‘Lịch sử có ý nghĩa như tài nguyên vô giá với mỗi dân tộc’, đó là quan niệm của tiến sĩ Lê Kiên Thành trong cuộc trò chuyện nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
@ Thưa tiến
sĩ Lê Kiên Thành! Nhắc đến ông, nhiều người không chỉ biết ông là con trai của
cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (1907-1986) mà còn là một trí thức luôn suy tư về sự
phát triển của đất nước. Ngay bây giờ, giữa không khí tưng bừng kỷ niệm 50 năm
non sông liền một dải, ông có tâm trạng như thế nào?
Lê Kiên
Thành: Tôi nhớ thời
khắc nửa thế kỷ trước. Lúc ấy mờ sáng 30/4/1975 ở Liên Xô, tôi vẫn đang ngủ ở
ký túc xá Học viện Kỹ sư không quân Giucopxky, thì nghe tiếng đập cửa dồn dập. Rồi
bạn bè du học sinh các nước Cu Ba, Mông Cổ, Rumani, Ba Lan… ùa vào phòng, reo ầm
lên: “Việt Nam chúng mày thống nhất rồi”. Tôi cứ đứng sững ra, cái cảm giác rất
khác lạ, muốn cười không cười được, muốn khóc không khóc được, mà muốn nói cũng
không nói được. Tôi lơ lửng như một kẻ mắc kẹt trong giấc mộng. Thật ư, thống
nhất rồi ư?
Có lẽ những
người hôm nay khó hiểu bối cảnh lúc ấy. Chúng tôi sống ở miền Bắc, “thống nhất”
luôn là mong ước, nhưng rất xa xôi, thậm chí rất viển vông. Mỗi khi muốn từ chối
một điều gì, thì câu cửa miệng là “đợi thống nhất nhé”. Vậy mà, thống nhất rồi,
thống nhất như một phép màu.
Tôi ngẩn
ngơ nửa thực nửa mơ về cái tin thống nhất, vì thuở đó phương tiện truyền thông
rất hạn chế. Mãi đến khi lên giảng đường, ông giáo sư người Nga chúc mừng tôi bằng
một cái vỗ vai thật mạnh “Tuyệt lắm”, thì tôi mới dám chắc chắn chiến tranh đã
chấm dứt, Tổ quốc Việt Nam đã thu về một mối.
@ Hình ảnh
Sài Gòn sau cột mốc lịch sử ấy, cho ông ấn tượng gì đầu tiên?
Lê Kiên
Thành: Năm 1976,
tôi mới được về nước, và thực tập ở sân bay Tân Sơn Nhất. Khi nhìn hàng trăm
chiếc máy bay nằm la liệt dưới phi trường, tôi choáng ngợp và sững sờ. Tôi từng
được đào tạo tại Trường Lái máy bay Kratxnoida và chưa từng thấy một sân bay
nào ở Liên Xô có số máy bay nhiều như vậy. Tính cả máy bay dân dụng, máy bay trực
thăng và máy bay chiến đấu, thì Việt Nam Cộng Hòa có khoảng 4000 chiếc vào năm
1975, đứng thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Liên Xô.
Cùng thời
điểm, không quân Việt Nam ở miền Bắc chỉ có khoảng 20 chiếc máy bay, khi xuất
kích chỉ bay một hoặc hai chiếc, chứ có khi nào bay một dàn chục chiếc đâu.
Riêng về không quân, Sài Gòn có một kho khí tài khổng lồ. Vậy thì tại sao người
Mỹ chấp nhận bỏ lại tất cả để rút lui, để chấp nhận thua cuộc? Đó là câu hỏi lớn,
mà tôi mất nhiều năm để trả lời về chiến thắng của dân tộc Việt Nam chúng ta.
@ Đáp án của
ông có được tham khảo từ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn chăng?
Lê Kiên
Thành: Có chứ. Tôi
trao đổi với cha tôi rất nhiều lần, và tôi đọc rất nhiều tài liệu từ hai phía. Nhà
quân sự lừng lẫy nhân loại Napoléon Bonaparte (1769-1821) đúc kết một câu rất lạnh
lùng: “Trong chiến tranh, vật chất thắng vật chất, và Chúa đứng về phía kẻ mạnh”.
