Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cho rằng: “Thị trường âm nhạc hiện nay mất cân đối giữa âm nhạc thương mại và âm nhạc kinh điển - thuần cái đẹp. Nguyên nhân từ lâu là bắt nguồn từ giáo dục và phổ cập âm nhạc kinh điển cho công chúng”.
Nhạc sĩ
Võ Thiện Thanh: Xã hội đang cần những gì cốt lõi của âm nhạc
VIỆT
LINH
Phát hành
album “Nụ cười” sau 16 năm ấp ủ, giữa thời đại bùng nổ của công nghiệp giải
trí, của game show, nhưng nhạc sĩ Võ Thiện Thanh chia sẻ rằng, anh không thấy
mình cô độc hay lạc thời. “Tôi nhận thấy xã hội đang cần lắm những gì cốt lõi của
âm nhạc. Rất nhiều người nghe nhắn với tôi rằng, những bài hát ấy giúp cho họ
được tiếp thêm năng lượng và niềm tin vào cuộc đời”, anh nói.
@ Mất 16
năm để có 1 album “Made in Võ Thiện Thanh” dành cho tiếng hát Nguyên Thảo mang
tên “Nụ cười” và chỉ có vỏn vẹn 6 tracks? Vì sao lại phải chờ lâu đến thế?
Võ Thiện
Thanh: Khi bạn
phát hiện ra một điều diệu kỳ nào đó, bạn hứa với tất cả mọi người rằng bạn sẽ
kể lại bằng một cuốn sách, một tập thơ hay những bài hát, bằng âm nhạc. Thế rồi
ngày tháng trôi qua, cái điều diệu kỳ ấy như cuốn sách phép màu, bạn lọt thỏm
vào một thế giới ở một chiều không thời gian khác. Rồi một ngày bạn trở lại cái
không-thời gian bình thường, thì hỡi ôi! 16 năm đã trôi qua. Đó là cái cách mà
“Nụ cười” đã ra đời. Và khi track thứ 6 vừa xong, cũng là lúc cuốn sách ma thuật
khép lại, dù có muốn cũng không thể thêm gì được nữa.
@ Với “Nụ
cười” anh muốn chia sẻ với khán giả điều gì?
Võ Thiện
Thanh: Bất luận cuộc
đời đang diễn ra thế nào, hãy tin vào cái đẹp! Cái đẹp sẽ cứu rỗi chúng ta! Cái
đẹp ấy chính là thiên nhiên và tình yêu thuần khiết. Hãy gần gũi và đắm mình với
thiên nhiên hết mức có thể. Vì thiên nhiên sẽ chữa lành và giúp cho tâm hồn
chúng ta hướng về cái thiện. Đến một lúc nào đó, lòng trắc ẩn sẽ nở hoa một
cách tự nhiên. Tất cả những điều trên giúp cho ta có một cuộc sống hạnh phúc,
và xã hội tiến về cái thiện.
@ Album chạm
tới một đề tài rất linh thiêng mang tên “Thượng đế”, nhưng lại rất gần gụi, hóa
ra Thượng đế không phải ở đâu xa mà chính là những điều xung quanh mình. Nó
mang đến cho người nghe một hành trình trở về với chính bản thể của mình, với
thiên nhiên, cây cỏ. Ở một góc nào đó, âm nhạc của anh mang tính chữa lành? Còn
anh, khi viết “Nụ cười” anh mong muốn điều gì?
Võ Thiện
Thanh: Trước khi
biết đến cuốn sách “Đối thoại với Thượng đế” của Neale Donald Walsch, nền tảng
tâm linh của tôi là đạo Phật. Chính cuốn sách đã mở toang tâm hồn và nhận thức
của tôi ra về tất cả mọi mặt: Tôn giáo, xã hội, chính trị, nghệ thuật, chiến
tranh, hòa bình, hạnh phúc, đau khổ... Nói chung là tất cả mọi thứ. Cuộc đời
tôi đã thay đổi đáng kể từ khi biết đến cuốn sách. Kết quả cụ thể, bằng chứng
xác thực nhất chính là album “Nụ cười”. Và bài hát chứa đựng nhận thức quan trọng
nhất về bản chất cuộc sống, bản chất cuộc đời, chính là bài hát có tên “Nụ cười”.
