Năm 1949, mọi điều chứng tỏ không thể có một nước Đức thống nhất. Tại các vùng đất do các nước Anh, Mỹ, Pháp quản lý hình thành một nhà nước riêng. Đáp trả, Nga thành lập ra nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Vị thế của Honecker tăng lên rất nhanh: Ông trở thành người đứng đầu tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản của Cộng hòa dân chủ Đức. Năm 1955, một lần nữa Erich Honecker được phái sang Nga-Xô Viết học tập, nhưng lần này là tại trường Đảng cao cấp. Năm 1958, trở lại Đức, ngay lập tức Erich Honecker được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng Xã hội thống nhất Đức (ra đời sau sự liên kết giữa những người cộng sản và những người xã hội dân chủ). Để đáp lại những vấn để về an ninh, trong thời gian xẩy ra cuộc khủng hoảng vào năm 1961, Erich Honecker là một trong những người quyết định xây dựng bức tường Berlin. Ba mươi năm sau, bức tường Berlin trở thành một trong những cái cớ để người ta buộc tội và đưa ông vào tù.



ERICH HONECKER CÓ VAI TRÒ GÌ TRONG SỰ SỤP ĐỔ CỦA BỨC TƯỜNG BERLIN? 

TÔ HOÀNG 

PHẦN I               
Erich Honecker sinh tại Neunkirchen, quận Saar, trong gia đình thợ mỏ. Saar là đất Đức nhưng sau Thế chiến I bị tách khỏi Đức, nằm dưới quyền kiểm soát của Hội Quốc Liên. Những người thợ mỏ ở đây được trả lương bởi đồng tiền đền bù chiến tranh của Pháp.               
Tình hình kinh tế nặng nề, quy chế nhục nhã mà nước Đức lãnh đủ do hậu quả chiến tranh đã thúc đẩy giới thanh niên phải lựa chọn-hoặc là theo cánh tả hoặc là theo cánh hữu. Chàng thiếu niên 10 tuổi Erich tham gia vào một nhóm thiếu niên cánh tả. Bước qua tuổi 14 Erich trở thành thành viên của Liên đoàn thanh niên Cộng sản Đức.               
Để trở thành đảng viên cộng sản tại Đức không dễ dàng gì. Chính quyền luôn luôn nhìn họ với ánh mắt nghi ngờ; tầng lớp đang “ phất cờ” thì thấy họ là kẻ thù nguy hiểm nhất, còn những người dân tộc chủ nghĩa thì thẳng tay trừng trị. Nhưng Erich Honneker không hề biết sợ. 
Từ Nhật ký trong tù của Erich Honecker: “Thế giới đã hoàn toàn thay đổi. Sự đối kháng với chủ nghĩa đế quốc sẽ tăng lên. Và sẽ tiếp tục tăng. Quá trình tiến triển của lịch sử đang diễn ra như vậy…”              
Erich làm nghề nông, sau chuyển sang làm thợ xây dựng nhà cửa đồng thời vẫn hoạt động tích cực trong các tổ chức thanh niên cánh tả. Năm 1930 những đồng chí già của anh quyết định đưa anh sang học ở nước Nga-Xô Viết, tại trường quốc tế mang tên Lenin. Tại nước Nga, Erich không chỉ học tập mà còn tham gia đội tình nguyện quốc tế góp phần xây dựng công trình liên hợp gang thép Magnhitogorsk.
BỊ BẮT
Ở Nga về, Erich lãnh đạo tổ chức thanh niên cộng sản của vùng Saar. Lúc này ông đã là đảng viên đảng cộng sản. Vào năm 1933 sau khi những phần tử Quốc xã lên nắm chính quyền, đảng Cộng sản Đức bị cấm hoạt động. Nhưng vì vùng Saar thuộc quyền bảo trợ của Hội Quốc Liên nên lệnh cấm này không có hiệu lực. 
Vào tháng giêng năm 1935 số phận vùng đất Saar sẽ được quyết định bởi một cuộc trưng cầu dân ý. Những người cộng sản chống lại việc sát nhập Saar với Đức , nhưng đa số tán thành. Erich có thể bị bắt giam nên ông buộc phải sang Pháp. 
