Ban giám đốc của NXB Trẻ đều là cán bộ Đoàn chuyển qua từ anh Trương Văn Khuê đến Nguyễn Thành Long, Đặng Thục Trinh…chưa ai là nhà văn, chưa ai qua một ngày làm xuất bản. Họ đều là những người xuất thân từ phong trào sinh viên học sinh đô thị, có đầu óc cởi mở và tiếp thu di sản tốt đẹp của ngành xuất bản sách Sài Gòn trước 1975 (một thành phố có khoảng ba triệu dân mà có tới 150 NXB lớn nhỏ, chỉ trừ NXB Trung Tâm Học Liệu là của Bộ giáo dục, kỳ dư đều là xuất bản tư nhân. Trong số 150 NXB tư nhân thì có rất nhiều NXB là do các nhà văn đứng thành lập như NXB Thanh Tân – sau nầy là Nguyễn Hiến Lê đứng tên chính chủ; NXB Sáng Tạo của Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Đông Phương của Nguyễn Thị Hoàng, Đại Nam Văn Hiến của Thế Phong, Lá Bối của Nhất Hạnh, Ca Dao của Hoài Khanh, Bến Nghé của Bình Nguyên Lộc, Phù Sa của Ngọc Linh…). Trong khi đó, thành phố mới vừa thay đổi thì chỉ le hoa vài NXB với nhiệm vụ chính trị là xuất bản phục vụ cho dòng thác cách mạng thứ ba, nhưng sách lại lèo tèo như con suối nhỏ cuối nguồn. Khi mới thành lập, NXB Trẻ cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. 



