Tháng 9/2021, Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp tạp chí Văn Hiến dự kiến tổ chức Tọa đàm kỷ niệm 10 năm nhà thơ Đỗ Nam Cao từ giã nhân gian. Tuy nhiên, vì dịch Covid-19 quá căng thẳng, tọa đàm “10 năm, nhớ Đỗ Nam Cao” tạm dời lại thời điểm thích hợp hơn. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Xuân Trường, một trong những tham luận chuẩn bị cho “10 năm, nhớ Đỗ Nam Cao”.
ĐỖ NAM CAO VÀ NHỮNG VẦN THƠ TRỊ LIỆU NỖI BUỒN
XUÂN TRƯỜNG
Đỗ Nam Cao (1948-2011) là một nhà thơ đích thực, đã viết liên tục không nghỉ ngơi từ chiến tranh qua hoà bình, từ trong nghịch cảnh đến thảnh thơi, từ trong đau thương vật vả áo cơm, từ trong bàn nhậu lai rai cái nghèo đến những cảnh phong lưu và cái đẹp qua đường. Độc giả dễ bật khóc trước câu thơ của Đỗ Nam Cao: “Ngửa tay những vết chai lỳ/ Vẫn chưa có gì nắm được trong tay”. Chỉ hai câu thơ thôi mà chất chứa một hành trình. Trải qua thăng trầm một thi sĩ từng khoác áo lính, Đỗ Nam Cao đã nói cái điều rất thật của nhiều người trong thế hệ anh.
Đúng như vậy, bàn tay anh đã chai lỳ vì cầm súng cầm đạn, cầm bao nhiêu thứ hữu hình và vô hình đi vào cuộc chiến mong manh giữa tử sinh, nhưng ngày về anh lại thấy mênh mông giữa cuộc sống. Để chuẩn bị cho con đường cơm áo, thì con người chân thành mơ mộng ấy ngộ ra trong tay chưa có gì. Câu thơ đọc lên nghe buồn nhưng không trách móc gì ai.
Đỗ Nam Cao làm thơ từ những cung bậc cảm xúc chiến trường, với bom rơi đạn nổ trên đầu. Những câu thơ anh viết dưới chiến hào, những câu thơ anh viết dưới ánh trăng, những câu thơ anh viết trong rừng thẳm và cả những câu thơ anh viết bên ngọn rau rừng cầm chừng cơn đói quắt quay. Với Đỗ Nam Cao, thì chiến trường và quê nhà luôn thường trực trong anh, nếu chiến trường mau im tiếng súng thì quê nhà mới có sự bình yên. Trong bài “Ngược chiều cơn mưa”, anh đã viết: “Phía trước con đường thoáng hiện cơn mưa/ Chưa kịp che người … choàng cho súng đạn/ Chiếc áo bạc mặn thấm mồ hôi mặn/ Dính sát người cho ngực nở nang thêm…/ Mưa ở quê nhà có mái rạ vàng che/ Có hơi ấm nồng nàn cha mẹ / Mưa ở chiến trường hào hứng thế/ Đi ngược chiều cơn mưa vào trận đánh hôm nay”. Người lính ra đi vì sự độc lập tự do của tổ quốc, họ đâu có mộng ước gì cao sang ngày mai, mà chỉ muốn thanh bình lập tức quay trở về cùng cây đa bến nước con đò, làng mạc ruộng đồng quê, nơi có cô láng giềng len lén bước qua ao ước tuổi thơ. Những bước chân hành quân càng nhanh là càng rút ngắn khoảng cách ngày về. Chiếc áo dính sát vào người thì ngực nở nang thêm. Càng gian khó hiểm nguy thì người lính vụt ra sức mạnh phi thường để mất còn với giặc.