Khi nhận thức được cuộc sống là gì, thì “Nụ cười” là nụ hoa ắt phải nở thôi.
Hãy suy ngẫm cho thật thấu đáo, bạn sẽ nhận ra rằng, tất cả chúng ta đều là những
diễn viên cho một sân khấu vĩ đại mang tên cuộc sống. Chúng ta đã từng quay đi
trở lại cái sân khấu vĩ đại này trong rất nhiều vai diễn rồi. Và mỗi người khi
sinh ra trên cõi đời này, đều được ban cho cái quyền cao quý là quyền mơ ước,
khát vọng và một tâm hồn với bản chất luôn yêu thương.
Điều lo ngại
không phải là một xã hội còn nhiều khó khăn về vật chất, về sự phát triển mà điều
đáng lo ngại nhất chính là một xã hội đang băng hoại về đạo đức: "Em! Đừng
than khóc khi đời buồn đau. Hãy than khóc lương tâm chìm sâu". Vì mục đích
của tất cả chúng ta trên cõi đời này, sau khi trải qua rất nhiều vai diễn, là
trở về hợp nhất với cái Tối Thượng. Mà cái Tối Thượng không là gì khác, chính
là Tình Yêu Thuần Khiết. Tôi mong muốn một Việt Nam hùng cường, nhưng phải song
song với một xã hội mà cái đẹp, tình yêu và lòng trắc ẩn luôn tràn đầy.
@ Vì sao
anh lại chọn Nguyên Thảo - cô ca sĩ gần như im hơi lặng tiếng trong thời gian
qua dù đó là một giọng ca được nhiều người yêu quý, như sương cỏ buổi sáng? Khi
tôi nghe Nguyên Thảo hát, tôi cảm nhận được sự đồng cảm/giao cảm kỳ lạ của hai
tâm hồn nghệ sĩ?
Võ Thiện
Thanh: Chúng tôi gặp
nhau hoàn toàn là duyên chứ không ai chọn ai cả. Những bài hát ấy là quá trình
đơm hoa kết trái một cách tự nhiên, dù trải qua rất nhiều khó khăn để thay đổi
nhận thức. Có lần cô ấy tâm sự với tôi rằng cô ấy mong muốn các bạn trẻ hoặc bất
cứ một ca sĩ nào khác cứ thoải mái hát lại những bài hát này. Nhưng tôi thì thầm
nghĩ: "Thật là khó để người khác có thể hát lại hay bằng Nguyên Thảo!".
Vì đúng là giữa âm nhạc và giọng hát trong album “Nụ cười” hòa quyện đáng kinh
ngạc, mà chính tôi khi nghe lại cũng không hiểu bằng cách nào lại như vậy. Tôi
nghĩ vấn đề nằm ở nhận thức chứ không chỉ là kỹ thuật. Về Nguyên Thảo, tôi
không nghĩ là cô ấy "im hơi lặng tiếng" đâu. Mà chỉ là cô ấy chọn cho
mình một cách, một thái độ riêng của mình với nghệ thuật thôi. Bằng chứng là cô
ấy vẫn quyết tâm hoàn thành và "tồn tại" qua album “Nụ cười” đó thôi.
Nghệ thuật với cô ấy nằm ngoài danh lợi.
@ Anh chia
sẻ rằng, anh như một người "thám hiểm" trong âm nhạc nhiều hơn là người
mong tìm cách nào để nắm bắt trend. Và anh đã mang đến một thứ âm nhạc khác biệt,
với chính anh và với thị trường âm nhạc nói chung. Sự khác biệt đó là gì?
Võ Thiện
Thanh: Với tôi,
hành trình của một người sáng tạo có thể chia ra ba giai đoạn. Giai đoạn
đầu tiên là học tập, thu nạp kiến thức. Giai đoạn thứ hai là khao khát khẳng định
bản thân. Và giai đoạn cuối cùng là khám phá. Tùy vào khả năng, điều kiện và
hoàn cảnh mà có người chỉ dừng ở giai đoạn đầu, có người đi tiếp giai đoạn hai
và ba. Khi một nghệ sĩ đã qua hai giai đoạn đầu, thì anh ấy sẽ ít quan tâm tới
phải làm sao bài hát phải hit, danh tiếng phải nhiều hơn nữa. Lúc đó, một bầu
trời nghệ thuật mới lạ lung linh những vì sao sẽ hấp dẫn anh ta đi tìm những điều
mới lạ. Có lẽ tôi đang ở trên ngọn đồi đêm này. Tôi thích sự cô độc đầy mê hoặc
mỗi đêm khi đắm mình với bầu trời sao.