Nghĩa là bên nào muốn chiến thắng, phải có vật chất lớn hơn, chứ không thể
trông chờ vào chính nghĩa. Vật chất có thể kiểm đếm được, thì Mỹ gấp nhiều lần
Việt Nam, họ ở thế thượng phong so với chúng ta. Chính ngoại trưởng Mỹ Kissinger
(1923-2023) đã nói thẳng với Trưởng phái đoàn Việt Nam Lê Đức Thọ (1911-1990)
trước khi đàm phán Paris: “Các ông tự hào về lòng yêu nước và sự can đảm, thì
người Mỹ có đủ sức mạnh để chà đạp hai thứ ấy”.
Sau chiến
thắng, không ít người Việt Nam cứ hồn nhiên cho rằng, do Mỹ kém chúng ta “to
gan hơn béo bụng”. Họ mà kém thế nào được, họ vẫn bá chủ trên mọi chiến trường
trong thế kỷ 20. Cho nên, nhiều chuyên gia Mỹ vẫn vô cùng thắc mắc về kết cục
chiến tranh Việt Nam. Ngoài sự viện trợ của các quốc gia trong phe xã hội chủ
nghĩa, thì Việt Nam phải có vật chất độc đáo để đáp ứng nguyên lý chiến tranh
“vật chất thắng vật chất” chứ.
Sau 20 năm
thống nhất đất nước, tôi có dịp sang Mỹ. Một giáo sư Mỹ thổ lộ: “Chúng tôi rất
khâm phục Việt Nam. Chẳng giấu gì ông, tôi từng là nhân viên cơ quan tình báo
trung ương Mỹ CIA trong Chiến tranh thế giới thứ hai, tôi đã nghĩ ngợi mà không
sao hiểu được lý do để Việt Nam thắng Mỹ. Ông có thể giải thích cho tôi không?”.
Tôi đã thưa lại: “Tôi chưa từng trực tiếp tham gia một trận bom đạn nào, nhưng
tôi là người Việt Nam có ý thức về vị trí của dân tộc mình. Tôi xin chia sẻ với
ông. Xét về giá trị lõi của nguyên lý chiến tranh, thì Việt Nam lép vế trước Mỹ.
Tuy nhiên, chúng tôi tự tin chiến đấu trên quê hương chúng tôi, còn các ông phải
thử thách yếu tố viễn chinh. Tốc độ trong chiến tranh, đóng vai trò rất quan trọng.
Người Mỹ chế tạo máy bay để di chuyển từ điểm A đến điểm B mất 15 phút, người
Việt Nam mất cả ngày để đi bộ từ điểm A đến điểm B.
Thế nhưng,
các ông chưa xuất phát thì chúng tôi đã đến đích, vì chúng tôi có người ở điểm A
và cũng có người ở điểm B. Vật chất tuyệt đối để Việt Nam cầm cự và lấn lướt Mỹ
là tốc độ vô hạn. Mỹ có thể chế tạo máy bay đạt tốc độ hàng nghìn km/ giờ, chứ
làm sao chế tại được máy bay đạt tốc độ vô hạn. Trong chiến tranh vệ quốc,
không phải người Việt Nam nào mặc quân phục bộ đội mới là người lính, mà anh thợ
cày cũng là người lính, chị dệt vải cũng là người lính, em bé chăn trâu cũng là
người lính. Chúng tôi cùng lúc, vừa chặn các ông ở điểm A vừa đánh các ông ở điểm
B. Chúng tôi gọi đó là chiến tranh nhân dân”.
Nghe tôi
phân tích, ông giáo sư Mỹ, cựu nhân viên CIA đã đứng dậy bắt tay: “Việt Nam các
bạn xứng đáng có được hòa bình”.
@ Câu chuyện
chiến tranh nhân dân đầy kiêu hãnh, nhưng cũng đầy hy sinh...
Lê Kiên
Thành: Đầu năm
1973, tôi sang Liên Xô du học, có mang theo mấy tờ báo Việt Nam. Một người bạn
Tiệp Khắc (sau này là giáo sư nổi tiếng ở
Praha) khi nhìn thấy
hình ảnh một thiếu niên du kích Nam bộ trên tờ báo, đã bình luận: “Khẩu súng
dài hơn con người, chiến công nhiều hơn tuổi tác”. Câu nói ấy phản ánh đầy đủ sự
gan dạ và sự anh hùng của người Việt Nam trong chiến tranh.
