mới thấy nhà xuất bản Văn học hoặc nhà xuất bản Hội Nhà Văn cho in kịch bản sân khấu với ghi chú “sách đặt hàng”. Cho nên, nếu chịu khó tìm kiếm trong hệ thống thư viện, có thể tìm được kịch bản sân khấu của Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Nguyễn Anh Biên, Xuân Đức…

Có nhiều vở kịch nổi tiếng, nhưng cả giới sân khấu lẫn công chúng dù ham muốn đều không thể cầm trên tay kịch bản sân khấu. Ví dụ, gần đây khi Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương được vinh danh "60 cá nhân tiêu biểu TP.HCM 1975-2025" thì đồng nghiệp dáo dác hỏi nhau về kịch bản sân khấu “Lá sầu riêng” của bà (với bút danh Hoàng Dũng) cũng được bình chọn “50 tác phẩm văn học nghệ thuật tiêu biểu TP.HCM 1975-2025” nhưng không ai có bản in. Rõ ràng, kịch bản sân khấu “Lá sầu riêng” cần được xuất bản thành sách.

Kịch bản sân khấu không thể chỉ tồn tại dưới dạng “tài liệu nội bộ” giữa đạo diễn, họa sĩ thiết kế và diễn viên tham gia mỗi vở diễn. Công chúng cũng cần đọc kịch bản sân khấu, để thưởng thức tác phẩm theo trí tưởng tượng và lối tư duy cá nhân. Kịch bản sân khấu đưa lên sàn diễn, phản ánh quan niệm thẩm mỹ của êkip dàn dựng, đôi khi thay đổi khá nhiều so với nguyên tác. Vì vậy, kịch bản sân khấu khi in thành sách, giúp công chúng hiểu đúng và hiểu đủ về năng lực sáng tạo của tác giả.

Thực tế, đọc kịch bản sân khấu rất thú vị. Ở nhiều quốc gia, người ta tổ chức những buổi đọc kịch, tương tự như những buổi đọc thơ. Đôi lúc, một câu thoại nghe loáng thoáng trên sàn diễn, không đủ đánh thức rung động cho công chúng. Thế nhưng, khi cầm kịch bản sân khấu trên tay để đọc, thì một câu thoại độc đáo cũng có sức gợi mở như một câu thơ hay.



Để định vị kịch bản sân khấu trong thị trường sách, không thể không xác định lại giá trị của kịch bản sân khấu trên địa hạt văn chương. Có một nghịch lý, ở Việt Nam, vẫn có thói quen sắp xếp và tôn vinh các nhà viết kịch ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, mà ít xem họ như những tác giả văn chương đích thực. Trong khi đó, giải Nobel văn học từ năm 1901 đến nay, vẫn liên tục gọi tên các nhà viết kịch.

Trong bộ sách “Trăm năm Nobel văn học”, công ty sách Đông A đã in tuyển tập kịch Jacinto Benavente rất ấn tượng. Nhà viết kịch Tây Ban Nha Jacinto Benavente (1866-1954) được trao giải Nobel văn học năm 1922. Tuyển tập kịch Jacinto Benavente giới thiệu 5 vở kịch ngắn “Thống đốc phu nhân”, “Đóa hồng giữa thu”, “Những ràng buộc lợi ích”, “Hoàng tử bé con” và “Đứa con trái duyên” giúp công chúng có dịp tham khảo kỹ thuật viết kịch đặc sắc và khám phá tầm vóc một tác giả lớn.

Dĩ nhiên, nước ta chưa có những nhà viết kịch cỡ như Jacinto Benavente, nhưng giới làm sách cũng cần thiện chí in ấn và phát hành kịch bản sân khấu để góp phần thúc đẩy văn hóa đọc và mở rộng biên độ tương tác giữa sân khấu và công chúng.

                                                    TUY HÒA