Nhà văn Khôi Vũ- Nguyễn Thái Hải vừa ra mắt cuốn sách Theo Dòng Chảy Đồng Nai. Tất nhiên, nội dung không liên quan đến... dự án lấp sông Đồng Nai gây nhức nhối dư luận. Theo Dòng Chảy Đồng Nai gồm những câu chuyện vừa riêng tư vừa khái quát của một người cầm bút gắn bó cả đời với mảnh đất Trấn Biên trung tâm miền Đông Nam bộ. Cuốn sách có giá trị tư liệu với những ai muốn tìm hiểu về đất và người Đồng Nai, nhưng đồng thời cũng hé mở những ngày Khôi Vũ – Nguyễn Thái Hải đã sống tận tụy với chữ nghĩa. Xin trích giới thiệu một đoạn kể lại thuở làm tờ báo học trò Dưới Mái Trường, để hiểu Khôi Vũ – Nguyễn Thái Hải yêu lứa tuổi áo trắng như thế nào, đồng thời cũng để biết thêm rằng ông không chỉ đến với thiếu nhi bằng những tác phẩm như “Cha con ông Mắt Mèo” hay “Bên bóng Thái Sơn”


MỘT TỜ BÁO ĐẶC BIỆT

KHÔI VŨ

Năm 1998, tôi có viết một bài trên báo Đồng Nai với nội dung là một câu hỏi và một câu trả lời: Đồng Nai có thể có một tờ báo cho thiếu nhi không? Hoàn toàn có thể! Ấy là tôi đặt ra vấn đề thế thôi. Không ngờ sau khi báo đăng, tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi đều ủng hộ và đề nghị chính tôi hãy đứng ra làm một tờ báo cho thiếu nhi Đồng Nai. Một số người có uy tín trong làng văn, làng báo Đồng Nai như nhà văn Hoàng Văn Bổn (Giám đốc Nhà xuất bản Đồng Nai kiêm Tổng biên tập tạp chí Sông Phố), họa sĩ Nguyễn Nam Ngữ (Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin)... cũng động viên tôi “nhận trách nhiệm”.
Giữa tháng 3/1998, tờ “Dưới Mái Trường” số 1 ra đời. Trước đó, tôi đã đặt in vài trăm tờ quảng cáo và cho người đem đến xin phép dán quảng cáo ở các trường học, chủ yếu là ở Biên Hòa. TS Huỳnh Văn Tới bấy giờ là Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin đã đặt mua một số lượng lớn để giúp giới thiệu đến các địa bàn dân cư. Một buổi ra mắt được tổ chức tại sân khâu nhỏ ngoài trời của khu du lịch Bửu Long với sự ủng hộ của ban giám đốc nơi đây: miễn phí toàn bộ từ vé vào cửa, âm thanh, lễ tân... Buổi ra mắt có ca hát, có phát biểu, lại có cả phỏng vấn truyền hình... Số đầu tiên của Dưới Mái Trường được in 5.000 bản và bán hết! Thời gian này tôi đang làm báo Lao Động Đồng Nai nên có thuận lợi quen biết một số đơn vị trong tỉnh, nhờ họ giúp phát hành. Tôi cũng đặt màng lưới phát hành riêng của mình: tại Long Khánh, tôi nhờ các bạn văn như anh Bùi Công Thuấn, bấy giờ còn là hiệu trưởng trường dân lập Văn Hiến, anh Nguyễn Một, là tổng phụ trách một trường THCS, anh Phạm Văn Hoàng là giám đốc Trung tâm văn hóa... (Nguyễn Một, Bùi Công Thuấn hiện nay là hội viên Hội Nhà văn VN); tại Long Thành thì anh Ngọc Thùy Giang nhận làm đại diện, đi xe đạp đem “báo” đến tận các trường để bán! Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thể lý giải hết nhẽ cho câu hỏi vì sao một cựu giáo chức gầy gò, ốm yếu như anh Ngọc Thùy Giang lại có thể đạp xe đạp đi gần khắp các xã của hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch có địa bàn khá rộng để giới thiệu và bán Dưới Mái Trường?
