Trong bộ phim “Chú ơi đừng lấy mẹ con”, Đông Bắc và Thủy Tiên bước vào cuộc tình “rổ rá cạp lại”. Chỉ cần cẩu thả, sơ sểnh một chút (mà cũng có thể là không cần, nếu biết cách) người xem sẽ không biết mẹ của cô bé Esla là ai. Nhưng chỉ với một câu thoại trong một đêm trăng sáng, người xem hiểu ra rằng mẹ của em đã mất. Với vai ông bố của Nhện, theo chỗ tôi, cũng là một cách xử lý “cứng tay”của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ…


Xem phim “Chú ơi, đừng lấy mẹ con"
ĐAN CÀI KHÍT KHAO, LIỀU LƯỢNG ĐÚNG ĐỘ- VẪN LÀ THẾ MẠNH CỦA ĐẠO DIỄN TRẺ ĐINH TUẤN VŨ

TÔ HOÀNG

            Một bộ phim khi đã thành sản phẩm tới với khán giả có điều gì đó giống một chiếc tủ, một bộ bàn ghế đã qua tay chế biến của một bác  thợ mộc. Để muốn biết tay nghề của bác thợ đến đâu, bác học nghề ở “ lò” nào, bác hiểu biết nhu cầu của người tiêu dùng ra sao; quan trọng nữa là cái “gu” mỹ thuật của bác thợ “mô đéc “ hay “Hai Lúa”? Cung cách tốt nhất là hãy tháo tung chiếc tủ, cái bàn, cái ghế kia ra thành nhiều bộ phận. Để mà ngắm nghía, soi xét từng thớ bào, từng lỗ mộng; cái tỷ lệ giữa các cửa tủ và thân tủ, mặt bàn và chân bàn;các đường gờ, đường mép được vê tròn hay xổ ngang, sọc thẳng..vân vân và vân vân…
            Tôi thường ứng xử một cách có phần “ thô bạo” với các bộ phim như vậy..
            Ví như, cái lõi của “ Chú ơi đừng lấy mẹ con” là chuyện tình “rổ rá cạp lại” giữa người đàn ông tên Đông Bắc (Kiều Minh Tuấn) và người đàn bà tên Thủy Tiên (An Nguy). Thế lực gây trở ngại đồng thời cũng sắm vai trò yếu tố gây kịch tính chủ yếu cho bộ phim là Nhện và cô bé Esla. Bộ phim bắt đầu khi mối tình giữa Đông Bắc và Thủy Tiên đã hoàn toàn “xuôi dầm, mát mái”. Đấy là những gì ta đã thấy trên màn ảnh. Nếu ví như tác giả non tay để cho giữa hai người đang mới chỉ xẩy ra cuộc chiến “chinh phục” nhau thì đường dây của phim sẽ ra sao đây? Hay, thuộc thế lực cản trở chỉ có bé Nhện thực sự là “đối thủ” mà Đông Bắc cần “vượt cản”, còn bé Esla hầu như đã thuần phục ngay từ đầu “bà mẹ tương lai” Thủy Tiên. Nhưng nếu tác giả non tay “kích” cô bé Esla cũng thành một vật cản nữa thì sao? Cũng sẽ gây ra những phiền toái, nhiễu loạn không nhỏ …

            Tiếp nữa, cặp đôi Ông Bà Ngoại của bé Esla do hai nghệ sỹ vai vế Thành Nam và Lan Hương xuất hiện trong phim cũng không thuộc về thể lực cản trở. Vai Bà Cố do nghệ sỹ Lê Thiện thủ vai dù có những câu hỏi “ sát hạch “ cháu rể tương lai nhưng cũng không thuộc về thế lực cản trở. Cả ba xuất hiện trong phim hầu như để làm cho bức tranh toàn cảnh thêm sinh sắc, nhiều màu vẻ thôi. Riêng với nhân vật Bà Cố khiến phim kéo thêm mảnh tươi mát của cuộc sống nơi thôn dã. Nói tới 3 nhân vật này, tiếng “nhỡ” vẫn ám ảnh tôi. Thế nhỡ, tác giả non tay gom thêm ba nhân vật này vào tuyến “cản đường” của người đàn ông Đông Bắc thì sẽ sao nhỉ?

            Tôi nơm nớp với nỗi ám ảnh bởi tiếng “nhỡ” này, bởi tôi đã chứng kiến trong phim của nhiều bạn trẻ vẫn thường phạm phải tiếng “nhỡ” ấy. Họ tung đạo âm binh- nhân vật ra màn ảnh mà không nghĩ suy, cân nhắc xem nhân vật này, nhân vật kia có cần hay không, cần ở phân đoạn nào, khúc nào và cho nhân vật biến đi ở đâu. Lẽ đương nhiên sẽ xẩy ra một sự lẫn lộn, rối rắm; vai chính, vai phụ tít mù, xoắn bện vào nhau. Thêm nữa là cái bệnh tham kể. Cứ sợ người xem không hiểu nên chạm đâu là kể vanh vách, kể tuốt tuột một cách không kiềm chế.
            Một anh bạn nước ngoài, rất chịu khó xem phim Việt Nam, có lần đã tủm tỉm hỏi tôi: “Ông bạn có biết, điểm yếu cơ bản trong các bô phim của quý quốc nằm ở chỗ nào không?” Tôi ngơ ngác. “Điểm yếu cơ bản nằm ở chỗ trong cung cách thuật chuyện, khi người nghe cần đoạn ấy kể vắn tắt thôi thì tác giả lại vân vi, lòng thòng; còn khi người nghe muốn kỹ càng, tỉ mỉ thì phim lại kể vèo một cái là hết”.

