Người làm
báo rồi sẽ thua AI rất nhiều mặt, nhưng họ vẫn có một vũ khí tối thượng để tác
nghiệp, để tìm kiếm những điều quan trọng với cộng đồng, để tạo ra những thông
tin, những câu chuyện khiến xã hội phát triển. Họ cần nhìn mọi thứ với con mắt
của một kẻ yêu thương đồng loại.
Điều AI
không có
ĐỨC HOÀNG
Đã có quá
nhiều phân tích vai trò và năng lực của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực sản xuất
nội dung. Nhưng nghề báo có phải nghề sản xuất nội dung? Thoạt nhìn, mô hình hoạt
động của báo chí khá giống với các công ty sản xuất nội dung: họ xuất bản các nội
dung lên mạng (thường được mô tả chung chung là “hay”, “hấp dẫn”, “bổ ích”),
thu hút độc giả - qua đó được trả phí hoặc được thuê quảng cáo cho các nhãn
hàng.
Các mô
hình AI hiện đại đang khuấy đảo lĩnh vực sản xuất nội dung theo cách đó. Bài viết,
ảnh, video, chúng đang ngày một hoàn thiện khả năng làm ra những thứ “giống con
người”, nhưng ở một cấp độ sáng tạo không giới hạn. Ngay lúc này, một nhà báo
theo dõi mảng giao thông đã có thể giả lập được video tàu chạy đường sắt cao tốc
Bắc-Nam làm minh họa cho bài viết của mình với độ chân thực rất cao. Đi sâu hơn
vào đặc trưng của nghề báo, AI cũng đang không có đối thủ trong việc phân tích
dữ liệu có sẵn. Chúng đọc hàng trăm trang văn bản trong vài giây, tìm kiếm và
sàng lọc thông tin từ hàng trăm website trong vài phút. Ngay lúc này, một nhà
báo theo dõi kinh tế đã có thể phân tích được báo cáo tài chính 10 năm qua của
một tổng công ty nhà nước, mà thậm chí không cần trực tiếp đọc trang nào.
Nhưng nếu
thế, nghề báo còn lại gì trong một kỷ nguyên mà trí tuệ nhân tạo đang hướng tới
chinh phục mọi đỉnh cao về tư duy logic? Có lẽ, thứ đáng kể nhất mà trí não của
một con người đang sống có thể dùng để cạnh tranh với AI, chính là năng lực suy
nghĩ cảm tính.
Tôi luôn
tin rằng xã hội trả công cho một phóng viên là để tìm ra những điều chính họ
không nhận ra, dữ liệu chưa ghi nhận, và AI không biết tới. Đó phải là những điều
quan trọng với cuộc sống của cộng đồng, nhưng phải mang tính phát hiện. Bởi vì
trước khi có AI, chúng ta đã có mạng xã hội, nơi mà mọi tin tức đều được người
dùng chia sẻ ngang hàng, nhanh hơn nhà báo. Tin thì chậm hơn mạng xã hội, phân
tích dữ liệu (sẵn có) thì dở hơn AI, trình bày giờ cũng có thể (sắp) không hấp
dẫn bằng AI, phóng viên chỉ còn một nhiệm vụ cao nhất: phát hiện.
Đó là năm
2021, tôi vô tình đọc được một bản án về phá rừng tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn
La. Năm đó, chúng tôi đi tác nghiệp tại vùng đất này theo một chương trình
phòng chống phá rừng do tổ chức Thiên nhiên và Con người khởi xướng. Thái độ của
tôi, khi bắt đầu đào sâu vào các vụ phá rừng, dĩ nhiên là quyết liệt: bất chấp
diện tích rừng tại Việt Nam đang tăng, ý thức của người dân về bảo vệ rừng vẫn
chưa cao, khi mà khắp nơi trên mạng xã hội vẫn là các hội nhóm buôn bán gỗ quý,
ca ngợi đồ gỗ, coi lâm sản hiếm là một dạng đẳng cấp tiêu dùng. Tôi đã bắt đầu
chuyến tác nghiệp với tâm thế bước vào một trận đánh, tìm kẻ thù để lên án.