Từ Nhật ký trong tù của Erich Honecker: “Nhốt cùng khám với tôi là một anh chàng Di gan. Chúng tôi khá hiểu nhau.Đêm xuống tôi rất khó ngủ. Thường phải uống một vài viên thuốc. Chứng khó ngủ này còn kéo dài dài…”               
Tháng 8 năm 1935 ông được cử tới hoạt động bí mật ở Berlin. Erich mang theo một cái máy chữ với dự định phát tán những tài liệu của tổ chức Cộng sản. Nhưng tất cả không lọt khỏi cặp mắt của cơ quan mật vụ GHETAPO. Đến tháng 11, người cộng sản trẻ tuổi Erich Henneker bị bắt. Đây là lần đầu tiên Erich bị giam cầm tại nhà tù Moabit nổi tiếng tại Berlin.               
Sau một năm rưỡi bị giam giữ tại đây, Erich bị kết án 10 năm tù. Ông bị chuyển qua nhà tù Brandenbrg. Trong suốt thời gian ấy Erich tỏ ra là một đảng viên trung kiên, không chịu đầu hàng. Nhưng con đường tiến thân của Erich suýt bị gẫy khúc khi ông yêu Sarlotta Sanuel- một nữ giám thị của nhà tù này. Mãn hạn tù Erich đã cưới Sarlota Sanuel làm vợ.               
Nhiều chiến hữu đã lên án Erich trong mối quan hệ ấy. Kết quả, ông bị điều chuyển tới làm việc tại Liên đoàn thanh niên tự do Đức mới được thành lập.
Từ Nhật ký trong tù của Erich Honecker: “Hôm qua, sau một thời gian dài, tôi may mắn gặp lại Erikh Milk. Anh ta đang dạo chơi cùng một cô nữ y tá. Tôi gọi to tên anh, nhưng tuyệt nhiên không thấy anh ta đáp lại.Tôi cố gắng gọi to hơn, thêm một lần nữa. Vẫn không nhận ra một phản ứng gì từ phía anh ta. Thậm chí anh ta còn không ngẩng đầu lên, không nhìn về phía tôi nữa. Hiểu ra rằng, anh ta không muốn trả lời. Tôi không tin rằng Erkh Milk có thể xử sự như vậy”.               
Sarlota mất năm 1947. Vài năm sau Honneker kết hôn với Edit Bauman, một đồng chí trong Liên đoàn Thanh niên. Vào năm 1950, bà này sinh cho ông một người con gái.
CON ĐƯỜNG CÔNG DANH               
Đến năm 1949, mọi điều chứng tỏ không thể có một nước Đức thống nhất. Tại các vùng đất do các nước Anh, Mỹ, Pháp quản lý hình thành một nhà nước riêng. Đáp trả, Nga thành lập ra nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Vị thế của Honecker tăng lên rất nhanh: Ông trở thành người đứng đầu tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản của Cộng hòa dân chủ Đức.             
Năm 1955, một lần nữa Erich Honecker được phái sang Nga-Xô Viết học tập, nhưng lần này là tại trường Đảng cao cấp. Năm 1958, trở lại Đức, ngay lập tức Erich Honecker được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng Xã hội thống nhất Đức (ra đời sau sự liên kết giữa những người cộng sản và những người xã hội dân chủ).              
Để đáp lại những vấn để về an ninh, trong thời gian xẩy ra cuộc khủng hoảng vào năm 1961, Erich Honecker là một trong những người quyết định xây dựng bức tường Berlin. Ba mươi năm sau, bức tường Berlin trở thành một trong những cái cớ để người ta buộc tội và đưa ông vào tù.
Từ Nhật ký trong tù của Erich Honecker: “Đài phát thanh cho biết, sau 30 giờ bay, Margot sẽ tới Chile. Nhưng vì sương mù, máy bay không thể hạ cánh nên đành quay về Arghentina.Tại Chile những người xã hội chủ nghĩa chào đón Margot. Tin tức về chuyến bay đưa Margot trở lại Arghentina an toàn khiến tôi nhẹ lòng”.               