Người Việt
Nam sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, nhưng chúng ta không chủ trương cảm tử
mọi lúc mọi nơi. Chúng ta chọn cách tránh cái chết để trường kỳ kháng chiến. Và
khi cần cảm tử thì người Việt Nam quyết liệt hơn cả sự cảm tử.
Anh hùng lực
lượng vũ trang nhân dân Tư Cang – Nguyễn Văn Tàu, nguyên Cụm trưởng Cụm Tình
báo chiến lược H63, đã kể cho tôi nghe một chi tiết ấn tượng. Khi lên kế hoạch
tổng nổi dậy Mậu Thân năm 1968, các lực lượng chủ lực đều đã bố trí xong, thì cấp
trên yêu cầu phải có một tiểu đội đánh thẳng vào Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn. Xung
quanh ông Tư Cang chỉ còn 14 người, không phải lính chiến đấu, mà chỉ là những
người làm giao liên và tiếp tế.
Ông Tư
Cang thông báo: “Có một nhiệm vụ quan trọng, cần 12 người, chỉ có đi không có về”.
Tất cả đều giơ tay xung phong. Ông Tư Cang chọn 12 người, thì hai người không
được chọn liền tuyên bố: “Không cho chúng tôi đi, thì chúng tôi tự vác súng ra
đường chiến đấu”. Vậy là đành để 14 người cùng đánh vào Đại sứ quán Mỹ tại Sài
Gòn. 14 người tự làm lễ truy điệu cho nhau trước giờ nổ súng, và không có ai trở
về.
@ Con đường
đến ngày thống nhất của chúng ta, phải đánh đổi rất nhiều sự quả cảm và sự mất
mát...
Lê Kiên
Thành: Sau tổng nổi
dậy Mậu Thân năm 1968, Việt Nam lại có thêm một “Điện Biên Phủ trên không” năm
1972 cực kỳ ngoạn mục ở Hà Nội. Lúc ấy, Mỹ có 200 máy bay ném bom B52, và đưa
sang Việt Nam phân nửa để quyết đè bẹp quân dân chúng ta. Việt Nam chống B52 bằng
máy bay tiêm kích MiG-17 và tên lửa phòng không SAM-2.
Cha tôi
nói với tôi: “Chỉ cần bắn hạ được 2 chiếc B52 đã là thắng lợi”. Thế nhưng,
không ngờ chúng ta đã bắn hạ tới 34 chiếc B52. Thật là thần kỳ, khi so sánh các
thông số kỹ thuật. Máy bay tiêm kích MiG-17 có tốc độ 900km/h còn B52 có tốc độ
2000 km/h. Tên lửa phòng không SAM-2 do Liên Xô cung cấp, là phương tiện
cũ rích sót lại sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Để đánh
B52 thì phải dùng vật chất đối đầu vật chất, chứ không thể dùng tinh thần đối đầu
vật chất. Người Việt Nam đã lấp đầy cán cân “vật chất thắng vật chất” trong chiến
tranh bằng ý chí kiên cường, sự tính toán khôn ngoan và phương pháp tác chiến
gan dạ, khéo léo. Sau 12 ngày đêm, chúng ta đã bắn đến viên đạn cuối cùng, và
người Mỹ đã mất 1/3 số lượng B52 đưa sang Việt Nam. Không bên nào muốn thiệt hại
nữa. Giống như hai người đều ngộp thở vì chìm trong nước, người nào chịu không
nổi mà ngoi lên trước, thì người ấy thua cuộc. Người Mỹ đã ngừng dội bom.
@ Thân phụ
của ông, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn có hai cuốn sách viết về giai đoạn chống Mỹ cứu
nước là “Thư vào Nam” và “Thời thắng Mỹ”. Chắc ông từng đọc qua?
