Với một nghệ sỹ, lao động miệt mài chưa đủ, số lượng tác phẩm chưa nói lên được gì nhiều. Những gì Thu Bồn viết ra và sự tác động của chúng đối với người đọc mới là điều căn cốt. Giữa những ngày gian khổ của cuộc chiến đấu ở miền Nam, trong rừng sâu, Thu Bồn viết: Lòng tôi hướng về quê hương Cách Mạng/ lòng tôi mơ về Việt Bắc thân yêu (Trèo dãy Ngọc Linh ). Còn nhớ đầu những năm sáu mươi của thế kỷ XX, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ Diệm đang mịt mù, đen tối, Bài ca Chim Chơrao vượt tuyến ra bắc, sắt son và thiêng liêng như một lời thề, bất khuất như một bóng cây Kơnia, rắn rỏi và thơm thảo như tấm lòng của đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Nguyên đối với Cách mạng. Ngay sau đó Bài ca Chim Chơrao được đưa vào chương trình học văn của các cấp. Bao nhiêu chàng trai, cô gái sau đó hăng hái lên đường ra mặt trận mang theo trong trí nhớ hình ảnh của Hùng và Y Rin với lòng quyết tâm sôi sục đánh thắng giặc Mỹ xâm lược



XIN NGƯỜI ĐỪNG TẮT NGỌN SAO KHUYA

LÊ THÀNH NGHỊ
                                                                                               

            Nhớ ngày vào Đà Nẵng, xuống tàu đêm sông Hàn, lên thang máy tới tận đỉnh Ngũ Hành Sơn, và một mình trong đêm đứng bên này Hải Vân nhìn về phía Bắc, trên đỉnh Ba Viên, nơi có ngọn sao khuya đang lấp lánh xa xôi và mường tượng tâm thế Thu Bồn khi viết những câu thơ Tạm biệt Huế. Đó là những ngày giữa tháng sáu (năm 2016), cũng gần ngày giỗ của ông. Ngọn sao khuya kia và ngọn sao khuya trong thơ có gì giống nhau trong liên tưởng của Thu Bồn? Ngọn sao khuya trên đỉnh Hải Vân thì nghìn năm trước vẫn thế, nghìn năm sau vẫn còn như thế. Ngọn sao khuya trong thơ Thu Bồn có thể là gương mặt cô gái mà khi xa Huế, ông biết là sẽ mất mãi mãi: Tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt ( Tạm biệt Huế ). Mọi thứ chỉ là tạm biệt, nhưng em thì vĩnh biệt. Cái mất đi vĩnh viễn này, có phải do chính ông, nhà thơ Thu Bồn, một lần nữa trong vai người thất bại giữa ngổn ngang đa đoan của trần thế, mà ông đã trót “ngoéo tay” với Thượng đế, nguyện làm kiếp thi sỹ ca hát nỗi đau không dứt nơi trần thế của con người?
            Tạm biệt Huế được viết năm 1980, lúc Thu Bồn tròn 45 tuổi, cái tuổi tràn trề sức lực, đủ sự đằm chín, đủ mọi vui buồn, nhận biết đủ hữu hạn của con người, trải nghiệm đủ thế thái nhân tình. Nhưng với Thu Bồn thì biết sao là đủ?. Mọi cái ở ông hình như đều quá cỡ, đều khác thường. Lãng du khác thường, yêu thương khác thường, buồn vui khác thường, và lao động khác thường…

Nhà thơ của những chuyến đi không hạn định
 Một cuộc lãng du dài suốt từ Bắc chí Nam, từ chiến tranh bom đạn sang hòa bình, suốt từ lúc còn trẻ thiếu sinh quân cho đến lúc ốm bệnh, suốt từ lúc cõng con vượt suối băng ngàn trên núi rừng đến cả lúc cùng người bạn đời đi bán thơ, bán lịch kiếm tiền thuốc thang…Cuộc đời ông là một chuyến đi dài không hạn định. Thu Bồn gắn bó với sông Hồng: Con khôn lớn tự phía sông Hồng/ Nghe gió bấc nhớ manh mền manh chiếu ( Mẹ ). Thu Bồn máu thịt với Tây Nguyên, đến mức trong nhà ông, trên bàn làm việc của ông bao giờ cũng có một vài vật dụng Tây Nguyên, đến mức từng trang viết của ông ( đặc biệt là trường ca ) mang đậm hơi thở Tây Nguyên. Đã viết một trường ca về Tây Nguyên, chưa đủ, ông viết hai, ba trường ca và cả thơ ngắn, thơ dài về Tây Nguyên. Thu Bồn giang hồ cùng sông nước Nam Bộ: Ta trôi nổi giữa Nhà Bè, rừng Sác/ Mưa đủ trắng lạnh rồi/ Đừng bạc nữa sao ơi ( Đêm Cần Giờ nghe Trịnh Công Sơn hát ). Thu Bồn tự mình muốn làm một kẻ tình si: Em về lấy tóc chẻ mây/ Buộc anh đứng lại như cây sông Hàn ( Mong em về trước cơn mưa ). Thu Bồn xót xa với Campuchia, nơi những ngọn tháp Angkor từng nhuốm máu người dân vô tội ( Ông viết hai trường ca dài về Campuchia những ngày dưới chế độ diệt chủng ). Thu Bồn gắn bó với Huế tự những ngày xưa, khi chưa hề có mặt ngọn sao khuya trên Hải Vân kia: Huế mờ trong khói thuốc, Huế mờ trong đạn bom, Huế chìm trong mưa lụt,…Chén cơm thơm anh không nỡ xới, nhớ mẹ nghèo áo rách phía sông Hương ( Tôi nhớ mưa nguồn ). Thu Bồn đắm đuối lãng du như vô định một lần tới Huế: xin chào Huế một lần anh đến/ Đế ngàn lần anh nhớ hư vô ( Tạm biệt Huế )…Với Thu Bồn đi là một cuộc lãng du không hề hẹn trước ngày về. Hoàn toàn không phải giang hồ tạm ( Giang hồ ta chỉ giang hồ tạm/ nghe tiếng cơm sôi lại nhớ nhà. HV ), Thu Bồn có thể đi mút mùa như một kẻ vô gia cư, kể cả khi không một chút tiền dính túi. Và tất nhiên với những cuộc đi là những cuộc tụ họp giao lưu với bạn bè khắp mọi miền, cũng mút mùa vô định. Có ông ở đâu, ở đấy xôm tụ hẳn lên. Thu Bồn