Vào đầu những năm 1970, kinh tế của Công hòa Dân chủ Đức phát triển khá nhanh. Những người lãnh đạo Xô Viết ghi nhận một thời kỳ chuyển đổi mới đã tới. Trong những cuộc bàn bạc, tranh luận trong nội bộ của Đảng Xã hội thống nhất Đức nẩy sinh ý kiến Tổng bí thư Đảng và cũng là người đứng đầu nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức Vanter Ulbrikt đã đến lúc cần nghỉ ngơi. Nga-Xô Viết ủng hộ ý kiến đó.  Và tháng 5 năm 1971 Erich Honecker trở thành người lãnh đạo Đảng xã hội Thống nhất Đức.  
NGƯỜI  XÂY DỰNG “CHIẾC TỦ KÍNH XHCN”               
Erich Honecker ở vị trí chèo lái của nước Cộng hòa Dân chủ Đức gần hai mươi năm. Và hai chục năm ấy có thể coi là “ thời kỳ nở hoa” nhất của Đông Đức. Vào thời điểm Honecker mới nhận vai trò lãnh đạo, ngoài những vấn đề kinh tế ra, còn một loạt vấn đề về vị trí quốc tế của Đông Đức chưa được giải quyết. Cộng hòa Dân chủ Đức không phải là thành viên của Liên Hợp quốc. Quan hệ với các nước phương Tây rất phức tạp, chưa nói đến quan hệ với Cộng Hòa Liên Bang Đức.             
Mặc dù về phương diện kinh tế Đông Đức còn thua kém Tây Đức, nhưng bước vào đầu những năm 1980 Honecker đã biến Đông Đức thành “Chiếc tủ kính của Chủ nghĩa xã hội”. Ở đây nhiều điều “cởi mở” hơn các nước khác thuộc phe xã hội chủ nghĩa. Không thắng được trong cuộc cạnh tranh với Liên Bang Đức nhưng dòng người ồ ạt từ Đông Đức bỏ qua Tây đức đã chấm dứt. Điều này tuyệt nhiên không phải vì có sự cản trở của bức tường Berlin. Đời sống ở Đông Đức khá ổn định, mang tới sự dễ thở. Những ưu điểm ấy, đáng tiếc sao, chỉ được nhìn nhận, đánh giá hết sau khi nước Cộng hòa dân chủ Đức không còn tồn tại. 
Từ Nhật ký trong tù của Erich Honecker: “Hôm qua tôi đọc lại những tài liệu liên quan tới mối quan hệ giữa Cộng hòa dân chủ Đức và SEP (viết tắt của Hội đồng Hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc phe XHCN). Trong những tài liệu đó còn giữ lại những đề xuất của tôi giữa Cộng hòa Dân chủ Đức và Liên bang Đức có thể có nhiều phương diện cùng hợp tác. Dĩ nhiên đấy cũng mới chỉ là những ý tưởng. Tôi không quên điều này. Chúng ta không tự khép cửa như bọn thù địch vẫn rêu rao...”.

                                             PHẦN 2
Áp lực nặng nề đối với những người lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Đức sẽ diễn ra vào mùa hè. Honecker xử sự một cách thận trọng với Gorbachov - kẻ đào mồ chôn CNXH để lên nắm quyền lực. Là một nhà hoạt động chính trị có kinh nghiệm, Honecker nhanh chóng hoài nghi ngay rằng, phía sau những khẩu hiệu om sòm của người đứng đầu nước Nga - Xô Viết lúc đó không hề chứa đựng một hoạch định gì sâu sắc, có ý nghĩa. Phe XHCN cần tới những cải cách được suy ngẫm kỹ, trước hết trong lĩnh vực kinh tế, nhưng Gorbachov chỉ chắm chú vào phương diện đối ngoại. Honecker đã nhìn thấy trong các hoạt động của Gorbachov tính chất phiến diện, sự nhượng bộ không gì biện minh nổi trước phương Tây và Erich không ngại bộc lộ chính kiến của mình với những quyết sách đó của Gorbachov.
