Bố Kha không gần gũi với tôi thực sự như một người cha mà dường như ông đối với tôi như một cậu bạn nhỏ thì đúng hơn. Ông không góp ý gì cho những bài thơ, những ca khúc non nớt mà tôi viết từ thuở lên mười ấy. Ông thích cho tôi theo ông vào các cuộc vui của ông với bè bạn hơn là ngồi nói cho tôi hiểu “thơ là gì và nhạc là như thế nào”. Sau này, tôi hiểu, ông suy nghĩ khác với ba tôi ở điểm đó. Trong khi ba muốn uốn nắn tôi nhiều thì ông lại muốn tôi cứ chảy tự nhiên như một dòng suối nhỏ. Đến khi nào gặp được thiên duyên, tôi sẽ là dòng sông của riêng mình. Ấn tượng lớn nhất của tôi về bố Kha ngày ấy chỉ là đôi mắt, với cái đuôi mắt dài nheo nheo lại vì khói thuốc, cái đuôi mắt trên gương mặt ửng hồng vì men trong những cuộc vui với bạn bè. Tôi cảm giác, đó là đuôi mắt trong đáy ly rượu, ướt ướt, cay cay, sóng, sánh.



ĐÔI - MẮT – ĐÁY-  LY VÀ NHỮNG MÙA ĐÔNG – THÁNG CHẠP

HÀ QUANG MINH

Bây giờ đang là tháng Chạp, một tháng Chạp đẹp lạ kỳ. Người ta nói, mười mấy năm rồi, chưa năm nào tháng Chạp Sài Gòn lại lạnh se đến thế. Tôi ngồi dưới dải nắng mượt trườn qua ô cửa sổ Ciao, bóng đổ trên nền gạch bông cũ kỹ, và lặng nhìn ra ngoài đường Nguyễn Thiệp, trông theo những manh áo lạnh người Sài Gòn nhẹ khoác lên mình với niềm hân hoan như đón cố nhân bao năm rồi không được tao ngộ.
Một chiều mùa Đông như mọi chiều muộn mùa Đông khác, không gian màu xám, ánh đèn mờ mờ, ba bước chân về, ngồi đối diện tôi và hỏi: "Có một người muốn nhận con làm con nuôi, con có đồng ý không?". Tôi đã đồng ý một cách rất nhanh, như thể đó là cái duyên mà ông trời đã đặt ra giữa cuộc sống của chính ta. Ba dắt tôi tới trước bàn thờ, thắp một nén nhang, và ba lầm rầm khấn như thể báo cáo với trời đất về một mối quan hệ mới mà tôi vừa có. Và ba dắt tôi đi gặp người đầu tiên tôi gọi bằng "bố": Bố Nguyễn Thụy Kha.
Bố Kha không gần gũi với tôi thực sự như một người cha mà dường như ông đối với tôi như một cậu bạn nhỏ thì đúng hơn. Ông không góp ý gì cho những bài thơ, những ca khúc non nớt mà tôi viết từ thuở lên mười ấy. Ông thích cho tôi theo ông vào các cuộc vui của ông với bè bạn hơn là ngồi nói cho tôi hiểu “thơ là gì và nhạc là như thế nào”. Sau này, tôi hiểu, ông suy nghĩ khác với ba tôi ở điểm đó. Trong khi ba muốn uốn nắn tôi nhiều thì ông lại muốn tôi cứ chảy tự nhiên như một dòng suối nhỏ. Đến khi nào gặp được thiên duyên, tôi sẽ là dòng sông của riêng mình. Ấn tượng lớn nhất của tôi về bố Kha ngày ấy chỉ là đôi mắt, với cái đuôi mắt dài nheo nheo lại vì khói thuốc, cái đuôi mắt trên gương mặt ửng hồng vì men trong những cuộc vui với bạn bè. Tôi cảm giác, đó là đuôi mắt trong đáy ly rượu, ướt ướt, cay cay, sóng, sánh.
Và khởi đi từ tháng Chạp năm lên Mười ấy, từ buổi đầu tiên ba dắt tôi lên căn gác ở 60 Hàng Bông để chào "mẹ Hiền'', bố Kha", buổi gặp gỡ mà “mẹ Hiền” còn hết hồn vì đầu tiên cứ tưởng tôi là “con rơi của ông Kha ở đâu đó được mang về trả cho ông Kha” như lời mẹ nói, tôi đã quen với căn gác của nhà bố Kha, nằm trên sân thượng của khu nhà, với những chiếu rượu của bố, với bạn bè, với ba tôi. Ở đó, tôi còn nhớ mãi tấm ảnh rất đẹp mà chú Nguyễn Đình Toán đã chụp cho tôi khi tôi đang nghiêng nghiêng đầu đọc một cuốn sách của bố. Cũng ở đó, tôi đã gặp rất, rất nhiều người khác nữa, những người sau này bước ra đời, tôi là đồng nghiệp của họ nhưng trong mắt họ, tôi vẫn là cậu bé Minh ngày nào. Và cũng ở đó, tiếng cười nói sang sảng của bố Kha đã hằn trong tâm trí tôi, tiếng cười của một người Hải Phòng hào sảng, kiêu bạc và mạnh mẽ đến mức bạo liệt.
