Kiểu đề như hiện nay nghe đâu là do mấy cán bộ của cục và Viện khoa học giáo dục vận dụng tư tưởng giáo dục của Bruner mà ra đó. Bruner là nhà giáo dục lớn, có lẽ mấy nhà giáo học pháp của ta không hiểu ông, nên vận dụng sai. Tôi thấy mô hình kiểu đề rất vớ vẩn.

 

VỀ ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN

TRẦN ĐÌNH SỬ

 

Vào đầu những năm 2000, khi được giao soạn chương trình môn ngữ văn THPT, tôi đã đề xuất đề thi không được dùng lại văn bản đã học trong SGK, mà dùng văn bản khác, có độ khó tương đương, để tránh việc đọc chép, học thuộc và làm bài thiếu suy nghĩ sáng tạo. Tuy nhiên, vào mùa thi đầu tiên của chương trình ấy, đề thi vẫn như cũ. Tôi đã phản ánh tình hình này nhiều lần cho ông thứ trưởng Bộ giáo dục hồi ấy, vì như vậy là vô hiệu hóa chương trình mới, nhưng rồi ông lơ mơ và bỏ qua.

Tôi nghĩ đó là do áp lực của cách dạy cũ, cán bộ cục khảo thí có lẽ sợ thay đề mới học sinh không làm được. Cũng có thể áp lực các lò luyện thi lúc ấy ghê lắm, ảnh hưởng đến cục. Nghe đâu cục khảo thí thường nhờ các thầy nổi danh trong các lò ra đề, cho nên đề phải theo lối cũ. Bởi nếu dạy theo lối mới thì họ không thể luyện được.

Kiểu đề như hiện nay nghe đâu là do mấy cán bộ của cục và Viện khoa học giáo dục vận dụng tư tưởng giáo dục của Bruner mà ra đó. Bruner là nhà giáo dục lớn, có lẽ mấy nhà giáo học pháp của ta không hiểu ông, nên vận dụng sai. Tôi thấy mô hình kiểu đề rất vớ vẩn.

Hồi ấy tôi đã giới thiệu các đề thi đọc hiểu của Trung Quốc cho mọi người, nhưng các vị giáo học pháp không mấy ai lắng nghe. Nay, sau 20 năm, xin dịch một đề để mọi người hình dung đề xuất của tôi.

Đề bài thi đại học ĐỌC HIỂU của Trung Quốc (Đề thi ở Bắc Kinh, Nội Mông, An Huy năm 2001)

Đọc bài văn dưới đây, hoàn thành các đề từ 1 đến 4.

ĐẤT VÀNG

Trâu Chí An

Bố tôi là một người nông dân rất bình thường, lao động một đời, lặng lẽ chết đi, như một nấm đất vàng. Đất vàng nuôi trồng hoa màu, nhưng phần lớn không mấy ai chú ý. Đại đa số nống dân Trung Quốc thế hệ trước đều như thế.

Ông chết vì bệnh tim phổi. Đó là một trong những căn bệnh uy hiếp nghiêm trọng sức khỏe của người lao động. Nông dân Trung Quốc lúc bình thường chẳng mấy khi đi bệnh viện khám bệnh, cho dù bệnh đã làm cho khật khừ rồi, vẫn còn đang lưỡng lự. Bố tôi năm Dân quốc thứ 18 phải đi chở lương thực trên núi Nam Sơn, chân lội băng tan, khi về bong tróc hết mười móng chân, từ đó ngấm ngầm sinh bệnh. Từ đó nửa đời sau ông cứ ho miết, nhưng chẳng bao giờ uống thuốc. Chỉ đến khi trước khi mất mấy tháng, do tôi nài ép quá, ông mới chịu đi khám bệnh, làm điện tâm đồ, lần khám duy nhất trong đời. Bác sĩ bảo: Máy móc vận hành cả đời, nay trục chính đã hỏng, do không chịu chạy chữa, bảo dưỡng mà nên. Tạm thời uống một liều thuốc hơi đắt , gọi là An tâm mạch. Bố hỏi: Bao nhiêu tiền một lọ? Nghe nói hơn ba nghìn tệ, ông lặng im hồi lâu không trả lời. Cuối cùng bố bảo: “Tôi không uống, tôi không sao đâu”. Khi tôi vắng mặt, bố tôi lặng lẽ không uống thuốc. Ông tính: Giá một lọ thuốc gần giá 20 cân muối, thế là mấy đứa con dâu phải lao động biết bao ngày.