Lê Kiên
Thành: Tôi đã đọc
hai cuốn sách ấy và đối chiếu với cuốn sách “Chiến tranh Việt Nam” của cựu
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara (1916-2009). Tôi hiểu ra, vũ khí của Mỹ tinh
vi bao nhiêu thì chiến lược của Mỹ lại đơn sơ bấy nhiêu. Ngược lại, vũ khí của
Việt Nam đơn sơ bao nhiêu, thì chiến lược của Việt Nam lại tinh vi bấy nhiêu. Sự
đối lập ấy đưa đến kết cục như nhân loại đã chứng kiến. Tôi cho rằng, hàng trăm
năm nữa, thế giới còn phải nhắc đến chiến thắng của Việt Nam như một huyền thoại.
Bởi lẽ, thế kỷ 20 chỉ có hai sự kiện làm thay đổi trật tự quốc tế là chiến thắng
của hồng quân Liên Xô trước phát xít Đức năm 1945 và chiến thắng của quân dân
Việt Nam trước đế quốc Mỹ năm 1975.
@ Chúng ta
đã có một quá khứ thật hào hùng. Sau nửa thế kỷ hòa bình, Việt Nam tiếp tục gặt
hái nhiều thành tựu rực rỡ về xóa đói giảm nghèo. Từ một tiến sĩ hạt nhân, ông
đã trở thành một doanh nhân, có lúc còn làm Chủ tịch Ngân hàng...
Lê Kiên
Thành: Hoàn thành
chương trình nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Dupna, tôi về Việt
Nam và định cư TP.HCM từ năm 1989. Tôi công tác ở Viện Khoa học Việt Nam phân
viên phía Nam, mà gần như chả có việc gì để làm, suốt ngày chỉ ngồi bàn giấy
cho muỗi cắn. Lúc ấy, lương tiến sĩ của tôi được 60 nghìn đồng mỗi tháng, còn vợ
tôi có bằng đại học nhưng làm nhân viên bán hàng ở hợp tác xã thương mại thì hưởng
lương 250 nghìn đồng mỗi tháng. Gần như kinh tế gia đình do vợ tôi đảm đương,
còn tôi chỉ vật vờ.
Tôi còn nhớ,
mỗi buổi sáng, vợ tôi đưa 5 nghìn đồng và tôi đi bộ ra xe bánh mì trên lề đường
Tú Xương để mua 5 ổ bánh mì điểm tâm cho cả nhà. Tôi cay đắng lắm. Tôi quyết
tâm thoát khỏi vùng ngột ngạt đó. Tôi đề nghị cơ quan cho thành lập một mô hình
gọi là “công ty đời sống” để cải thiện cơm áo cho anh em. Chúng tôi được xếp
vào loại “biên chế 2”, nghĩa là vẫn nằm trong biên chế nhưng không có lương. Khi
Nhà nước cho lập doanh nghiệp tư nhân, thì tôi rời biên chế luôn và bắt đầu ngụp
lặn với thị trường để mưu sinh theo cách của tôi.
@ Lý lịch
rất “oách” của ông có gì thuận lợi cho việc kinh doanh, so với những người khác
không?
Lê Kiên
Thành: Tôi là con
trai của Lê Duẩn nên dễ xây dựng nhiều mối quan hệ hơn, nhưng cũng bị “soi” nhiều
hơn. Tôi phải ứng phó những thị phi và cả những lo ngại. Một số vị lãnh đạo vì
nể nang ba tôi, đã gặp tôi để khuyên nhủ mọi lẽ thiệt hơn. Tôi đã thưa với ông
Võ Văn Kiệt: “Nếu các chú vẫn cấm đảng viên làm kinh tế, thì cháu sẽ xin ra khỏi
Đảng”. Còn ông Đỗ Mười dành một buổi ở Văn phòng Tổng Bí thư để nhắc nhở tôi đừng
chệch hướng, và tôi đã tranh luận thẳng thắn: “Tại sao lại quy định đảng viên thành
lập công ty tư nhân thì chỉ được phép sử dụng 13 lao động? Chúng ta dựa vào đâu
để khẳng định, sử dụng 14 lao động là bóc lột kiểu tư bản mà sử dụng 13 lao động
thì không bóc lột kiểu tư bản. Nếu đã bóc lột, thì bóc lột một lao động cũng xấu
xa đâu khác gì bóc lột 13 lao động. Muốn bảo vệ quyền lợi người lao động, thì
phải hoàn thiện Luật lao động, chứ không thể giải quyết bằng những quy định tạm
thời mang tính duy ý chí”.
