Với báo chí Sài Gòn xưa, phơi-dơ-tông là món ăn không thể thiếu của người đọc báo. Trước đây, thuở thịnh thời truyện chưởng của Kim Dung hầu như báo nào cũng đăng truyện của ông ta do Hàn Giang Nhạn dịch. Ai cũng biết truyện chưởng của Kim Dung với một loạt truyện Thư kiếm ân cừu lục, Thiên long bát bộ, Cô gái đồ long... hấp dẫn như thế nào, nên các tờ báo có truyện chưởng đều hút độc giả. Hằng ngày cộng tác viên của các báo ra ngồi chực ở sân bay Tân Sơn Nhứt để chờ chuyến bay từ Hong Kong về. Bữa nào chuyến bay trễ, các báo đều có trang trống với lời xin lỗi độc giả. Chuyện vui là năm 1972 ông Kim Dung bay qua Sài Gòn chơi. Khi nhận được tin này, tất cả các chủ báo có in truyện chưởng đều “đi nghỉ mát”, người thì Nha Trang, người thì Vũng Tàu, Đà Lạt không dám gặp tác giả để... né chuyện phải trả tác quyền!


FEUILLETON – HÀNG ĐỘC CỦA BÁO CHÍ QUỐC NGỮ THỜI XƯA

TRẦN NHẬT VY

Feuilleton (Phơi-dơ-tông) hay tiểu thuyết đăng báo nhiều kỳ là hàng độc của báo chí quốc ngữ. Truyện phơidơtông phải là truyện mới, được tác giả viết từng kỳ gởi cho báo và kỳ nào cũng phải hấp dẫn để lôi cuốn độc giả.

Món ăn không thể thiếu
Mở màn thể loại này là Vè Tam Cang bằng văn vần đăng liên tục tám kỳ trên báo Thông Loại Khóa Trình (1888-1889) của Trương Vĩnh Ký.
Còn tiểu thuyết phơi-dơ-tông đầu tiên xuất hiện trên báo Nam kỳ (1897-1900), trong số đó truyện 1.001 đêm với hai truyện Bảy chuyến đi của Sinbad và Chuyện người thợ cao vô duyên bạc phận thuộc loại nhiều kỳ nhứt. Và truyện sáng tác là truyện Đố ngộ cố nhân tương đàm thục ký của Nguyễn Dư Hoài đăng liên tục sáu kỳ.
Truyện phơi-dơ-tông bắt buộc phải là truyện mới chưa in thành sách, được tác giả viết từng kỳ gởi cho báo với đòi hỏi kỳ nào cũng phải hấp dẫn để lôi cuốn độc giả. Tác giả viết truyện được trả lương tháng, nếu truyện kéo dài nhiều tháng thì dĩ nhiên lương cũng nhiều hơn.
Nhà văn Sơn Nam trước năm 1975 hằng ngày viết phơi-dơ-tông cho nhiều tờ báo cùng lúc. Trước hàng hiên nhà ông có một dãy sào kẽm, mỗi dây cách nhau chừng 5cm để treo bài! Bài viết xong, ông đề tên tờ báo rồi kẹp trên sào ấy, nhà báo cứ việc đến lấy đem về in không cần phải gặp tác giả.
Chính vì truyện luôn mới nên nhiều người nê tiểu thuyết phải mua và đọc báo hằng ngày không phải vì tin tức thời sự mà chỉ vì... tiểu thuyết hấp dẫn.
Truyện nào đăng liên tục năm kỳ mà không hấp dẫn, báo bán không chạy thì chủ báo cắt ngay để đăng truyện khác! Dĩ nhiên hợp đồng của ông nhà văn cũng bị cắt.
Với báo chí Sài Gòn xưa, phơi-dơ-tông là món ăn không thể thiếu của người đọc báo. Trước đây, thuở thịnh thời truyện chưởng của Kim Dung hầu như báo nào cũng đăng truyện của ông ta do Hàn Giang Nhạn dịch. Ai cũng biết truyện chưởng của Kim Dung với một loạt truyện Thư kiếm ân cừu lục, Thiên long bát bộ, Cô gái đồ long... hấp dẫn như thế nào, nên các tờ báo có truyện chưởng đều hút độc giả.
Hằng ngày cộng tác viên của các báo ra ngồi chực ở sân bay Tân Sơn Nhứt để chờ chuyến bay từ Hong Kong về. Bữa nào chuyến bay trễ, các báo đều có trang trống với lời xin lỗi độc giả.
Chuyện vui là năm 1972 ông Kim Dung bay qua Sài Gòn chơi. Khi nhận được tin này, tất cả các chủ báo có in truyện chưởng đều “đi nghỉ mát”, người thì Nha Trang, người thì Vũng Tàu, Đà Lạt không dám gặp tác giả để... né chuyện phải trả tác quyền!
Do phơi-dơ-tông luôn đòi hỏi phải là truyện mới nên các tiểu thuyết đăng báo đều mới toanh, kể cả truyện dịch. Vì vậy, phần lớn tiểu thuyết ở Sài Gòn đều được đăng báo rồi mới in thành sách.
Để cạnh tranh, nhiều chủ báo thường mướn những nhà văn có tên tuổi viết riêng cho báo mình. Năm 1950, khi thấy Phú Đức viết vẫn còn hút độc giả, chủ báo Đinh Văn Khai mời Phú Đức viết riêng cho báo Tiếng Chuông của ông một tiểu thuyết. Đó là truyện Bách Si Ma và cũng là tiểu thuyết cuối cùng trong đời sáng tác của Phú Đức.
Trước đó, trên báo Trung Lập rồi báo Công Luận, Phú Đức nổi danh với các tác phẩm Châu về hiệp phố, Tiểu anh hùng Võ Kiết, Một mặt hai lòng... Những tiểu thuyết phơi-dơ-tông này làm mưa làm gió trên thị trường báo chí một thời, đến mức người đọc tin rằng nhân vật Hoàng Ngọc Ẩn trong tiểu thuyết Cái nhà bí mật là một võ sĩ vô địch!
Nhà văn Hồ Biểu Chánh cũng nổi tiếng với những tác phẩm phơi-dơ-tông như Nhơn tình ấm lạnh, Nợ đời, Tiền bạc bạc tiền... đăng trên các báo Phụ Nữ Tân Văn, Trung Lập...
Các nhà văn Bình Nguyên Lộc, Dương Hà, Thu An... và nhiều người khác cũng nổi lên bằng phơi-dơ-tông. Thậm chí một tác giả chuyên viết truyện chưởng theo lối Kim Dung cũng coi như thành công là Lã Phi Khanh với truyện chưởng dài dằng dặc Lệnh xé xác cũng hút người đọc.
Trong số các nữ nhà văn thì hai bà Lan Phương và bà Tùng Long cũng được nhiều người yêu thích qua tác phẩm phơi-dơ-tông từ thập niên 1950. Lớp đi sau hai bà nói trên là Lệ Hằng, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng... cũng thành danh nhờ phơi-dơ-tông.
Có thể nói rằng báo chí là mảnh đất màu mỡ cho tiểu thuyết, và ngược lại tiểu thuyết nuôi dưỡng báo chí và lôi kéo độc giả đi cùng với báo chí.
Không có báo chí thì tiểu thuyết quốc ngữ có thể sẽ ra đời trễ hơn, ngược lại nếu thiếu tiểu thuyết, báo chí quốc ngữ biết đâu cũng đã tiêu tán từ lâu!
Phơi-dơ-tông tiểu thuyết đầu tiên là truyện 1.001 đêm?
Tờ báo sản sanh ra kiểu viết tiểu thuyết nầy chính là tờ Nam Kỳ (1897-1900) và người thực hiện việc này là ông Trương Minh Ký bút hiệu là Mai Nham.
Ông Trương Minh Ký người Gò Vấp, tốt nghiệp và dạy học ở Trường Khải Tường (nay là Trường Lê Quý Đôn). Năm 1880, ông được lịnh của Thống đốc Nam kỳ dẫn 13 học sinh đi Alger du học. Đây là những du học sinh đầu tiên sau khi Pháp chiếm Nam kỳ.
Đầu năm 1881 ông trở về, thành lập Hội thầy dạy và đến cuối năm thì ông bắt đầu có những truyện ngắn viết trên báo.
Nói về phơi-dơ-tông, tạm có thể sơ kết rằng:
-          Phơi-dơ-tông đầu tiên là Vè Tam Cang đang từ số 1 đến số 8 trên báo Thông Loại Khóa Trình năm 1888 (mỗi tháng một kỳ).
-          Phơi-dơ-tông nhiều kỳ nhứt là Tam quốc chí tục dịch do Canavaggio kéo dài suốt sáu năm trên báo Nông Cổ Mín Đàm, từ 1901-1906 (mỗi tuần một kỳ).
-          Phơi-dơ-tông sáng tác đầu tiên là Đố ngộ cố nhân tương đàm thục kýcủa ông Nguyễn Dư Hoài, đăng trên báo Nam Kỳ 1898.
-          Phơi-dơ-tông đăng trên hai tờ báo là Châu về hiệp phố của Phú Đức, nửa đầu đăng trên báo Công Luận, nửa sau đăng báo Trung Lập, đăng hằng ngày.
-          Người viết phơi-dơ-tông đăng báo khi đang ở tù là ông Bửu Đình với tiểu thuyết Mảnh trăng thu đăng trên tuần báo Phụ Nữ Tân Văn năm 1930, khi ông đang ở tù tại Côn Đảo.
-          Báo đăng tiểu thuyết phơi-dơ-tông nhiều nhứt là báo Nam Kỳ.
Nhiều tờ báo, ngay cả khi ra số cuối cùng cũng đăng... phơi-dơ-tông. Tờ Đuốc Nhà Nam của ông Trần Tấn Quốc ra số cuối cùng ngày 8-9-1972 bởi Luật 007. Trong bài viết “Có buồn không” trong số tạm biệt, ông Trần Tấn Quốc viết:
“Mỗi ngày bạn phải vận dụng khả năng để sáng tạo một tác phẩm. Khi hoàn thành và trước giờ phải trao gởi cho bao nhiêu người chờ thưởng thức thì chính bạn lại... không hài lòng với công trình gọi là tim óc của mình... Trước sự dở dang hôm nay, nói không buồn e dối lòng. Mà chúng tôi còn rất tiếc nữa... Tiếc vì không được theo đuổi cái nghề đã tôn kính như ĐẠO cho hết quãng đường chót của đời mình chỉ còn ngắn ngủi!
Tuy nhiên, vì lý do bất khả kháng mà không còn tiếp tục hành ĐẠO, nhưng lòng vẫn giữ ĐẠO cho đến ngày cùng. Bao nhiêu chữ bấy nhiêu tâm”.
Dù là số cuối cùng nhưng trang trong của báo vẫn in phơi-dơ-tông là “truyện dài xã hội Oan trái của nhà báo Nam Đình”.
Đưa ra ví dụ như vậy để bạn đọc ngày nay thấy chỗ đứng của phơi-dơ-tông trong tờ báo ngày xưa quan trọng đến mức nào.
Sau năm 1975 một thời gian, phơi-dơ-tông lần lần biến mất trên các mặt báo. Có thể vì có quá nhiều tin bài mà tờ báo thì số trang hạn hẹp? Cũng có thể vì không còn những tác giả làm chuyện phi thường là mỗi ngày viết một hai ngàn chữ hấp dẫn để đăng báo? Cũng có thể vì người đọc ngày nay có quá nhiều thông tin và ngán món tiểu thuyết đăng báo?
Rất có thể. Nhưng dù lý do gì thì sự biến mất của phơi-dơ-tông cũng là một mất mát của làng báo Sài Gòn năm xưa.

Nguồn: Tuổi Trẻ