Rồi một lần hành quân ngang qua những ngôi mộ trong vùng chiến sự, Đỗ Nam Cao đã quặn thắt lòng mình khi biết được những người nằm dưới mộ là do giặc sát hại. Ngòi bút của anh đã ứa trào: “Họ - kẻ tử thù/ Của riêng bầy dã thú/ Bọn ghê sợ con người / Dày xéo quê hương mười mấy năm rồi / Chúng tôi chẳng nói nên lời / Nếu lúc này quân thù xốc tới / Những trụ đá tổ ong sẽ thành bệ súng / Vụt lao đi trong lửa sáng ngời….”. Tình đồng chí, nghĩa bạn bè đã thành máu thịt trong nhau, khi chia nhau hơi thuốc lá, khi chia sẻ nỗi niềm, ngay cả khi dưới chiến hào cũng khiến Đỗ Nam Cao nhớ bạn: “Mấy đêm pháo nổ rung rừng / Bữa nay lặng bắn ngó chừng Khoa sang/ Bài thơ viết dở dưới hầm/ Chiều ăn đọt báng lòng thầm thương Khoa”.
Người lính được che chở bởi rừng xanh, ngọt lành trong suối mát, gần gũi với thiên nhiên, anh luôn nhìn thiên nhiên như có hồn người, qua một trảng cỏ tranh, nó cũng chạm vào tâm hồn anh những triết lý nhân sinh: “Tôi đi qua đất Trảng Bàng/ Những nhà lá lợp nắng vàng cỏ tranh/ Vốn cây cỏ chẳng hiền lành/ Nhà nông ghét cỏ, cỏ đành bỏ đi / Thân cây cỏ có là chi/ Thấy cây cỏ cháy lòng thì quặn đau/ Bén từ ngọn đến gốc sâu/ Lại hiền hậu mái tranh màu vàng ươm/ Lao xao như thể rừng gươm/ Màu xanh sắc cạnh cỏ vươn giữa đời/ Cỏ tranh cây cỏ tranh ơi / Cỏ như cũng có hồn người ở trong”. Hình như cỏ đã có mối quan hệ tâm linh gì với con người, tôi đã thấy nhiều nhà văn, nhà thơ viết về cỏ rất hay lại bị vận vào những thăng trầm trong cuộc sống, không biết có phải thế không? Đỗ Nam Cao đã viết nhiều về cỏ, và sau này anh có trường ca “Cô cắt cỏ” trong đó có những câu thơ ta đọc thấy hơi rợn người, phải chăng điềm báo gì đây?
Bận bịu với bao nhiêu gian truân, nhưng Đỗ Nam Cao vẫn luôn mang theo hình ảnh quê nhà. Anh hương bao cô gái quê thay các chàng trai ra tiền tuyến, mà cày ruộng mà sản xuất để phục vụ cho hậu phương vững mạnh: “Con gái từ nho nhỏ yêu thương/ Cái cày nặng còn con trâu lại bướng/ Cầm chiếc roi tre chưa một lần đóng xuống/ Mà em ơi cày vẫn thẳng đường/ Con trai cứ mà ra chiến trường/ Đồng ruộng còn em một nắng hai sương/ Đồng ruộng còn em khuya sớm yêu thương/ Đồng ruộng còn em biết mấy ngoan cường”.
Qua những bài thơ “Buổi sáng vùng ven”, “Những chiếc lá và cái tổ chim”, “Những đụn khói ùn lên”, “Cơm khô”, “Gặp người bắn cá rô nổi tiếng ở Củ Chi”, “Con sinh ở rừng”, “Đêm ngủ hầm”, “Những căn hầm bí mật”…. Đỗ Nam Cao đã vẽ lại bức tranh kháng chiến từ 1954 đến ngày thống nhất non sông. Với những câu thơ hút hồn người đọc, nhiều câu thơ bỏng rát từ trực cảm của anh, đọc rồi muốn đọc lại nhiều lần.
