Có những gia đình được biếu quá nhiều bánh trung thu xếp kín của một căn phòng và với những hộp bánh trung thu bao bì “ lộng lẫy”. Họ nhận những hộp bánh như thế đã quen rồi và chẳng còn một cảm xúc nào nữa. Thậm chí, họ còn cảm thấy khó chịu vì nhận quá nhiều không biết xử lý thế nào cho hết số bánh được biếu ấy. Đấy là những gia đình được biếu bánh trung thu. Nhưng còn những gia đình không được ai biếu bánh thì cũng ra phố mua một hộp bánh trung thu về thắp hương. Mua như là việc phải làm chứ một cảm xúc nào đó về ngày Rằm trung thu đã chết từ lâu trong họ. 



TRUNG THU VÀ NHỮNG CHIẾC BÁNH CỦA TÂM HỒN

NGUYỄN QUANG THIỀU

Trong một ngôi nhà lớn, sang trọng và đẹp ở con phố sầm uất và hiện đại bậc nhất của Hà Nội, có một người phụ nữ cứ mỗi khi thu đến lại bắt tay làm một trong những công việc cảm hứng nhất của bà trong một năm : làm bánh trung thu. Bà là Đỗ Phương Thảo. Và năm nào cũng vậy, tôi cũng được bà cho mấy chiếc bánh trung thu bà làm. Những chiếc bánh trung thu của bà vô cùng đặc biệt bởi nó mang đến cho tôi hương vị của những Rằm trung thu thuở trước và trả lại cho tôi ký ức đẹp đẽ mà giờ đây đã trở nên quá xa xôi. Để mua một hộp bánh trung thu bây giờ, bà chỉ cần bước ra khỏi cửa là chìm ngay vào một thế giới bánh trung thu bất tận. Nhưng bà cặm cụi làm những chiếc bánh đó không phải nhu cầu của việc ăn mà là như cầu của việc được sống. 

Chưa bao giờ bánh trung thu lại nhiều như bây giờ. Có những con phố dài dằng dặc san sát các quầy bán bánh trung thu. Có quá nhiều loại bánh trung thu ra đời với muôn hình muôn vẻ và với các loại giá. Có những hộp bánh giá dăm triệu và có những hộp bánh giá hàng chục triệu. Tôi gọi những loại bánh trung thu ấy là “ bánh trung thu công nghiệp”. Bánh trung thu bây giờ hình như được làm ra chỉ để cho người ta mua làm quà biếu chứ không phải để thưởng thức, không phải để được sống trong một ký ức nào đó về những ngày thu lãng mãn ấy. Có những gia đình được biếu quá nhiều bánh trung thu xếp kín của một căn phòng và với những hộp bánh trung thu bao bì “ lộng lẫy”. Họ nhận những hộp bánh như thế đã quen rồi và chẳng còn một cảm xúc nào nữa. Thậm chí, họ còn cảm thấy khó chịu vì nhận quá nhiều không biết xử lý thế nào cho hết số bánh được biếu ấy. Đấy là những gia đình được biếu bánh trung thu. Nhưng còn những gia đình không được ai biếu bánh thì cũng ra phố mua một hộp bánh trung thu về thắp hương. Mua như là việc phải làm chứ một cảm xúc nào đó về ngày Rằm trung thu đã chết từ lâu trong họ. 

