Với tiểu thuyết “Máu rắn”, tràn ngập một thế giới rắn đủ loại, vừa thuộc thực tại, vừa trong tâm thức, giấc mơ, thế giới ảo giác, hoang tưởng, tiềm thức, thuộc phả hệ Âu Cơ – mẫu gốc, đàn bà, người nữ, người mẹ, mẫu tính... Phả hệ này ngụ ý về phía kẻ bị trấn áp, nạn nhân, đồng thời cũng là một thế lực, tội nhân.


 VÀI GHI CHÉP NHỎ VỀ “MÁU RẮN”

(Tiểu thuyết “Máu rắn” của Đỗ Hoàng Diệu, 2024)

VĂN GIÁ

 

1.

Nhận được sách Đỗ Hoàng Diệu gửi tặng từ cuối năm ngoái, bụng bảo dạ sẽ đọc sớm. Mà đọc sớm thật. Nhưng do vừa bận vừa lười, vừa không dễ đọc, nên cứ năm thì mười họa mới cầm lên...

Đọc “Máu rắn”, tôi không dám đọc vào ban đêm. Tôi là kẻ nhát gan, hay bị ám ảnh, hay bị những cơn mơ kì dị. Trong các con vật, tôi sợ nhất rắn. Có không ít lần, tôi mơ thấy rắn đè ngang cổ, quẫy đạp kêu gào tuyệt vọng. Cuối cùng bừng tỉnh. Hóa ra là cái chăn khi đắp sơ ý để đè lên cổ... “Máu rắn” là một trường hợp kỳ dị, đọc đã đủ sợ. Tôi không dám mơ lại, mơ thêm...

 

2.

Ngay từ đầu với “Bóng đè”, Đỗ Hoàng Diệu đã lựa chọn một lối viết dụ ngôn. Sau này, với “Lưng rồng”, bây giờ là “Máu rắn”, chị vẫn đi tiếp lối viết này theo cách phức tạp hơn, bạo liệt hơn.

Ban đầu, tác giả nhắm vào tục thờ cúng tổ tiên trong gia đình (mà gia đình chính là sự thu lại, mở ra của làng/ nước). Sau đến là vật tổ (totem) rồng, sau nữa đến mẫu gốc (achétype). Tác giả đối thoại. Giải ảo. Giải thiêng. Giải phẫu căn tính cá nhân, cộng đồng...

Dụ ngôn là một thủ pháp trong văn học, là cách “viết lại” các tích truyện trong tôn giáo, trong huyền thoại linh thiêng của dân tộc, tộc người. Ở phương Tây, cách làm này không có gì lạ. Ở Việt Nam, những năm trước 1975, các mẫu gốc được trưng dụng trong các cái viết để thể hiện tư tưởng ý thức hệ. Sau 1975, nhất là sau 1986, các mẫu gốc được tái sử dụng để thể hiện tinh thần nhân bản đa dạng và tối thượng của con người, hoặc để phân tích căn tính người, căn tính cộng đồng. “Sự tích những ngày đẹp trời” của Hòa Vang, “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” của Y Ban là hướng thứ nhất. “Đất mồ côi” của Cổ Viên (Tạ Duy Anh), “Lưng rồng”, “Máu rắn” của Đỗ Hoàng Diệu thuộc hướng thứ hai.

 

3.

Để nghệ thuật hóa các dụ ngôn, mẫu gốc này, tác giả đã tiến hành giải trung tâm hóa theo cách: phi cốt truyện, giải thực và giải ảo, đan trộn, chồng chất mộng mị, ảo giác, bạo lực, tình dục, chết chóc, vụ án...

Với tiểu thuyết “Máu rắn”, tràn ngập một thế giới rắn đủ loại, vừa thuộc thực tại, vừa trong tâm thức, giấc mơ, thế giới ảo giác, hoang tưởng, tiềm thức, thuộc phả hệ Âu Cơ – mẫu gốc, đàn bà, người nữ, người mẹ, mẫu tính... Phả hệ này ngụ ý về phía kẻ bị trấn áp, nạn nhân, đồng thời cũng là một thế lực, tội nhân. Toàn bộ các nhân vật người nữ trong “Máu rắn” chính là các phân mảnh phức tạp, lắm khi khủng khiếp của/từ mẫu gốc này.

 

4.

Ở một cực khác, cực dương, đàn ông, tập trung vào nhân vật giáo sư triết học – ý hệ, một kẻ biểu trưng cho quyền lực, trấn áp, điều khiển, thiết lập và thao túng trật tự hiện hành. Dường như tác giả có hàm ý đối thoại với một thứ mang tên “chủ ngĩa duy dương vật” (phallocentrism) trên tinh thần nữ quyền chăng?

 

5.

Văn của Đỗ Hoàng Diệu ngay từ đầu đã sắc sảo, thanh xuân, đàn bà, cuốn hút. Giờ đây cái sắc sảo đã thêm phần sắc lạnh. Cái thanh xuân đàn bà đã có phần phôi pha, nhường chỗ cho sự điềm tĩnh phân tích. Một trần thuật lý tính, sắc lạnh chính là kết quả của tinh thần phân tích và tái trưng dụng dụ ngôn mà có được.

Đọc “Máu rắn”, vừa bị cuốn theo vừa bị mỏi trí. Mệt mà vẫn bị cuốn theo...

Đỗ Hoàng Diệu đã đứng riêng ra một lối đi, đặc sắc, lạ hoắc.

Tôi thấy mình chưa đủ khả năng để triển khai thành một bài phê bình hoàn chỉnh. Trên đây mới chỉ là mấy ghi chép nông cạn, với cái ý cảm ơn và chúc mừng nhà văn Đỗ Hoàng Diệu về tiểu thuyết mới này!