Từ Nhật ký trong tù của Erich Honecker: “Tôi phát lộn mửa với cái gọi là “ngôi nhà chung châu Âu” mà Gorbachov ra rả xưng tụng. Tiếp theo một trợ thủ của ông ta, ông Iakovlev đã công khai đẩy vấn đề đi xa hơn: “Vào năm 1917 khi chủ nghĩa Mac Lenin chiếm lấy vũ đài, có nghĩa là một cuộc khủng hoảng đã xẩy ra trên thế giới này”. Tôi cũng còn nhớ rất rõ diện mạo tên tư sản ti tiện của công cuộc cải tổ kia, khi ông ta giải thích cho tôi chiến lược của ông ta và nói thêm, bà vợ Raisa của ông ta phải nắm giữ một vai trò như thế nào. Tôi cũng nhớ Gorbachov đã chờ đợi một cách đầy lo lắng phản ứng và cảm tình từ tổng bí thư các đảng cộng sản khác. Đối với ông ta thể diện cá nhân luôn luôn là điều quan trọng hơn tất cả. Có một lần khi ông ta tỏ ý hoài nghi vào bản thân, tôi đã tìm cách an ủi ông ta. Nhưng thật ra, những tràng vỗ tay của phương Tây đối với ông ta là quan trọng nhất”.               
Đường lối chính trị của Gorbachov làm rung lắc toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa. Những ai chống đối đường lối đó lập tức bị quy chụp là bảo thủ và phải nhanh chóng rút lui. Vào năm 1989 Honecker ốm nặng, tạm thời buộc phải rời bỏ công việc đang làm. Những người ủng hộ Gorbachov tại nước Cộng hòa Dân chủ Đức quyết định chặng đường đi mới, sau khi loại bỏ người thủ lĩnh già. 
Ngày 17 tháng 10 năm 1989 tại Hội nghị Bộ Chính trị Đảng Xã hội thống nhất Đức, một nghị quyết được thông qua: mãn nhiệm Erich Honecker. Về thực chất, mọi việc đã được quyết định. Những người cộng tác thân tín nhất của ông cũng bị loại bỏ. Erich Honecker cũng không muốn chống đối lại. Từ thời thanh niên ông đã nhiễm phải thói quen chấp hành mọi ý kiến của Đảng. Và thế là tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Xã hội thống nhất Đức một quyết định ra đời nhất trí để Erich Honecker nghỉ vì lý do sức khỏe.
Từ Nhật ký của Erich Honecker: “Vì áp huyết cao tôi phải nhập viện. Ở Viện người ta săn sóc tôi khá tốt. Tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Qua radio tôi được biết quốc hội đã cho phép Margot trở về xứ sở. Tôi hay nghĩ tới Margot. Đó là người quá gần gụi với tôi”. 
TÌNH YÊU BỊ CẤM ĐOÁN VÀ LÒNG TRUNG THỦY BỀN LÂU.          
Con đường công danh của Erich Honecker có thể tiến triển mạnh ngày từ năm 1952, nhưng Margot Faist, cô gái 25 tuổi lãnh đạo tổ chức thanh niên cộng sản mang tên Erist Telman đã sinh cho ông một bé gái, dù hai người chưa đăng ký kết hôn. Điều này bị coi là đã nêu tấm gương xấu đối với thanh thiếu niên.               
Ở nước Nga - Xô Viết, nếu xẩy ra trường hợp tương tự thì “kẻ tội đồ” sẽ bị tước thẻ Đảng, nhưng tại nước Đức luật lệ thông thoáng hơn. Erich Honecker ly dị bà vợ đầu, cưới bà vợ sau và Margot Faist sẽ trở thành người bạn chung thủy của ông đến tận những ngày cuối cùng của cuộc đời.               
Margot Honecker trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức ngay trước khi chồng bà trở thành Chủ tịch nước và chỉ rời khỏi cương vị này khi Erich Honecker bị ép nghỉ. Người ta ghép cho vợ chồng ông nhiều tội, nhưng quả là dưới thời bà Margot Faist nền giáo dục của Cộng hòa Dân chủ Đức phát triển rất tốt. Margot hoàn toàn không phải là “viên tướng sát thủ có bàn tay vàng” như bị luận tội.               
Erich Honecker bị huyền chức bởi tội tham nhũng. Báo chí hiện hành lúc đó đầy ắp bài vở, tin tức về “những tỷ tỷ tiền của Honneker”. Tay chân thân tín của ông bị bắt giam, còn người ta tịch thu của Honecker bộ sưu tầm vũ khí vốn là quà người ta tặng ông. Dần dà số “tỷ tỷ tiền của Honneker” chỉ là 218 ngàn mark (tiền Đức). Đối với một người chiếm cương vị cao ở một quốc gia trong 20 năm, số tiền đó không có gì đáng ngạc nhiên. Thật là một chuyện huyền thoại được thêu dệt trắng trợn. Nhưng nỗi đau của gia đình Erich Honecker cũng mới chỉ bắt đầu. Một lần, đang ngồi xem tivi Honecker bỗng nhận ra rằng mình bị ung thư thận. Các bác sỹ đã báo kết quả xét nghiệm cho báo giới trước khi ông biết.               
Cách đó không lâu, hai vợ chồng ông - đúng là bị hất ra ngoài đường phố. Những người lãnh đạo mới của nước Đức nói họ sẽ biến căn biệt thự của vợ chồng ông thành một khu an dưỡng. Tháng Giêng năm 1990, Erich Honecker cắt bỏ khối u ở thận. Ông vừa xuất viện người ta bắt giữ ông liền. Ít lâu sau lại thả ra. Gia đình Honecker không biết sống ở đâu. Họ chỉ được phép cư ngụ ở một ngôi nhà thờ. Cuối cùng họ đành lánh nạn tại khu đất quân sự thuộc Nga - Xô Viết. Tại một viện quân y, Erich biết rằng ung thư đã di căn sang gan.
“GORBACHOV KHÔNG NHẬN RA ÔNG TA ĐÃ BIẾN THÀNH MỘT KẺ ĐÊ MẠT” 
Từ Nhật ký trong tù của Erich Honecker: “Nắm được quyền lực trong tay, với tư cách Tổng Bí thư Gorbachov giơ tay đầu hàng và sau đó phá nát toàn bộ Đảng Cộng sản Liên Xô. Bây giờ ông ta sống bằng tiền từ ngân hàng nước ngoài; đồng dollar đối với ông ta nặng hơn đồng rúp nhiều. Tất cả những kẻ ủng hộ chiến tranh lạnh từ Reigan đến Bush đều đứng lên bảo vệ ông ta. Bản thân Gorbachov không nhận ra ông ta đã biến thành kẻ đê hèn ra sao. Đối với ông ta, bắt tay với Cộng hòa Liên bang Đức  trong mọi trường hợp, đều là phương án tối ưu”.              
Mùa thu năm 1990 diễn ra việc thống nhất nước Đức. Cộng hòa dân chủ Đức, đúng ra là bị nuốt chửng. Thủ lĩnh nước Nga Mikhail Gorbachov “chúc mừng”, còn bà Margaret Thatcher và ông Francoi Mitteran thì biểu hiện nỗi thất vọng.               
Tồi tệ hơn, Gorbachov hoàn toàn không đả động gì tới khả năng xấu, ví dụ như ủng hộ một nước Đức thống nhất đồng nghĩa với việc mở đường cho khối NATO tiến sang phía Đông. Còn đối với “các chiến hữu cũ” ở Cộng hòa Dân chủ Đức Gorbachov cũng không hề đả động tới việc cho họ tị nạn ở đâu đó trên lãng thổ nước Nga.               
Hồ sơ của Erich Honecker được chuyển qua Tòa án tối cao Cộng hòa Liên bang Đức. Bây giờ ông bị ghép tội đã ký lệnh sử dụng vũ khí trên vùng biên giới giữa Cộng hòa Dân chủ Đức và Cộng hòa Liên bang Đức, đưa tới hậu quả cướp đi sinh mệnh của mấy chục người.. Những người cầm quyền ở nước Đức mới còn vu cho Erich Honecker nhiều tội lỗi vô lý khác. Thực chất là chỉ che đậy việc họ không được phép đột nhật vào một bệnh viện quân sự của quân đội Nga trên đất Đức để bắt giải Honecker. 