Sau này lớn dần, tôi bắt đầu có những suy nghĩ riêng, những cuộc vui riêng, và tôi cũng không gặp bố nhiều như ngày còn nhỏ. Nhưng thi thoảng, thời còn là sinh viên, tôi vẫn hay rảo bộ từ nhà lên 51 Trần Hưng Đạo ngồi uống café rồi uống beer với bố những buổi trưa. Bố, lúc nào cũng quần kaki, áo chemise cotton kẻ ca rô, và lúc nào cũng là chủ xị những cuộc hội ngộ ở con hẻm nhỏ bên hông Đại sứ quán Pháp ấy. Lúc đó, tôi chỉ ngồi im lặng uống và nghe bố nói chuyện với các bác, các chú, thậm chí là cả các ông như ông Văn Cao, ông Hoàng Cầm…
Tôi thấy mình nhỏ bé còn bố thì lại khuyến khích tôi cứ nói ra điều tôi nghĩ. Bố cho tôi sự bình đẳng nhất định khi ngồi cùng với bạn bè bố. Đơn giản, bố không thích tôi rụt rè. Điểm này thì bố Kha giống ba tôi kinh khủng. Ba tôi cũng không muốn tôi rụt rè như thế. Ba tôi muốn tôi phải rõ ràng, không lấp lửng, không lằng nhằng. Và ba cũng như bố Kha, cho tôi được sự bình đẳng nhất định khi ngồi cùng ba và bạn bè ba, cho dù họ là tên tuổi nào đi nữa. Cũng bởi thế, đời tôi may mắn khi có nhiều, rất nhiều "bạn vong niên" là những người bạn của ba và bố Kha mình.
14 năm trước, tôi vào Sài Gòn sinh sống và tôi càng ít dịp được gặp lại bố Kha hơn. Nhưng tôi vẫn luôn giữ nguyên hình ảnh của bố ngày nào, dáng cao, mạnh mẽ, nhanh nhẹn rảo bộ trên những con đường Hà Nội bằng những bước đi rất dứt khoát. Trong tôi, bố Kha không còn là một "nhà thơ, nhạc sỹ, nhà báo, nhà khảo cứu" nữa mà chỉ đơn giản là một bố Kha như tôi đã thấy ngày đầu, bố Kha của đuôi-mắt-đáy-ly mà thôi.
Thơ hay nhạc của bố tôi không đọc, không nghe nhiều nhưng có 4 câu tôi luôn thích và nhớ nằm lòng là "Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/ Rơi cơn mưa ban trưa/ Chợt thấy mình tách làm hai nửa/ Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa". Lý do tôi không đọc hay nghe thơ của bố Kha nhiều bởi tôi cũng có con đường riêng của tôi, giọng nói riêng của tôi. Nhưng tôi vẫn dõi theo những gì bố làm, từ việc gom góp những tác phẩm của đàn anh, bạn bè để in lại thành một cuốn đàng hoàng cho tới chuyện say mê viết những tác phẩm mới cho hợp xướng. Chỉ cần biết bố còn lao động là tôi biết bố còn nguồn vui sống, thế là đã quá đủ rồi.
Bước chân ra đời, nghe nhiều, thấy nhiều, tôi cũng biết có nhiều người nhận xét về bố thế này thế kia. Trước những thị phi ấy, tôi chỉ cười thầm, mặc kệ. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến điều bố và ba muốn tôi ngày xưa. Đó là sống phải hào sảng, biết bỏ ngoài tai những gì không đáng bận tâm. Tôi hình dung đơn giản, nếu không phải là bố, sao người đời có thể hiểu bố muốn gì, đang làm gì và làm vì mục đích gì. Và kể cả bố có làm dự án nào chỉ vì mục đích kiếm tiền đi chăng nữa, điều đó cũng chẳng có gì là xấu cả.
Ai mà chẳng phải kiếm tiền trong cuộc sống bộn bề mưu sinh này. Có ai cao đạo chỉ sống với không khí và nước được đâu. Và phàm những người cao đạo thì không bao giờ buông lời thị phi về người khác cả. Thế nhưng đã có một lần, tôi quyết liệt với một thị phi như thế về bố. Và lần quyết liệt đó đã giúp tôi cũng có dịp nhận rõ ra hơn nhân diện của vài con người.
