Thời gian gần đây, cái tên Đào Phong Lan (sinh năm 1975, hội viên Hội Nhà văn TPHCM) xuất hiện và vụt sáng trong đời sống văn chương của TPHCM. Với người chưa biết thì lạ, nhưng với những ai đã biết, hẳn đó sẽ là niềm vui và háo hức khi chị quay lại với văn chương sau thời gian dài im ắng.
Nhà thơ
Đào Phong Lan: Không thể nói lời từ biệt với văn chương
HỒ SƠN
1.
Trong các
giải thưởng văn chương của thành phố gần đây, Đào Phong Lan luôn được xướng tên
cho các giải thưởng: giải khuyến khích cuộc thi Truyện ngắn hay 2022, tặng thưởng
cuộc thi Thơ hay năm 2023 do Tạp chí Văn nghệ TPHCM và Hội Nhà văn TPHCM phối hợp
tổ chức, giải nhì cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất Phương Nam” lần 2 của Hội Nhà
văn TPHCM.
Tôi vẫn
còn nhớ lúc mới ra Hà Nội theo học trường viết văn, trong những buổi tối trên
sân thượng, chúng tôi vẫn thường tụ tập đọc thơ, nói chuyện văn chương và hát
hò. Trong những buổi tối như thế, các anh chị khóa trên sẽ “bắt nhịp” cho chúng
tôi hát bài Đêm xoang Tây Nguyên với lời dặn: “Bài hát này phổ thơ của một chị
khóa 5 đó!”.
Người chị ấy
chính là Đào Phong Lan. Nhưng lúc đó, tôi vẫn chưa biết nhiều về cái tên này,
chỉ ấn tượng về bài hát với những hình ảnh thật đẹp, thật độc đáo. Và chúng tôi
cứ hát mải mê suốt những năm tháng sinh viên: “Đêm trong veo, trong veo/ Nhà
rông bập bùng ánh lửa/ Rượu cần lâu năm cất trong đáy mắt em/ Anh vít cần, vít
cần mà không dám uống…”.
Ra trường,
tôi chuyển vào TPHCM lập nghiệp. Lật giở trong những tờ báo, tạp chí cũ, thỉnh
thoảng tôi vẫn đọc những bài thơ, truyện ngắn ký tên Đào Phong Lan. Ở một khía
cạnh nào đó, tôi vẫn nghĩ mình và Đào Phong Lan có duyên với nhau. Ấy vậy mà phải
14 năm sau, tôi mới có dịp hội ngộ với chị dù chúng tôi sống cùng thành phố. Đó
là vào tháng 6-2023, tôi cùng các nhà văn Trương Anh Quốc, Nguyễn Thị Thanh
Bình, Võ Thu Hương và Văn Thành Lê cùng đi thăm nhà văn Đoàn Thạch Biền. Trong
chuyến đi đó, lần đầu tiên tôi có dịp gặp nhà thơ Đào Phong Lan.
Với nhiều
cây bút thuộc thế hệ 7x và 8x, nhà văn Đoàn Thạch Biền là người có ảnh hưởng
không nhỏ khi họ chập chững đến với văn chương. Những năm 1990-2000, tuần san
Áo Trắng của “ông Biền” trở thành nơi gửi gắm và hoạt động văn chương sôi nổi của
nhiều cây bút trẻ, trong đó có Đào Phong Lan. Xem lại những tờ Áo Trắng đã úa
màu thời gian, cái tên Đào Phong Lan gần như xuất hiện liên tục.
Rồi cũng
chính “ông Biền” đã động viên, liên hệ để ra đời tủ sách “Tác phẩm đầu tay”, trở
thành nơi chào sân một cách đĩnh đạc của nhiều cây bút như Trần Tùng Chinh,
Đinh Lê Vũ, Hoàng Lan Anh, Dương Bình Nguyên, Nguyễn Thị Thanh Bình… Ở tuổi 20,
lúc còn là sinh viên Trường Viết văn Nguyễn Du (nay là Khoa Viết văn - Báo chí,
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), Đào Phong Lan xuất bản tập thơ đầu tay Giêng
Hai (NXB Thanh niên, 1995).
