Hội nghị những người viết văn trẻ TPHCM lần 4, sẽ khai mạc sáng 21-6-2017 tại Hội trường 81 Trần Quốc Thảo- Quận 3. Nhà văn Trần Văn Tuấn – Chủ tịch Hội nhà văn TPHCM với kinh nghiệm của người đi trước, gợi ý: “Các bạn trẻ luôn nhạy bén với nhu cầu thị trường nên sản phẩm văn học của các bạn đưa ra đều được thị trường đón nhận, không “bán chạy” cũng ở mức “bán được”. Có thể nói, đây là thành công bước đầu của các bạn. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ chất lượng văn học từ những nhà văn trẻ đã thành công ở những sáng tác đầu tay, có thể nêu ra nhận định: Một số lượng lớn bạn trẻ ngày nay có thừa kiến thức sách vở nhưng còn thiếu tri thức đời sống xã hội. Tính xã hội trong tác phẩm của nhiều cây viết trẻ còn ít. Xã hội nào cũng có những vấn đề nóng, những “hỉ, nộ, ái, ố” của riêng mình. Thời kỳ hội nhập toàn cầu hiện nay, những vấn đề nêu trên luôn thể hiện trong đời sống thật và trong mạng xã hội. Sự song hành giữa “thế giới thật” và “thế giới ảo” là một bước phát triển thần kỳ của nhân loại. Nhưng phải khẳng định cái “thật trong đời sống” mới là gốc, là nền tảng cho mọi hoạt động văn học nghệ thuật. Có thể các bạn trẻ chưa dành nhiều thời gian cho đời sống thật, chưa gắn bó và dấn thân hết mình vào đời sống xã hội, nên tác phẩm còn thừa chữ nghĩa, thiếu đời sống thật”.



VĂN HỌC TRẺ - THỪA VÀ THIẾU

TRẦN VĂN TUẤN

Từ xưa tới nay, theo lẽ tự nhiên của đời sống, giới trẻ luôn giữ vai trò tiên phong trong sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đời sống văn học cũng vậy. Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay của TPHCM cũng như cả nước, vai trò và trách nhiệm của các nhà văn trẻ ngày càng được nâng cao, ngày càng quan trọng hơn. Thực tế cho thấy, tiềm năng văn học của lực lượng trẻ TPHCM rất sâu rộng, tài năng trẻ về văn học có nhiều triển vọng. Thế hệ trẻ về văn học của thành phố nói riêng, cả nước nói chung được trang bị kiến thức văn hóa, khoa học kỹ thuật bài bản. Các bạn trẻ có nhiều điều kiện tiếp cận với các xu hướng, các nền văn hóa thế giới. Và quan trọng nhất, các bạn được sống và làm việc trong một môi trường xã hội ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, hội nhập sâu rộng với thế giới với nền tảng văn hóa Việt Nam, một nền văn hóa có bề dày lịch sử. 
TPHCM là trung tâm văn hóa, kinh tế lớn của khu vực, mang tầm vóc quốc tế, năng lực sáng tạo hội nhập cao. Một thành phố đông dân, hội tụ hầu hết các vấn đề về đời sống và con người của cả nước. Diện mạo văn học trẻ của thành phố vì thế cũng đậm nét con người và đời sống đô thị. Những năm qua, sáng tác văn học của các bạn trẻ luôn có những sáng tạo về kết cấu, thủ pháp nghệ thuật và ngôn từ; các bạn trẻ đã thể hiện mạnh mẽ cá tính của mình.
Nguồn tri thức quốc tế và sự giao lưu rộng rãi với thế giới bên ngoài đã giúp các bạn mở rộng hiện thực đến với những nền văn hóa, xã hội các nước khác. Sự trải nghiệm mang tính quốc tế đã giúp các bạn tự tin thể hiện chiều sâu đời sống tinh thần của mình và trách nhiệm công dân trong đời sống xã hội. Thế mạnh đặc biệt của tuổi xuân và khát vọng khám phá đời sống của các bạn đã được thể hiện rất rõ. 
Tổng quát là thế, nhưng vẫn có những cái thừa, cái thiếu ở những người viết văn trẻ. Trước hết, cần thống nhất với nhận định: Không có văn học trẻ hay già, chỉ có hay hoặc chưa hay. Phạm trù cái hay trong văn học nghệ thuật rất rộng và luôn chuyển động, nhưng chuẩn mực về văn hóa và sự có ích không bao giờ thay đổi. Bạn đọc giữ vai trò có tính quyết định về cái hay, nhưng bạn đọc không phải là thị trường; thị trường chỉ là một bộ phận của bạn đọc. Dẫu vậy, dường như các bạn trẻ ngày nay chịu áp lực quá lớn về vấn đề “sách bán chạy” để thể hiện bút lực của mình. Các bạn trẻ luôn nhạy bén với nhu cầu thị trường nên sản phẩm văn học của các bạn đưa ra đều được thị trường đón nhận, không “bán chạy” cũng ở mức “bán được”. Có thể nói, đây là thành công bước đầu của các bạn. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ chất lượng văn học từ những nhà văn trẻ đã thành công ở những sáng tác đầu tay, có thể nêu ra nhận định: Một số lượng lớn bạn trẻ ngày nay có thừa kiến thức sách vở nhưng còn thiếu tri thức đời sống xã hội. Tính xã hội trong tác phẩm của nhiều cây viết trẻ còn ít. Xã hội nào cũng có những vấn đề nóng, những “hỉ, nộ, ái, ố” của riêng mình. Thời kỳ hội nhập toàn cầu hiện nay, những vấn đề nêu trên luôn thể hiện trong đời sống thật và trong mạng xã hội. Sự song hành giữa “thế giới thật” và “thế giới ảo” là một bước phát triển thần kỳ của nhân loại. Nhưng phải khẳng định cái “thật trong đời sống” mới là gốc, là nền tảng cho mọi hoạt động văn học nghệ thuật. Có thể các bạn trẻ chưa dành nhiều thời gian cho đời sống thật, chưa gắn bó và dấn thân hết mình vào đời sống xã hội, nên tác phẩm còn thừa chữ nghĩa, thiếu đời sống thật.
Xin được mạo muội đưa ra một nhận định: Cái hay của văn học là không thừa, không thiếu theo kết cấu tình yêu. Yêu thừa hay yêu thiếu chưa phải là tình yêu. 
Nếu bạn coi văn chương là một thứ nghề nghiệp, ắt các bạn phải luôn tuân theo quy luật “bù thiếu, cắt thừa”. Mọi cái đều chỉ là tương đối, nhưng văn học sẽ chưa hay nếu để bạn đọc nhận thấy rõ cái thiếu, cái thừa trong tác phẩm văn học. Tài năng là điều kiện cần, vốn sống xã hội là điều kiện đủ. Đôi điều tâm sự để bạn đọc tham khảo.