Bản án mà
tôi tìm thấy có bị cáo “Sùng A Ph”, sinh năm 1967. A Ph sống tại Mường Lát,
Thanh Hóa, nhưng đi sang Vân Hồ, Sơn La để phá rừng. Ở hiện trường, công an Vân
Hồ thu giữ được “03 con dao có lưỡi bằng kim loại dài 40cm, cán bằng gỗ; 01 con
dao lưỡi bằng kim loại dài 45cm, không có cán; 01 chiếc cưa lưỡi bằng kim loại
có tay kéo bằng gỗ dài 60cm”. Tổng diện tích rừng bị phá là 7.470 mét vuông, số
lượng gỗ bị chặt phá là gỗ nhóm V đến nhóm VIII, tổng thiệt hại về rừng là 85
triệu đồng.
Bị cáo
Sùng A Ph nhận 7 năm tù vì tội hủy hoại rừng.
Có điều gì
đó ở “kẻ thù” này khiến tôi chùn tay viết. Loại lâm tặc nào lại đi chặt rừng bằng
mấy con dao ngắn, một cái lưỡi cưa, thậm chí còn có cả dao không có cán? Lâm tặc
này hình như cũng không biết phân loại gỗ, nếu mục tiêu của hắn ta là lấy gỗ:
thang phân loại gỗ của Việt Nam chia mức độ quý và cần bảo vệ từ trên xuống dưới,
gỗ nhóm I là quý nhất, sau đó đến nhóm II, nhóm III, còn đám cây mà Sùng A Ph
đã chặt, gỗ từ nhóm V đến nhóm VIII - nhóm thấp nhất - thậm chí còn không đủ phẩm
cấp để sản xuất đồ nội thất. Đó là nhóm gỗ thường để dùng làm giấy.
Đi từ
Thanh Hóa sang Sơn La để phá một vạt rừng gỗ nhóm V đến nhóm VIII bằng dao rựa,
câu chuyện của người này là gì? Trong mấy ngày sau đó, tôi tìm cách liên hệ với
cán bộ thi hành án của Thanh Hóa, và được nghe về gia cảnh của Sùng A Ph. Bên
kia đầu dây, người cán bộ buồn rầu nói với tôi, về một gia đình nghèo đến mức
“anh chưa từng gặp bao giờ”. Việc của anh là đi đòi bồi thường 85 triệu đồng
cho nhà nước, mà cuối cùng anh lại cho thêm tiền gia đình bị cáo, rồi đi về.
Sùng A Ph
đã phải đi phá rừng, vì anh ta không có đất sản xuất, không có sinh kế. Đó là
hành vi của một người quẫn cùng trước hoàn cảnh, chứ không phải loại “lâm tặc”
tôi đi tìm để tuyên chiến.
Nếu nhìn
vào dữ liệu về phá rừng tại Vân Hồ, tôi không biết AI sẽ phân tích gì, đưa ra
những khuyến nghị chính sách nào. Nhưng tôi đã đi tìm hiểu về Sùng A Ph vì những
cảm thức của một con người, theo những suy đoán mơ hồ. Và ở đó, tôi tìm thấy một
câu chuyện mà tôi tin rằng quan trọng với cộng đồng: những người nghèo tới mức
không còn cách nào khác là phá rừng làm nương, vẫn đang tồn tại đâu đó trên đất
nước ta. Tuyên chiến với họ bằng những bản án 7 năm tù cũng là một giải pháp.
Nhưng nếu cộng đồng biết câu chuyện này, nghĩ sâu về nó, chúng ta có thể cùng
tư duy về những giải pháp khác, triệt để hơn. Đó là nhiệm vụ của một người viết
báo mà tôi tự giao cho mình.
Đến cuối,
AI không thể có lòng cảm thông. Trong khi xã hội loài người lại được xây dựng dựa
trên sự đồng cảm. Người làm báo rồi sẽ thua AI rất nhiều mặt, nhưng họ vẫn có một
vũ khí tối thượng để tác nghiệp, để tìm kiếm những điều quan trọng với cộng đồng,
để tạo ra những thông tin, những câu chuyện khiến xã hội phát triển. Họ cần
nhìn mọi thứ với con mắt của một kẻ yêu thương đồng loại.
Nguồn: An
Ninh Thế Giới cuối tháng