đọc thơ trong chút men rượu thì như có ma lực đủ để đổ quán xiêu đình. Đa phần trong các cuộc nhậu Thu Bồn đều giành phần bỏ tiền túi của mình chi trả. Không biết bao nhiêu lần vào buổi trưa chúng tôi bị ông gạt đi khi tỏ ý muốn được chi trả. Kệ, không biết ông tìm đâu ra nhiều tiền thế. Sau này mới biết để có tiền: Ta đem hết phiếu thịt mùa đông bán cho gã chợ trời/ Để mua lấy tự do không đầy một ký ( Hà Nội ngày nào ), khi thì mang ra chợ trời chiếc đài bán dẫn, chiếc catset, khi thì bộ quân phục, chiếc võng dù, chiếc mũ cối, chiếc honda, chiếc quạt máy ( phần nhiều là loại đồ second-hand )…thậm chí có khi gán cả căn nhà để chi tiêu những việc có ích và vô ích, việc khôn và việc dại nhiều không kể xiết của đời ông. Hóa ra Thu Bồn cũng không giàu có gì, hóa ra trước mặt người khác Thu Bồn không muốn cho ai biết mình nghèo: Cửa nhà thông thốc muôn phương gió/ Túi rỗng nhiều phen bạn đỡ đần ( Hành phương Nam ).
Nhưng với nhà thơ, đi cũng là công việc, giao du cùng bạn bè cũng là công việc. Đi để dấn thân, giao lưu để nuôi dưỡng cảm xúc. Đi để tích tụ. Tất cả những gì nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy đều có thể là nguyên liệu để đốt lên nguồn năng lượng tinh thần trước mỗi trang viết.  
            Thu Bồn đi chiến trường miền Nam thuộc những người sớm nhất, đầu những năm sáu mươi của thế kỷ XX, những năm Cách mạng còn chìm trong bóng tối, chìm trong mịt mù bom đạn, chết chóc, với những cuộc tàn sát hết sức dã man của Chính quyền Việt Nam cộng hòa đối với những người Cộng sản. Đó là những tháng ngày gian nan vô thường : Cũng đêm sương gió, ngày mưa nắng/ Cơn sốt nằm run dưới gốc cây ( Anh ), Tầm phục thay cơm, môn dóc, chuối rừng ( Đôi dép bạn đường ). Thu Bồn cưới vợ rồi sinh con trên chiến khu giữa những ngày gian khổ đó. Mỗi lần chuyển quân, ông đeo trên lưng chiếc ba lô khoét hai lỗ thủng hai bên cho đứa con nhỏ thò hai chân ra ngoài. Chiến tranh bom đạn ùng oàng, cái tổ ấm kia khác nào cái tổ chim nhỏ bé trên ngọn tre giữa mùa bão lớn. Nội một việc, một người đàn ông kềnh càng mang theo một tổ ấm nhỏ bé của mình giữa một đại ngàn bao la của cuộc trường chinh gian khổ, bốn bề bom đạn, cho thấy sự khác thường ngoại cỡ của Thu Bồn. Nó cũng góp phần giải nghĩa thế nào là hạnh phúc, và vì sao tìm kiếm, chăm lo cho hạnh phúc là bản năng loài mãnh liệt nơi ông:
 Đêm hôm nay ba len lỏi giữa rừng
 Đi mò từng ngọn rau, con ốc
 Nhen ngọn lửa…cho ngày mai vượt dốc
( Đêm Trung thu ),
            Tôi đã đến những cánh rừng hoang dã, những cuộc hành quân đói lả, củ chụp, củ mài, rau sắn thay cơm
( Chiếc cầu độc mộc )
            Em gùi đạn sau lưng địu con trước ngực
            Rừng xà nu mưa nắng dãi dầm
                                                ( Tù lêu ê tù lêu )        
Hoặc:
            Cha mang ba lô
            Mẹ lại cõng con vượt núi…
            Chiếc nôi con nằm đã rách toạc giữa đan bom
            Nơi ruộng mía bờ dâu cỏ ngập tàn hoang
            Là nơi con thức suốt đêm cùng mẹ
            Là nơi cha ra đi lặng lẽ
            Đêm đầy sao cầm súng gác cho con
                                                ( Qua thác lũ )
Nhưng hạnh phúc nơi trần thế hình như chỉ do một ông già có tên là Thượng đế khó tính, tàn nhẫn điều hành. Những ai càng khát khao hạnh phúc, ông già kia lại càng muốn tước đi của họ hạnh phúc. Những ngày ra bắc, tại căn nhà nhỏ yên bình nằm sâu trong ngõ phố Điện Biên Phủ, Hà Nội, hình như cố rình cho đứa bé tạm khôn lớn, bấy giờ cái hình nhân xương xẩu choàng áo đen, cầm lưỡi hái kia mới gõ cửa nhà ông, mang đi của ông cháu Hà Thảo Nguyên, người con trai yêu quý. Sau bao ngày ngược xuôi chữa chạy, Thu Bồn bó tay thất bại thảm hại. Chính ông và một vài người bạn cùng ở tập thể cơ quan, giữa đêm đông rét mướt, đã phải đưa con trai mình xuống nhà lạnh của bệnh viện. Người đàn ông miệng rộng, vạm vỡ, ăn sóng nói gió, tưởng như ngang tàng, từng băng rừng vượt núi như một Đam San trong sử thi Tây Nguyên ấy, bao lần khụy xuống khóc như một đứa trẻ bên mộ con. Rồi cũng tan vỡ luôn cái tổ chim nhỏ nhoi từng được vun vén, đùm chở trên lưng, trong ba lô của hai vợ chồng ông, cái mái ấm mà cho dù bom đạn gầm gào đến mấy cũng không thể làm gì nổi. Vậy mà ông già Thượng đế, một tay đủ phá tan tành. Nhưng nói bom đạn không làm gì được Thu Bồn cũng chỉ là cách nói. Cái chết của con trai ông có ngọn nguồn từ chiến tranh, từ những trận bom hóa học phủ trắng những cánh rừng nơi vợ chồng ông đã đi qua: Anh và em đều nghèo/ Chân ra cửa đã ngập trong bùn đất/ Con ta ra đời những ngày đẹp nhất/ Không có mảnh sân bằng/ Rừng xanh như tình yêu che chở ( Quê hương ).

 Thi sĩ của mê đắm tình yêu.
Bắt đầu là một sự bởi vì rất vu vơ: Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ/ Nên chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu ( Tạm biệt Huế ).Sao lại có thể bởi vì như vậy và nên như vậy. Đúng là vu vơ, vô cớ, quẩn quanh. Nhưng đọc lại thấy có lý: tình yêu có thể bắt đầu bằng sự vô cớ, quẩn quanh hoặc mượn sự vô cớ để giải bày quẩn quanh như vậy, nào ai một lần giải thích được vì sao. Người vẫn ví nụ cười em trúng đạn liên thanh ( Xăm lia ) mà phải quẩn quanh thì hơi lạ, nhưng điều này cho thấy Thu Bồn thường khi cũng run rẩy trước tình yêu.
            Bao giờ Thu Bồn cũng hết mình, hết mình trong lãng du, trong rong chơi. Trong tình yêu, Thu Bồn cũng hết mình, ngay cả khi đơn phương: có em anh trở thành triệu phú/ có triệu niềm vui và có triệu niềm đau ( Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên, số 2 ). Thu Bồn đọc thơ hay ít ai bì kịp. Giọng xứ Quảng pha chút ít điệu bài chòi khu 5 khi thì bù rù bình boong như tiếng giàn chiêng, khi thì ầm ào như thác tràn qua đập, khi thì như sầu muộn như tiếng đàn bầu…đủ để làm đổ quán xiêu đình. Trong số những người ngồi quanh nghe thơ, thường có những bóng hồng, những người đó vừa tạo nên hứng khởi cho người đọc thơ, những người đó khó có thể thoát khỏi vòng vây của ngôn từ thơ Thu Bồn, những người đó cũng không thể không mê…thơ Thu Bồn. Nhưng rồi có thể chính những người đó mất hút đi khi tan cuộc: Tôi tìm em suốt mùa hạ cháy/ Hoa xương rồng nở trắng một rừng gai ( Thi sỹ ), người đó có thể: em đến rồi em lại đi/ biến anh thành gã Trương Chi không đàn ( Số 22 ), người đó ra đi và: trải qua bao trận mưa dầm/ đời còn chút nắng người cầm đi luôn ( Số 21 ), người đó có thể: em ban phát tình yêu cho kẻ qua đường/ anh là kẻ tự thiêu ( Số 10 ), Anh đem hết đời anh ra đánh cược/ Cái tình yêu đầy hương vị sắc màu ( Hà Nội ngày nào ). Ở đây, không thể nói đó là tình yêu một phía, mà là lỗi tại Thu Bồn, luôn tự cháy hết mình, muốn được cháy hết mình, cả những khi chưa cần cháy hết mình. Nhưng trong chuyện này mà tỉnh rụi và chừng mực thì còn đâu Thu Bồn?. 
            Liệu có thể nói Thu Bồn hạnh phúc trong tình yêu?. Câu trả lời là không. Thì đây: Chưa nói hết tiếng yêu đà vĩnh biệt/ Thiên hà ơi ta chán lắm những phù hoa ( Vĩnh biệt Thiên Hà ); Có thể có người nói, ông chỉ chán những phù hoa thôi chứ!. Thì đây: hạnh phúc tôi luôn cầm đằng lưỡi/ em nắm đằng chuôi ( Số 13 ); Thì đây nữa: Lấy khăn mà gói bơ vơ/ Cầm tay nước mắt bao giờ sang sông? ( Mong em về trước cơn mưa ). Không phải Thu Bồn không nhận ra những gì là phù hoa, không biết giữ gìn những gì quý giá cần phải giữ, nhưng hình như biết mà không thể xử sự khác, và nếu biết cách xử sự khác thì không phải Thu Bồn: ta mãi theo sông Hậu với sông Hồng/ để đánh mất một vòng hoa nguyệt quế ( Số 30 ). Quả là những bóng hồng đã mang đi rất xa, từ ông, hồn vía của một thời mê đắm: thế là hết cánh buồm mỏng mảnh/ trận bão tàn còn lại chỉ mình anh/ em về muộn nhớ ghé bờ nhân thế/ mang theo dùm ngọn lửa gởi tàn canh ( Số 81 ). Những bóng hồng đó lấy đi của ông ( theo nghĩa bóng ): …cả vốn lẫn lời/ Của tôi tiêu hết một thời trẻ trung ( Ngôi sao lạc loài ). Và, một khi đã đi quá xa, cuối cùng, dù muộn, như tâm nguyện của ông, thì cũng phải trở về bờ nhân thế, cần một chút ấm áp để vượt qua những bất hạnh gần như đến mãn cuộc đời: tay luống cuống đánh rơi bát đũa/ anh suốt đời là kẻ cô đơn ( Số 5 ). Vẫn biết, nghệ sỹ không bao giờ hài lòng với thực tại, nhưng có phải, bao giờ cũng vậy, cuối cuộc chơi nào cũng vậy, thường không tránh khỏi cô đơn: hát cười không giải tỏa nỗi cô đơn/ bạn bè không giảm bao phiền muộn ( số 35 )…
            Trở lại Tạm biệt Huế, một bài thơ mang đậm phong cách Thu Bồn. Bạn có nghĩ rằng trong bài thơ này Thu Bồn hạnh phúc?. Tôi thì không. Chỉ có thể nói Thu Bồn đa sầu, đa cảm. Cái lý sự vu vơ bởi vì, nên trên kia cho thấy điều đó, cho thấy Thu Bồn có chút gì đó thiếu tự tin, hơi vơ vào hiếm gặp ở Thu Bồn. Nhiều ngôn từ biểu cảm vô xác định chỉ cái điều bất định rất có thực trong tâm trạng người viết: mặt trời vàng, mắt em nâu, một lần đến…, ngàn lần hư vô, mờ ảo, xin đừng lầm, tìm em không thấy, không phải thế, nắng minh mang, đi mãi chẳng về đâu…Một tâm trạng bị xáo trộn, như tự ngộ nhận, bị chối từ theo kiểu Huế: Em rất thực nắng thì mờ ảo…/ Nón rất Huế mà đời không phải thế. Chúng ta thử làm một phép giả định thay thế từ nắng bằng các từ tình yêu hoặc hạnh phúc ( Em rất thực mà tình yêu/hạnh phúc thì mờ ảo ) sẽ hiểu hơn sắc thái mờ ảo trong trạng thái tâm hồn Thu Bồn ở câu trước; còn câu sau, cũng có thể hiểu nón rất Huế nghĩa là nón rất thơ ( nón bài thơ ), còn đời không phải thế nghĩa là đời không phải thơ. Vậy, cứ trong ý tứ mà suy, sẽ thấy đây là lời tự thú của sự bất thành, của một phía. Thu Bồn tinh tế nhận ra trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt đó, nên mới có chuyện với em là vĩnh biệt. Cái đang có, đang cầm trên tay là cái đang mất. Người đang dắt anh lên những ngôi đền cổ có gì như con sông dùng dằng, con sông không chảy, chính là người đưa Thu Bồn vào thế theo đuổi. Trên kia chúng ta nói Thu Bồn trong vai một kẻ thất bại, là vì thế. Chẳng thế mà khi về đến bên kia, qua ngọn Hải Vân, Thu Bồn chỉ còn biết cầu nguyện xin người đừng tắt ngọn sao khuya, cho dù biết mọi thứ đã chấm dứt, đang trong trạng thái vĩnh biệt; cho nên, về đến bên kia Thu Bồn chỉ có thể là hóa đá. Và cũng chính vì thế, Tạm biệt Huế là bài thơ hay nhất trong rất nhiều bài thơ tình hay của Thu Bồn.
            Nhưng nói vậy không phải Thu Bồn luôn bất hạnh trong tình yêu. Ông tự nhận là người giàu có, là triệu phú trong tình yêu: có em anh trở thành triệu phú ( Số 2 ). Ông cũng từng choáng ngợp: thiên đàng hiện ra khi em đến với tôi ( Số 35 ); Ông cũng từng mãn nguyện: nếu không được làm sông cũng xin cho làm suối/ trọn đời róc rách giữa hồn em ( Số 37 ). Thu Bồn có những câu thơ thật thương nói về người bạn đời của mình:
            Mặt trời ngủ em tôi đi
            Em không bán lịch lấy gì nuôi thơ?…
            Em đi đóng gói ban chiều
            Bao bì thật kín tránh điều nhiễu nhương
            Nhà tôi thung lũng mù sương
            Ai chê cũng đón, ai thương cũng mời…
                                    ( Em đi bán lịch )
            Thu Bồn có những ngày được an ủi với những câu thơ đọc lên ai cũng nhận thấy ấm lòng:
            trời sương đã xuống
tóc anh ướt đầm
            em đến hong khô bằng năm ngọn lửa của bàn tay
                                    ( Số 79 )
            Nhưng dù sao đau khổ, cô đơn vẫn như những đám mây buồn và khi đó niềm vui chỉ còn hiếm muộn như những tia nắng nhỏ: tình yêu em giàu có quá/ anh không quen tiêu tiền lớn trời cho/ em cười tặng anh hai má lúm đồng xu ( Số 44 ). Cho nên suốt đời Thu Bồn sau bao nhiêu lãng du cùng trăng sao, mây gió, vẫn không thôi một mong mỏi giản dị, làm một chú sao băng: trốn về trái đất ăn năn một lần/ rồi xin ở lại cõi trần/ làm thơ nhóm bếp đỡ đần cho em ( Ngôi sao lạc loài ). Ở đây, hình như với nhà thơ giang hồ, đã có lúc nghe tiếng cơm sôi lại nhớ nhà thì phải?
            Trở lên, có thể thấy nhà thơ Thu Bồn là kẻ tự do lãng du, kẻ ham chơi mút mùa, kẻ đánh đu cùng dâu bể, và là kẻ đào hoa trong tình yêu…Nhưng nếu một tính cách như vậy làm sao Thu Bồn có thể tồn tại được trong quân ngũ suốt mấy chục năm?. Thu Bồn biên chế tại Ban sáng tác của Tạp chí Văn Nghệ Quân đội, nghĩa là quân đội giải phóng cho ông khỏi các công việc hành chính, để chuyên tâm sáng tác. Bạn hỏi vì sao Thu Bồn có thể ở lâu như vậy trong một tập thể quân nhân?. Đơn giản vì tài năng, và lớn hơn, Thu Bồn là một người lao động thực thụ. Nếu không vì hai điều này, Thu Bồn đã có thể đi làm công việc khác. Thu Bồn xốc vác trong chặt cây, vượt thổ làm nhà, khuân đá xây lũy, lặn ao bắt cá, Thu Bồn cũng xốc vác cả trong cánh đồng chữ nghĩa. Bức chân dung tự họa của ông: một đời ta mò đáy khổ để làm thơ…/chữ với nghĩa lấm lem như đời hạt thóc ( Đêm Cần Giờ nghe Trịnh Công Sơn hát/ Vết sẹo tuổi thơ ) cho thấy Thu Bồn quan niệm công việc làm thơ như thế nào!. Với một bản năng trời phú hiếm có, không hám nhiều kiến thức sách vở, nhưng bù lại đầy ắp vốn sống, đặc biệt là vốn sống chiến tranh, vốn sống Tây Nguyên, Thu Bồn cần mẫn hơn cả một lão nông tri điền, thức khuya dậy sớm hơn cả loài vạc đêm. Ngày có thể vui bất tận, nhưng đêm cũng tận độ cô đơn, trằn lưng cùng chữ nghĩa. Mới gặp tưởng ông lãng tử vậy thôi, kỳ thực Thu Bồn là một người lính thứ thiệt và là một nghệ sỹ thứ thiệt. Ông từng viết: Cuộc đời mỗi con người chúng tôi gắn liền với cuộc chiến đấu và thế sự. Mỗi một con người có một cá tính nhưng đều mang hai khuôn mặt, hai tâm hồn: Người lính và nghệ sỹ*. Căn phòng nhỏ của ông tại tầng 1 khu tập thể số 4 Lý Nam Đế, đi xa thì chớ, nhưng nếu chủ nhà về thì từ đêm này sang đêm khác ngọn đèn điện hầu như không tắt ( nếu không may đêm nào mất điện thì đèn dầu ) và tiếng máy chữ đổ rào rào hầu như không dứt: Căn phòng nhỏ ngọn đèn dầu, thắp nén hương tôi viết/ Tôi viết những gì tôi tin tôi yêu tôi thương tôi tiếc/ và cả những gì đau xót đến chua cay/ Hà Nội ơi! Đêm nào đó Người có hay/ Ngọn bút rưng rưng ta viết về Người đó ( Hà Nội ngày nào )…
 Mấy chục năm liền như vậy, Thu Bồn để lại 4 tập thơ, 11 tập văn xuôi ( tiểu thuyết, truyện và truyện ngắn ), 14 trường ca và thơ dài. Mấy ai bì kịp Thu Bồn!

Thi sỹ của những niềm rung cảm lớn
Nhưng với một nghệ sỹ, lao động miệt mài chưa đủ, số lượng tác phẩm chưa nói lên được gì nhiều. Những gì Thu Bồn viết ra và sự tác động của chúng đối với người đọc mới là điều căn cốt. Giữa những ngày gian khổ của cuộc chiến đấu ở miền Nam, trong rừng sâu, Thu Bồn viết: Lòng tôi hướng về quê hương Cách Mạng/ lòng tôi mơ về Việt Bắc thân yêu (Trèo dãy Ngọc Linh ). Còn nhớ đầu những năm sáu mươi của thế kỷ XX, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ Diệm đang mịt mù, đen tối, Bài ca Chim Chơrao vượt tuyến ra bắc, sắt son và thiêng liêng như một lời thề, bất khuất như một bóng cây Kơnia, rắn rỏi và thơm thảo như tấm lòng của đồng bào các dân tộc vùng cao Tây Nguyên đối với Cách mạng. Ngay sau đó Bài ca Chim Chơrao được đưa vào chương trình học văn của các cấp. Bao nhiêu chàng trai, cô gái sau đó hăng hái lên đường ra mặt trận mang theo trong trí nhớ hình ảnh của Hùng và Y Rin với lòng quyết tâm sôi sục đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
 Còn nhớ tháng 9 năm 1969, đất nước đang giữa những ngày đau thương vĩnh biệt Bác Hồ, từ Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ sông Hàn có một người con không nén nổi đau thương, lặng ngắm phương Bắc, gởi về thủ đô những vần thơ hết sức thành kính:
                        Con xin gửi nắm đất nồng
                        Chắn đê giữ nước sông Hồng đang lên
                        Cho con là một mũi tên
                        Xòa năm cánh nhọn dương trên thành đồng
Đấy là giữa những ngày Bác mất, những ngày mưa lớn, nước sông Hồng dâng lên cao chưa từng thấy. Thu Bồn buồn lo quặn lòng.
            Bạn từ bãi biển Hi rôn
            Bạn còn kịp đến để hôn Bác Hồ
            Mà con trông đợi Bác vô
            Ngắm phương Bắc nhớ Thủ đô quặn lòng
                                    ( Gởi lòng con đến cùng Cha )
Lời thơ giản dị, hơi thơ thành kính, đau xót nhưng không mất đi niềm tin, đinh ninh như lời người con thưa với cha, đi sâu vào lòng người và ở lại đấy, lay động mãi tâm thức họ, những ai đã đọc một lần.
Thu Bồn là một trong những nhà thơ có nhiều tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có lần những người dân trong một thôn nhỏ giữa vùng sâu, sau một cuộc:  giặc Mỹ vừa càn/ Lửa còn cháy dưới tro tàn chưa nguôi, nhận được thư Bác Hồ. Việc đó được nhà thơ ghi lại cũng bình thường như bao sự việc khác trên đời. Đáng nói là Thu Bồn ghi lại với lòng biết ơn sâu sắc và không quên tự hứa với lòng mình: Con yêu đến nghìn lần tha thiết/ Những cây dừa chết đứng dưới trời xanh…/ Bác ơi, dù còn một chiếc lá tre sót ở góc vườn/ Con nhặt lấy ghi bài thơ chiến thắng ( Đêm nay thư Bác về thôn ).
Thu Bồn có cả một trường ca Trên vách đá Hồ Chí Minh, nói về tấm lòng tôn kính của nhân dân vùng cao Tây Nguyên với Bác Hồ trong những ngày mở đường đi đánh giặc. Bất chấp kẻ thù là tên giặc Mỹ mắt xanh hăm dọa, những người con vùng cao đục đá mở đường và khắc lên vách đá tên Bác Hồ để nuôi hy vọng chiến thắng. Lời thơ phảng phất sử thi Tây Nguyên để nói về một đề tài hiện đại. Điều cần ghi nhận ở trường ca này là khả năng hóa thân của tác giả thành những người đục đá mở đường mang trong mình sức mạnh của đức tin không gì có thể lay chuyển được.
 Ở một bài thơ khác: bài Tiếng trống Nam Ô, nói về Đà Nẵng sông Hàn những ngày trống giục xuống đường chống Mỹ ngụy giải phóng quê hương, Thu Bồn nhận ra trong mắt hàng ngàn người xuống đang đường kia có hình ảnh Bác Hồ: Quê con đã nổi dậy rồi/ Bác ơi! dù Bác da mồi tóc sương/ Những là đêm nhớ ngày thương/ Sông Hàn một dải quê hương đợi Người ( Tiếng trống Nam Ô )…
 Thu Bồn không những là người viết sớm, mà còn là tác giả ngoại cỡ ở thể loại trường ca, có tầm ảnh hưởng lớn đến những tác giả sau ông về thể loại này. Có đến 14 trường ca và thơ dài. Đa phần dài mấy trăm câu, có khi tới hàng ngàn câu ( Bài ca Chim Chơrao 920 câu, Bazan khát 1303 câu, Campuchia hy vọng 1409 câu, Oran 76 ngọn 1745 câu…). Trường ca là giao hưởng của những rung cảm lớn mang tầm thời đại, bắt nhịp với không khí thời đại, mang âm hưởng tinh thần của thời đại, được viết với nội lực xúc cảm mạnh mẽ, cường tráng và tư tưởng trí tuệ mạch lạc. Trường ca của Thu Bồn mang đậm chất sử thi của công cuộc dựng nước, giữ nước, hòa trộn với sự bay bổng của những thiên tình sử bi tráng và chất lãng mạn mê đắm của Thu Bồn.
Tiếp theo Bài ca Chim Chơrao, trường ca Bazan Khát là bài ca về Tây Nguyên hùng vỹ kiên cường trong lịch sử của thời đại đã qua, gan góc và không quản hy sinh trong hiện tại và tràn đầy hy vọng trước tương lai. Campuchia hy vọngOran 76 ngọn là lịch sử đau thương, tủi nhục của một dân tộc và sự hy sinh cao cả của những người lính tình nguyện Việt Nam, những người thắp lên ngọn lửa của niềm tin đối với một dân tộc. Người gồng gánh phương Đông là trang sử buổi đầu dựng nước, giữ nước và mở mang bờ cõi hào hùng của những người con của mẹ Âu Cơ vỹ đại, vv…Hãy đọc một vài đoạn để được ngập trong hơi khí của những rung cảm lớn đậm chất sử thi bi tráng mà Thu Bồn tạo ra: Ta đã đi khắp nơi trên trời đất/ Chưa nghe ai có tiếng nói như em/ Gươm ta từng gạt vạn mũi tên/ Chưa bao giờ ta xuống ngựa/ Sắc đỏ hỡi nói gì về ngọn lửa/ Em là ai? Cô gái ngước nhìn bằng tia sáng sao mai ( Người gồng gánh phương Đông ); Những ước mơ con người như suối chảy/ Đá vô tri nhưng đá biết lầm lì/ Tiếng vượn hú rất xa ngoài giấc ngủ/ Em thơ ơi hãy thức dậy để nhận quà/ Tiếng lá rụng mùa thu rất khẽ/ Như làn hôn năm tháng đã đi qua; Tim tôi gióng hồi chuông cấp báo/ Tôi đã đồng hành cùng gió bão/ Biết mặt từng đám mây khi giông tố nổi lên; Gió đi qua những mộ chí không lời/ Bài hát lớn cất lên từ lòng đất ( Người vắt sữa bầu trời ); Mặt nước ngủ yên lòng đất/ biển mặn dòng sông đỏ máu người/ trời cao giọt mưa rơi không thấu đất/ những tháng năm hút cạn những ao hồ/ lá sen làm mồi nhen lửa/ lá sen không còn gói cốm vàng/ chim vàng ơi chim vàng bay về đâu ( Con chim vàng chốt lửa ); Chúng tôi đi bằng cả hai tay/ Bò qua mắt một binh đoàn địch/ Bò qua bãi mìn mo/ Bò qua sự dối lừa của muôn cái chết/ Bò qua rắn rết/ Bò qua bờ cỏ may/ Bò qua mồ hôi rách nát hai cùi tay/ Bò như thể mình chưa bao giờ đứng dậy/ Xôrita đã kiệt sức rồi,… Tổ Quốc ơi! Người đẻ ra sông núi/ Người sinh ra chúng con để bảo vệ núi sông/ Dân tộc này sống dọc Mêkông/ Hiền như nước sục sôi như nước; Người tình nguyện quân ngã xuống Công Pông Thơm/ Bình toong sắt gửi về nhà gió lùa năm lỗ đạn/ Chiếc ba lô đựng cuộc đời trong sáng…/; Mùa thu đến ì ào cơn gió thổi/ Mang bè trầm 76 ngọn Oran/ Đó là bài hát gởi về Tổ Quốc xa xăm/ Mẹ hãy nhận giùm con…; Hỡi Oran người che giấu những vực sâu bằng những chiều cao/ hỡi Angkor cánh buồm nhân loại thuở hoang sơ/ chiến thuyền đá nằm im trên ốc đảo/ Tông lê xắp! ta yêu người với những ngón tay xòe/ những ngọn nước hết mình hăm hở…( Oran 76 ngọn )…Quả là điệp trùng trong ngôn ngữ Việt. Hiển nhiên viết hàng vạn câu, trong đó có những tác phẩm cùng một đề tài, đòi hỏi những khác biệt lớn trong cách viết, trong cách triển khai cảm hứng, trong cấu trúc, hoặc là trong ngôn từ…là không thể. Bằng những gì đã có, Thu Bồn xứng đáng là một trong những nhà thơ có những đóng góp đặc biệt trong thể loại trường ca.