CHUYỆN MỘT NHÀ XUẤT BẢN

LÊ VĂN NGHĨA

Thời những năm 80 của thế kỷ trước, nói đến bao cấp, người dân chỉ nghĩ đến việc phân phối thực phẩm. Mỗi tháng, một nhân khẩu được lãnh bao nhiêu gạo, đường , thịt, vải…Điều đó cũng không sai vì ‘có thực mới vực được đạo’, ăn no bụng cái đã rồi mới tính đến chuyện nghệ thuật. Ngay cả, chuyện mua sách cũng bị…bao cấp, vì người mua chỉ mua được các tựa sách do các nhà xuất bản tung ra. Mua được sách là may rồi vì số lượng sách hay cũng in có giới hạn. Sách in bao cấp như vậy, nên ngay cả người viết cũng bị bao cấp trong sự xếp hàng chờ lượt…
Cái thời ấy, tại TP HCM xuất hiện một nhà xuất bản trẻ mang tên Trẻ - thoát thai từ NXB Măng Non (trực thuộcThành Đoàn TPHCM). Đây là một NXB sanh sau đẻ muộn so với các anh “cả đỏ” đã có mặt tại thành phố như NXB TP HCM, NXB Văn Nghệ TPHCM và chi nhánh các NXB “đại ca” như Văn Học, Phụ Nữ…với những nhà văn tên tuổi làm giám đốc. Các NXB nầy đang thống trị thị trường xuất bản sách theo kế hoạch, theo số lượng giấy in được cấp, vì thế là một cánh cửa khó mở cho những cây bút còn vô danh.
Ban giám đốc của NXB Trẻ đều là cán bộ Đoàn chuyển qua từ anh Trương Văn Khuê đến Nguyễn Thành Long, Đặng Thục Trinh…chưa ai là nhà văn, chưa ai qua một ngày làm xuất bản. Họ đều là những người xuất thân từ phong trào sinh viên học sinh đô thị, có đầu óc cởi mở và tiếp thu di sản tốt đẹp của ngành xuất bản sách Sài Gòn trước 1975 (một thành phố có khoảng ba triệu dân mà có tới 150 NXB lớn nhỏ, chỉ trừ NXB Trung Tâm Học Liệu là của Bộ giáo dục, kỳ dư đều là xuất bản tư nhân. Trong số 150 NXB tư nhân thì có rất nhiều NXB là do các nhà văn đứng thành lập như NXB Thanh Tân – sau nầy là Nguyễn Hiến Lê đứng tên chính chủ; NXB Sáng Tạo của Doãn Quốc Sỹ, Hoàng Đông Phương của Nguyễn Thị Hoàng, Đại Nam Văn Hiến của Thế Phong, Lá Bối của Nhất Hạnh, Ca Dao của Hoài Khanh, Bến Nghé của Bình Nguyên Lộc, Phù Sa của Ngọc Linh…). Trong khi đó, thành phố mới vừa thay đổi thì chỉ le hoa vài NXB với nhiệm vụ chính trị là xuất bản phục vụ cho dòng thác cách mạng thứ ba, nhưng sách lại lèo tèo như con suối nhỏ cuối nguồn.
Khi mới thành lập, NXB Trẻ cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Những người sáng lập NXB trẻ đột phá khi dám xem xuất bản sách là một nghề. Biết cùng “xã hội hóa” với các tác giả và các đơn vị tư nhân theo mô hình các NXB ngày xưa. Lúc đó, các NXB khác đều tự mang trong mình “đầu óc bao cấp”, một năm in bao nhiêu tựa sách, được cấp bao nhiêu giấy thì làm bấy nhiêu. Các nhà văn già trẻ, nổi tiếng hay chập chững bước vào làng văn đều phải sắp hàng chờ đợi. Muốn được in một quyển sách, các nhà văn phải chờ đợi và phải biết “chạy”. “Chạy” từ biên tập viên đến giám đốc và kể cả cần sự quen biết.
Riêng NXB Trẻ lúc ấy đã dám đột phá đưa ra chủ trương ngoài những quyển sách in theo kế hoạch A làm nhiệm vụ chính trị, thì cũng tổ chức sách in kế hoạch B: Liên kết với tư nhân. NXB duyệt, chịu trách nhiệm về mặt nội dung, xin giấy phép xuất bản và thu quản lý phí. Tư nhân tự in sách và phát hành. Từ thời “bung ra” cho đến nay, trong lãnh vực xuất bản thì tư nhân có hai loại: Thứ nhất, đơn vị tư nhân tự tìm tác phẩm từ các tác giả rồi đến NXB mua giấy phép. Thứ hai, chính tác giả hoặc một nhóm tác giả nào đó tự tổ chức của mình, mang tác phẩm đến NXB duyệt và cấp giấy phép (những quyển thơ của cá nhân hoặc các nhóm thơ nào đó thường ra đời từ đây) . NXB sau khi duyệt, đọc bản thảo và cảm thấy không đi ngược lại đường lối chủ trương của Nhà nước, sẽ cấp giấy phép. Hay, dở thì tác giả tự chịu trách nhiệm. Từ chủ trương đột phá nầy, NXB trẻ đã cho ra nhiều đầu sách và thu về lợi nhuận, nâng cao đời sống cho cán bộ- công nhân viên, tạo ra cú huých cho thị trường, từ đó bắt đầu có sách liên kết, đóng góp cho văn đàn nhiều gương mặt mới.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Phan- biên tập viên từ thời kỳ đầu của NXB Trẻ cho rằng “sáng kiến kế hoạch B như còn tàu phá băng, làm cho hoạt động cuất bản chuyển động và khởi sắc, dần dần được chấp nhận và phổ biến trên diện rộng khắp cả nước. Nhờ đó số lượng tác giả và tác phẩm, số lượng bản in tăng lên hàng chục lần”. Không chỉ ngồi chờ giấy, NXB Trẻ đi tìm giấy bằng cách khai thác lồ ô về giao cho các nhà máy giấy Tân Mai, Thủ Đức để đổi giấy công nghiệp. Xuống miền Tây mua gạo rồi giao cho nhà máy sản xuất nhựa thông (Lâm Đồng) đổi lấy sản phẩm nầy về giao cho nhà máy giấy để đổi lấy giấy in. Rồi cũng tự đi phát hành, bán sách tồn kho và xuất “tướng” đi đòi nợ. Đại khái như ngày xưa là bị phê phán “mua bán lòng vòng”. Nhưng với đầu óc nhạy bén, những người trẻ tuổi của thành phố Sài Gòn năng động nầy làm tất, miễn là ra được nhiều đầu sách tốt cho bạn đọc đang thiếu thốn món ăn tinh thần.
Tuy nhiên, không chạy theo kế hoạch B để chỉ có lợi nhuận và lợi nhuận, NXB Trẻ rất quan tâm chăm chút đến kế hoạch A- nhiệm vụ chính trị của mình. NXB Trẻ đã in những đầu sách có giá trị, của những tên tuổi lớn. Ngoài ra, NXB Trẻ cũng tìm kiếm và xây dựng những tên tuổi mới cho nền văn học nước nhà qua các cuộc thi Văn học Tuổi 20, thực hiện tập san Áo Trắng –dù có lỗ nhưng vẫn thực hiện. Từ những hoạt động nầy đã phát hiện được những cây bút trẻ , rồi trở thành… già có mặt trên văn đàn, từ nam tới bắc như Nguyễn Đông Thức , Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần… Đến nay những tên tuổi như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Huy Thiệp, Lý Lan, Hồ Anh Thái…đều có sách xuất bản ở NXB Trẻ.
Từ một NXB nhỏ, không tên tuổi của một tổ chức thanh niên của một thành phố, bây giờ NXB Trẻ là nơi mà nhiều tác giả trong cả nước chọn mặt để gửi vàng. NXB Trẻ không còn hạn hẹp, đóng khung trong thành phố mà trở thành một NXB bằng vai phải lứa (nói khiêm tốn) với những nhà xuất bản Trung ương và địa phương về nhiều mặt. Có thể nói các tác giả tên tuổi hiện nay đều có đầu sách tại NXB Trẻ. Hàng năm, NXB Trẻ có một danh sách dài các sách đã in trong năm. Và các tác giả cũng tìm đến NXB Trẻ như là một NXB uy tín và an toàn về mặt biên tập, sự đối xử cũng như chân thật (không in lậu, nối bản mà không cho tác giả biết).
Tất nhiên, ở khâu nào đó vẫn còn phải cải tiến để trở thành một NXB tồn tại trong thời đại điện tử, nhưng với tinh thần cầu tiến, cung cách làm ăn mang tinh thần của một thành phố năng động, những người trẻ dám mở lòng tiếp thu vốn cũ của vùng đất Sài Gòn ngày xưa, NXB Trẻ vẫn sẽ là nơi cung cấp những đầu sách đủ thể loại hay, đẹp, rẻ khi bạn đọc nghĩ đến việc mua một quyển sách cho mình hay người thân.