@ Anh là
người yêu cái đẹp đến cực đoan và anh chia sẻ rằng hành trình mang cái đẹp đến
cho mọi người cũng là những tháng ngày thực sự khó khăn?
Võ Thiện
Thanh: Điều khó
khăn lớn nhất là bạn phải sống đồng thời giữa hai "chiều không gian"
khác nhau. Một bên là cuộc sống hiện đại với tốc độ chóng mặt, với thời đại
công nghệ, với cơm áo gạo tiền. Chiều không gian đối lập ngược lại là thế giới
mơ mộng, là cảm xúc với thiên nhiên, với cái đẹp. Bạn như là bọn trẻ trong phim
“Alice ở xứ sở thần tiên” vậy. Bước qua cánh cửa bên kia để mang theo cái đẹp,
cái mộng mơ về cho thế giới hỗn mang bên này.
@ Anh có
thấy mình lạc thời trong thị trường âm nhạc nhộn nhịp, sôi động nhiều năm qua
và những sự nổi lên của thế hệ trẻ, của những xu hướng, của công nghiệp giải
trí phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam?
Võ Thiện
Thanh: Khi một nghệ
sĩ đã trải nghiệm đủ qua các giai đoạn của một người sáng tạo, anh ta sẽ an
nhiên với cái cõi riêng của mình. Sẽ rất bất thường khi một người đã ở giai đoạn
ba của hành trình sáng tạo, lại đánh mất mình khi cố tìm về những giai đoạn trẻ
trâu ban đầu với những mông muội đáng tiếc. Tôi chỉ đang đi theo quy luật tự
nhiên của sáng tạo. Mặt khác, một nền âm nhạc luôn vận hành theo quy luật ba
giai đoạn như tôi vừa nêu. Và những nghệ sĩ biết bao thế hệ đi qua sẽ đọng lại
lớp trầm tích âm nhạc vĩnh cữu, mà ngày nay nó là kho tàng âm nhạc của thế giới
The Beatles, Beegees, Abba, Eagles... Mozart, Beethoveen, Chopin, Rachmanivoff,
Prokofiev...
Những nghệ
sĩ Việt phải mơ ước được nằm trong lớp trầm tích này, hơn là những hào nhoáng của
âm nhạc thương mại được khoác tấm áo công nghiệp văn hóa. Từ ngày “Nụ cười” được
phát hành, tôi rất hạnh phúc, vì nhận thấy mình không "lạc thời" hay
cô độc chút nào. Tôi nhận thấy xã hội đang cần lắm những gì cốt lõi của âm nhạc.
Rất nhiều người nghe nhắn với tôi rằng, những bài hát ấy giúp cho họ được tiếp
thêm năng lượng và niềm tin vào cuộc đời.
@ Bức
tranh âm nhạc Việt bây giờ rất nhiều mảng màu, vậy Võ Thiện Thanh, nếu vẽ mảng
màu của mình, anh sẽ vẽ màu gì? Anh có đánh giá gì về thị trường âm nhạc hiện
nay?
Võ Thiện
Thanh: Màu xanh của
thiên nhiên, của Tình Yêu Thuần Khiết. Thị trường âm nhạc hiện nay mất cân đối
giữa âm nhạc thương mại và âm nhạc kinh điển - thuần cái đẹp. Nguyên nhân từ
lâu là bắt nguồn từ giáo dục và phổ cập âm nhạc kinh điển cho công chúng. Nếu
không điều chỉnh kịp thời, tương lai khoảng cách sẽ ngày càng xa hơn. Vì có xây
bao nhiêu nhà hát, bao nhiêu buổi hòa nhạc cũng không tác dụng gì nhiều, nếu
chúng ta không điều chỉnh sớm từ giáo dục.
@ Cảm ơn
cuộc trò chuyện của anh.
Nguồn: An
Ninh Thế Giới cuối tháng