TÌM KIẾM NƠI ẨN NÁU              
Ngày 13 tháng Ba năm 1991 một máy bay quân sự của Nga - Xô Viết chở vợ chồng Erich Honecker sang Nga. Dẫu sao thì phe cánh của Gorbachov cũng không thể không tỏ ra chút lịch sự khi bỏ rơi một con bệnh cao tuổi đã từng là chiến hữu của mình. Liên bang Đức tỏ ra phẫn nộ nhưng cũng không làm lớn chuyện. Xô Viết tối cao Nga - Xô Viết vẫn chưa từng chấp nhận những gì liên quan tới một nước Đức thống nhất! Liên bang Đức không muốn làm tình hình nóng thêm. Nhưng tình huống đối với Honecker ngày càng xấu hơn. Ảnh hưởng của Gorbachov tụt xuống con số 0. Cộng hòa Liên bang Đức công khai yêu cầu phải trả Erich Honneker cho họ. Còn những nhà dân chủ mới nổi ở nước Nga thì tỏ ra hí hửng, vui mừng vì trả Honneker về Đức tức thoát khỏi “một tên độc tài đỏ”.               
Vào đầu tháng 12 năm 1991, Chính phủ Cộng hòa Liên bang Nga tuyên bố Erich Honecker có 2 khả năng để lựa chọn: Hoặc Honecker tự nguyện ra khỏi nước Nga, hoặc họ sẽ dùng sức mạnh trả ông về Cộng hòa Liên Bang Đức. Ngày 11 tháng 12 Erich và Margot chạy trốn vào ẩn náu trong địa phận của Đại sứ Chi Lê ở Moskva.              
Như ta còn nhớ vào năm 1973, tại Chi Lê xẩy ra chính biến phát xít. Nhiều người ủng hộ Tổng thống Sanvador Alende đã tìm được nơi ẩn náu tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Trong số người lánh nạn ấy có ông Clodomiro Almeida, vào thời điểm này đang là Đại sứ Chi Lê tại Cộng hòa Liên bang Nga. Ông ta tự thấy phải hành động theo lương tâm, tìm cách cứu lấy những người bạn Đức xưa kia đã cưu mang họ. Nhưng tại Chi Lê quyết định này cũng gây ra những cuộc tranh cãi. Chính phủ Chi Lê liền cách chức Đại sứ của ông Almeida. Tại xứ sở Nam Mỹ này vẫn còn không ít người ủng hộ Pinoche. Đơn giản hơn, họ là những người không thích cộng sản. 
CÂU CHUYỆN VỀ MỘT SỰ PHẢN BỘI              
Việc kết tôi Honecker khai man bệnh đã trở thành cái cớ giả để từ chối cho Honecker tị nạn. Việc kiểm tra bằng X quang đã chứng tỏ buồng gan của ông đã bị di căn ung thư. Nhưng người ta nghi ngờ vào kết quả ấy. Người đứng đầu Cơ quan Luật pháp Nga công khai tuyên bố chỉ cần Honecker ra khỏi Đại sứ quán ChiLê ở Moskva, lập tức ông bị dong giải ngay về Đức. Tổng thống Chi Lê Patrisio Eilvin thì quả quyết với Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức Helmut Kolh rằng Honecker đã rời khỏi Đại sứ quán Chi Lê ở Moskva. 
Từ Nhật ký trong tù của Erich Honecker: “Cuộc sống tiếp tục diễn tiến. Bây giờ tôi giành thời gian đọc báo và nghe radio nhiều hơn. Thế giới đảo điên rồi. Ngân hàng nhà nước Nga tôn thờ đồng dollar hơn hẳn đồng rúp. Elsin tuyên bố phát mãi tất cả. Khác với người Nga tôi không thấy sợ hãi kẻ bét nhè rượu chè này”.               
Hôm nay khi chúng ta đặt ra câu hỏi, tại sao nước Nga không có đồng minh, muốn tìm câu trả lời chúng ta cần nhớ lại thời kỳ cuối những năm 1980 đầu 1990. Liệu ở vào thời điểm ấy Honecker chắc có lẽ cũng đặt ra câu hỏi ấy với người Nga, bởi ông luôn luôn là một đồng minh trung thành của đất nước Nga. Việc giao một con bệnh cận kề cái chết cho những kẻ thù chính trị một thuở của mình đã phủ lên đất nước chúng ta một nỗi nhục sẽ không bao giờ gột sạch, mà dấu tích của nó còn lại với nước Nga cho đến tận hôm nay.               
Ngày 29 tháng Sáu năm 1992, Erich Honecker được chở bằng máy bay về Berlin. Ông bị áp giải ngay tại sân bay để đưa về nhà tù Moabit. Thế giới tựa như một vòng tròn khép kín. Người chiến sỹ chống phát xít năm xưa đã từng trải qua mọi sự khảo tra của mật vụ Gestapo, nay một lần nữa lại trở về đứng sau những bức tường nhà tù cũ.               
Những ai mong được nhìn thấy một ông già bước đi run rẩy, vẻ mặt đầy sợ hãi, âu lo họ sẽ phải sửng sốt, ngạc nhiên. Erich Honecker không có ý định sám hối, ông quyết tiếp tục cuộc tranh đấu cho những mục đích đã theo đuổi.
Từ Nhật ký trong tù của Erich Honecker: “Có lẽ tôi cần thêm hai năm nữa. Chừng nào tôi còn sống tôi sẽ cương quyết bảo vệ mình. Đó là trách nhiệm của tôi, trước hết đối với những công dân của nước Cộng hòa Dân chủ Đức. Hiện nay, mỗi một người đều hiểu rằng Đảng Cộng sản Liên xô dưới sự lãnh đạo của Gorbachov, nước Nga - Xô Viết và tất cả các nước trong khối Varsava đều đã đầu hàng chủ nghĩa đế quốc. Nhưng tất cả cần và vẫn có thể bắt đầu lại từ đầu. Đại chiến thế giới 3 đang tiến lại gần…”.               
Về việc xây dựng bức tường Berlin, Erich Honecker cho rằng, trong hoàn cảnh căng thẳng của cuộc chiến tranh lạnh giữa hai phe vào thời điểm đó, Ban lãnh đạo Đảng Xã hội thống nhất Đức đã đi tới kết luận, không có một biện pháp nào khác để ngăn chặn một cuộc chiến tranh mới hủy diệt nhiều sinh mạng đang ngấp nghé nổ ra, ngoài biện pháp phải xây ngay bức tường Berlin. 
Đụng chạm tới việc vài chục người đã bị bắn dưới chân tường Berlin, Erich Honecker đặt câu hỏi: Vậy quân đội Mỹ đã giết hại bao nhiêu người dân thường trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam? Erich Honecker kiên cường bảo vệ quan điểm của mình rằng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đức đã chứng tỏ sức sống của nó, và về nhiều phương diện còn vượt lên trên những gì đạt được ở Cộng hòa Liên bang Đức. Khi người ta hỏi ông về Cơ quan Đặc vụ Cộng hòa Dân chủ Đức, Erich Honecker cất tiếng cười và khuyên bọn người đang chất vấn ông “hãy bớt đọc những sách báo nhảm nhí đi”. 
Căn bệnh ung thư đã giết chết Erich Honecker trước khi những phiên tòa xét xử ông kết thúc.              
Ngày 13 tháng Giêng năm 1993, Tòa án tại Berlin đã ngưng vụ án liên quan tới ông. 
Từ Lời nói đầu của bà Margot Honecker viết cho tập Nhật ký trong tù của Erich Honecker: “Erich tin tưởng một cách sâu sắc rằng, tại nước Đức rồi sẽ xuất hiện những lực lượng xã hội đấu tranh để những quan hệ tốt đẹp, nhân bản được thực hiện. Tuy mắc phải chứng bệnh hiểm nghèo, đến tận giờ phút cuối cùng của đời mình chồng tôi vẫn giữ vững lòng tin vào những mục tiêu mà cả đời ông đã theo đuổi”. 
Erich Honecker mất ngày 29 tháng 5 năm 1994 tại Santiago, Chi Lê.