Nhạc sỹ Hoàng Hiệp có nhiều bài bị giới ca sỹ nhầm lời. Bài "Câu hò bên bờ Hiền Lương" (lời: Đằng Giao) của ông bị rất nhiều người nhầm là "bến Hiền Lương". Ông cho biết: "Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Chỉ có hai bờ sông ở hai đầu cầu chứ không có bến nào. Bến là chỗ thuyền bè neo đậu. Không có bến nào có tên Hiền Lương ở khu vực này".


Nỗi phiền lòng của người cầm bút

Y HOA

Lao động của giới sáng tác văn nghệ, báo chí lâu nay được gọi chung là cầm bút. Bên cạnh niềm vui lớn là được sáng tạo (văn nghệ), thông tin (báo chí) phục vụ công chúng, giới cầm bút cũng có những nỗi phiền lòng mà một trong những nỗi đó là chữ nghĩa, ngôn từ của mình viết ra bị sử dụng sai.

Loại trừ những cơ quan xuất bản, báo chí có đội ngũ biên tập viên vững nghề, có trình độ đã sửa sang khiến tác phẩm được nâng cao, hoàn chỉnh hơn thì không ít trường hợp đã "lợn lành chữa thành lợn què". Một tác giả lập luận: Thơ đã hay - tức sâu sắc, độc đáo về ý tứ, hoàn chỉnh về vần điệu, bố cục - thì không nên phổ nhạc mà chỉ nên "phỏng thơ" để tạo nên bài hát vì nếu "phổ" thì phải để nguyên si bài thơ. Như vậy, ca khúc ắt sẽ không thể có bố cục hợp lý, chặt chẽ. Tác giả rút "tít" bài là: "Thơ hay chẳng nên phổ nhạc". Vậy mà người biên tập ở một tờ báo nọ đã sửa lại: "Thơ đã hay thì chẳng nên phổ nhạc" (thêm hai từ "đã" và "thì"). Tác giả vô cùng bất bình bởi sự quá kém cỏi, hạn chế của người biên tập. Từ một câu gãy gọn, sáng sủa trở thành câu lủng củng.

Nhớ lại lúc sinh thời, cố nhà thơ Xuân Diệu đã vô cùng bực tức, nổi trận lôi đình khi một tờ báo đã sửa thơ của ông. Bài "Mưa" có hai câu kết: "Thôi em nghỉ việc khuya rồi/ Chăn đêm em đắp cùng trời với anh" bị sửa thành: "Chăn đêm em đắp với trời cùng anh". Nhà thơ sau khi đọc đã đùng đùng phóng đến tòa soạn làm toáng lên, đề nghị vị đứng đầu tờ báo đuổi việc người biên tập. Tất nhiên, xử sự của nhà thơ lớn có phần cực đoan nhưng ta có thể hiểu và thông cảm với nỗi tức giận của ông. Lần ấy, tờ báo phải xin lỗi Xuân Diệu và nói rằng do in ấn. Nhưng nhà thơ cho rằng họ nói vậy để hạ hỏa tác giả chứ sự thật là biên tập viên kia đã dốt lại thích thò bút vào bài, tỏ ra mình có trình độ.

Gần đây, một nhà báo viết rằng: "Đường cao tốc Việt Nam có giá thành đắt nhất thế giới" đã bị sửa lại là: "Đường cao tốc Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới đắt hơn nhiều lần". Hai ý khác hẳn nhau. Nhiều vị đại biểu trong nhiều kỳ họp Quốc hội cũng đã nói rõ thực trạng này. "Đắt nhất" hoàn toàn chính xác. "Đắt hơn nhiều nước" có nghĩa chưa phải là đắt nhất vì có nước còn đắt hơn. Rõ ràng câu đã sửa có mức độ nhẹ hơn nhiều.

Nhạc sỹ Hoàng Hiệp có nhiều bài bị giới ca sỹ nhầm lời. Bài "Câu hò bên bờ Hiền Lương" (lời: Đằng Giao) của ông bị rất nhiều người nhầm là "bến Hiền Lương". Ông cho biết: "Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Chỉ có hai bờ sông ở hai đầu cầu chứ không có bến nào. Bến là chỗ thuyền bè neo đậu. Không có bến nào có tên Hiền Lương ở khu vực này". Bài "Vào lăng viếng Bác", ông phổ thơ Viễn Phương cũng bị nhiều người nhầm là "Viếng lăng Bác". Cái lăng thì sao phải viếng mà là viếng Người nằm trong Lăng.

"Người Hà Nội" là bài hát nổi tiếng của Nguyễn Đình Thi. Hầu như ca sỹ nào hát bài này cũng thêm hai tiếng "chiến thắng" vào câu kết bài: "Bóng cờ bát ngát ngày vui, nước non reo cười trên môi Người cười. Tiếng cười ngày về chiến thắng". Lúc còn sống, nhạc sỹ, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã không hài lòng việc người hát tự ý thêm như vậy. Ông cho biết âm điệu toàn bài đã toát lên hào khí chiến thắng, không cần phải cho từ này vút lên một quãng 8 nữa làm gì. Chủ ý của ông là khắc họa hình ảnh vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc với nụ cười ấm áp, rạng rỡ trong giờ phút chúng ta chiến thắng, trở về tiếp quản Thủ đô. Hình ảnh này với âm nhạc lắng lại để khép lại toàn bài sẽ có ý nghĩa hơn nhiều. Hát như nhiều người vẫn hát là "mô-ve gu" (mauvais gout: Thị hiếu thẩm mỹ thấp, dễ dãi).

Còn rất nhiều trường hợp người viết bị sử dụng hoặc sửa chữa sai lệch lời mình viết ra - dù vô tình hay cố ý - đều khiến họ rất phiền lòng mà trong phạm vi một bài báo, không thể dẫn nhiều hơn. Rất mong tình trạng này được chấm dứt.

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An