Thời kỳ đầu làm Dưới Mái Trường có quá nhiều gian nan. Về thủ tuc thì đây là một ấn bản phụ của báo văn nghệ Sông Phố, do Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai đứng tên xin phép. Thực hiện từ biên tập, trình bày, làm chế bản tới đưa in ở TP Hồ Chí Minh, rồi thuê xe nhận về... chỉ một mình tôi đảm đương! Đó là chưa kể chuyện tài chính, tôi phải bỏ tiền gia đình ra in, mấy tháng đầu thu tiền bán “báo” chỗ trả chỗ nợ, tôi phải đứng tên (và nhờ người quen đứng tên) xin vay tín chấp tại Ngân hàng Agribank. In 5.000 rồi lên 7.000 bản/mỗi tháng một số, phát hành hết và nhận lại số trước bị “ế” khoảng dưới 500 bản, tính ra số nào cũng bị lỗ! Sau này sơ kết thì trong 3 năm 1998 - 2000, tôi đã “tiêu” trọn ba chục triệu tiền dành dụm của gia đình dự kiến sửa chữa nhà!
Làm Dưới Mái Trường, tôi được gì? Một số anh em làng văn Đồng Nai cho rằng tôi làm để “lấy tiếng”, có người đoán chắc phải có lãi thì mới làm lâu dài (3 năm) như thế! Tôi bảo mình phải thật vững vàng ý chí trong công việc đã tự xác định là khó khăn này. Bên cạnh tôi vẫn có những người bạn hết lòng giúp đỡ. Chăm lo cho nội dung, TS Huỳnh Văn Tới viết bài và ủy quyền cho tôi lấy nhuận bút tặng học bổng cho học sinh; chị Xí Muội - là bút danh của tác giả Hoàng Ngọc Điệp bấy giờ là cán bộ ngành văn hóa - đứng mục ”Chị Xí Muội trả lời” được các em đón đọc hàng tháng... Các thầy cô giáo ở Biên Hòa, Long Thành, Long Khánh là ba địa phương có số lượng phát hành Dưới Mái Trường cao nhất. Sau này các anh chị ở các Đoàn ngành giáo dục huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Thống Nhất... cũng giúp đỡ tích cực. Nhưng niềm vui lớn nhất của tôi là qua việc làm Dưới Mái Trường, tôi phát hiện được một lực lượng viết trong các trường học Đồng Nai. Một số em có năng khiếu được tôi chú ý và chọn đăng sáng tác liên tục (Dưới Mái Trường trả nhuận bút sòng phẳng). Một học sinh lớp chuyên văn của trường chuyên Lương Thế Vinh là em Nguyễn Thị Thanh Hải được tôi giao hẳn cho phụ trách mấy trang “Tuổi Trăng Tròn”. Sau này em học báo chí tại trường đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, ra trường về làm ở Đài PTTH Đồng Nai một thời gian rồi chuyển ra Hà Nội. Nhiều học sinh trở thành tác giả quen thuộc: Ngô Đình Vân Nhi, Kim Ngân, Tạ Thanh Lan, Đinh Nga, Đinh Kim Toản... Mỗi năm đến dịp 15/3 Dưới Mái Trường đều tổ chức họp mặt vui vẻ và đầm ấm, có năm còn rủ nhau đi chơi xa.
Thật lòng đến năm 2000, tôi không hình dung nổi tờ “báo” mình làm cho học sinh trong tỉnh sẽ tồn tại được bao lâu trong tình trạng liên tục bị lỗ! May sao năm 2001 tôi về làm tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai, sau 1 năm nữa tiếp tục lỗ, tôi thuyết phục được Sở Giáo dục Đào tạo đứng tên xin phép ra “Tập san Dưới Mái Trường” với sự phối hợp về chuyên môn của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mà tôi là người được Hội cử đại diện tham gia. Đó cũng chỉ là thủ tục vì tất cả vẫn do một mình tôi đảm trách. Hơn một chút, đã có đôi phần bài bản.