            Ngay thừ bộ phim lớn đầu tay- “Chuyện của Yến” tôi đã nhận ra năng lực biết nhấn nhá, biết giữ biết từ bỏ; biết làm đậm nhạt; biết đâu điều chính đâu là điều phụ; biết tiền cảnh và phông nền ( không phải nói về quay phim )… ở đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ. Điều này có thể anh đã tiếp nhận được trong những năm tháng tu nghiệp về nghề ở trường. Mà cũng có thể anh tiếp nhận bẳng trực giác chủ quan từ những bộ phim đã xem. Nhưng quả đây là yêu cầu số một đối với các đạo diễn trẻ. Cũng lại có thể xem là biểu hiện năng lực riêng không phải ai cũng có được.

            “Gột” lên các nhân vật, để ai sống, ai chết cuộc sống màn ảnh cũng còn cần đến một năng lực khác của người đạo diễn. Điều không kém phần quan trọng là mỗi nhân vật khi đã “ ló mặt “ ra màn ảnh rồi thì đừng để người xem ấm ách nắc nỏm với các câu hỏi : nó ở đâu ra nhỉ, nó quan hệ thế nào với các nhân vật khác…nghĩa là nhân vật mới chỉ như bóng ma lướt quan màn ảnh mà không có hồn cốt , xương thịt. Nhược, yếu điểm này cũng không phải quá hiếm thấy trong phim của nhiều tác giả trẻ. 
            Trong “Chú ơi đừng lấy mẹ con” Đông Bắc và Thủy Tiên đang bước vào cuộc tình “rổ rá cạp lại”. Chỉ cần cẩu thả, sơ sểnh một chút (mà cũng có thể là không cần, nếu biết cách) người xem sẽ không biết mẹ của cô bé Esla là ai. Nhưng chỉ với một câu thoại trong một đêm trăng sáng, người xem hiểu ra rằng mẹ của em đã mất.
            Với vai ông bố của Nhện, theo chỗ tôi, cũng là một cách xử lý “cứng tay”của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ. Ở gần cuối phim, nhân vật này sắm vai trò khá quan trọng, giúp chú bé Nhện đến với ông bố mới. Nhưng ở giữa phim, bằng mấy cái tát tai của Thủy Tiên, nhân vật này tưởng như đã chấm dứt cuộc sống màn ảnh.Một sự ngắt đoạn từ đây, liệu có thể dẫn thẳng tới chiêu trò ông bố Nhện thử thách Đông Bắc nhẩy thẳng xuống bể nước sôi được không? Nếu xử lý vậy, sẽ gây sốc cho người xem. Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đã tinh ý tạo ngay bước đệm bằng quá trình người bố lầm lạc một thời chợt như tỉnh ngộ, tìm cách gây lại mối thiện cảm ở cậu con trai. Chính bước đệm này giúp người xem không gợn lên chút nào phản ứng khi thấy anh ta bày trò thử thách Đông Bắc.
Những đạo diễn lỗi lạc trên thế giới thường nhắc chúng ta rằng: Đừng quên mặt toán học của điện ảnh. Để trở thành nghệ thuật thứ thiệt, điện ảnh cần phải trả qua những phép tính toán rất chi ly, cụ thể, chuẩn xác.

Không riêng gì với đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ, làm phim vào những ngày tháng này các đạo diễn trẻ của chúng ta phải vượt qua biết bao trở ngại, thử thách, khó khăn. Câu chuyện phim đều phải là sự pha chế theo thực đơn của những ông chủ, bà chủ cực kỳ đỏng đảnh, khó tính; thậm chí đôi khi các ông chủ, bà chủ ấy cũng không rõ khẩu vị của chính mình. Một chút tâm lý xã hội. Một chút hành động. Một chút hình sự. Một chút sex…Có rơi nước mắt những không được bi lụy, mà phải vui. Phải hợp với yêu ghét của tuổi trẻ bây giờ, ngay kể cả thời trang, các thú chơi mà bạn trẻ quan tâm. Nhân vật chính thì phải giao cho những tên tuổi đang ( chứ không phải đã ) “ hot “. Mà phải chú ý tới nơi nào là thị trường chính..v..v..
Những đạo diễn trẻ phải thật nhiều mắt, nhiều tay; phải là những thày “ phù thủy “ biết hô mua gọi gió. Phải nhào nặn, xào sáo, khuấy đảo, lộn lạo..nhưng chung cuộc không được để tất cả biến thành món “ tả pí lù”.
Thực ra chuyện của “ Chú ơi đừng lấy mẹ con “ là môt cốt kịch mang đầy đủ yếu tố tâm lý xã hội. Phim đụng chạm tới tình yêu của hai người đã một lần qua sông qua đò nhưng tuyệt nhiên không cần yếu tố hở hang hay những cảnh sex trắng trợn. Phim dễ sa vào sầu thương, bi lụy nhưng cảm giác xuyên suốt là khỏe khoắn, ấm áp. Phim dễ rơi vào những bài học thuyết giảng về luân lý, đạo đức giáo điều, khô khan nhưng đã tránh được lối mòn. Phim cuốn hút bởi sự tươi mát, trẻ trung dàn đều ở nhiều yếu tố…

Để có được hiệu quả ấy thật không dễ dàng. Đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ một lần nữa đã khẳng định sự đúng đắn, chuẩn xác không chỉ ở cảm quan nghệ thuật; mà còn ở những điểm mạnh của riêng anh khi phải thực thi nhiều phép tính quá chừng nan giải của công việc làm phim đang đứng trước những thứ thách ngặt ngoèo.