Ngày về trong thanh bình, thơ Đỗ Nam Cao lại đối diện với cuộc sống cam go cơm áo, với xã hội nhức nhối thị phi. Đỗ Nam Cao đã sống bằng niềm tin, đã viết bằng trái tim, anh đã tan chảy vào nhân dân: “Nếu không có ai tin vào người ra đi/ Nếu không có ai tin vào người ở lại/ Đất nước làm sao như buổi sớm mai này”. Trong bài thơ “Cái Thời” anh đã nói lên những nỗi niềm không phải của riêng anh, nó có đó, nhưng mơ hồ ít người phát hiện được, anh đã nhận diện mình và bạn bè, và rồi đối diện với cái lạ cái phức tạp không như ngày xưa ở rừng, những câu thơ lay gợi làm cho chúng ta phải suy nghĩ: “Cái thời lãng mạn đã tàn hơi/ Hương thầm là mùi hương ngửi được/ Vỏ ốc vỏ sò bạn bè gặp nhau nghêu ngao/ Hát những bài ca không ai hát nữa/ Cái thời thiếu vắng hơi ấm lửa/ Ta ngở ta sống nữa tâm hồn/ Ta ngờ luôn nữa hồn ta còn lại/ Một nữa bao giờ lên cháo cơm…/ Cái thời mình như xiếc leo dây/ Thăng bằng là tột cũng bản lĩnh/ Trọng tâm rơi di động khôn lường/ Khôn hồn đừng rơi lộn xuống…/ Cái thời yêu lẹ quá đi thôi/ Một cái chạm tay một cái chạm môi/ Thế là xong một cuộc tình bốc lửa/ Thế là rồi một mảnh vụn sao rơi / Tất cả đang cái thời chuyển động/ Dữ dằn chưa đầy xúc động chưa em”.
Tôi rất ấn tượng với những câu thơ gọn gàng ý tứ nhưng khó đi hết chiều sâu của Đỗ Nam Cao: “Đôi khi lòng chợt nhớ vu vơ/ Kỷ niệm thật đến nỗi ôm chầm được”, hoặc “Vô tích sụ nên thường hay lý sự / Vượt ra khỏi cái buồn tẻ cái ươn hèn” hoặc “Tháng sáu em nhỏ xuống đời tôi ướt át / Một chùm rêu dấu nhẹm màu xanh”.
Khi những ngày Trường Sa bập bùng sóng dữ, ngòi bút anh cũng đã rỉ máu vào thơ: “Trường Sa ư với ngày thường xa thật/ Đảo ở đâu tôi có hỏi đâu mà / Điều khốn nạn là chỉ khi máu đổ/ Đảo mới gần mới thật đảo của ta/ Các anh cắm ngọn cờ Tổ Quốc gió cuồn cuộn/ Sóng lừng ngầu bọt bãi sân hô/ Kẻ muốn nhổ ngọn cờ ra khỏi ngực/ Thì nhận đây dòng máu nóng hực ra/ Lúc bây giờ tôi mới hiểu Trường Sa”.
Đỗ Nam Cao ra đi mang theo mùi thơm châu thổ sông Hồng, rồi bềnh bồng qua Sông Tiền Sông Hậu, có lẽ đất Bắc trời Nam đã làm nên một Đỗ Nam Cao hài hoà dễ gần. Có phải người tài hoa thì sẽ gặp những thử thách đến tận cùng của trời đất hay không? Mà Đỗ Nam Cao gặp nhiều nghịch cảnh đến thế, sống giữa thời bao cấp không biết bao nhiêu cái rủi may, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, đã làm người bạn đời của anh sa vào vòng lao lý oan khiên! Sau cái vất vả áo cơm gia đình rồi bạo bệnh làm sao anh không buồn, đôi khi muốn thấy như đã vượt ra ngoài sức chịu đựng của con người: “Mưa rào rạch nước cá rô / Tôi bơi ngược đến kiệt khô sức mình/ Sống là trống thúc thình lình/ Chết vác vai những gốc đình gốc đa”. Chưa hết, Đỗ Nam Cao có những câu thơ viết về thu rất khác lạ: “Gió bỗng phiêu diêu kìa ai đứng đợi/ Một cô áo vàng trong cõi thu riêng”.
Đỗ Nam Cao từng dự phóng: “Có những lúc tôi muốn một đập vỡ/ Và một lần thử chết để xem ai sẽ khóc thương mình”. Bạn bè và độc giả hôm nay vẫn khóc thương anh, sau 10 năm anh từ giã cõi đời. Người ta bảo thơ Đỗ Nam Cao gai góc nhưng gai góc ở đấy là thứ gai góc vật lý trị liệu, lắng vào hồn ta để kích hoạt mọi tế bào xao xuyến, rung động, với những tần số êm dịu! Thơ Đỗ Nam Cao thường dính với những nghịch lý, và những nỗi buồn không tên. Thơ Đỗ Nam Cao bay vào đời sống hiện đại từ cái bệ phóng vững chắc đồng dao và ca dao./.