Đọc Trần Kỳ Trung, nhiều lúc ta ngỡ ngàng. Anh đã tìm được mỏ văn, cứ tưởng anh sẽ khai thác, rồi mở rộng, phả thêm chút sương khói của trí tưởng tượng để mê hoặc bạn đọc. Nhưng anh lại buông lửng, hoặc bàn sang chuyện khác. Anh lơ đễnh chăng? Không! Tôi ngờ lắm. Một cây bút già dặn kinh nghiệm, với gần chục cuốn sách bao gồm nhiều thể loại, chả lẽ lại lơ đễnh thế? Anh cố tình đấy. Và thế mới là Trần Kỳ Trung. Nhiều khi câu chuyện vẫn đang đi, nghĩa là vẫn chưa kết, anh đã dừng lại, còn cắm cả tấm biển “HẾT” chình ình ngay trước mắt bạn đọc. Truyện khép trên trang giấy, nhưng lại mở về cõi vô biên, cõi tưởng tượng của bạn đọc.




MỘT THOÁNG TRẦN KỲ TRUNG

TRẦN ĐĂNG KHOA

           Những ai đã từng chơi với Trần Kỳ Trung, hay chỉ loáng thoáng gặp anh một đôi lần, cũng sẽ rất khó quên được anh. Anh chân thành, tận tuỵ, chu đáo, sống hết lòng với bạn bè, với cuộc đời này.

          Văn Trần Kỳ Trung cũng như con người anh. Giản dị, mộc mạc và bộc trực. Anh như lão thợ đấu chuyên cần và vạm vỡ, cứ huỳnh huỵch xắn từng tảng đời sống mà vật lên trang giấy. Ta gặp trong tác phẩm của anh bao nhiêu số phận, bao nhiêu kiếp người. Cả những hoàn cảnh hết sức éo le và chớ trêu của những gia đình ở trong vùng tranh chấp những năm kháng chiến gian khổ: Ta thì ngờ theo địch – Địch lại bảo theo ta – Thời nào cũng lận đận – Cũng không yên cửa nhà – Lòng mẹ thì quặn thắt – Hai con ở hai đầu – Cả khi thành hương khói – Vẫn không nhìn mặt nhau… Đó đâu phải chỉ là chuyện của Hai anh em, mà còn là số phận của bao nhiêu kiếp người của cõi đời dâu bể.

      Đọc Trần Kỳ Trung, nhiều lúc ta ngỡ ngàng. Anh đã tìm được mỏ văn, cứ tưởng anh sẽ khai thác, rồi mở rộng, phả thêm chút sương khói của trí tưởng tượng để mê hoặc bạn đọc. Nhưng anh lại buông lửng, hoặc bàn sang chuyện khác. Anh lơ đễnh chăng? Không! Tôi ngờ lắm. Một cây bút già dặn kinh nghiệm, với gần chục cuốn sách bao gồm nhiều thể loại, chả lẽ lại lơ đễnh thế? Anh cố tình đấy. Và thế mới là Trần Kỳ Trung. Nhiều khi câu chuyện vẫn đang đi, nghĩa là vẫn chưa kết, anh đã dừng lại, còn cắm cả tấm biển “HẾT” chình ình ngay trước mắt bạn đọc. Truyện khép trên trang giấy, nhưng lại mở về cõi vô biên, cõi tưởng tượng của bạn đọc.

        Bởi thế đọc Trần Kỳ Trung, ta thấy rất mệt. Mệt vì anh không để ta yên. Anh kéo ta vào cuộc, để ta cùng suy ngẫm, cùng tưởng tượng, cùng sáng tạo với anh.

       Đấy là phong cách Trần Kỳ Trung, cũng là đóng góp riêng của anh với nền văn học đương đại…

       Và tôi tin, rất tin cuốn sách của anh sẽ được bạn đọc yêu thích.