Nhờ “ông
Biền”, chị có thêm tập truyện ngắn Ma trận (NXB Văn nghệ TPHCM, 2001). Có lẽ vì
duyên nợ như vậy, dù không còn hoạt động văn chương nhưng Đào Phong Lan vẫn thu
xếp công việc để đến thăm khi hay tin sức khỏe của nhà văn Đoàn Thạch Biền trở
nặng. Chỉ một chi tiết nhỏ như thế nhưng tôi không khỏi cảm động và tin vào sự
tử tế nơi chị!
2.
Tôi tin
rằng, ai có cuộc đời càng thú vị thì đời sống tinh thần càng phong phú và nhiều
màu sắc. Đào Phong Lan là một người như vậy. Năm 10 tuổi, chia tay phố núi
Pleiku (Gia Lai), chị một mình ra Hà Nội theo học hệ Trung cấp âm nhạc tại Nhạc
viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Vào năm 1993, ở tuổi
18, Đào Phong Lan theo học Trường Viết văn Nguyễn Du.
Ngoài âm
nhạc và văn chương, chị còn có bằng cử nhân tiếng Anh, cử nhân Luật, thạc sĩ Quản
trị tiếp thị và truyền thông; trải qua nhiều công việc: có lúc làm truyền thông
cho một ngân hàng, giờ lại chuyển sang làm việc trong lĩnh vực truyền thông và
giáo dục.
Với những
công việc thú vị như vậy, nếu không viết sẽ… lãng phí biết chừng nào! Đào Phong
Lan chia sẻ, thực ra trong quãng thời gian xa rời văn đàn, chị vẫn luôn viết.
Những bài thơ được cất lên sau những giờ làm việc căng thẳng giúp chị cân bằng
rất nhiều trong cuộc sống.
Chỉ là
thay vì gửi đăng báo, tạp chí như ngày trước thì chị đăng lên trang cá nhân để
bạn bè đọc. Bạn đọc có thể tìm thấy những bài thơ này trong tập Em không thể
nói lời từ biệt (xuất bản tháng 9-2023), cùng một số bài thơ đã xuất hiện hàng
chục năm trước, như một chủ ý trong việc khắc họa diện mạo thơ Đào Phong Lan.
Không dừng
lại ở đó, sau khi nhận nhiều giải thưởng văn chương dành cho người lớn thì mới
đây, nhà thơ Đào Phong Lan bất ngờ ra mắt truyện dài dành cho thiếu nhi: Xóm nhỏ
yêu thương (NXB Kim Đồng). Tác phẩm mang đến một câu chuyện giản dị, mộc mạc
nhưng lấp lánh tình yêu thương giữa con người với con người, giữa con người với
loài vật xung quanh.
Đào Phong
Lan chia sẻ, đến với văn học thiếu nhi là sự bắt đầu nhưng cũng là sự trở lại
theo một hình thái mới, trong trẻo, hồn nhiên hơn. Ngoài Xóm nhỏ yêu thương,
Đào Phong Lan đã có thêm một bản thảo truyện dài dành cho thiếu nhi và đang
trong quá trình hoàn thành những bản thảo còn dang dở.
“Tôi quay
lại văn chương với tâm thế của một người trưởng thành, nhớ lại ký ức tuổi thơ,
nơi mình có rất nhiều ngày tháng ngọt ngào, êm đẹp; có những ký ức, kỷ niệm với
bạn bè. Tôi nghĩ rằng thiếu nhi thì vẫn nên là thiếu nhi, và vì thế mình sẽ dìu
dắt, nâng đỡ tâm hồn các em đi trong một thế giới, dù thế giới ấy ngày mai có
biến động như thế nào thì trách nhiệm của nhà văn vẫn phải mang đến cho các em
một bầu trời trong trẻo và đầy tình yêu thương”, chị bày tỏ.
Từ cuối
tháng 2 năm nay, nhà thơ Đào Phong Lan cùng các cộng sự lập podcast mang tên Mắt
nhắm lại - Tai mở ra. Chương trình có thời lượng 20-30 phút, dành cho trẻ em từ
7 tuổi trở lên với mong muốn giúp các bé trước giờ đi ngủ ngưng sử dụng các thiết
bị điện tử, chỉ cần nằm nhắm mắt nghe chương trình, giúp trí tưởng tượng bay
xa.
Podcast sẽ
là những câu chuyện nhỏ nhưng thú vị, giúp các bé hiểu thêm về thế giới xung
quanh, có thêm kỹ năng sống hay đơn giản chỉ là biết cách ứng xử với mọi điều
xung quanh.
Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng