Trước biển, con người vô cùng nhỏ bé. Nhưng có người vẫn muốn mình trở thành một nắm đất để đắp lên đê, lấn biển. Đó là ý chí sống, bản lĩnh sống. Tôi đã không ít lần nghĩ như thế khi phải đối mặt với những gì thuộc về bao la, rộng lớn. Còn Xuân Trường, khi đứng trước biển, anh lại thấy gió thổi và làm mặn chỗ anh ngồi. Đây là một cảm nhận rất riêng và khác lạ của Xuân Trường về biển. Đấy là một cách hiểu về câu thơ: Gió Tam Thanh mằn mặn chỗ ta ngồi. Và có thể còn một cách hiểu khác: Chính Xuân Trường đã để lại dấu ấn bằng cách làm mặn chỗ ngồi của anh bên bờ biển thi ca.



NHÀ THƠ XUÂN TRƯỜNG: MẶN CHỖ TA NGỒI

ĐẶNG HUY GIANG

1.
Thuở thiếu thời, vào những năm cuối 60 đầu 70 của thế kỷ trước, qua sóng phát thanh, mỗi lần nghe "Dậy mà đi", "Tự nguyện", "Từ cánh đồng hoang", cho dù sinh ra và lớn lên trong lòng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhưng tôi và nhiều bạn bè của tôi đều như cảm nhận, lây lan được cái không khí hừng hực của tinh thần yêu nước và tranh đấu của thanh niên miền Nam vì một tổ quốc Việt Nam liền một dải.
Đó là những ca khúc rực lửa, mang dấu ấn một thời của Nguyễn Xuân Tân, Miên Đức Thắng, Trương Quốc Khánh. Những ca từ và giai điệu của chúng như: Ai chiến thắng không hề chiến bại/ Ai nên không chẳng dại một lần/ Dậy mà đi/ Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi hoặc Nếu là chim/ Tôi sẽ là loài bồ câu trắng/ Nếu là hoa/ Tôi sẽ là một đóa hướng dương/ Nếu là mây/ Tôi sẽ là một làn mây ấm/ Nếu là người/ Tôi sẽ chết cho quê hương…như vẫn còn ngân vang trong trí nhớ của thế hệ chúng tôi.
Những câu thơ của Nguyên Sa. Năm ngón tay có bốn mùa trái đất/ Chúng tôi cầm rơi mất một mùa xuân, Đời sống ôi buồn như cỏ khô/ Này anh, em như cũng tợ sương mù/ Khi về tay nhỏ che trời rét/ Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ…phản ánh thân phận và tâm trạng của những người trẻ tuổi ở Sài Gòn trước 1975, cũng được nhiều người làm thơ trong số chúng tôi đọc và quan tâm đến.
Mỗi khi nghe tôi tâm sự như thế thường nhận được sự chia sẻ của nhà thơ Xuân Trường. Anh nói: "Hồi ấy, tôi và nhiều bạn bè của tôi đã đắm mình vào môi trường sống ấy. Chúng tôi còn trẻ và đang ở thời thanh niên sôi nổi. Bản thân tôi đang là sinh viên. Tôi tham gia lực lượng sinh viên phong trào mà thủ lĩnh là anh Huỳnh Tấn Mẫm. Hoạt động chính thường là viết khẩu hiệu, rải truyền đơn và biểu tình chống chiến tranh Việt Nam.
Đó cũng là một cách dấn thân tích cực nhất vì quê hương, đất nước. Còn trước đó, thời điểm 1965 - 1966, khi còn sống ở Quy Nhơn, khi lính Mỹ ồ ạt đổ bộ vào miền Nam, thật khó mà chấp nhận được mặt trái của văn hóa Mỹ. Hậu quả của nó là dễ tạo ra chất xúc tác cho sự chơi bời, thác loạn, làm rối bung đời sống văn hóa Việt, nhất là ở nông thôn từ bao đời nay. Cho nên, đôi khi những cuộc "xuống đường" ấy, cũng là biểu hiện của sự phản kháng, chống lại một cuộc xâm lăng văn hóa của chủ nghĩa thực dân mới đấy".
Xuân Trường nhấn mạnh: "Hồi ấy, có một việc mà bất kỳ một người nào tham gia "lực lượng thanh niên phong trào", nếu có khả năng thì đều phải nhập cuộc và làm thơ với mục đích: Kêu gọi lòng yêu nước, kêu gọi chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, vì hòa bình…
Hay nói một cách khác: Làm thơ lúc ấy, cũng được coi là một nhiệm vụ được giao. Những bài thơ ở dạng này thường ăn nhau ở tinh thần và được coi là một phương tiện để tranh đấu. Hưởng ứng theo hướng này, năm 1968, tôi đã cầm bút viết những bài thơ nhiệt huyết đầu tiên. Không ngờ, cái nghiệp thi ca của tôi lại manh nha từ đó…".

2.
 Tính đến nay, Xuân Trường đã xuất bản 5 tập thơ: "Chùm thương nhớ", "Tình xưa", "Không gian em", "Nắng trầm tư", "Chiếc cằm nũng đôi". Chỉ đọc tên của các tập thơ nói trên thôi, đã dễ dàng nhận ra ngay cái chất thơ tình cảm lãng mạn nơi anh. Khi tiếp xúc nhiều lần với anh, tôi đã nhận ra chất thơ ấy rất hợp với tạng con người anh.
Nhưng đấy mới chỉ là một phía. Còn một phía nữa, cũng đáng chú ý không kém, làm nên phẩm chất thơ của Xuân Trường. Đó là cảm giác hoài niệm, nuối tiếc những gì thuộc về cái đẹp đã ra đi, mãi mãi ra đi mà thiếu nó, đời sống tinh thần của con người nói chung trở nên thiếu hụt, trống vắng.
Tôi đã đọc những "Mắt ấy", "Mắt chiều", "Không đề"… để được nhập cuộc cùng những câu thơ tình say đắm đến đắm đuối, thi sĩ của Xuân Trường: Thôi, còn đâu nữa em ơi/ Thèm xưa đến nỗi giờ ngồi cắn tay/ Ngước chòm mây trắng bay bay/ Rưng rưng mắt ấy còn cay mắt mình; Ly này, tôi cạn trời xanh/ Sóng xưa vỗ phía biên thành ngàn năm/ Đáy hồn, đáy nước xa xăm/ Nắng nghiêng cổ tích lá răm mắt chiều; Một lần này nữa rồi thôi/ Mai kia thương nhớ trắng trời vu quy/ Cầm mây níu gió xuân thì/ Nghĩ điều gì, nói điều gì…mình hay/ Trăng vàng chín lúc chia tay/ Tôi xin phần khuyết, phần đầy dành ai/ Tôi đi về phía ban mai/ Gỡ tay trời đất ra ngoài nhân duyên…
Rồi tôi tự hỏi: Nếu không phải là người thuộc về thế giới lãng mạn, bay bổng…làm sao Xuân Trường có thể viết được những câu thơ như thế?
Khi đọc đến "Em có về Hội An", "Mưa Tam Kỳ" thì tôi hiểu thêm: Ký ức, nhất là ký ức đẹp và buồn đến nao lòng, là những gì không thể thiếu trong con người thơ Xuân Trường. Không thế, làm sao Xuân Trường lại viết: Em có về Hội An nhớ ghé thăm tuổi thơ ta nhé/ Nhặt hộ ta một thời tấm bé ngày xưa/ Những sáng sông Hoài/ Những chiều cửa Đại/ Và tiếng chuông chùa trôi trên sông từ năm tuất năm thân/ Giờ cổ tích hai đầu cầu vẫn đợi…/ Em hãy nhìn hộ giùm ta những mái chùa vít cong hoàng hôn vào xa thẳm/ Bằng linh thiêng khói nhang…/ Hội An sẽ bước ra từ thủa ấy chào em/ Bước nhẹ thôi nhe em kẻo Hội An dễ vỡ/ Hội An của ta đang già cho đất nước trẻ ra …
Không thế, làm sao Xuân Trường lại làm ta ám ảnh với con cá niên, con cá bống, hương vị mỳ Quảng, hương vị cà phê trong những câu:  Chợt con cá Niên quẫy đuôi vào thơ hương vị đặc sản quê nhà; Cho ta lại thương về con cá Bống Đại Lộc -Vu gia/ Đã bơi qua tuổi thơ ta những tháng năm chưa xa nhà, xa mẹ; Cảm ơn mỳ Quảng hương vị còn ấm đến cuối tô/ Cảm ơn giọt cà phê đã rơi ta vào hư ảo/ Tựa ta vào chiều cho lòng xa xôi…Nhưng ấn tượng mạnh nhất đối với tôi vẫn là câu thơ thật đặc hữu của Xuân Trường: Như đâu đây gió Tam Thanh mằn mặn chỗ ta ngồi.
Vậy là Xuân Trường đã có một Hội An, một Tam Kỳ của riêng anh. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một câu của triết gia người Đức Scopenhauer: "Thế giới là những gì tôi thấy".

3.
Xuân Trường quê gốc Đại Lộc (Quảng Nam). Anh có một đời sống vất vả, quăng quật từ rất sớm. Anh kể: "Khi tôi mới biết đứng thì đã mồ côi cha. Ông cậu tôi cưu mang tôi từ đó. Khi còn rất trẻ, tôi từng sống ở Quy Nhơn, Pleiku…từng làm gia sư, dạy học thêm để mưu sinh. Từ 1975 cho đến lúc nghỉ hưu, tôi đã gắn bó với Gia Lai nhiều năm ở nhiều vị trí công tác khác nhau: Chánh văn phòng thị xã Pleiku, giám đốc Xí nghiệp gỗ Pleiku, giám đốc Lâm trường Kônghde.
Có dạo, tôi còn là tổ trưởng Tổ cải cách hành chính Văn phòng tỉnh Gia Lai, phụ trách Phòng xúc tiến đầu tư thương mại Gia Lai. Nhưng dù ở đâu, làm gì, tôi đều dành nhiều tâm sức cho thơ. Trong những thời điểm ấy, người làm thơ khổ lắm, phần lớn đều phải làm lén. Bởi vì nhiều người lãnh đạo thời ấy hay mặc cảm với thơ.
Họ cho rằng: Một người khi đã làm thơ thì rất dễ phân tâm, dễ xao nhãng với công việc và dễ bị lung lay lắm. Tôi mê thơ từ nhỏ. Có lần, tôi và hai người bạn nữa cùng thích thơ Tạ Hữu Thiện mà chỉ có mỗi một tập thơ Tạ Hữu Thiện trong tay. Thế là chúng tôi xé ngay tập thơ làm ba để ba người được thưởng thức thơ cùng một lúc đấy".
Xuân Trường đặc biệt thích thơ Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền và đặc biệt thích văn của Albert Camus, Jean-Paul Sartre. Anh là người hiểu biết, giàu trải nghiệm, thẳng thắn, khảng khái và có chất quảng giao cao. Bên cạnh đó, anh còn là người ham đọc sách, mê sách. Nhiều cuốn sách quý hiếm của các triết gia miền Nam một thời như Phạm Công Thiện, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Văn Trung… do có anh và nhờ anh mà tôi có điều kiện để đọc lại, suy ngẫm lại.
Do bản tính là một người quảng giao nên Xuân Trường rất thích hợp trong vai trò là Phó chủ nhiệm CLB văn học của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh hiện nay. Anh bảo: "Ở thành phố này có gần 30 CLB thơ hoạt động rất thường xuyên. Cao điểm là vào Ngày thơ hàng năm.
Thường vào thời điểm ấy, tuy vất vả mà vui. Thông qua các hoạt động này, tôi càng thêm trân trọng tấm lòng của những người yêu thơ, hiểu thêm sức sống của thi ca đô thị và ngộ ra một điều: Con người ta nhìn chung là hướng thiện và cái thành phố bên ngoài ngỡ xô bồ này mà bên trong lại rất lắng đọng".
Trước biển, con người vô cùng nhỏ bé. Nhưng có người vẫn muốn mình trở thành một nắm đất để đắp lên đê, lấn biển. Đó là ý chí sống, bản lĩnh sống. Tôi đã không ít lần nghĩ như thế khi phải đối mặt với những gì thuộc về bao la, rộng lớn.
Còn Xuân Trường, khi đứng trước biển, anh lại thấy gió thổi và làm mặn chỗ anh ngồi. Đây là một cảm nhận rất riêng và khác lạ của Xuân Trường về biển. Đấy là một cách hiểu về câu thơ: Gió Tam Thanh mằn mặn chỗ ta ngồi. Và có thể còn một cách hiểu khác: Chính Xuân Trường đã để lại dấu ấn bằng cách làm mặn chỗ ngồi của anh bên bờ biển thi ca. Đối với một người làm thơ, chỉ cần làm được điều ấy thôi, thế cũng đã là hạnh phúc.

Nguồn: Văn Nghệ Công An