Trên chiếc sập gụ cổ kê trước ban thờ ở gian giữa là một cái mâm đồng sáng loáng có một đĩa thính, một bát mẻ chưng (là một trong những loại nước chấm đặc biệt không thể thiếu được cho một bữa gỏi cá), một đĩa cá mè kho với những khúc cá được tẩm ướp nước hàng óng ánh màu cánh gián, dăm ba miếng thịt ba chỉ xen kẽ vài lát riềng tỏa ra một mùi thơm đậm thật khó tả khiến tôi ứa nước miếng. Một tô canh cá dấm nấu dọc mùng, với vài miếng cà chua đỏ, mấy cọng hành và mấy nhánh thìa là trên bát canh nóng hôi hổi bốc lên một mùi thơm phức của dấm bỗng. Xen kẽ giữa những khoảng trống trong mâm là một số loại lá để ăn gỏi.




VĂN CAO VÀ BỮA GỎI CÁ ĐẶC BIỆT

VĂN THAO

Đầu năm 1973, một hôm đạo diễn Trần Hoạt đến gặp cha tôi [nhạc sĩ Văn Cao], chưa kịp ngồi xuống ghế ông đã nói: “Này Văn, nhạc sĩ Minh Tâm trên Thái Nguyên mời tớ với cậu lên dựng một vở chèo, cậu sẽ làm trang trí mỹ thuật. Đi được không?”. Cha tôi cười: “Mới đầu xuân cũng chưa có việc gì. Lâu lắm cũng không gặp Minh Tâm, lên giúp nó cho vui”. Nghe cha tôi nhận lời, Trần Hoạt lúc đó mới ngồi xuống, vui vẻ nói: “Cậu cứ chuẩn bị đi, mình sẽ điện lên để Sở Văn hóa cho xe xuống đón”. Cha tôi rót rượu: “Nào, uống cái đã”.
Mấy hôm sau, đạo diễn Trần Hoạt đến đón cha tôi. Nhìn thấy chiếc ba lô của Trần Hoạt căng phồng, cha tôi hỏi: “Ông mang gì mà căng phồng cả ba lô thế này?”. Trần Hoạt cười buông một tiếng: “Rượu”. Cha tôi cười tủm tỉm: “Ông mang đi bao nhiêu lít?”. Trần Hoạt bảo: “Tớ mang theo 10 lít đủ cho hai thằng uống trong nửa tháng”. Nét mặt cha tôi trầm ngâm, lát sau cha tôi nói: “Tớ sợ không đủ. Chỉ có tôi với ông uống dè sẻn thì còn được, nhưng còn Minh Tâm với mấy lãnh đạo ngồi tiếp mình, chẳng nhẽ lại không cho uống”. Trần Hoạt mặt ngẩn ra: “Ờ nhỉ. Mà thôi, nếu hết thì bảo bọn đoàn nó lo”.
Quả nhiên, mới được một tuần, mười lít rượu mang theo đã đi tong.
Nửa tháng sau, xe đưa cha tôi về nhà, tay lái xe mang lên đưa cho mẹ tôi 10 cân gạo và 5 cân đỗ xanh và nói: “Đây là chút quà của Sở Văn hóa tỉnh gửi biếu bác”. Mẹ tôi hỏi cha tôi: “Được bao nhiêu tiền nhuận bút?”. Cha tôi lúng túng chưa biết trả lời ra sao. Trần Hoạt cười hề hề: “Đoàn tiếp bọn tôi ngày ba bữa rượu, đến lúc thanh toán họ gãi đầu gãi tai bảo ‘Hai bác thông cảm, đoàn hết cả kinh phí, tiền nhuận bút của hai bác chi hết cả vào tiền ăn ở và tiền rượu rồi ạ’… Bà tính, cái mặt tôi và ông Văn chả nhẽ lại…, mà cũng tội, nhìn anh em diễn viên tập tành vất vả thế mà chả có đồng bồi dưỡng nào. Thôi, bà thông cảm”. Mẹ tôi nét mặt không vui nói: “Cũng tại hai ông… uống gì mà uống lắm thế. Uống hết cả tiền nhuận bút”.
Chờ mẹ tôi đi vào, Trần Hoạt rỉ tai cha tôi: “Chủ nhật này ông sang tôi, tôi sẽ làm một bữa gỏi cá đặc biệt, chắc chưa bao giờ ông được ăn”.
