Hình tượng Trịnh Công Sơn bỗng dưng được nhà sản xuất dùng những cảnh quay của một dự án để chia thành hai bộ phim, một có tên ‘Em và Trịnh’ và một có tên ‘Trịnh Công Sơn’ khởi chiếu cùng thời điểm.


Hình tượng Trịnh Công Sơn được đưa vào dự án “Em và Trịnh” nhằm kỷ niệm 20 năm công chúng chia biệt nhạc sĩ này. Hình tượng Trịnh Công Sơn hấp dẫn đám đông, nhưng không hề dễ chuyển tải lên màn ảnh. Hình tượng Trịnh Công Sơn từng được khai thác khi nhân vật còn sống, trong bộ phim “Em còn nhớ hay em đã quên” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, cũng không mấy thành công.

Được sự ủng hộ của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, dự án “Em và Trịnh” được triển khai khá rầm rộ. Đáng tiếc, do ảnh hưởng Covid-19, bộ phim “Em và Trịnh” không thể nào ra mắt đúng kế hoạch vào ngày 1/4/2021. Sau khi thích ứng bình thường mới, bộ phim “Em và Trịnh” tiếp tục được thực hiện và quảng bá tưng bừng. Bất ngờ thay, trước lúc công chiếu “Em và Trịnh” ngày 17/6, nhà sản xuất tuyên bố “Em và Trịnh” có một anh em sinh đôi là “Trịnh Công Sơn” phát hành cùng thời điểm.



Một dự án điện ảnh “nở nồi” kiểu tách một bộ phim thành hai bộ phim, thì lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Đây là một sự ngẫu hứng đột ngột hay một sự tính toán kỹ lưỡng? Có lẽ, do cảm thấy những cảnh quay đã có quá phong phú nên ê-kip làm phim không muốn lãng phí chăng? Nhà sản xuất cho rằng, kiểm tra lại kết quả của gần 1000 giờ quay, thì kinh ngạc phát hiện ra, có đến hai câu chuyện, hai góc nhìn khác biệt về người nghệ sĩ, mà khía cạnh nào cũng đặc biệt thú vị nên muốn chia sẻ điều đó với khán giả.

Nếu như bộ phim “Em và Trịnh” có dung lượng 135 phút, xoay quanh chuyện tình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì bộ phim “Trịnh Công Sơn” có dung lượng 95 phút, chỉ nói về tuổi trẻ lãng mạn và đam mê của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Như vậy, hình tượng Trịnh Công Sơn với cùng một dàn diễn viên được chia ra thành hai tác phẩm ở hai góc độ khác nhau. Nghĩa là, bên cạnh bộ phim về thân phận là bộ phim về tình yêu, như chính Trịnh Công Sơn từng thổ lộ: “Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm thế nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”.



Một dự án đầu tư 50 tỷ đồng mà có cả bộ phim “Em và Trịnh” lẫn bộ phim “Trịnh Công Sơn” thì xem ra đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã lãi ròng. Người tham gia cố vấn cho dự án “Em và Trịnh” ngay từ ban đầu là đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Có cha là nhà văn Nguyễn Quang Sáng (1932-2014) thân thiết với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nên đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từ nhỏ đã được tiếp xúc tác giả những tình khúc lừng lẫy “Diễm xưa”, “Hạ trắng”, “Nắng thủy tinh”, “Cát bụi”, “Một cõi đi về”... Cụ thể hơn, một bài thơ thuở bé của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ nhạc thành ca khúc thiếu nhi “Mẹ đi vắng”.

Với hiểu biết cá nhân, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chắc chắn cũng đưa ra nhiều ý kiến bổ ích cho đạo diễn Phan Gia Nhật Linh trong việc “hô biến” một bộ phim thành hai bộ phim. Bởi lẽ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng thở than: “Cuộc sống càng dài thì mắt ta càng được nhìn thấy nhiều chuyện đời lạ lắm. Tâm hồn đẹp là tài sản chung của con người. Nhưng rõ ràng đã có những sự chuyển hoán của tâm hồn từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác. Đã có biết bao con người tưởng chừng tử tế đã biến thành kẻ vô lại và cũng không thiếu những kẻ vô lại chuyển mình thành con người hào sảng”.

Trước hai chọn lựa, “Em và Trịnh” hoặc “Trịnh Công Sơn”, khán giả sẽ mua vé xem bộ phim nào? Rất khó đoán, vì người yêu mến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa bao giờ lường được tình huống kỳ lạ như vậy.



Tuy nhiên, dù xem “Em và Trịnh” hay “Trịnh Công Sơn” thì giới mộ điệu đều thấm thía suy tư dạo nào của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng, tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa. Tôi không muốn khuyến khích sự khổ hạnh, nhưng mỗi chúng ta hãy thử sống cùng một lúc vừa là kẻ chiến thắng, vừa là kẻ chiến bại. Nỗi vinh nhục đã mang ta ra khỏi đời sống để đưa ta đến những đấu trường”.

                                              TUY HÒA