Câu chuyện của nhà văn Trần Đức Tiến: Lẽ ra không muốn nhận giải, không thích cái giải ấy thì nên dẹp ngay từ lúc biết mình được đề cử. Như thế mới là người đàng hoàng, tự trọng. Đằng này lại im ỉm im ỉm, có nghĩa là đồng ý tham dự (cũng giống như đồng ý dự thi), chấp nhận “luật chơi”, nhưng khi kết quả không như mong đợi thì hùng hồn tuyên bố từ chối. Thậm chí có trường hợp còn lu loa lên như bị trấn lột. Mấy năm trước, trả lời phỏng vấn về trường hợp một chị nhà văn từ chối giải kiểu đó, mình đã kể câu chuyện về cô cháu gái 5 tuổi: cháu thích vẽ, bà nịnh cháu, toàn cho điểm 10. Một lần chẳng hiểu sao bà lại ki bo cho cháu 9,5. Thế là cháu lăn đùng ra, giãy đành đạch. Báo hại ông dỗ mỏi mồm, nhưng nhân đấy ông cũng cảnh báo: cháu 5 tuổi, ở nhà giãy được, chứ sang năm vào lớp 1, cô giáo cho điểm 9 mà giãy thế thì… chết đòn!


GIẢI THƯỞNG ÔI GIẢI THƯỞNG!

TRẦN ĐỨC TIẾN

Nhớ cái năm Nguyễn Trí được giải Hội Nhà văn, lúc Hội đồng chung khảo chuẩn bị bỏ phiếu, mình phải chạy ra ngoài cầu thang a lô cho ông. Thưa gửi mấy câu thật nhũn nhặn. Lúc ấy mình vẫn chưa biết mặt ngang mũi dọc ông Trí thế nào. Nội dung cuộc trao đổi đại khái: ông có đồng ý tham dự giải thưởng không, nếu đồng ý thì hội đồng mới đưa vào xét. Hỏi đi hỏi lại cho thật chắc ăn, chứ nếu đã quyết định trao mà ông ấy lại từ chối thì… mất vui.
Trao và nhận giải lại quan trọng, phức tạp đến thế cơ á?
Không. Theo mình thì không.
Tác phẩm của nhà văn được xuất bản và lưu hành rộng rãi trong công chúng, thì cũng giống như bất cứ một thứ hàng hóa nào khác. Bạn đọc/người dùng (cá nhân hoặc tổ chức) có quyền bình phẩm, khen chê, biểu dương hoặc tẩy chay. Tặng giải thưởng là một hình thức của biểu dương. Tuy nhiên, tác giả của tác phẩm được tặng giải cũng có quyền nhận hay từ chối giải. Chuyện ấy nên coi là bình thường. Chỉ có những ai sĩ diện hão, thiếu tự tin, mới sợ “uy tín, danh dự” của mình bị tổn thương khi trao giải cho người ta mà người ta không nhận. J.P.Sartre, nhà văn lớn như thế, tiếng tăm lừng lẫy như thế, từ chối nhận giải Nobel, nhưng Nobel có vì thế mà “kém cạnh” đi đâu?
Khốn nỗi ở ta lại có những chuyện không bình thường.
Lẽ ra không muốn nhận giải, không thích cái giải ấy thì nên dẹp ngay từ lúc biết mình được đề cử. Như thế mới là người đàng hoàng, tự trọng. Đằng này lại im ỉm im ỉm, có nghĩa là đồng ý tham dự (cũng giống như đồng ý dự thi), chấp nhận “luật chơi”, nhưng khi kết quả không như mong đợi thì hùng hồn tuyên bố từ chối. Thậm chí có trường hợp còn lu loa lên như bị trấn lột. Mấy năm trước, trả lời phỏng vấn về trường hợp một chị nhà văn từ chối giải kiểu đó, mình đã kể câu chuyện về cô cháu gái 5 tuổi: cháu thích vẽ, bà nịnh cháu, toàn cho điểm 10. Một lần chẳng hiểu sao bà lại ki bo cho cháu 9,5. Thế là cháu lăn đùng ra, giãy đành đạch. Báo hại ông dỗ mỏi mồm, nhưng nhân đấy ông cũng cảnh báo: cháu 5 tuổi, ở nhà giãy được, chứ sang năm vào lớp 1, cô giáo cho điểm 9 mà giãy thế thì… chết đòn!
Một chuyện khác cũng rõ là oái oăm: Ông nọ có cuốn tiểu thuyết tham dự giải thưởng 5 năm của thành phố X. Thể lệ của giải quy định: tác phẩm tham gia phải đã từng ít nhất một lần được giải ở đâu đó. Khoan hãy bàn về cái quy định này. Chỉ biết cuốn tiểu thuyết của ông nọ, mấy năm trước đã được Hội Y trao tặng thưởng. Rất tiếc năm ấy ông lại từ chối, và đã công khai trên mạng cho thiên hạ biết. Thành thử bây giờ không đủ điều kiện tham dự giải của thành phố X (ngoài tặng thưởng của hội Y, ông chưa được giải ở đâu khác). Tiếc quá. Ông đành muối mặt xin lại cái chứng nhận “đã từng được tặng thưởng” của hội Y! May, hội Y cũng thể tất và cấp lại cho ông giấy chứng nhận. Vậy là đủ điều kiện. Chung khảo chấm ông giải Nhì!
Tưởng thế “mồ yên mả đẹp” mọi nhẽ. Nào ngờ ông ứ thích Nhì. Ông nhắm sái Nhất cơ. Thèm vào Nhì! Nhì… bỉ mặt ông quá. Nhất là khi có Nhất hẳn hoi, nhưng người khác lượm mất. Vậy là ông vùng vằng, giãy lên như đỉa phải vôi.
Hết biết!
Vì thế nên mới có chuyện chạy vội ra hành lang thẽ thọt, thưa bẩm đàng hoàng với ông Nguyễn Trí.