Chủ nhật, tôi lấy xe đạp đèo cha tôi sang Đình Bảng, quê của đạo diễn Trần Hoạt. Ngày ấy, đường còn vắng, không có nhiều xe cộ như bây giờ. Tầm 10 giờ, cha con tôi vào đến nhà đạo diễn Trần Hoạt. Hai vợ chồng ông ra tận cổng đón cha con tôi. Trần Hoạt mắt hấp háy sau cặp kính cận dầy cộp, tươi cười bắt tay cha tôi. Bà vợ của ông vui lắm: “Nhà tôi mong ông suốt từ sáng tới giờ. Lâu lắm mới lại thấy ông sang chơi”. Nói xong bà te tái đi đến bể nước mưa múc nước vào một cái chậu thau đồng và lấy một cái khăn mặt mới bảo cha tôi: “Hai bố con rửa mặt cho mát rồi vào nhà uống nước, nghỉ ngơi cho đỡ mệt, lát nữa rồi uống với nhà tôi bữa rượu”. Cha tôi cười: “Bà chu đáo quá. Bố con tôi lại làm phiền bà vất vả rồi”.
Cha tôi vào nhà ngồi uống nước với đạo diễn Trần Hoạt. Hai ông chuyện trò với nhau rất tâm đắc, quên cả thời gian, cho đến khi bà vợ của ông Trần Hoạt từ dưới bếp bưng mâm lên giục: “Trưa rồi, hai ông nghỉ chuyện, đi ra uống rượu cho cháu nó ăn cơm kẻo đói”.
Trên chiếc sập gụ cổ kê trước ban thờ ở gian giữa là một cái mâm đồng sáng loáng có một đĩa thính, một bát mẻ chưng (là một trong những loại nước chấm đặc biệt không thể thiếu được cho một bữa gỏi cá), một đĩa cá mè kho với những khúc cá được tẩm ướp nước hàng óng ánh màu cánh gián, dăm ba miếng thịt ba chỉ xen kẽ vài lát riềng tỏa ra một mùi thơm đậm thật khó tả khiến tôi ứa nước miếng. Một tô canh cá dấm nấu dọc mùng, với vài miếng cà chua đỏ, mấy cọng hành và mấy nhánh thìa là trên bát canh nóng hôi hổi bốc lên một mùi thơm phức của dấm bỗng. Xen kẽ giữa những khoảng trống trong mâm là một số loại lá để ăn gỏi. Tôi tò mò quan sát thấy có lá mơ tam thể, lá vọng cách, lá sung, lá đinh lăng và một cái đĩa trên đó có mấy lát chuối xanh, mấy lát riềng, mấy nhánh tỏi. Phía ngoài mâm có hai cái chậu thau, một cái thau đồng nhỏ đựng nước mưa trong vắt và một cái chậu men trắng bên trong là một đàn cá diếc giống nhỏ bằng ngón tay út của đứa bé con...
Cha tôi và đạo diễn Trần Hoạt ngồi phía trong giáp với ban thờ, tôi ngồi cạnh cha tôi phía ngoài cùng với vợ của ông Trần Hoạt. Nhìn mâm cơm, ánh mắt cha tôi lấp lánh, ông nói: “Chà, chị đảm đang quá. Chỉ cần nhìn đã thấy ngon rồi”. Bà Trần Hoạt cười: “Cơm nhà quê ấy mà, cỗ bàn gì đâu, ông và cháu ăn tạm”. Cha tôi ngắm nhìn đàn cá diếc óng ánh bơi trong chậu rồi quay sang Trần Hoạt hỏi: “Đúng là tôi chưa được ăn gỏi cá diếc bao giờ nhưng chả lẽ ăn gỏi cá lại chỉ có vài loại lá thế này thôi sao?”. Đạo diễn Trần Hoạt bảo vợ: “Bà đoảng quá, tôi đã xếp mấy chậu cây cảnh trên bờ tường rồi, bà mang vào hộ tôi”. Bà vợ te tái chạy ra ngoài rồi lần lượt bê vào những chậu cây nhỏ như chiếc niêu đất mà Trần Hoạt bảo là “cây cảnh” khiến tôi cứ thắc mắc mãi. Nhìn những chiếc chậu cảnh xếp quanh mâm, cha tôi bật cười: “Ông lắm trò thật. Cái trò chơi cây của ông kiểu này đúng là độc nhất vô nhị”. Tôi nhìn những chậu cây thấy có: một chậu hành, một chậu rau thơm, một chậu rau má, một chậu lá lốt, một chậu rau ngổ, một chậu rau húng, một chậu mùi tàu, một chậu ớt chỉ thiên, một chậu tía tô..., những chậu cây gia vị xanh ngắt bày thành một vòng tròn kín xung quanh mâm trông thật đẹp và lạ mắt. Cái kiểu uống rượu và ăn gỏi cá kiểu này của Trần Hoạt thì đến người sành ăn và kiểu cách như nhà văn Nguyễn Tuân cũng phải ngả mũ chào thua.