@ Ông vẫn
được dư luận đánh giá cao về những ý kiến thẳng thắn, kể cả trong các hội nghị
lẫn trên truyền thông. Có lần nào, ông đắn đo khi mở miệng không?
Lê Kiên
Thành: Đối với
tôi, lịch sử không đơn giản là những ngày tháng đã trôi qua. Lịch sử là tài
nguyên vô giá đối với mỗi dân tộc, cần được sử dụng để khơi dậy ý chí và tinh
thần của đất nước. TP.HCM là một đô thị mang dấu ấn lịch sử vĩ đại, thì mỗi
hành động, mỗi công trình, mỗi dự án hôm nay phải xứng đáng với lịch sử. Tôi rất
yêu nhịp sống TP.HCM. Vì vậy, trong những cuộc họp mà lãnh đạo TP.HCM mời tôi
tham dự, tôi luôn suy nghĩ rất nhiều.
Gần đây nhất,
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên có yêu cầu tôi nói vài lời trong một dịp
gặp mặt các thế hệ lãnh đạo TP.HCM. Tôi đã phát biểu ngắn gọn: “Đô thị này đóng
góp 1/3 ngân sách cho đất nước, những tại sao chưa phải là thành phố đáng sống
nhất, chưa phải là thành phố đáng đầu tư nhất? Tôi chỉ mong, các lãnh đạo
TP.HCM trước khi đi làm mỗi ngày, hãy thắp một nén hương lên bàn thờ gia tiên
mình. Tôi dám chắc trên bàn thờ gia tiên ấy, có rất nhiều linh vị các anh hùng,
các liệt sĩ. Khi thắp một nén hương, xin các anh chị hứa một câu thôi, rằng “mọi
chỉ đạo, mọi chữ ký đều trong sáng, không thỏa hiệp bất cứ lợi ích riêng tư gì”
thì tôi tin bức tranh thành phố sẽ văn minh gấp bội, hào hiệp gấp bội, sáng tạo
gấp gội, nghĩa tình gấp bội”.
@ Ông có
thân phận đặc biệt. Không chỉ có người cha là Tổng Bí thư Lê Duẩn, ông còn có
ông ngoại là thương gia Nguyễn Phú Khai làm chủ bút báo Tribune Indigène
(“Diễn đàn bản xứ”) một thời vang dội miền Nam đầu thế kỷ 20 và người mẹ là nhà
báo Nguyễn Thụy Nga (1925-2018). Sau cuốn sách “Những khoảnh khắc sống”, ông
đang ấp ủ điều gì ở tuổi 70?
Lê Kiên Thành:
Tôi vẫn luôn nghĩ về một triết lý tồn tại đích thực của người Việt Nam. Văn hóa
đã giúp người Việt Nam không bị đồng hóa sau ngàn năm Bắc thuộc, nếu người
Trung Quốc khắt khe “tại gia tòng phụ” thì người Việt Nam cổ vũ “con hơn cha là
nhà có phúc”, nếu người Trung Quốc đòi hỏi “xuất giá tòng phu” thì người Việt
Nam cơi nới “thuận vợ thuận lòng tát biển Đông cũng cạn”. Vậy thì tại sao sau nửa
thế kỷ hòa bình, người Việt Nam vẫn chưa thực sự ngồi lại với nhau một cách
chân thành đúng nghĩa đồng bào thấu hiểu và yêu thương?
Tôi tin chẳng
có vách ngăn nào giữa người Việt Nam với người Việt Nam. Phải thiện chí hòa giải
dân tộc, san bằng mọi dị biệt. Tôi cũng có trách nhiệm trong việc đó. Tôi đã chủ
động hẹn gặp giáo sư Cao Lan là con gái của đại tướng chế độ cũ Cao Văn Viên (1921-2008).
Bà Cao Lan không chỉ giảng dạy chuyên ngành luật kinh tế ở Mỹ, mà từng xuất bản
hai tiểu thuyết “Monkey bridge” (Cầu khỉ) và “The lotus and the storm”
(Hoa sen và bão tố). Thân phụ của hai người từng đứng đầu ở hai chiến tuyến,
nhưng chúng tôi vẫn có thể trò chuyện cởi mở và ân cần với nhau./.
TUY HÒA (thực hiện)