Bố bình thường cũng chỉ biết lao động. Lao động nặng nhọc khiên lưng ông gập xuống. Không biết mình đã sáng tạo ra bao nhiêu của cải, tự mình cũng không nở tiêu một đồng tiền. Có lần tôi đưa cho bố hai đồng lẻ để bố mua quà ăn văt, nửa năm sau hỏi lại, ông vẫn để trong túi. Trong cơn bệnh nặng, bố nói mê, vẫn bảo: “Đã cho lợn ăn chưa đó?” “Cất cuốc vào nhà chưa?”, “Lúa mạch chín rồi, mau gặt đi.” Khi sắp mất, ông lặng lẻ rơi lệ, lưu luyến thế giới này, cái thế giới đã thấm đẫm mồ hôi của đời ông mà vẫn chưa giàu có lên được.

Bố tôi xưa nay chẳng biết gì đúng sai, quan tâm mà không biết gì chuyện quốc gia đại sự, có thể nói về tinh thần là nghèo nàn. Kẻ giàu có thì được cho thêm, kẻ nghèo khó thì bị tước đoạt, vậy bố tôi đã bị tước đoạt. Ngày trước do nghèo khó mà không có dịp được học văn hóa, sau này tuy được giáo dục chính trị nhiều lần mà cũng chẳng hiểu gì cả. Nhưng bố tôi không tiếc nuối gì, vì ông có lao động, nó đã bù đắp cho ông bao nhiêu thiếu thốn. Kẻ khéo thì lao lực, kẻ trí thì lao tâm, kẻ bất tài thì chẳng có gì mà mong cả. Nhưng bố vẫn có điều mong: mong thế sự không loạn, có ngày tháng bình yên.

Bây giờ bố mất rồi. Một đời lao động với đất vàng, cuối cùng lại trở về với đất vàng. Đất vàng biết bao khoan dung, bất kể thiện ác, cuối cùng đều ôm hết mọi người.

Lúc ấy tôi quỳ xuống bùn đất để tiễn bước bố tôi. Tôi từng nghĩ rằng: Bố sống 77 tuổi, đã không dễ dàng, mà xung quanh đây người sỗng bảy tám mươi thật quá ít. Không phải là các cụ không muốn sống lâu, cũng không phải các con cháu không hiếu thuận, mà chỉ vì mức sông quá ư thấp kém. Vậy hãy phát triển sản xuất thật mau, cải thiện đời sông của nhân dân, đó là phương cách có thể để ông cha sông lâu thêm với con cháu. Khóc cũng vô ích, Buồn cũng chẳng giúp gì. Người chết đã mất rồi, người sống phải cố gắng.

Tướng quân hay lãnh đạo có chết, sẽ có vô số bài điếu văn, bởi họ đã có nhiều công lao. Một người lao động bình thường như bố tôi chết đi, chúng tôi rắc lên một nắm đất vàng, và mong mọi người có lòng dung nạp.

1. Bài văn này có nhan đề “Đất vàng”, hãy phân tích ý nghĩa biểu tượng của hai chữ đất vàng.

2. Phân tích hình tượng "bố tôi" trong bài văn.

3. Dùng một hai câu khái quát tình trạng của nông dân Trung Quốc đương thời.

4. Các nhận định về bài văn này dưới đây có hai ý không đúng. Hãy chỉ ra ý đó :

a. Hình ảnh ví von của bác sĩ đã chỉ ra tình trạng lao động thành bệnh, bệnh không thể chữa được.

b. Bố dừng uống thuốc, chủ yếu là do tiếc tiền, đồng thời cũng cho thấy lúc đó thiếu điều kiện thuốc thang.

c. Bố quan tâm mà chẳng hiểu gì về chuyện quốc gia đại sự, vừa phản ánh tinh thần yêu nước, vừa biểu hiện trạng thái u tối ngu muội của người dân.

d. Mở đầu viết bố tôi…"như một một nấm đất vàng", rồi đoạn kết lại viết: "Tôi rắc nắm đất vàng", trước sau hô ứng, làm gia tăng ý nghĩa của “đất vàng”.

e. Lời văn chất phác, bình dị, lại khéo sử dụng chi tiết, đã khắc họa sinh động chân dung người bố.

f. Hình ảnh người bố rất bình dị, mà gây xúc cảm sâu sắc.

 

 

Nguồn: Facebook Trần Đình Sử