Đạo diễn Trần Hoạt nhấc chai rượu lên, chai rượu nửa lít được nút lá chuối chỉ còn có một phần ba. Cha tôi bảo: “Còn có thế thôi à… chả bõ dính mép”. Trần Hoạt cười, đôi mắt ông nheo lại hấp háy sau cặp kính cận dày cộp như cái đít chai: “Đến nhà thằng Trần Cồn này mà ông còn lo không đủ rượu uống hay sao?”. Nói xong, ông đứng lên đi đến bức tường phía ngoài hiên có một ô vuông nhỏ như một lỗ thông khí giáp với nhà hàng xóm, trên đó có đặt một cái bi đông nhôm của bộ đội, ông gõ vào cái bi đông sáu tiếng, cách, cách, cách… cách, cách, cách. Âm thanh trầm và đục phát ra từ chiếc bi đông vang lên như một hồi chuông. Không đầy một phút, chiếc bi đông biến khỏi ô tường. Trần Hoạt quay lại mâm vừa rót rượu vừa giải thích: “Lão hàng xóm nhà tôi chuyên nấu rượu lậu, tôi đặt lão nấu cho mỗi lần chục lít loại đặc biệt bằng gạo nếp. Lúc nào nhỡ chỉ cần gõ bình tông là lại có rượu uống”. Cha tôi khẽ lắc đầu cười: “Thảo nào lúc vào đây tôi ngửi thấy mùi rượu thơm lừng, lại nghĩ là bà ấy đang nấu rượu dưới bếp”. Hai người cụng ly. “Hôm nay tôi đãi ông món gỏi cá diếc này chắc ông sẽ phải nhớ mãi. Đến tôi ở đây may ra một năm cũng chỉ được ăn đôi lần. Để tôi ăn trước cho ông xem”. Nói rồi Trần Hoạt lấy cái vợt nhỏ căng bằng vải màn vớt lên một con cá cho vào đĩa thính. Ông lấy một lá mơ tam thể đặt vào một cọng lá đinh lăng rồi gắp con cá nhỏ đã được tẩm đầy thính cuộn lại và chấm vào nước mẻ chưng, bỏ vào mồm nhai một cách chậm rãi, đôi mắt ông nheo lại để cảm nhận hương vị của món ăn trong vài giây, rồi ông lần lượt ngắt một cái lá lốt, một lá húng, một lá tía tô… lắc vào chậu nước mưa trong vắt cho sạch, thong thả cho vào mồm nhai từ từ để cảm nhận cái giá trị của gia vị hòa trộn với nhau, tạo ra một sự hấp dẫn đặc biệt của món gỏi cá. Ăn xong miếng gỏi cá, đạo diễn Trần Hoạt tớp một ngụm rượu, ông khà lên một tiếng: “Ngon. Ăn như thế này mới ngon. Ngon từ mắt đến tay, ngon từ mũi đến miệng, ngon từ ngoài vào trong. Ăn kiểu này mới cảm nhận được hết cái vị ngon của món gỏi cá, cái giá trị của rượu”. Tôi đờ người nhìn ông và cha tôi ăn một cách ngon lành. Thấy tôi ngồi đực mặt, đạo diễn Trần Hoạt cuốn một miếng gỏi cá đưa cho tôi và bảo: “Ăn đi cháu. Ăn để mà biết. Biết rồi mới cảm nhận được cái vị ngon của gỏi cá, một món ăn truyền thống của cha ông ta để lại”. Tôi nhắm mắt nhắm mũi cố ăn thử một miếng. Bắt chước ông, có bao nhiêu loại lá tôi đều ngắt bỏ đầy vào mồm nhai lẫn với chú cá nhỏ. Tôi chậm rãi nhai một cách thận trọng. Vị hăng, vị chát, vị đắng… hòa quyện với vị chua ngọt của mẻ khiến tôi không còn cảm thấy vị tanh của cá. Càng nhai kỹ, tôi mới cảm nhận được một thứ mùi vị rất lạ, khó mà tả nổi. Phải đến miếng gỏi cá thứ ba tôi mới thật sự thấy được cái ngon của gỏi cá.
Bỗng nhiên vang lên mấy tiếng gõ từ chiếc bi đông. Tôi nhìn ra đã thấy chiếc bi đông rượu trở lại vị trí của nó trên ô tường. Đạo diễn Trần Hoạt đứng dậy đi ra lấy bi đông rượu, ông cười hà hà: “Rượu đây rồi, tôi và ông cứ uống cho say, cần thì ngủ lại. Mai về”.
Bữa gỏi cá ngày hôm đó giữa đạo diễn Trần Hoạt với cha tôi kéo dài đến tận 4 giờ chiều mới kết thúc.
Tiễn cha con tôi về, đạo diễn Trần Hoạt còn đưa cho tôi một can rượu 5 lít, ông bảo tôi: “Cháu mang về cho bố uống dần”.
Sập tối, tôi mới đưa cha tôi về đến nhà. Trước khi vào nhà, ông dặn tôi: “Mày giấu ngay can rượu đi cho bố, kẻo mẹ mày biết bà ấy lại pha nước vào thì chết tao”.

Cho đến bây giờ mỗi khi nhớ đến đạo diễn Trần Hoạt, tôi lại nhớ đến bữa gỏi cá diếc ngày hôm đó. Món gỏi cá đặc biệt độc nhất vô nhị trong đời tôi.