Năm 2010, bố có việc vào Sài Gòn, tôi và bố có ngồi uống beer với nhau, có cả các bạn của tôi. Đêm hôm sau đó, giữa một quán lề đường Võ Văn Tần, khi một show của Vietnam Idol vừa kết thúc và những anh em nhạc công, nhạc sỹ của Sài Gòn, Hà Nội cùng hội tụ nhau bên bàn beer khuya. Có người hỏi tôi: "Đêm qua làm gì?" và tôi nói "Em và mấy người nữa nhậu với bố nuôi em, ông Nguyễn Thụy Kha". Lập tức, một đàn anh trong bàn, người hiếm khi đi nhậu với chúng tôi, nhạc sỹ T. buông một câu "Mày con nuôi ông Kha à. Thế thì tao không chơi với mày nữa".
Tôi coi đó như lời đùa, và im lặng, không nói. Tôi đã giữ thái độ như mọi lần tôi đã làm khi gặp những thị phi khác về người thân của mình. Nhưng chỉ vài bữa sau, nhân bố Kha mới ra cuốn sách "1000 ca khúc Thăng Long", một sưu tập lại các ca khúc của các đồng nghiệp mà bố cặm cụi gom nhặt để ấn hành, T. đã để trên trang cá nhân của mình những lời dè bỉu cay nghiệt về bố. Và tôi thấy có cả Q., một người tôi khá thân, cũng phụ họa theo đó bằng những bình luận của mình.
Tôi qúy Q. và bởi thế tôi "nhắn" riêng với Q. rằng: "Bố Kha là bố em. Em muốn anh gỡ những lời nói ấy đi. Anh nghĩ về bố em thế nào là quyền của anh. Nhưng nếu anh muốn chơi với em, em muốn anh đừng nói ra trước mặt em. Một ngày là bố thì cả đời cũng là bố anh ạ. Em chỉ nhắc riêng anh thôi. Còn với thằng T., em loại nó ra khỏi mắt em rồi''.
Q. xin lỗi tôi và lặng lẽ gỡ bỏ tất cả. Còn tôi, thẳng tay xoá tên T. khỏi danh sách bạn bè của mình từ đó. Và nhiều lúc, nghĩ lại, tôi lại thấy tiếc. Giá như, ở bàn beer đêm đó, tôi đập thẳng vào T. bằng những lời nói quyết liệt của mình, có lẽ tôi sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn.
Sau lần ấy, tôi cảm thấy thương bố hơn. Dường như, ông đang trở nên cô đơn nhiều hơn trong cuộc đời này, nhất là kể từ khi mẹ Hiền yếu nhiều và em An đã lên xe hoa về bên nhà chồng.
Mấy hôm trước, thấy anh Lê Thiết Cương khoe tấm ảnh anh ngồi uống rượu với bố và chú Hạnh, tôi đã gọi ngay cho bố. Và vẫn như thường lệ, bắt máy lên là bố đã hỏi ngay: "Mày ra Hà Nội à? Ra đây uống rượu với bố ngay". Giọng nói hào sảng ấy làm tôi nhớ cái đuôi-mắt-đáy-ly nheo nheo lại của bố quá. Tự nhiên, tôi hình dung ra cái dáng xiêu xiêu của ông bước trên hè phố Đường Thành hồi tháng Sáu năm 2013, khi tôi mời bố tới dự buổi ra mắt cuốn sách của mình.
Đó là một buổi chiều Hà Nội đẹp, tôi ngồi với cả ba lẫn bố Kha mình, bên cạnh hai ông già ấy là đứa con gái nhỏ mới được hơn hai tháng của tôi. Buổi uống rượu ấy toàn những tiếng cười, khi bố và ba tôi như trẻ lại giữa đám bạn trẻ trung của tôi; khi bố dành những lời trân trọng thực sự cho những gì mà những người bạn trẻ ấy đã và đang làm hôm qua, hôm nay và ngày mai. Trong ánh mắt của ông ánh lên một niềm vui thật sự, khi ông nhìn thấy nhận định của mình ngày xưa đã đúng. Đó là lũ chúng tôi như những cái cây con, người lớn phải dành không gian cho những cây ấy vươn mình lên chứ đừng làm cổ thụ lấp hết ánh nắng của chúng.
Và khi ông thừa nhận những Sơn Thạch, Đỗ Bảo… đang là những cái cây vạm vỡ, tôi lại bỗng thấy ông của ngày xưa, những ngày tháng Chạp, trong cái lạnh của mùa đông, nơi gác nhỏ yên bình ở 60 Hàng Bông, bên bạn bè, bên chai rượu ngon và những món do mẹ Hiền tự tay nấu, ông nghiêng nghiêng đầu ngâm ngợi một câu gì đó, trong một vầng khói khẽ bay bay, cả một trời say đã hiện ra, từ từ, mờ ảo, trong đuôi-mắt-đáy-ly, sóng, sánh…