Từ khi vợ tôi về nghỉ hưu, vợ tôi đã đến nhà cô Đỗ Phương Thảo học làm bánh trung thu. Học không phải để làm bánh kinh doanh. Học để hồi phục lại những ký ức đẹp đẽ về những chiếc bánh trung thu đã in đâm trong tâm hồn chúng tôi. Học để mỗi năm khi thu đến, gia đình tôi lại chuẩn bị làm bánh trung thu để biếu những người thân. Năm ngoái, gia đình tôi làm bánh trung thu để biếu người thân và bạn bè. Vợ tôi làm bánh. Còn tôi thì chuẩn bị những chiếc hộp đựng bánh khá đặc biệt. Đó là những chiếc hộp gỗ sồi. Tôi vẽ trang trí lên những chiếc hộp đó. Và vào một buổi tối trước ngày Rằm trung thu ít hôm, gia đình chúng tôi mời bạn bè đến và cùng nhau ngắm những chiếc hộp bánh ấy. Những chiếc bánh trung thu lúc đó thực sự không còn là những thứ thuộc về vật chất nữa mà là những sản vật tinh thần. Cả người làm bánh, người vẽ hộp bánh và người nhận bánh đều được sống một đời sống tinh thần nhiều ý nghĩa. Con trai tôi, một thạc sỹ đã sống ở Mỹ sáu năm trời nhưng đã tham gia làm bánh trung thu cùng mẹ một cách đầy hào hứng. Đó là một chàng trai đã quen với khẩu vị của Cocacola và bánh pizza. Nhưng Cocacola và bánh pizza chỉ là đồ ăn thức uống còn những chiếc bánh trung thu là một điều gì đó trong tâm hồn của chàng trai thời fastfood ( đồ ăn nhanh ) này.
Mọi thứ thay đổi thật nhanh, nhanh đến nỗi đôi khi nhiều người như tôi chợt dừng lại và ngơ ngác hỏi : “ Có thật là những điều ấy đã không còn nữa ư ?”. “ Những điều ấy” chính là những cái làm nên sự xúc động trong tâm hồn và cảm hứng trong đời sống thường nhật của chúng ta bây giờ. Làm những chiếc bánh trung thu, làm một chiếc đèn ông sao...không phải vì chúng ta không có tiền để mua những thứ đó. Mà bởi khi ta cùng những đứa con, những đứa cháu ta làm những thứ ấy là ta đang gieo những hạt giống của những điều đẹp đẽ vào trong tâm hồn trẻ nhỏ. Bây giờ, những đứa trẻ không còn thiếu thốn như ông bà, cha mẹ chúng mấy chục năm về trước. Chúng ta có thể bước ra khỏi nhà và mua một hộp bánh trung thu mĩ miều và những chiếc đèn trung thu hay những đồ chơi hiện đại cho chúng chỉ trong chớp mắt. Nhưng bây giờ, chính những đứa trẻ ấy đã không còn một cảm hứng gì khi nhận những món quà đó trong ngày Rằm trung thu nữa. Bởi những chiếc bánh trung thu ấy và những chiếc đèn ông sao ấy chỉ là một trong muôn vàn thứ vật chất mà chúng nhận được một cách thông thường. Nhưng nếu chúng ta dẫn chúng vào những câu chuyện không phải là cổ tích mà là những câu chuyện của chính cuộc đời chúng ta khi ta chuẩn bị cho một ngày Rằm tháng Bảy, Rằm trung thu hay Tết nguyên đán thì chúng ta đánh thức những điều đẹp đẽ trong tâm hồn chúng. 
Có quá nhiều người lớn chúng ta đã ngụy biện về sự đầy đủ vật chất đã làm mất đi cảm xúc của những đứa trẻ về một tấm áo mới, một cuốn sách mới hay một cái đồ chơi. Đó chỉ là sự ngụy biện. Tôi đã dự ngày Lễ Tạ Ơn của người Mỹ và tôi thực sự xúc động bởi những gì mà những người Mỹ lớn tuổi đã làm cho những đứa trẻ của họ. Ở một đất nước hiện đại và giàu có nhất thế giới ấy, tôi đã thấy những đứa trẻ run lên vì hạnh phúc khi chúng tìm được những chiếc kẹo socola hình trứng chim mà cha mẹ chúng đã giấu đâu đó quanh vườn trong ngày Lễ Tạ Ơn. Có những đứa trẻ đã không ăn những chiếc kẹo socola ấy. Chúng mang những chiếc kẹo ấy vào giấc ngủ với bao điều tưởng tượng kỳ diệu. Tâm hồn chúng đã được mở ra. Còn chúng ta đã hiểu sai về vật chất và cụ thể hiểu sai về một món ăn. Mỗi lần nấu một món ăn truyền thống mà cha mẹ tôi đã nấu cho tôi ăn thuở nhỏ, tôi lại nói với các con tôi về những món ăn đó. Bởi trong mỗi món ăn ta ăn đều chứa đựng những ký ức về ông bà, cha mẹ, anh chị em ta, về những năm tháng tôi đã sống vào những tuổi đời ấu thơ mà các con tôi đang sống. Và có một con người lớn lên trong những đứa trẻ đó cùng những món ăn ấy. Đó không phải là một con người thể chất mà là một con người của tâm hồn. 

Tôi có xem một bộ phim nói về một nhà hàng ở Paris. Nghe tiếng đó là một nhà hàng nấu rất ngon, một nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng và vô cùng khó tính của nước Pháp tìm đến. Nếu nhà phê bình này đặt bút khen nhà hàng nào thì nhà hàng đó sẽ không biết để đâu cho hết tiền, còn nếu ông chê nhà hàng nào cho dù nhà hàng đó có nổi tiếng đến đâu cũng có nguy cơ đóng cửa. Khi biết ông đến để ăn ở nhà hàng của mình, chủ nhà hàng hoảng sợ. Họ cử ra một chàng trai nấu rất ngon của nhà hàng nấu một món cho nhà phê bình ẩm thực kia. Khi món ăn được mang ra, tất cả các nhân viên nhà hàng nín thở. Số phận họ trong tương lai sẽ phụ thuộc vào nhà phê bình đó. Nếu ông nhíu mày thì sự nghiệp của nhà hàng sẽ kết thúc và nếu ông nhắm khẽ đôi mắt và gật gù thì cánh cửa tương lai của nhà hàng sẽ mở ra rộng lớn. Nhà phê bình ẩm thực nhìn món ăn trong một thoáng và bắt đầu đưa miếng ăn đầu tiên lên miệng. Rồi người ông nhu run lên, chiếc dĩa trên tay ông rơi xuống sàn. Nước mắt ông ứa ra.

Ký ức ông hiện về những ngày đói rét. Ông đã chờ đợi mẹ đi làm từ trang trại trở về. Bà vào bếp nấu cho ông một món ăn. Ông đã ăn món ăn ấy trong những đêm mùa đông đói rét của nước Pháp. Đó là món rau hầm. Không có gì ngon hơn món ăn được nấu trong tình thương yêu bất tận của người mẹ. Món ăn đó vừa nuôi dưỡng thân xác ông vừa nuôi dưỡng tâm hồn ông. Và ông đã đặt bút viết về món ăn của nhà hàng đó như viết những gì kỳ diệu nhất của người mẹ thương yêu đã khuất. Còn ở đất nước chúng ta lúc này, chúng ta đã và đang mang đến cho những đứa trẻ quá nhiều những món quà vật chất mà lại quá ít những món quà tinh thần. Đấy chính là một trong những sai lầm lớn nhất của chúng ta.