Nếu cần tìm một thi sỹ đích thực, một thi sỹ có thể sẵn sàng đánh đổi tất cả vì thơ, không màng đến bổng lộc, công danh, quan chức ( chức cao nhất của Thu Bồn là tổ trưởng tổ làm cỏ sắn hồi cơ quan tham gia lao động tại vùng núi Mỏ Chén, Sơn Tây, thì phải ), chỉ muốn sống để được viết, một người sống cho mình, có chút hưởng thụ của riêng mình, sống theo cách của riêng mình, sống để sáng tạo văn chương, tôi không chút ngần ngại chọn Thu Bồn. Thơ Thu Bồn là nơi hội tụ những công lực mạnh mẽ, đột sáng với thứ ánh sáng bản năng được thăng hoa cùng với những liên tưởng độc đáo của trí tuệ. Mùa điệp nở chạm vào má em là cháy/ Đỏ chập chờn trên nòng súng tôi đi ( Razolip ). Hình ảnh đẹp nhưng có gì đó hơi khiên cưỡng khi đưa nòng súng vào đây chăng?. Nhưng bạn và tôi là người đến sau, không hiểu hết những năm tháng gian lao kia, chiến trường đang cần súng, cũng như khi Chính Hữu viết đầu súng trăng treo vậy, chẳng có gì khiên cưỡng cả. Điều cần ghi nhận ở đây là hình ảnh bông điệp chạm vào má em là cháy, như một sự trộn lẫn giữa hiện thực và siêu thực đã gợi lên cảm xúc về cái đẹp có thật. Nhưng những câu thơ hiện thực “nghiêm ngặt”, cũng không thiếu trong sáng tác của Thu Bồn: Cái đói qua đêm sét đánh hãi hùng…/ Hồi đó em xanh xao như tàu lá…/cái khuôn mặt xanh xao như lá úa ( Hà Nội ngày nào ). Còn nếu muốn tìm những câu thơ đầy cảm giác, đầy linh cảm…cũng không khó: Có thể nối hết những con đường thơ mộng/ những ai đi đến với mặt trời; Càng lẫn tránh càng khiến ta nhìn thấy/ Sau một làn voan mỏng mắt em ( Hà Nội ngày nào ). Một ngày về quê biết là mất đi mãi mãi hình dáng mẹ, và tất cả trở nên lạ lẫm, cả cánh cò vô tri vô giác kia: Chẳng còn ai mỏi mắt đợi con về/ Con cò bay lạ lẫm cánh đồng quê ( Mẹ ). Cánh cò trở nên lạ lẫm là vì đã mất đi mãi mãi người mẹ, người thường vì ta mà thức khuya dậy sớm: Mẹ hiện về lim dim lửa đỏ/ Chớ rưới thêm dầu nồi cháo cá đang sôi ( Đêm Cần Giờ nghe Trịnh Công Sơn hát ). Trở về tuổi thơ, ngậm ngùi trước khung cảnh quê hương tưởng như muôn đời không thay đổi: Đứa bé nào kia nhặt thóc trên đồng/ như nhặt lại tuổi thơ tôi rơi rụng ( Vết sẹo tuổi thơ ). Một lần đến Ba Tri trong cái sắc màu vàng giát kia ( màu vàng thường tràn ngập trong thơ Thu Bồn: quê hương mặt trời vàng, Nàng công chúa áo vàng, Con chim vàng, Quán bia Cổ Tân ngập cơn lũ lá vàng, mật ong vàng, rượu thốt nốt vàng, thu vàng, vàng son, chiêng vàng, chiêng bạc...vv) , có phải người viết đã hóa thân vào thân phận Cụ Đồ, nhà thơ yêu nước: Đường Ba Tri gập ghềnh thương mắt lòa Đồ Chiểu/ Mặt trời tà vàng giát đảo Hà Tiên ( Qua Cửu Long giang ). Đấy là những câu thơ sâu trong tâm cảm và đầy trong thị cảm. Một lần đến Huế, cảm giác về sự hưng phế của thời gian như đang cùng hiện lên với những mắt em nâu, với mặt trời vàng, rất lạ: Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng/ Mặt trời vàng và mắt em nâu ( Tạm biệt Huế ). Cũng tại Huế một câu thơ của Thu Bồn đủ cho ta hình dung về Huế: Áo trắng hỡi, thuở tìm em không thấy/ Nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền ( Tạm biệt Huế ). Cũng với Huế, một lần khác, một cảm giác khác buồn đau không sao cất thành lời: Đứng trước Huế còn những ngôi đền cổ. Những thần tượng vàng son loang lổ, cả một thời gian khổ chúng tôi qua ( Tôi nhớ mưa nguồn ). Hình như cay đắng đã nếm đủ, như thế đối với ông, không còn non cao biển sâu nào còn lạ lẫm nữa, ẩn chứa trong câu thơ này: Rượu thế sự chảy tràn li đắng/ Non không