Năm 2002, Sở Giáo dục Đào tạo Đồng Nai cấp cho Dưới Mái Trường một phòng trong khuôn viên cơ sở Trung tâm Tin học & Ngoại ngữ để làm tòa soạn. Tôi tuyển hai phóng viên vốn là tác giả của Dưới Mái Trường đã học xong đại học, một nhân viên văn phòng kiêm phát hành. Khác với hồi chỉ có danh nghĩa Hội Văn học Nghệ thuật, các bài đăng phải ưu tiên cho sáng tác văn thơ; nay là một “tập san” của Sở Giáo dục Đào tạo, Dưới Mái Trường được dành một số trang giới thiệu các trường lớp, các em học sinh có thành tích trong học tập, hoạt động đoàn thể, xã hội... Chính nội dung này đã giúp số lượng phát hành tăng lên đến 15.000 bản/tháng từ năm 2003. Ngoài ra, những trang tự giới thiệu của các trường trong tỉnh được in màu do những nơi này chi phí đồng thời đặt mua thêm một số lượng lớn, đã giúp “báo” hòa vốn rồi dần tiến đến có tích lũy. Từ những năm 2005 trở đi, tôi bắt đầu chuyển hầu hết tài chính tích lũy được vào việc trao tặng học bổng cho các em học sinh nghèo trong tỉnh, chỉ giữ lại một phần nhỏ để tái đầu tư và khen thưởng nhân viên. Không thể không kể đến sự nhiệt tình của thầy Đỗ Hữu Tài, phó giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo, người được giao phụ trách quản lý Dưới Mái Trường. Sau TS Huỳnh Văn Tới tặng toàn bộ tiền giải thưởng Trịnh Hoài Đức lần thứ nhất là 10 triệu đồng của ông cho Dưới Mái Trường, thầy Tài là người thứ nhì cũng tặng “báo” 10 triệu để bù lỗ hai năm 2001, 2002.
Có lẽ ít ai biết tập san Dưới Mái Trường từ năm 2003 trở đi có đại diện riêng (nhận lương) ở huyện Long Thành (Anh Ngọc Thùy Giang), huyện Nhơn Trạch (Anh Dương Đức Khánh) và Long Khánh (Anh Nguyên Đức) cùng đại diện (nhận phát hành phí) ở các huyện Xuân Lộc, Tân Phú cùng đại diện nhiều trường nhận phát hành trực tiếp. Ở Xuân Lộc, cô Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện đã gửi công văn đến các trường đề nghị vận động các em học sinh mua và viết bài cho Dưới Mái Trường, đồng thời giao cho Bí thư Đoàn ngành phụ trách việc phát hành trong huyện. Cô giáo Ngọc Lan rất năng nổ, nhiều tháng khi tôi giao số mới mà chưa thu kịp tiền số trước, cô đã ứng tiền để giao đủ. Cô bất ngờ bị tai nạn giao thông qua đời. Khi tôi lên Xuân Lộc viếng mộ cô, trở lại thăm căn phòng riêng của cô, thấy trên bàn làm việc còn bày mấy tờ Dưới Mái Trường các số mới nhất, nước mắt tôi không thể cầm giữ. Thay cô Ngọc Lan là thầy Tống Trần Hòa cũng rất nhiệt tình với Dưới Mái Trường. Ở huyện Tân Phú, thầy Đạt là đại diện, có lần đã đem tiền báo lên tận Biên Hòa để giao... Việc phát hành còn cả chuyện này mà ít người được biết, là mỗi tháng tòa soạn phải thuê một chiếc xe lên TP Hồ Chí Minh nhận báo rồi tiếp tục đi ba ngày về ba hướng trong tỉnh để giao “báo” tháng này, nhận tiền tháng trước!
Để tồn tại lâu dài, Dưới Mái Trường tiến hành các thủ tục xin giấy phép ra báo của Bộ Văn hóa Thông tin. Sở  Giáo Dục Đào tạo đứng đơn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có công văn ủng hộ, Sở Văn Hóa Thông tin làm văn bản chấp thuận và chuyển lên Bộ. Thật tiếc là sau hai lần làm hồ sơ, Cục báo chí của Bộ Văn hóa Thông tin đã có công văn trả lời: ủng hộ và sẽ cấp phép vào thời gian phù hợp! Ai đã từng làm thủ tục xin phép gì đó thì đều hiểu đây là một cách nói khác đi của sự từ chối!
Tháng 8 năm 2008, sau đúng 10 năm hoạt động ở Đồng Nai, tập san Dưới Mái Trường đình bản! Rất nhiều người hỏi tôi tại sao? Tôi chỉ biết nói lời xin lỗi...