cao, biển chẳng còn sâu ( Chợ huyền thoại ). Với Thu Bồn ký ức và kỷ niệm luôn hiện hình trong dáng vẻ của hoài niệm, của nỗi buồn hiện tại: con đò ngày trước em đưa anh sang sông/ bây giờ thành nỗi nhớ/ những chiếc lá tre vàng trôi ra biển/ chở nỗi buồn của tôi đến hòn đảo những loài chim ( Số 42 ). Anh yêu em như loài kiến/ Yêu sự ngọt ngào/ đến chết giữa lòng hoa ( Bazan khát ). Với Thu Bồn mỗi khi tự giải thích những day dứt trong tâm hồn thường đi liền với mặc cảm xót xa: Giờ ngoái lại ngàn lau cúi rạp/ Có nghĩa là em hát suốt mùa đông ( Ngược sáng ). Vì sao lại thế, sao ý câu trước lại có vẻ xa ý câu sau như thế, trong câu thơ này cũng như trong rất nhiều câu thơ khác, xin đừng giải thích, chỉ một chút rõ ràng sẽ xóa đi cái mơ hồ không gì thay thế được, nhưng cũng là cái hay không lý giải được của ngôn từ thơ Thu Bồn…
 Tất cả những câu thơ tài hoa mang thương hiệu Thu Bồn trên đây cho thấy tác giả của chúng đã viết trong trạng thái thăng hoa trộn lẫn bởi nhiều phẩm chất của những gì nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy, nghĩ thấy…vào một thời điểm tựa như trái cây tự tỏa hương khi đã chín. Ấy có thể là lúc ngòi bút được điều khiển bởi những khả năng ngoài bản thể. Người ta hay nói đến thần bút có phải vậy chăng?. Nhưng nói vậy không phải để thần bí hóa việc làm thơ. Bởi làm thơ là lao động tích tụ. Nói một cách giản dị, làm thơ là khuân vác cả núi đất đá rồi tỉ mỉ ngồi lì, gạn cả núi đất đá ấy tìm một mạt cám vàng. Công việc ấy,Thu Bồn nói một cách gan ruột: một đời ta mò khổ để làm thơ…/ Chữ với nghĩa lấm lem như đời hạt thóc ( Đêm Cần Giờ nghe Trịnh Công Sơn hát/Vết sẹo tuổi thơ ).

*

Khoảng từ đầu những năm bảy mươi đến đầu những năm chín mươi của thế kỷ XX, Thu Bồn thường trú tại số 4 phố Lý Nam Đế, Hà Nội. Hà Nội chứng kiến toàn bộ sức trẻ của tôi. Ngôi nhà số 4 chứa đựng nỗi niềm của tôi…Tiếng máy chữ đêm đêm vọng ra từ những căn phòng nhỏ. Hành lang hun hút gió mùa đông bắc **. Căn phòng nhỏ tầng 1, mùa hè nóng và ẩm, nơi điện sáng thâu đêm, máy chữ đổ thâu đêm ấy, chứng kiến sự ra đời những tác phẩm quan trọng của Thu Bồn, như tiểu thuyết Dưới đám mây màu cánh vạc, Chớp trắng và rất nhiều trường ca cũng như hàng trăm bài thơ tình không kịp đặt tên khác. Những buổi trưa hè, thấy ông ngơi việc, mấy đàn em chúng tôi lại lân la tụ bạ chầu rìa. Thỉnh thoảng tạt qua khi lâu khi chóng những bóng người sau một làn voan mỏng khi quen khi lạ. Chiếu trải trên sàn nhà, bia dốc từ can nhựa, đậu thịt tràn trên lá chuối, mù mịt khói thuốc, ngào ngạt mắm tôm và các thứ rau mùi, chủ nhà bệ vệ như già làng, nhễ nhại mồ hôi và rổn rảng cười nói những chuyện trên trời dưới bể. “ Giao ban” chỉ chấm dứt khi cốc bia cuối cùng vừa cạn. Những buổi trưa như vậy mãi mãi đã ra đi khuất sau những rặng núi cùng cái bóng cao lớn, vạm vỡ mà hiền hậu của Thu Bồn.
Nhớ lại buổi chiều tối đầu tháng sáu vừa rồi tại Đà Nẵng, dưới chân Hải Vân, nhìn ngược lên, chợt thấy ngôi sao trên đỉnh ngọn đèo lấp lánh như đang rớm lệ. Hải Vân ơi! Xin người đừng tắt ngọn sao khuya. Viết câu thơ này, chắc đã có lần Thu Bồn cũng đứng ở đây, nhìn về bên kia, với tâm nguyện xin đừng để tắt ngọn sao khuya xa xót của riêng mình. Còn tôi, người viết những dòng này, cũng với tâm nguyện, XIN NGƯỜI ĐỪNG TẮT NGỌN SAO KHUYA, khi nhìn lên, thấy bóng dáng nhà thơ Thu Bồn như vẫn còn kia, trong bóng núi, dưới ánh sáng của ngôi sao như ngọn đèn thức thâu đêm tại căn phòng nhỏ của ông năm nào.